8 thg 3, 2015

Tháng Giêng xem múa lân ở Sài Gòn

Tháng Giêng là mùa lân ở Sài Gòn. Từ mùng 1 đến rằm, dạo quanh khu quận 5 và các cửa hàng, trung tâm thương mại lớn, không khó để bắt gặp một đoàn lân sư rồng đang biểu diễn với lượng người xem vây kín.




Múa lân xưa chỉ có trong khu phố người Hoa, các đoàn lân sư rồng cũng không quá nhiều như bây giờ. Mỗi đoàn đều có phong cách và cách trình diễn khác nhau, do xuất thân từ những môn phái võ thuật khác nhau. Trong các đoàn lân đi múa ngày xưa thường có những tiết mục biểu diễn võ thuật, võ công độc đáo. 



Các đoàn lân, gọi đúng phải là đoàn lân sư rồng, đều phải có sự chọn lọc võ sinh khắt khe, những người được chọn phải chấp nhận khổ luyện, mất rất nhiều thời gian để học từng chi tiết cho múa lân, sư tử, rồng. 



Mai Hoa Thung là điệu múa khó nhất trong múa lân, đòi hỏi sự khổ luyện 

Bây giờ biểu diễn võ thuật vẫn có, nhưng các nghệ nhân lão thành đang mai một dần. Múa lân ngày nay đơn giản hơn vì gia chủ cũng không muốn có chương trình múa quá dài, vì rất tốn kém và cũng gây ách tắc giao thông.

Tuy vậy trong tháng Giêng, nếu vào khu quận 5 và các khách sạn, trung tâm thương mại lớn ở Sài Gòn, bạn vẫn có thể xem được một màn múa lân hoành tráng với những pha trình diễn ngoạn mục. 

Một đoàn lân, rồng đi múa trong ngày vía Thần Tài 

 

Múa lân không thể thiếu bộ trống và phèng la (chập chã) 


Trẻ con rất mê xem múa lân 

Xưa, một đoàn lân sư rồng nổi tiếng cũng chỉ có thể nhận diễn vài ba lần trong một tháng Tết. Nay ngoài mùa Tết, cao điểm từ đưa ông Táo đến tận rằm tháng Giêng, thì có thể hoạt động quanh năm trong các lễ cúng, lể hội, lễ tổng kết, lễ chào mừng, lễ khai trương... Giữa năm thì có mùa Trung Thu. 


Múa rồng trên phố 

Theo lời một lão sư già ở một đoàn lân sư rồng danh tiếng thì “Múa lân ngày xưa rất khó vì phải rèn luyện thể lực nhiều. Đa số coi như nghề tay trái để thi triển tài hoa là chính. Ban ngày đi làm, tối tụ về sân võ đường tập luyện. Những người trong đoàn đến với môn nghệ thuật truyền thống này chỉ bằng cái tâm trong sáng, tinh thần tương thân tương ái và đi múa là để thể hiện tinh hoa tuyệt kỹ của võ đường, của môn phái như một sự hãnh diện chứ không vì lợi nhuận”. 


Ngày nay ở Sài Gòn, bên cạnh những đoàn lân sư rồng danh tiếng, còn có rất nhiều đoàn lân nhỏ. Những đoàn nhỏ này chủ yếu múa lân, múa rồng là chính, không có những màn trình diễn đẹp mắt như các đoàn lớn. 


Nhưng đoàn lân nhỏ cũng có nét hay riêng. Ngồi trò chuyện với các em múa lân trẻ, hầu như đều nói rằng đi theo nghề là do “thích và vui”. Rất nhiều em chân thật: “Trước mùa đi diễn, cuối tuần nào cũng tập, té hoài, nên từ sự hăm hở ban đầu sẽ có nản chí và rơi rụng dần. Tập ít nhất cũng hai ba tháng, rồi tùy theo thể lực mà sẽ đảm nhận các phần của một đoàn lân. Nhưng mà đi múa thích lắm. Đam mê lắm”. 




Sắp đến rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu, các đoàn lân lại tất bật với những lịch diễn. 



TRÂN DUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét