24 thg 2, 2016

Đỏ lửa giữ nghề thổi thủy tinh truyền thống

Từ các công cụ thô sơ, người dân ở xã Thống Nhất (Thường Tín, Hà Nội) đã sản xuất ra các vật dụng bằng thủy tinh từ đơn giản như bóng đèn, chai, lọ, nắp phích đến các vật phẩm cầu kỳ theo yêu cầu của khách hàng.

Từ những năm 1960, thổi thủy tinh được coi là một nghề chính của hầu hết người dân trong xã Thống Nhất. Trong khoảng thời gian này, làng Giáp Long là nơi phát triển nhất, tập trung những người thợ có tay nghề cao, có thể làm ra các sản phẩm cầu kỳ, cần độ tinh xảo.

Theo anh Lê Xuân Tiến, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm nghề chế tác đồ thủy tinh ở xã Thống Nhất thì: “Cách đây độ chục năm, hầu như cả xã làm nghề nấu, thổi thủy tinh. Các vật dụng trong gia đình từ cái nắp phích, chai lọ gia đình đều tự làm được”.


Làm đồ gia dụng bằng thủy tinh là nghề có từ lâu đời ở xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, Hà Nội).


Theo năm tháng, dù đã bị mai một đáng kể nhưng đến nay tại xã Thống Nhất vẫn lưu giữ được nghề truyền thống này.

Sau khi được nung nóng, những người thợ bắt đầu thổi thủy tinh và ép tạo hình...

...công việc này đòi hỏi sự tập trung cao độ của người thợ.

Trang trí các hoa văn và đường viền cho sản phẩm.

Khi sản phẩm hoàn thiện sẽ được nhồi trong vỏ trấu để giữ độ bền.

Với tay nghề của mình, người thợ thổi thủy tinh thủ công ở xã Thống Nhất mỗi ngày có thể sản xuất hàng trăm sản phẩm.

Sản phẩm bóng đèn dầu là một trong những mặt hàng chủ yếu của làng nghề.

Những chiếc cóng cho chim ăn bằng thủy tinh đã hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao cho khách hàng. 


Anh Tiến cho biết thêm, để làm ra được các sản phẩm ưng ý, người thợ phải cảm nhận được độ “chín” của thủy tinh. Khi mới cho thủy tinh vào lửa, thủy tinh sẽ có màu xanh, khi đốt đến độ thủy tinh sẽ chuyển sang màu trắng. Lúc đó chỉ cần hà hơi thổi nhẹ, thủy tinh sẽ phồng ra to nhỏ theo ý muốn.

Theo nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, xã Thống nhất hiện không chỉ sản xuất đồ dùng thủy tinh theo phương pháp truyền thống, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư máy móc sản xuất ra các vật dụng, thiết bị sử dụng trong lĩnh vực y tế như ống Philatop với số lượng lớn.

Anh Nguyễn Văn Huệ, chủ xưởng sản xuất ống Philatop thôn Giáp Long cho biết, nhận thấy tiềm năng có thể mở rộng phát triển nghề làm đồ thủy tinh do cha, ông để lại, từ năm 2010 gia đình đã đầu tư 1 chiếc máy sản xuất ống Philatop với công suất hơn 100 kg phôi thủy tinh/1 ngày (Khoảng 01 vạn ống Philatop).


Ngoài những hộ dân vẫn giữ nghề thủ công ở làng, nhièu hộ dân khác đã đầu tư máy móc

để sản xuất thủy tinh số lượng lớn cung cấp ra thị trường.

Trước khi đưa vào máy, người dân ở đây phải dùng phương pháp thủ công để tạo những ống thủy tinh nguyên liệu thô.

Sau đó, những ống thủy tinh này được đưa qua một quy trình đốt ở nhiệt độ cao và tạo hình hoàn toàn tự động.

Một chủ cơ sở sản xuất ở xã Thống Nhất cho biết, mỗi một máy thổi thủy tinh này có thể thay thế từ 20-30 người thợ làm thủ công. 

Khối lượng đơn đặt hàng ngày một tăng cao, đầu năm 2014 gia đình anh Huệ đã đầu tư thêm 1 chiếc máy có công suất gấp đôi chiếc máy cũ để sản xuất cho kịp khối lượng sản phẩm do các Công ty dược phẩm trong và ngoài nước đặt hàng. “Đến nay, 3 thôn (Hoàng Xá, Thượng Giáp, Giáp Long) trên tổng số 5 thôn của xã Thống Nhất đều đã được đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất thiết bị trong nghành y tế” Anh Huệ chia sẻ.

Vất vả, thu nhập cũng không cao so với các ngành nghề truyền thống khác, nhưng hàng ngày ở những xưởng sản xuất đồ thủy tinh ở xã Thông Nhất vẫn đỏ đèn giữ lửa, giữ nghề.


Bài: Quỳnh Anh - Ảnh: Công Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét