28 thg 6, 2014

Khu mộ táng cá voi lớn nhất Việt Nam

Không những khủng nhất Việt Nam mà có thể khủng nhất thế giới về số lượng cá voi được an táng nơi đây. Đó là nghĩa địa cá voi ở khu phố Lộc An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Độc đáo tập tục thờ thần cá

Nằm khuất nơi mép biển, cuối làng chài Phước Hải, trong 1 khuôn viên rộng 3.000m2, nghĩa địa cá voi được ngư dân gọi là "Ngọc lăng Nam Hải". Nghĩa địa có 5 phần gồm: Lăng thờ "lệnh ông Nam Hải đại tướng quân"; Miếu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát; Miếu thờ Thổ công; Miếu thờ Thiên quan Tứ phước và khu vực mộ táng cá voi. Toàn bộ công trình đều nhìn ra biển. Khu vực mộ táng nằm trên bãi cát rộng dưới bóng mát của vườn cây dương. Tất cả những ngôi mộ đều được đắp nấm cát như mộ người, có lư hương và tấm bia đá viết "Nam Hải chi mộ", ngày tháng năm "lụy" (chết) của cá. Lưng bia đá có ghi tên con trai cả của chủ tàu phát hiện xác cá.

Trong lăng chính của khu mộ, trên bàn thờ, ngoài bức di ảnh khổ lớn có đề dòng chữ "Lệnh ông Nam Hải đại tướng quân" còn có tượng 3 cá voi nằm song song.

Cách Ngọc lăng Nam Hải khoảng 1 km là Dinh Ông Nam Hải. Hai di tích này là một. Ngọc lăng Nam Hải là nơi an táng xác cá voi. Còn Dinh Ông Nam Hải là nơi thờ tự cá voi. Ở Dinh Ông Nam Hải, dưới bệ thờ cá trong tháp cốt vẫn còn chứa hàng trăm bộ hài cốt cá voi cải táng từ nghĩa địa cá voi mang về.

Cổng vào "Ngọc lăng Nam Hải". Ảnh: Lê Quân trên news.Zing.vn

Chị Lệ Thu - chủ tàu Ánh Hồng - đang sắp sửa bánh trái cúng "ông" trong nghĩa địa, cho biết: "Ghe (tàu cá - PV) nào phát hiện ra xác ông là ghe đó gặp vận may. Thế nào cũng làm ăn phát đạt, giàu có. Người con trai cả của chủ ghe sẽ đứng tên để tang ông. Khi ra biển, ghe gặp ông lụy là lập tức trở vào bờ, cho dù chưa đánh mẻ lưới nào. Trên đường về, chủ ghe thông báo cho gia đình để chuẩn bị lễ mai táng long trọng. Gia đình nhận được tin sẽ liên hệ với ban tế tự ở dinh thờ ông. Ban tế tự có sẵn mọi thứ cần thiết cho nghi lễ mai táng ông. Khi xác ông vừa vào đến bờ, những ngư dân có mặt trên bờ đều tham gia đám rước xác ông.

Trước đây, chúng tôi dùng một chiếc giường có vạt để đón xác ông như đón thi thể trưởng bối trong làng qua đời. 4 người khỏe mạnh được cắt cử gánh đòn khiêng giường. Ngày nay, ban tế tự chế hẳn một chiếc xe đón xác có bánh xe. Chúng tôi đưa xác ông vào Ngọc lăng, tắm rửa sạch sẽ, quấn vải đỏ 7 vòng, đặt ông nằm trên giường gỗ sơn đỏ, lót vải. Sau đó rước thầy làm lễ tang. Người con trai cả sẽ thay mặt gia đình quỳ chịu tang ông suốt buổi lễ. Thường thì lễ tang chỉ diễn ra trong ngày. Kết thúc lễ tang, chúng tôi đưa xác ông vào huyệt mộ rồi dựng bia".

Sau khi chôn cất lập mộ ba ngày, người con trai cả của chủ tàu làm lễ mở cửa mả, 21 ngày làm lễ cầu siêu, 3 tháng 10 ngày cúng tuần, giỗ đầu. Trong 3 năm, người chịu tang còn phải kiêng cữ một số hành vi đạo đức giống như cách thức chịu tang cha mẹ. Ngư dân tin rằng, nếu người chịu tang bê tha sẽ bị "ông hành" như kẻ phát điên, la hét, nhảy múa suốt ngày cho đến khi kiệt sức rồi đến nằm phủ phục bên mộ ông. Tại Phước Hải, người ta đã từng chứng kiến nhiều cảnh như thế. Trong trường hợp đó người thân phải đứng ra làm lễ tạ tội, ông mới thôi hành xác.

Kết thúc 3 năm, người chịu tang làm lễ xả tang rồi làm lễ cải táng đưa hài cốt ông về dinh thờ ông để nhường đất an táng cho những ông lụy sau. Ngư dân gọi lễ cải táng đây là "Thượng ngọc cốt" và khi đem vào lăng cất thờ gọi là "Thỉnh ngọc cốt". Cứ đến lệ cúng ông hàng năm vào ngày 16/2 âm lịch những gia đình đã từng chịu tang ông sắm lễ vật đến dinh thờ ông cúng bái. Những ngày này, không chỉ ngư dân trong vùng, cư dân quanh vùng cũng lũ lượt kéo về trẩy hội để mong được thần cá độ trì, may mắn.

Trên bàn thờ trong điện thờ chính Lệnh ông Nam Hải đại tướng quân có bức di ảnh khổ lớn và tượng 3 cá voi nằm song song, hướng ra biển. Ảnh: Lê Quân trên news.Zing.vn

Ông Nguyễn Văn Lục, thường được gọi là ông Tám, 87 tuổi, là thành viên ban tế tự Dinh Ông Nam Hải cho biết: "Ngày xưa, dinh thờ ông và nghĩa địa ông nằm chung một chỗ. Sau này, do đất dinh hạn hẹp, ông lụy nhiều nên người dân dời Ngọc lăng về phía cuối làng".

Ông Tám cho biết thêm, Dinh Ông Nam Hải có từ thuở khai mở vùng đất Phước Hải này. Hồi ông khoảng 7 - 8 tuổi đã thấy nơi bãi ven mép sóng có một cái miếu cất bằng tre, lá thờ ông và bên cạnh đó đã có sẵn hàng trăm ngôi mộ. Khi đó, miếu ông đã có sẵn sắc phong "Nam Hải đại tướng quân" của triều Nguyễn.

Do chiến tranh, miếu bị đốt cháy mấy lần. Dù ngôi miếu bị nạn nhưng người dân vẫn giữ được sắc phong cho đến tận bây giờ.

Năm 1955, sau một lần miếu bị đốt cháy, ngư dân địa phương chọn một miếng đất giữa làng chài dựng dinh đơn sơ bằng cây tạp. Người ta đã cải táng, thỉnh cốt ông đưa vào dinh thờ. Khi có ông mới lụy, người ta đưa vào miếng đất cạnh dinh an táng.

Năm 1998, ngư dân Huỳnh Văn Hiện đi lưới gặp bão, tàu chìm. Ông chới với giữa biển khơi sóng dữ rồi kiệt sức ngất lịm. Trong cơn ngất, ông vẫn lờ mờ nhận ra có 2 “ông” bơi cặp nách ông đưa vào bờ. Nhờ vậy, ông sống sót. Sau chuyến tai nạn đó, ông Hiện đi vận động ngư dân góp tiền xây dựng lăng khang trang như hiện trạng.

Có điều lạ là, từ xưa đến nay, làng chài Phước Hải là nơi cá voi lụy nhiều nhất trong suốt tuyến biển phía Nam nước ta. Trung bình mỗi năm có vài chục "ông" lụy vào bờ. Do quá nhiều hài cốt, không còn chỗ chứa, ban tế tự đã nhiều lần tổ chức hỏa thiêu. Lần gần đây nhất là năm 2005, ban tế tự đã hỏa thiêu hàng ngàn bộ hài cốt lớn nhỏ. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay đã có 21 cá thể cá voi chọn vùng đất này để lụy.

Ngư dân ở đây cho rằng, Phước Hải là "nguyên quán" của ông nên khi biết sắp qua đời, ông đã hồi cố hương để lụy.

Người ta đã từng trông thấy 2 cá voi khỏe mạnh bơi dìu cá voi sắp chết từ biển khơi vào tận bờ. Khi ông lụy dưới nước, bên cạnh cái xác luôn luôn có một cặp cá đao, một cặp tôm, một cặp mực bơi quanh hộ tống cho đến khi cái xác được con người vớt.

Hồi năm 2005, khi mọi người đang làm lễ mai táng 1 ông thì ngoài khơi 1 ông khác lờ đờ trôi dạt vào. Mọi người đã rước ông lên sân lễ chăm sóc giây phút cuối cùng cho đến khi ông lụy


Khu mộ táng cá voi.. Lê Quân trên news.Zing.vn

Truyền thuyết linh vật

Tại Dinh Ông Nam Hải vẫn còn lưu giữ một đoạn xương sống cá voi khổng lồ đã hóa thạch. Đường kính của xương đĩa đệm khoảng 30 cm. Những bậc kỳ lão của làng chài Phước Hải không biết đoạn xương đó được phát hiện khi nào nhưng có thể đó là nguyên cớ ngư dân vùng này cất miếu thờ. Căn cứ vào những câu chuyện truyền khẩu từ đời này sang đời khác thì đó là mẫu xương của cá voi Đại thần tướng quân.

Ở đình Thắng Tam, được xây dựng vào năm Giáp Thân (1824), hiện vẫn thờ phần xương đầu cá voi khổng lồ trôi dạt vào bãi biển Tầm Dương, được ngư dân Vũng Tàu phát hiện đem về thờ cách nay hơn 100 năm.

Một dinh thờ cá voi ở Phước Tĩnh lưu giữ thờ phụng một phần xương đuôi.

Đó là lý do vào lệ cúng hàng năm, khi "động thinh xây chầu", pháp sư ở đình Thắng Tam phải bắc ghế leo lên cao, pháp sư ở đình Phước Hải đặt trống nằm ngang mặt đất và pháp sư ở Phước Tĩnh úp trống sát mặt đất. Người ta cho rằng, Dinh thờ ông ở Phước Tĩnh thờ khúc đuôi nên gọi là “Hạ dinh”, ở Phước Hải thờ phần thân là “Trung dinh” và ở Thắng Tam thờ phần đầu nên gọi là “Thượng dinh”.

Một phần xương sống "ông" lưu giữ trong dinh thờ.

Nguyên cớ thờ cá voi được những ngư phủ ở vùng này giải thích bằng một truyền thuyết truyền đời xuất hiện trong đời sống từ hàng trăm năm trước rằng, Phật Quán Thế Âm Bồ Tát được Thượng đế ban cho chức Nam Hải Bồ Tát chuyên cứu nạn con người trên biển cả. Tuân lệnh Thượng đế, đức Phật bà xé chiếc áo cà sa làm vạn mảnh thả khắp mặt biển rồi dùng phép màu hóa thành cá ông voi để cứu giúp thuyền bè gặp nạn. Phật bà còn phong cho cá ông voi chức Nam Hải đại vương.

Ngoài ra, Phật bà còn truyền cho ngư dân 12 câu nguyện cầu gọi là "thập nhị đại nguyên" để mỗi lần gặp nạn, đọc to lên, "ông" sẽ xuất hiện dìu tàu vào bờ. Do một lần lười biếng không cứu kịp thời 1 vụ đắm tàu, cá voi Đại thần tướng quân bị Quán Âm Bồ Tát phạt phải chết phân thây thành 3 khúc.

Còn trong các sách "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức, "Thoái thực ký văn" của Trương Quốc Dụng, "Đại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn đều kể rằng hầu hết những chuyến bôn đào trên biển của Nguyễn Ánh, mỗi khi tàu gặp nạn đều có cá ông voi xuất hiện cứu nguy. Sau này, khi phục quốc, Nguyễn Ánh đã phong cho cá ông voi chức "Đại tướng quân", đồng thời truyền chiếu chỉ quy định làng nào bắt gặp cá ông voi lụy (chết) phải trình báo với chính quyền sở tại. Chính quyền sở tại dùng ngân khố tổ chức mai táng, cúng tế long trọng.

Đến thời Vua Minh Mạng cá voi lại được phong chức "Nam Hải cự tộc ngọc lân thượng đẳng thần". Ngoài ra, các tài liệu khảo cứu cũng cho thấy Vua Thiệu Trị cũng từng ban 8 đạo sắc phong thần vào năm 1845 và 1846; Vua Tự Đức ban 4 đạo sắc vào năm 1850 và 1 đạo sắc vào năm 1853 cho loài cá này.

Có thể đó là lý do, chỉ những ngư dân dọc biển phía Nam mới thờ cá ông voi. Bởi vậy dân gian xưa có câu "tại Nam vi thần, tại Bắc vi ngư" (Ở miền Bắc chỉ là cá nhưng ở phía Nam là thần).

Vì tôn thờ nên ngư dân phía Nam gọi cá voi bằng danh xưng kính cẩn như: Ông Nam Hải, Nam Hải Đại tướng quân, Nhân Ngư, Đức Ngư... Một số địa phương còn gọi cá voi lớn là ông, cá voi đực loại nhỏ là cậu, cá voi cái loại nhỏ là cô.

Từ trước đến nay, khu mộ táng cá voi ở làng biển Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam được cho là lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, khu mộ táng này cũng chỉ lưu giữ được hơn 500 ngôi mộ. Trong khi đó, làng chài Phước Hải đã từng lưu giữ hàng ngàn bộ hài cốt.

Ở Chile, người ta cũng từng phát hiện một quần thể xác cá voi hóa thạch được cho là lớn nhất thế giới với 75 bộ xương.

Ở Phước Hải - nơi từng an táng hàng ngàn xác cá voi, năm 2012 được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là "nghĩa địa cá ông lớn nhất Việt Nam".

Nông Huyền Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét