24 thg 6, 2019

Chợ Lớn - Điểm đến lưu giữ ký ức người Sài Gòn


Với những du khách mới đến Sài Gòn, trung tâm thành phố thường là quận 1 với những cái tên quen thuộc như chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, dinh Độc Lập, tòa tháp Bitexco 68 tầng hay những con đường lấp lánh ánh đèn khi đêm về.

Trong ký ức của Lý Tường Nghị (quận 6, TP HCM) thì hình ảnh "trung tâm thành phố" trong tâm trí của anh, cũng như những thành viên trong gia đình gắn liền với Chợ Lớn. Ba thế hệ gia đình của anh đều sinh sống tại quận 6, TP HCM.

Sở dĩ nhiều người xem Chợ Lớn là trung tâm thứ hai của Sài Gòn bởi hàng trăm năm qua, nơi đây chứng kiến dân cư sinh sống, giao thương tấp nập. Bên cạnh diện mạo sầm uất, phồn hoa thì khu vực còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, những nét đẹp về kiến trúc đặc trưng phương Đông. Những điểm chợ đầu mối tấp nập kẻ bán người mua tuổi đời tính bằng thế kỷ. Gần như không có món hàng nào không thể tìm thấy tại chợ Bình Tây, An Đông, Kim Biên...

Những địa danh nổi bật còn phải kể đến đền bà Thiên Hậu, Nghĩa An Hội quán, đình Minh Hương Gia Thạnh, hội quán Tuệ Thành quanh năm nghi ngút khói hương. Mỗi mùa trung thu, cả người lớn lẫn trẻ em đều háo hức tìm đến con phố Lương Nhữ Học với rực rỡ ánh đèn của hàng nghìn chiếc lồng đèn đa hình đa dạng. Chợ Lớn còn là cái nôi của những con đường kinh doanh những bài thuốc y học cổ truyền như Hải Thượng Lãn Ông.


Nói đến Chợ Lớn, thứ mà Tường Nghị nghĩ tới đầu tiên chính là những quán ăn tuổi tính bằng đời người. Nền ẩm thực tại Chợ Lớn rất đa dạng với thịt xá xíu, bánh bao, chân vịt rút xương, cơm chiên Dương Châu, đậu hũ Tứ Xuyên có nước xốt cay xé lưỡi hay những món ăn vặt béo ngậy dậy mùi xì dầu như há cảo, xíu mại, sủi cảo. Đó là những khám phá mà hầu hết khách du lịch nào cũng đều có thể trải nghiệm khi đến Chợ Lớn.

Hình ảnh những vị đầu bếp thuần thực bên hai chiếc chảo cái cùng ngọn lửa phừng phực, những nồi nước súp hủ tiếu nêm nếm bằng công thức gia truyền hàng tiếng đồng hồ... đều góp phần nuôi dưỡng tình yêu với ẩm thực và công việc kinh doanh ăn uống của anh và vợ. Hai vợ chồng trẻ hiện nay tự mở một quán ăn nhỏ.

Sinh năm 1994, lớn lên trong giai đoạn thành phố vươn mình trỗi dậy, Dư Đông Bình (quận 11, TP HCM) tận mắt chứng kiến sự thay đổi của nơi mình sống. Từ những cung đường cũ kỹ, có phần kém chỉnh trang về mỹ quan, Chợ Lớn dần thay lớp áo mới.

Đầu những năm 2000, Chợ Lớn mọc lên hàng chục nhà hàng, khách sạn 3-4 sao như Equatorial, Đồng Khánh, Bát Đạt, Ngọc Lan Đình, Soái Kình Lâm, Ái Huê, Thiên Hồng, Á Đông. Những địa điểm này là nơi tầng lớp trung lưu chọn tổ chức các đám tiệc, hôn lễ. Khách nườm nượp ra vào ngay khi thành phố bắt đầu lên đèn. Nhiều năm qua, hàng loạt tụ điểm mua sắm, giải trí hiện đại tại đây cũng trở thành điểm đến tấp nập cả ngày lẫn đêm. Đơn cử tại cung đường Hồng Bàng, An Dương Vương với Garden Mall (Thuận Kiều Plaza cũ), Parkson Hùng Vương, Golden Plaza... Chạy dọc theo con đường Nguyễn Trãi quận 5 là các cửa hàng thời trang từ bình dân đến thương hiệu nổi tiếng. 


Cùng với sự hình thành các cộng đồng người Hoa và hoạt động ngày càng lớn mạnh của Hoa thương trong giai đoạn từ thế kỷ 17-19, tại miền Trung và Nam Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều đô thị, trung tâm trung chuyển hàng hóa và phố chợ sầm uất.


Thị trấn Chợ Lớn do người Hoa thành lập năm 1778, nằm gọn trong khu vực từ đường Tản Đà tới Kim Biên và từ Nguyễn Trãi xuống kênh Tàu Hủ. Năm 1782, kết thúc giao tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, khu vực này bị tàn phá nặng nề. Những tưởng Chợ Lớn sẽ đi vào dĩ vãng, nhưng ít lâu sau người Hoa từ Cù lao Phố (Biên Hòa) di cư xuống, kết hợp cùng người dân xã Minh Hương - nhóm người Hoa đã sinh sống ở khu vực này xây dựng lại một nơi sinh sống sung túc và nhộn nhịp. Lúc này thành Gia Định - tiền thân của trung tâm quận 1, Sài Gòn vẫn chưa hình thành.

Khi Pháp chiếm Nam Kỳ, ngày 6/6/1865 quyết định thành lập thành phố Chợ Lớn. Danh từ Chợ Lớn lần đầu được dùng đặt tên cho một thành phố. Ngày 1/7/1882, tuyến đường xe điện đầu tiên ở Việt Nam dài 5km, rộng 1m, nối Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu hoạt động.


Đến năm 1930, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn có ranh giới giao nhau tại nơi hiện nay đường Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Thiện Thuật. Ngày 27/4/1931, Tổng thống Pháp ký sắc lệnh hợp nhất thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn thành một đơn vị hành chính mới gọi là khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1951, khu Sài Gòn - Chợ Lớn đổi thành Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn và đến năm 1956 đổi thành Đô thành Sài Gòn. Từ đó, địa danh Chợ Lớn chỉ còn được dùng để chỉ toàn bộ khu vực quận 5, quận 6 và một phần quận 11.

Trong nghiên cứu "Vai trò của người Hoa trong việc hình thành và phát triển các đô thị ở Trung và Nam Bộ Việt Nam"của ThS. Tống Thị Quỳnh Hương có đoạn viết: "Khu vực Chợ Lớn hiện nay tuy đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn là một trong những trung tâm buôn bán phồn thịnh không chỉ của người Hoa mà còn có cả người Việt Nam, đồng thời nó cũng là một trung tâm kinh tế không thể thiếu của thành phố năng động bậc nhất Đông Nam Á là TP HCM".

Chợ Lớn hiện nay còn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc và tôn giáo của hàng trăm năm trước. Với nơi đây dường như sức phá hủy của thời gian chậm lại rất nhiều. Trên những mái nhà lợp ngói ống ở dãy phố Hoa Kiều, bụi thời gian nhuốm chút màu nâu xám, vẻ đẹp ấy cùng với kiến trúc đặc trưng phảng phất nét cổ điển. Mỗi khi rủ nhau lên khu người Hoa, đến nay nhiều người vẫn thường nói: "Lên Chợ Lớn". Song điều đó không có nghĩa là phải ghé thăm chợ mà có thể là dạo quanh các con đường Châu Văn Liêm, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồng Bàng...



Một số chuyên gia kinh tế cho biết, di sản của Chợ Lớn có thể nuôi dưỡng văn hóa du lịch, đem lại nguồn thu cho TP HCM tương tự cách Thái Lan, Malaysia, Singapore phát triển các khu phố Hoa (Chinatown).

Để phát triển Chợ Lớn, TP HCM từng xúc tiến nghiên cứu để biến khu vực này thành một trung tâm du lịch với mô hình phố cổ. Theo đề án, khu phố cổ Chợ Lớn rộng 68 ha bao gồm các phường 10, 11, 13, 14 (quận 5) và phường 1, 2 (quận 6), được giới hạn bởi các tuyến đường Tản Đà - Nguyễn Trãi - Phù Đổng Thiên Vương - Hồng Bàng - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Phú Hữu - Tháp Mười - Lê Tấn Kế - Phan Văn Khỏe -Phạm Đình Hổ - Bãi Sậy - đại lộ Võ Văn Kiệt. Ba khu vực làm điểm nhấn cho toàn bộ không gian khu phố cổ Chợ Lớn là chợ Bình Tây (khu vực một); khu vực gồm nhiều đình, chùa bao quanh tuyến đường Triệu Quang Phục (khu vực hai) và khu vừa bảo tồn vừa phát triển, cho phép xây nhà cao tầng.

Sắp tới, tại tuyến đường Hồng Bàng (phường 6, quận 6) sẽ công bố tòa nhà D-homme 30 tầng cùng chiều cao 120m. Theo đại diện chủ đầu tư Công ty DHA, ngoài kiến trúc hình chữ "Nhân" của cả tòa nhà này cũng được thiết kế may đo với không gian văn hóa và phong thủy của khu Chợ Lớn. Theo kiến trúc sư trưởng của dự án, bài toán khó nhất khi khởi công dự án được chủ đầu tư đặt ra là, kiến trúc dự án phải vừa hiện đại để mang lại một nét chấm phá cho khu Chợ Lớn, nhưng trên hết phải đảm bảo hài hòa để không phá vỡ cảnh quan, và tôn nền văn hoá và kiến trúc của vùng đất.


Để trở thành điểm đến cho du khách, D-Homme đầu tư trung tâm thương mại 5 tầng. Tiện ích này được chủ đầu tư khẳng định sẽ tái hiện những con phố mua sắm giàu bản sắc của Chợ Lớn, với khu phố thời trang theo phong cách Hong Kong tầng 3 và khu phố ẩm thực tầng 4. Mô hình phố đi bộ trên cao cũng khác biệt so với các trung tâm thương mại phổ biến tại Việt Nam bố trí các gian hàng theo dạng kiot.

"Khi đưa các phố đi bộ tại Chợ Lớn lên trên không, khách hàng khi đi mua sắm tại đây sẽ vừa có cảm giác thân quen khi gặp lại hình bóng những con phố quen thuộc, vừa thấy mới lạ khi lần đầu tiên thấy phố đi bộ ở trên không", đại diện chủ đầu tư nhấn mạnh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét