19 thg 6, 2014

Nghề khắc dấu Hà thành

Nghề khắc dấu gỗ tưởng chừng mai một theo thời gian nhưng nay đã mang những nét mới và trở thành món quà thủ công truyền thống. Dạo quanh một vòng phố Hàng Quạt, có thể thấy giữa nhịp sống hối hả và buôn bán tấp nập, hình ảnh những người ngồi cặm cụi chạm khắc trên thớ gỗ với những con dấu nhỏ nhiều hình thù khác nhau treo bên ngoài cửa hàng.

Trước kia dấu gỗ thường được những nhà nho học khắc dấu tên mình hoặc tên trường để đóng vào sách vở và có hình tròn hoặc hình chữ nhật, nhưng bây giờ dấu gỗ được khắc với nhiều hình thù khác nhau. Đó là dấu tên phố, dấu 12 con giáp, dấu dành cho tủ sách, chữ ký, dấu theo phong cách thư pháp rồi dấu khắc nón lá, thiếu nữ Việt Nam trong trang phục áo dài, tháp rùa, Khuê Văn Các và cả những mẫu tranh Đông Hồ nổi tiếng được thu nhỏ lại.

Chúng tôi ghé thăm cửa hàng nhỏ của anh Đinh Thiên Hùng ở 62 Hàng Quạt và được người thợ trẻ này chia sẻ: “Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ và chăm chú vì chỉ sơ ý một chút là dao sẽ đi lệch đường và sẽ khắc sai chữ ngay”. Nhìn anh Hùng tỉ mỉ khắc từng nét vẽ trên con dấu, đường nét uốn lượn với những hoa văn tinh tế có thể thấy sự lâu năm trong nghề của người thợ trẻ này.

Cửa hàng khắc dấu Phúc Lợi (Hàng Quạt) nơi thu hút khách nước ngoài tới khám phá nghề làm con dấu.


Một cửa hàng khắc dấu trên phố Tô Tịch, Hà Nội.

Khâu khắc dấu được người thợ thực hiện rất tỉ mỉ.

Khách đến đặt làm con dấu sẽ được giới thiệu các mẫu phác thảo trước khi khắc dấu.

Con dấu được ông đồ sử dụng như bút danh để in lên những câu đối của mình.

Con dấu bản to dùng in trên những sắc bùa, phục vụ các sinh hoạt tâm linh.

Những con dấu được khắc theo những hình thù vui nhộn phù hợp cho lứa tuổi thiếu nhi.

Một số con dấu thành phẩm người thợ đất Hà Thành làm ra.

Một con dấu thành phẩm hình gà trống trong bộ dấu 12 con giáp. 

Con dấu được bày bán trong cửa hàng anh Hùng được khắc khá đa dạng. Từ loại dấu nhỏ chỉ như ngón tay đến chiếc dấu to bằng cả nửa quyển vở. nội dung khắc trên dấu cũng phong phú hơn. Hầu hết các con dấu trên phố Hàng Quạt đều được làm bằng gỗ lồng mực, một loại gỗ mềm, ngang thớ mịn, dễ hút mực mà lại có thể dễ dàng tỉ mẩn khắc những đường nét thật thanh, thật nhỏ mà không sợ bị nứt, gãy. Con dấu được nhiều người mua sử dụng với mục đích khác nhau nên người khắc dấu phải sáng tạo ra nhiều nội dung, kích cỡ, mẫu mã khác nhau và cẩn thận trên bản vẽ phác thảo trên giấy. Vì thế mỗi mẫu dấu gỗ từ vài chục ngàn đến trên dưới vài trăm ngàn đồng tùy theo độ khó của nét khắc.

Chúng tôi đang dở câu chuyện ở cửa hàng anh Hùng thì gặp Tashima Eruko đến xem và tìm mua những con dấu nhỏ. Cô gái đến từ Nhật Bản này chia sẻ, cô rất thích những sản phẩm làm bằng tay của Việt Nam, tìm hiểu qua trên internet và biết về những con dấu ở Hàng Quạt nên muốn đặt mua tặng những người của mình mỗi người một chiếc khắc tên của từng người. Hứng thú khi được anh Hùng in thử con dấu đỏ thắm vào tay, Tashima Eruko hào hứng: "Tôi sẽ mua cái bùa gỗ này về để trang trí nhà mình vì tôi thấy nó rất đẹp".
 
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Tất Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét