25 thg 2, 2016

Ting Dók - tạ ơn “ông khỉ”

Tháng 12, khi bản làng đã mang hết lúa trên nương về cất kín trong kho thì cũng là lúc người Ca Dong ở Tây Nguyên rộn ràng đón Ting Dók (Tết Khỉ). Ngoài các sườn núi, muôn hoa khoe sắc rực rỡ.

Trong nhà, người Ca Dong ở xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum tất bật giết heo, mổ gà, nấu rượu chuẩn bị Ting Dók.

Tờ mờ sáng, làng Điếk Nót, xã Ngọc Tem chìm trong sương sớm. Nghe tiếng chim Eo Ók hót vang khắp thung lũng Rờ Pai, già A Đao trở dậy cùng vợ và con trai ra kho lúa gần nhà lấy một gùi lúa nếp, một gùi lúa tẻ mới thu hoạch về giã gạo, chuẩn bị cho Ting Dók.

Đúng 6 giờ, bà Y Đẹp, vợ già A Đao, giã xong cối gạo đầu tiên thì ông cùng con trai liền bắt con heo làm thịt. Tay già A Đao mổ ngang xẻ dọc thoăn thoắt, miệng khoe: “Năm nay được mùa lúa nên mình làm con heo to hơn năm ngoái cúng tạ ơn ông khỉ. Anh em tận huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cũng đã về đầy đủ ăn con heo to chung vui với nhà mình”.

Thịt heo làm xong được những người đàn ông đem nấu với cây chuối rừng và nhiều món khác. Cánh phụ nữ thì lấy thịt heo thái nhỏ làm nhân, cùng quây quần gói bánh ốc - loại bánh hình dáng như con ốc, chỉ làm trong dịp Ting Dók, được làm từ gạo nếp nhân thịt, gói bằng lá dong.

Đến trưa, khi thức ăn được nấu xong, bánh ốc được luộc chín thì anh em trong họ cũng đã tề tựu đầy đủ. Già A Đao lấy một chiếc mẹt nhỏ lót sẵn lá chuối xanh, bày mỗi bộ phận của con heo một ít cùng với bánh ốc, rượu ghè rồi đặt trên gác bếp ở góc nhà. Sau khi đốt nhang làm từ nhựa cây gugu, già A Đao chắp tay cúng thần linh, vừa đi quanh bếp vừa khấn cầu: “Năm nay được bao nhiêu lúa, năm sau sẽ thêm nhiều hơn nữa. Cầu cho ông khỉ bảo vệ mùa màng, không cho các con vật đến xâm hại lúa của gia đình”. 

Tết “tạ ơn ông khỉ” ở một gia đình Ca Dong tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum 

Cúng thần linh xong, khách tới dự mỗi người lấy một miếng thịt heo nhỏ, một chút cơm đặt lên đầu bà Y Đẹp. “Trong gia đình, vợ là người thường xuyên nấu cơm. Khi họ hàng đặt cơm và thịt lên đầu vợ chủ nhà là mong cho gia đình năm sau sẽ quanh năm no đủ, không bị thiếu ăn” - bà Y Đẹp giải thích.

Trước khi vào bữa tiệc, mỗi người trong gia đình còn được cột một dây chỉ đã tẩm trong nhựa cây gugu “để các linh hồn cùng về dự”. Sợi chỉ này không ai được tháo và phải để cho tự đứt.

Theo già A Ngưa ở làng Điek Tà Âu, xã Ngọc Tem, trước đây, vào dịp Ting Dók, mỗi gia đình còn phải cắt tiết một con gà đen đem rẩy vào kho lúa mới để “làm phép”. Già A Ngưa lý giải: “Chỉ có gà đen mới đem lại may mắn cho mùa sau, nếu dùng loại gà khác là sang năm sẽ mất mùa. Hiện nay, vì gà đen rất hiếm nên nhiều gia đình đã bỏ qua nghi thức này”.

Nhiều già làng Ca Dong cho biết theo tích xưa kể lại, khi loài người và loài vật còn sống gần gũi với nhau, vào mỗi mùa lúa chín, muôn thú thường kéo đến ăn. Lúc này, vua khỉ đã đứng ra xua đuổi các loài thú, bảo vệ lúa giúp người dân. Sau khi thu hoạch, người dân làm lễ cúng rồi gửi kho lúa cho loài khỉ trông coi. Để trả ơn loài khỉ, người Ca Dong tổ chức Ting Dók. Dần dần, Ting Dók trở thành Tết truyền thống của đồng bào Ca Dong.

Theo già làng A Xơi ở xã Ngọc Tem, Ting Dók là dịp kết thúc mùa lúa cũ, chuẩn bị cho mùa lúa mới ấm no. Để tổ chức Ting Dók, bắt buộc dân làng phải thu hoạch xong lúa trên rẫy, mang về cất kín trong kho. “Khi đó, cả làng mới họp bàn để quyết định thời gian tổ chức Ting Dók. Vào dịp Tết tạ ơn ông khỉ, bà con nghỉ ngơi, uống rượu, vui chơi, hát hò từ nhà này sang nhà khác, đến khi đi hết làng thì thôi, thời gian thường diễn ra trong vòng 4-5 ngày” - già làng A Xơi cho biết.

Ting Dók cũng là dịp để người thân trong gia đình đang làm ăn, học tập ở xa về sum họp, chia sẻ chuyện vui buồn. Một tuần trước khi tổ chức Ting Dók, chủ nhà đã dọn dẹp nhà cửa, mua sắm thêm nhiều đồ đạc, nấu rượu ghè, săn thịt chuột rừng và các loại thức ăn để đãi người thân, bè bạn.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem, cho rằng Ting Dók góp phần tạo động lực cho bà con Ca Dong làm ăn. “Bởi lẽ, nhà nào có điều kiện mới tổ chức Tết khỉ to được. Từ đó, người làng sẽ noi theo, lấy nhà kia làm gương học hỏi, cố gắng để được như vậy” - ông dẫn chứng. Theo ông Trần Văn Lâm, Phòng Nghiệp vụ văn hóa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, Tết khỉ của người Ca Dong còn mang giá trị văn hóa phi vật thể với đời sống cộng đồng. 

Bài và ảnh:HOÀNG THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét