9 thg 3, 2015

Làng cổ Phước Lộc Thọ

Nằm bên sông Vàm Cỏ Đông yên bình (xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), làng cổ Phước Lộc Thọ là điểm du lịch dành cho những người yêu thích không gian cổ xưa, trở về với nguồn cội dân tộc bên những ngôi nhà cổ mang bản sắc ba miền đất nước. 

Làng cổ Phước Lộc Thọ do ông Dương Văn Mỹ, một người đam mê đồ gỗ cổ sưu tầm và xây dựng. Ngôi làng được khởi công từ năm 2006 trên diện tích hơn 10 héc ta, được chia làm 2 khu riêng biệt là khu tham quan và khu ăn uống, giải trí, nghỉ dưỡng. Ngay khi đặt chân vào trong khuôn viên làng cổ, du khách đã bị mê hoặc bởi những nét cổ kính của các ngôi nhà xưa. Đây cũng là không gian lý tưởng để du khách thư giãn, tĩnh tâm và hòa mình vào với thiên nhiên.

Khu tham quan rộng 6 héc ta gồm 22 ngôi nhà gỗ cổ có niên đại từ 80 đến 150 năm được sưu tầm ở khắp mọi miền đất nước. Mỗi ngôi nhà cổ ở đây đều mang một bản sắc riêng mang dấu ấn vùng miền.

Một góc làng cổ Phước Lộc Thọ nhìn từ trên cao.


Ba bức tượng đá Phước Lộc Thọ trong làng cổ.

Tường gỗ khắc họa các hình ảnh Long, Lân, Quy, Phụng.

Bức hoành phi cổ sơn son thếp vàng trong một ngôi nhà cổ phục dựng tại làng cổ.

Bộ ngà voi quý hiếm trong ngôi nhà 5 gian, 3 chái mang đậm đặc trưng của kiến trúc Nam Bộ.

Bộ bàn ghế khảm rồng có niên đại hàng trăm năm trưng bày ở làng cổ.

Các hiện vật của văn hóa Óc Eo được trưng bày tại làng cổ Phước Lộc Thọ.

Một bức tường theo lối kiến trúc Huế được phục dựng.

Hệ thống cột, kèo vững chắc. 

Trong quần thể của làng cổ Phước Lộc Thọ, nổi tiếng nhất là ngôi nhà chữ “Công” với 104 cột, trên 100 tuổi rất đồ sộ được thiết kế theo lối kiến trúc xưa ở miền Bắc. Ngôi nhà thể hiện sự nguy nga, tráng lệ và uy nghi. Các cột ở gian chính khảm xà cừ một cách công phu. Trên thân đòn có hình ảnh tứ linh long, lân, quy, phụng và tứ hữu mai, lan, cúc, trúc. Các tấm vách chạm trổ một số hình hoa quả, chim muông tượng trung cho hạnh phúc. Đặc biệt, bên trong ngôi nhà này trưng bày nhiều cổ vật quý hiếm như bộ ván của vua Bảo Đại, bộ bàn của quan thượng phẩm, chiếc gương soi của hoàng hậu, long sàng của vua…

Nhà vườn Nam bộ trong làng cổ Phước Lộc Thọ mang phong cách giản dị của người miền Nam. Kiến trúc nhà xưa miền Tây Nam với 3 gian, 2 chái, đặc biệt có ngôi nhà rộng 5 gian, 3 chái, toàn bộ sử dụng loại gỗ căm xe, gõ, trắc, cẩm lai được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XX. Ngôi nhà được dùng làm nơi ở cho các gia đình danh gia vọng tộc thời Nguyễn. Bên trong ngôi nhà trang trí nhiều vật dụng quý hiếm như bộ bàn rồng, ngà voi, tủ cổ khảm xà cừ 7 màu...

Những ngôi mang phong cách nhà rường Huế thì nét đặc trưng là sự điêu khắc tinh xảo. Đây là loại nhà phổ biến của quan lại và giới thượng lưu xứ kinh kỳ thời phong kiến. Bên trông ngôi nhà là rất nhiều cổ vật quý với nhiều niên đại khác nhau thuộc nhiều chất liệu như đá, gỗ, kim loại, gốm sứ...

Ở làng cổ Phước Lộc Thọ có 6 ngôi biểu theo lối kiến trúc Tây Nguyên. Các vật dụng như cồng, chiêng, các bức tượng cho đến các dụng cụ lao động của đồng bào dân tộc đều được ông Mỹ sưu tầm. Người xem sẽ ấn với những nét văn hóa riêng của cư dân núi rừng.

Kiến trúc nhà vườn Tây Nam Bộ trong làng cổ.

Một cổng làng cổ, xây dựng từ gỗ quý được phục dựng nguyên vẹn.

Nhà gỗ cổ theo kiến trúc cung đình Huế đươc phục dựng.

Một ngôi nhà mang đậm kiến trúc nhà Tây Nam Bộ đơn giản, chắc chắn được dựng lên ở làng cổ.

Không gian thoáng đãng của ngôi một ngôi nhà cổ được phục dựng trong làng cổ.

Một góc làng cổ Phước Lộc Thọ.

Du khách vui chơi ở hồ bơi trong khu giải trí ở làng cổ Phước Lộc Thọ. 

Khu vui chơi giải trí ở làng cổ Phước Lộc Thọ với nhiều hoạt động bổ ích như hồ bơi, dã ngoại, sinh hoạt, học tập cộng đồng… là nơi giúp du khách có những ngày nghỉ sảng khoái. Đến làng cổ Phước Lộc Thọ, ngoài việc khám phá vẻ đẹp từ những ngôi nhà cổ, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất Long An và miền sông nước, nghe các làn điệu dân ca, những bài dạ cổ ngọt ngào, da diết…Đó cũng là một lý do làng cổ thu hút du khách.

Năm 2012, làng cổ Phước Lộc Thọ đã được Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là nơi sở hữu nhiều nhà gỗ cổ, hoa văn phong phú, đa dạng nhất Việt Nam.

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Lê Minh và Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét