3 thg 6, 2014

Đường về Đông Giang

Từ gần một năm nay, trên bản đồ du lịch Quảng Nam của du khách và các doanh nghiệp lữ hành xuất hiện cái tên quen thuộc: Đông Giang! 

Mới và lạ

Xuất hiện chưa đầy 2 phút ngắn ngủi trong đoạn phim giới thiệu du lịch cộng đồng Việt Nam của tổ chức Liên hiệp quốc, 2 làng Bhơ Hôồng (Sông Kôn) và Đhrôồng (Tà Lu) đã nổi tiếng thế giới. Dù đưa vào hoạt động chưa lâu nhưng mô hình du lịch này bước đầu đã phát huy hiệu quả với việc đón hơn 500 lượt khách đến tham quan lưu trú, mang lại doanh thu cho làng gần 200 triệu đồng. Tuy vậy, du lịch Đông Giang không chỉ có Bhơ Hôồng và Đhrôồng mà còn sở hữu nhiều điểm đến độc đáo được du khách quan tâm như moong (nhà dài) của già làng Y Kông (xã Ba), một bảo tàng sống động lưu trữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu; là thác Adinh (P’Rao), thác Tơbhế (A Ting) hoang vu giữa rừng già với hơn chục thác nhỏ kéo dài nối tiếp nhau hàng trăm mét; đó còn là Hang Gợp (xã Ma Cooih), là lòng hồ thủy điện A Vương bốn mùa trong xanh…. Đặc biệt, không thể không nhắc đến rừng nguyên sinh Tây Tiên Bà Nà (xã Tư) nơi vẫn còn bảo lưu tốt không khí trong lành cùng thảm thực vật phong phú và nhiều chủng loại động thực vật quý hiếm, được đánh giá có tiềm năng không hề thua kém khu du lịch Bà Nà Núi Chúa (Đà Nẵng) kề bên. 

Hồ thủy điện A Vương đang ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách. 


Hình ảnh du khách nước ngoài đã không còn xa lạ với người dân thị trấn P’Rao vào những dịp cuối tuần. Thống kê từ Phòng VHTT huyện Đông Giang cho thấy, từ năm 2009 đến nay, lượng khách lưu trú tại Đông Giang đạt gần 4 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 2,5 nghìn lượt, tổng doanh thu gần 820 triệu đồng. Hiện tượng cháy phòng, thiếu phòng đã trở nên thường xuyên hơn tại các nhà nghỉ trên địa bàn thị trấn P’Rao vào những tháng mùa khô. Theo bà Nguyễn Hương Đào - Nhà nghỉ Hương Đào (thị trấn P’Rao), khách đặt phòng chủ yếu đi tour lẻ theo nhóm từ Đà Nẵng hoặc Hội An lên hoặc khách đi “phượt” dọc đường Trường Sơn đến Đông Giang nghỉ lại nên hiện tượng kín phòng tại các nhà nghỉ Đông Giang luôn thường xuyên diễn ra, nhất là vào những tháng trước và sau tết. Nguyên nhân khan hiếm phòng chủ yếu là số lượng phòng trên địa bàn khá thấp. Hiện toàn huyện chỉ có 10 cơ sở kinh doanh lưu trú, gồm 5 nhà nghỉ, 5 moong và một số nhà trọ bình dân, tổng số phòng nghỉ đạt chuẩn khoảng 45 phòng.

Triển vọng tương lai

Ngoài văn hóa đa dạng, phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ… một lợi thế nổi bật nhất của du lịch Đông Giang là hầu hết điểm đều nằm dọc trên quốc lộ 14G và đường mòn Hồ Chí Minh nên rất thuận lợi để kết nối tour tuyến tham quan. “Huyện đã thông qua đề án Phát triển du lịch Đông Giang đến năm 2020 nhằm đưa du lịch Đông Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần giải quyết việc làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương” - ông Bhiryu Long - Trưởng phòng VHTT huyện Đông Giang cho biết. Để làm được điều này, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng như xây dựng khu tham quan, hồ bơi, khoanh vùng không gian tái hiện truyền thống hái lượm săn bắn của người Cơ Tu tại làng Bhơ Hôồng hay xây dựng nâng cấp đường lên thác, máng trượt tại các thác Adinh, Tơbhế… thì việc đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, điểm vui chơi giải trí cũng đã được huyện lập kế hoạch kêu gọi đầu tư nhằm phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng số phòng đạt chuẩn lên 100 phòng cùng hệ thống các nhà hàng, điểm vui chơi giải trí phát triển đồng bộ... Ngoài ra, huyện cũng sẽ tập trung phát triển Tây Tiên Bà Nà thành điểm du lịch sinh thái với việc xây dựng hệ thống giao thông, nhà nghỉ, nhà hàng và các dịch vụ giải trí trên cơ sở phát triển khai thác các giá trị thiên nhiên, trekking, thể thao mạo hiểm nhằm tạo sự khác biệt với các địa phương khác…. Đặc biệt, thời gian tới sẽ quy hoạch xây dựng làng cổ truyền thống Cơ Tu với nhiều hạng mục mô hình đặc trưng bên trong, như gươl làng, moong cũng như trưng bày các hiện vật văn hóa vật thể và phi vật thể; phục hồi việc trồng các nguyên liệu phục vụ phát triển làng nghề … góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Đông Giang, thu hút khách tham quan. “Nếu hoàn thiện được các sản phẩm du lịch cũng như làm tốt công tác quảng bá liên kết tôi tin rằng mục tiêu thu hút 120 nghìn lượt khách đến Đông Giang vào năm 2020 sẽ trở thành hiện thực” - ông Long nói.

Bức tranh du lịch Đông Giang đang dần định danh với nhiều triển vọng khi các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến vùng đất này. Đây sẽ là tiền đề thuận lợi quảng bá hình ảnh du lịch Đông Giang ra bên ngoài, nhất là với thị trường Đà Nẵng. Khi đó quốc lộ 14G sẽ đóng vai trò cầu nối xâu chuỗi những tuyến điểm lại với nhau để hình thành lên con đường du lịch của tương lai xuyên qua các cung đường Trường Sơn huyền thoại kết nối không chỉ du lịch Đông Giang mà rộng hơn là các huyện lân cận nhằm mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới lạ về những giá trị văn hóa, lịch sử thiên nhiên của các huyện miền núi Quảng Nam trong những năm đến.

VĨNH LỘC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét