7 thg 2, 2016

Cao thủ võ khèn cuối cùng trên cao nguyên trắng

Võ khèn là một môn võ cổ truyền của đồng bào H’Mông, nhưng theo thời gian, người theo học một ít đi... Hiện ở vùng đất của huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) chỉ còn một cao thủ. 

Ông Hồ thi triển một đường đánh của môn võ khèn 

Ở vùng cao nguyên huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) vốn được biết đến với những thửa đất ngút tầm mắt một màu trắng toát của hoa mận. Ấy vậy người ta mới gọi là cao nguyên trắng. Nhưng không chỉ nổi danh với loài mận, trên cao nguyên trắng đất Bắc Hà, lâu nay người dân vẫn đồn đại về tam đại cao thủ môn võ khèn quyền của người H’Mông. Ấy nhưng, 2 bậc kỳ phùng đã quy ẩn giang hồ, còn lại một cao thủ đó là ông Lý Seo Hồ, ở xã Bản Phố (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).

Cao nguyên hết bậc kỳ phùng

Đến nay, ông Lý Seo Hồ đã 75 tuổi, nhưng so về sức khỏe và độ dẻo dai thì ông không hề thua đám trai bản. Da dẻ hồng hào, bắp chân, bắp tay ông Hồ cuồn cuộn, gân guốc đúng chất con nhà võ, giọng nói hào sảng, vang như thác lũ. Dù đã đến độ “thất thập cổ lai hi” nhưng ông vẫn được xếp vào hàng kỳ phùng địch thủ, kể cả trong môn võ chiến đấu và múa võ biểu diễn để xin tiền ở cao nguyên trắng.

Ông Lý Seo Hồ mở đầu câu chuyện với khách lạ nhân dịp Tết đến xuân về bằng cách kể về các tri thức trong môn võ khèn quyền cổ truyền của người H’Mông. Theo đó, võ người H’Mông có hai loại rõ ràng, một là võ chiến đấu, tức là dùng trong đánh nhau, hạ gục kẻ thù, hai là võ biểu diễn cho đẹp mắt để xin tiền. Đối với loại võ chiến đấu thì có các bài khèn, gậy, dao quắm... còn diễn võ thì chủ yếu là bài gậy, liềm và tay không.

Từ trước đến nay, trong cội nguồn văn hóa của người H’Mông, việc biểu diễn võ xin tiền là một nét đẹp. Diễn cho người khác xem thì họ phải có lễ để đáp lại. Thế nhưng, với người diễn võ, họ không hề đặt nặng chuyện xin tiền lên trên mà đó là cơ hội để thể hiện bản lĩnh, sự tinh thông và so tài cao thấp với những người cùng hội, cùng thuyền.

Ông Lý Seo Hồ bảo: “Ngày xưa, chúng tôi múa võ xin tiền đến hết 3 đêm liên tiếp mà trong lòng vẫn còn ấm ức, muốn tiếp tục thi thố tài năng. Trong mỗi xới diễn võ thường có 2 – 4 người tham gia, tất cả phải cùng nhau múa khèn quyền, anh nào múa hay, dẻo, có nhiều bài quyền hơn và dành được sự ủng hộ của khán giả thì người đó chiến thắng. Hồi đó, người chiến thắng thường được thưởng rượu, thịt, được đông đảo người dân tung hô như một vị anh hùng và có tiền đem về.

Đến nay người chiến thắng được chính quyền thưởng số tiền khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Phong trào thưởng tiền cho người chiến thắng trong các cuộc đấu biểu diễn khèn quyền bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 20 năm. Khi đó, Nhà nước có chủ trương kết hợp bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch. Thế nhưng, do việc thương mại hóa văn hóa nên người H’Mông chuyển sang diễn võ kiếm tiền là chính.

Ông Lý Seo Hồ kể rằng: Dưới tay ông có gần 10 đệ tử, nhưng phần lớn trong số họ chỉ học được vài đường quyền biểu diễn là bỏ dở. Họ xuống phố múa võ xin tiền về nuôi vợ con, mỗi lần diễn võ cốt làm sao kiếm được nhiều tiền nhất chứ không còn thi thố, phân tài cao thấp nữa. Thế rồi cái truyền thống lâu đời của người H’Mông cứ theo guồng xoáy của kinh tế thị trường mà mòn đi, điều đó dẫn đến việc cao nguyên trắng lâu rồi vắng bóng kỳ tài. 

Ông Lý Seo Hồ biểu diễn quyền khèn 

Cách đây khoảng 30 năm, cao nguyên trắng có nhiều bậc hào kiệt, hết diễn võ xin tiền rồi đến phân tài chiến đấu suốt 5 ngày ròng. Họ còn đốt lửa đánh đêm như những kẻ anh hùng chỉ có trong sử sách. Thế mà cái khí phách chiến đấu của kẻ trượng phu hồi đó không còn lan tỏa trong giới trẻ H’Mông ngày nay.

Ngồi trong ngôi nhà sàn truyền thống dịp xuân về, ông Lý Seo Hồ tự tay rót rượu ngô ra chén rồi đưa lên miệng nheo nheo mắt như thể nuốt chén chua cay. Ông nhớ lại: Cách đây mấy chục năm, xứ sở hoa mận trắng này có 3 người thuộc hàng kỳ phùng địch thủ, bất phân thắng bại trong các cuộc tranh hùng. Một là ông Giàng A Thào, sống lang thang tại huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) hai là con trai cả của ông tên Lý Seo Phỏng và ông là người thứ 3.

Ông Giàng A Thào trước đây là môn đồ của một đại cao thủ khác sống ở tỉnh Hà Giang. Sau khi thầy mất, ông Thào về quê sống cùng vợ, con, sáng lên non gánh củi, chiều về nhà chăn lợn, tối đi luyện võ và mỗi dịp cuối tuần ông thường lang thang đến các chợ Si Ma Cai, Cán Cấu, Bắc Hà… uống rượu. Nhưng năm 2014 ông Thào đã giải nghệ. Trong suốt cuộc đời học võ, ông không truyền võ công lại cho ai, cũng không nhận người nào làm đệ tử.

Người thứ hai là Lý Seo Phỏng, con trai cả của ông Lý Seo Hồ. Năm nay ông Phỏng cũng đã ngoài 50 tuổi. Mặc dù được thừa hưởng quyền pháp Lý gia, nhưng ông Phỏng cũng cạn dần đam mê với truyền thống mà ông cha để lại. Nguyên nhân dã từ nghiệp võ một phần vì nó không đem lại giàu sang, phú quý, phần nữa là gánh nặng đồng tiền trong cơ chế thị trường đè nặng đôi vai, ông Phỏng phải vắt cạn sức lực để kiếm sống nuôi gia đình. Vậy là chỉ còn mỗi ông Lý Seo Hồ vẫn vắt đến những giọt đam mê cuối cùng để đưa cái hay, cái đẹp của khèn quyền đến cho mọi người.

Mỗi ngày, ông Lý Seo Hồ đều dậy sớm múa vài đường quyền, hít thở khí trời cho giãn gân, giãn cốt, đả thông kinh mạch rồi vác dao lên rừng hái củi. Rồi mỗi tối thứ 7 hằng tuần, ông lại xuống chợ Bắc Hà múa võ theo lời mời của chính quyền địa phương. Mặc dù được nhiều người ca ngợi, kính nể, nhưng ông Lý Seo Hồ vẫn thấy day dứt với nghiệp võ. Có lẽ đến ông là hết. Cao nguyên Bắc Hà sẽ vắng bậc trưởng giả kỳ phùng, vắng tiếng đao, tiếng gậy vọng về từ vách núi.

“Thời gian gần đây, có mấy đứa thanh niên bảo dạy võ, tôi cũng nhận lời nhưng mãi mà chẳng thấy chúng nó đến học. Có lẽ họ nói cho vui, như uống xong chén rượu là quên lời nhờ. Vậy đó", ông Lý Seo Hồ nói.

Bỏ nhà lên núi theo thầy học võ

Nhận lời mời diễn võ của người viễn khách, ông Lý Seo Hồ lôi từ đầu giường cây gậy gỗ với con dao quắm, bước ra giữa sân triển võ. Mặc dù tuổi cao, nhưng mỗi bước di chuyển đều của ông Lý Seo Hồ vẫn nhanh như con hổ săn mồi, đôi mắt sáng quắc. Mỗi đường quyền đều rất mềm mại, đẹp mắt.

Đối với võ biểu diễn thì mỗi đường quyền đều phải mềm mại, uyển chuyển nhưng cũng phải thể hiện được sức mạnh của người múa võ. Chẳng hạn như động tác xoay khèn, nhảy đá hậu thì trong lúc xoay phải đưa cây khèn lướt đi mềm mại, đồng thời nhảy lên vừa đá hậu vừa xoay người... 

Ông Hồ dùng gậy thể hiện những miếng đánh võ khèn 

Trong bài biểu diễn thường có thể loại khèn, liềm, gậy. Mỗi thể loại có hàng trăm đường quyền khác nhau, vì vậy trong mỗi cuộc đấu quyền, người nào múa đẹp, được nhiều đường quyền nhất và biến hóa nhất thì người đó sẽ giành chiến thắng.

Khác với múa biểu diễn, khèn quyền chiến đấu của người H’Mông hướng đến sự tinh nhanh, lấy yếu đánh mạnh và hạ gục đối phương chỉ bằng... một ngón tay. Ông Lý Seo Hồ giải thích: Người H’Mông có tạng người nhỏ bé, sức khỏe đôi khi không bằng đối thủ, vì vậy võ thuật phải hướng đến sự tinh, nhanh nhằm hạ gục đối thủ càng sớm càng tốt.

Vũ khí dùng trong võ chiến đấu gồm các bài tay không, liềm, gậy. Đây là đặc điểm gắn với văn hóa, tập quán của người H’Mông từ ngàn đời nay và đã phát huy tác dụng trong việc chống lại kẻ thù. Ví dụ điển hình là một số con em người H’Mông đã được “vua mèo” Hoàng A Tưởng chiêu mộ vào đội quân riêng, thống lĩnh vùng cao nguyên trắng một thời.

Để có được võ công như ngày nay, người đàn ông H’Mông đã theo thầy lên núi học võ suốt từ năm 13 tuổi. Ban đầu, ông được thầy dạy múa biểu diễn, khi chân tay mềm mại, linh hoạt thì tiếp tục học quyền chiến đấu với các vũ khí là liềm, gậy, tay không. Khi thiếu niên H’Mông đến tuổi trung niên, thầy cho xuống núi múa võ kiếm tiền và bắt đầu thu nhận môn đồ, đệ tử.

Theo ông Lý Seo Hồ thì để học được võ của người H’Mông, người học cần phải có 3 yếu tố, một là tai phải thính, nhạy, nghe điệu nhạc nghĩ đến đường quyền. Trong thực chiến, tai thính giúp nắm bắt quyền cước của đối thủ tốt hơn, thậm chí bịt mắt cũng có thể đánh nhau được với đối thủ. Tố chất thứ hai là chân tay phải linh hoạt, nhanh nhẹn. Nghĩa là tai nghe tiếng khèn, tiếng lá, tiếng gió thì chân, tay phải ra đòn, múa quyền phù hợp để biểu diễn và chống lại đối phương.

Yếu tố cuối cùng rất quan trọng đó là người học võ phải có bộ óc thông minh, phân tích tình huống tốt. Vì bộ óc đóng vai trò như trung tâm chỉ huy nên việc nghe tiếng khèn, tay ra đòn phải do bộ óc điều khiển. Trong cuộc đấu, người nào chậm chạp sẽ là kẻ thất bại.

Hà An - Nam Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét