19 thg 3, 2015

Nghề dệt chiếu Ngan Dừa

Nằm trong địa phận thuộc dòng chảy của sông Hậu, Thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) là vùng đất thuận lợi cho cây lác, nguồn nguyên liệu chính giúp người dân nơi đây phát triển nghề dệt chiếu từ bao đời nay.

Chị Nguyễn Thị Tám, 46 tuổi, ngụ tại ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa cho biết, không nhớ rõ làng nghề dệt chiếu ở đây có từ bao giờ, nhưng lúc nhỏ chị đã thấy bà nội và mẹ của mình dệt chiếu, nhiều khi tiếng go (dụng cụ dệt chiếu) lách cách, dệt đều đặn từng sợi lác còn theo chị vào giấc ngủ. Chiếu Ngan Dừa cứ thế nối tiếp nhau truyền từ đời này sang đời khác, đâu đâu trong làng, trong xóm cũng gặp từng bó, hay từng sợ lác trắng, lác màu, trông thật vui mắt.

Nằm trong địa phận thuộc dòng chảy của con sông Hậu, thị trấn Ngan Dừa là vùng trũng bị nhiễm phèn - điều kiện rất thuận lợi cho việc trồng cây lác. Từ đây, nguồn lác sẽ giúp người dân làm chiếu chủ động hơn khi tìm nguyên liệu và cũng tiết kiệm được chi phí. Vào làng nghề dệt chiếu truyền thống Ngan Dừa, ấn tượng đầu tiên là hai bên đường phơi toàn là lác và cả những chiếc chiếu mới tinh còn thơm mùi lác. Trong những mái hiên ngay bên đường, từng nhóm 2 chị em phụ nữ đang khéo léo phối hợp chuồi từng sợi lác vào chiếc go rồi dập xuống nhịp nhàng. Chị Trương Tú Khanh, cán bộ phụ trách tiểu thủ công nghiệp thị trấn Ngan Dừa cho biết, nghề dệt chiếu Ngan Dừa hiện đang phát triển khá mạnh khi toàn thị trấn có khoảng 15 dòng tộc với hàng trăm hộ chuyên sống bằng nghề làm chiếu, trong đó tập trung nhiều nhất ở ấp Thống Nhất.

Nằm trong địa phận thuộc dòng chảy của con sông Hậu, thị trấn Ngan Dừa là vùng trũng bị nhiễm phèn, điều kiện rất thuận lợi cho việc trồng cây lác là nguồn nguyên liệu để dệt chiếu


Cây lác được vận chuyển về Ngan Dừa từ khắp các nơi trong vùng.

Vào làng nghề dệt chiếu truyền thống Ngan Dừa, ấn tượng đầu tiên là hai bên đường phơi toàn là lác và cả những chiếc chiếu mới tinh còn thơm mùi lác.

Những bó lác nguyên liệu sử dụng để dệt chiếu.

Người thợ chuốt, sắp xếp từng sợi lác theo từng màu trước khi vào go. 

Là một trong những gia đình gắn bó lâu đời với nghề dệt chiếu ở Ngan Dừa, chị Nguyễn Thị Tám đã được mẹ của mình dạy nghề cho từ nhỏ. Lớn lên, lấy chồng sinh con, cuộc sống có lúc này lúc kia nhưng chị Tám cũng luôn tâm niệm giữ lấy nghề truyền thống mà ông bà để lại. Chị chia sẻ: “Nghề dệt chiếu đã được gia đình tôi truyền qua 4 thế hệ. Hiện dệt chiếu tuy không phải công việc chính, nhưng tôi vẫn tiếp tục lưu giữ và nó cũng góp phần giúp cho gia đình tôi có một cuộc sống ổn định, con cái tôi có điều kiện học hành đến nơi đến chốn…”.

Để làm ra một chiếc chiếu Ngan Dừa, cần phải trải qua nhiều công đoạn với sự tỉ mẩn và miệt mài của người thợ. Đầu tiên là chẻ lác, công đoạn đòi hỏi sự khéo léo vì cọng lác yếu và mềm nên rất khó chẻ nhỏ ra làm nhiều sợi. Nhưng chỉ với một cây dao nhỏ, qua tay người thợ, một cọng lác sẽ nhanh chóng được chẻ làm 5-6 sợi đều tăm tắp. Sau đó, lác được đem phơi khô, rồi tùy nhu cầu chiếu trắng hay chiếu màu mà người thợ nhuộm cho phù hợp. Cuối cùng, công đoạn quan trọng nhất là công đoạn dệt, thường phải có 2 người phối hợp với nhau: Một người chuồi, sắp xếp từng sợi lác theo từng màu vào go, người kia thì thoăn thoắt dập, úp, ngửa thân go rồi xoay trái, xoay phải bẻ bìa để khít từng sợi lác. Theo nhiều thợ dệt chiếu lâu năm, do thổ nhưỡng đất và nước tại Ngan Dừa trong lành nên cọng lác chẻ ra luôn trắng ngần, đẹp mắt, chiếu Ngan Dừa nhờ đó càng trở nên bền, đẹp.

Chị Trương Tú Khanh cho biết, bình quân mỗi người ở Ngan Dừa trong một ngày có thể dệt được 4 đến 5 đôi chiếu chợ (chiếu hàng) hoặc 2 đôi chiếu đặt (đặt riêng theo yêu cầu, có chất lượng tốt, dày dặn và kín kẽ hơn). Tuy nhiên, khó và kỳ công nhất là dệt chiếu bông có chữ “Trăm năm hạnh phúc”, “Vu quy” hay chữ “Song hỷ” dành cho các cặp vợ chồng mới cưới khi phải mất 2, 3 ngày mới dệt được một đôi. Thực tế, sản phẩm chiếu Ngan Dừa đang ngày càng đa dạng về kiểu dáng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng với giá cả hợp lý: Chiếu thường từ 150.000 - 200.000 đồng/đôi, chiếu chữ từ 400.000 - 500.000/đôi. Trừ chi phí nguyên liệu, màu nhuộm…, bình quân thu nhập mỗi người kiếm được 70.000 đồng/ngày, giúp người dân cải thiện đời sống trong thời gian nông nhàn, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát kinh tế - xã hội của địa phương.

Nghề dệt chiếu Ngan Dừa hiện đang phát triển khá mạnh khi toàn thị trấn có khoảng 15 dòng tộc với hàng trăm hộ chuyên sống bằng nghề làm chiếu, trong đó tập trung nhiều nhất ở ấp Thống Nhất.

Đôi bàn tay thoăn thoắt chuồi, sắp xếp từng sợi lác theo từng màu vào go khi dệt chiếu.

Công đoạn dệt thường cần 2 người phối hợp với nhau nhịp nhàng.

Sản phẩm chiếu Ngan Dừa thành phẩm. 

Với tâm huyết và nỗ lực của chính quyền, người dân Ngan Dừa trong việc bảo tồn nghề dệt chiếu, đầu năm 2014 vừa qua, Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu đã quyết định công nhận làng nghề dệt chiếu thị trấn Ngan Dừa là làng nghề truyền thống. Theo ông Lê Hoàng Mến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ngan Dừa, nhờ việc được công nhận làng nghề, địa phương đã khuyến khích người dân làng nghề dệt chiếu phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, có giá trị xuất khẩu để phù hợp với nhu cầu hiện nay. Đặc biệt, UBND thị trấn Ngan Dừa cũng đang triển khai thực hiện dự án “Phát triển mô hình trồng lác giai đoạn 2012 - 2015” nhằm nhân rộng diện tích trồng lác, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho làng nghề…

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Trọng Chính, Lê Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét