23 thg 2, 2016

Qua miền di sản

Một chốn lên non, một nơi xuống biển nhưng hai di sản Mỹ Sơn và Hội An vẫn đồng điệu với nhau ở sự trường tồn của nền văn hóa Á Đông

Nằm cách nhau hơn 40 km, hai di sản văn hóa thế giới Hội An (TP Hội An) và Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) cùng nằm bên dòng Thu Bồn thơ mộng. Nếu như ngày trước, từ Duy Xuyên sang Hội An phải lụy một chuyến đò thì giờ đây, những hình ảnh con đò đưa khách sang sông đã trở thành ký ức để nhường chỗ cho những con thuyền du lịch. Đứng trên cây cầu Cửa Đại vừa mới hoàn thành, hướng tầm mắt về phía Tây Bắc là những ngôi nhà cổ mái ngói rêu phong. Kể từ đây, mọi ưu phiền của cuộc sống xin gửi lại nơi rừng dừa 7 mẫu Cẩm Thanh để bắt đầu thả hồn vào miền di sản.

Trải qua nhiều thế kỷ với bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ..., khiến cho nhiều du khách đến phố Hội lưu luyến không muốn rời. Đô thị cổ này đẹp si mê đến từng góc phố, từng con hẻm nhỏ với mái ngói rêu phong. Đi đâu cũng thấy rêu xanh, từ những thành giếng, bậc thềm đến những bức tường loang chạy dài theo hẻm. Rêu như là một thứ trang sức rất bình dị tô điểm cho phố Hội.

Nếu như Hội An đại diện cho nét đẹp cổ kính thì ở Mỹ Sơn, người ta lại dễ dàng bắt gặp miền u tịch, huyền bí ngàn đời. Khu đền tháp tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ. Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn với nhiều bí ẩn mà con người hiện đại chưa thể lý giải được. Kazik (Kazimierz - Kwiatkowski) - kiến trúc sư tài ba nhiều năm gắn bó với Mỹ Sơn - đã thốt lên: “Người Chămpa cổ đã gửi tâm linh vào đất đá và đã biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ, thâm nghiêm, hùng vĩ. Đây là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”. 

Múa Chăm ở khu đền tháp Mỹ Sơn Ảnh: HÀ NGUYỄN 

Một chốn lên rừng, một nơi xuống biển nhưng dường như chúng vẫn đồng điệu ở thẳm sâu đâu đó bởi sự trường tồn muôn đời của nền văn hóa Á Đông. Có lẽ cũng vì cái vị trí địa lý đặc biệt đó mà ngày nay con đường thông thương giữa hai quần thể này đã trở thành con đường di sản. Ít ai biết được rằng chính con đường ấy đã dẫn dắt biết bao thế hệ người dân nơi đây mang sản vật, vải vóc ra thế giới bên ngoài. Người Duy Xuyên đến với Hội An cũng như gặp lại người quen cũ bởi từng món bánh trái, từng làng nghề đều có mối tương giao gắn kết.

Trên đường đi Mỹ Sơn, qua khỏi Hội An sẽ qua các làng lụa nổi tiếng một thời. Vào thế kỷ XVI, XVII, con đường tơ lụa trên biển là chiếc cầu nối quan trọng trong việc truyền bá văn hóa phương Đông tới những nước phương Tây. Khi ấy, Hội An là một trong những thương cảng lớn đồng thời là điểm trung chuyển tơ lụa đi khắp nơi như Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan... Có một thời làng nghề ươm tơ dệt lụa bên bến Giao Thủy là nguồn cung cấp chính để các thương lái nước ngoài mang ra thế giới. Bên dòng sông mẹ Thu Bồn, tiếng thoi đưa đều đặn, từng thớ vải mềm mại được dệt nên bởi bàn tay khéo léo của các bà, các chị. Giờ đây, nhà máy ươm tơ Giao Thủy đã dần trở nên hoang vắng nhưng dấu tích của làng nghề truyền thống một thời vàng son rực rỡ vẫn còn đó. Trong tâm trí của các bậc cao niên, cảnh tấp nập người qua kẻ lại trao đổi tơ lụa nơi bến đò Giao Thủy vẫn còn hiện hữu.

Hội An và Mỹ Sơn còn là di sản sống khi mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến và đi, tiếng gọi của tương lai vẫn hừng hực trên mỗi con đường. Từng mái nhà, viên gạch cũng đang trào dâng sức mạnh thời đại. Từ phố cổ Hội An, theo chân người dân trên con đò đi qua bên kia sông Hoài là làng mộc Kim Bồng hàng trăm năm tuổi. Trong khi nghề mộc ở nhiều nơi đứng trước nguy cơ xóa sổ hoặc không còn tồn tại thì mộc Kim Bồng vẫn được duy trì và càng thêm sức sống nhờ làm du lịch. Cũng bên dòng sông chở nặng dĩ vãng này là làng gốm Thanh Hà nổi tiếng hàng trăm năm nay. Người dân trong làng vẫn sống được với nghề gốm nhờ sự nhanh nhạy, thức thời. Gần đó, làng rau Trà Quế là một địa chỉ khá thú vị, vừa quen thuộc với người Việt vừa giúp cư dân địa phương hái ra tiền nhờ dịch vụ “Một ngày làm cư dân phố cổ” đã duy trì hơn 10 năm nay.

Qua miền di sản, dù chứng kiến biết bao sự đổi thay “thương hải tang điền” nhưng những giá trị văn hóa mãi trường tồn. Như tiếng thoi dệt lụa bên dòng Thu Bồn vẫn còn vang vọng, miền di sản này sẽ còn sống mãi với thời gian. 

Trần Thường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét