29 thg 6, 2014

Kỳ bí Po Nagar

Đền Po Nagar tọa lạc trên đồi Cù Lao, bên bờ sông Cái, Nha Trang, Khánh Hòa, là địa điểm du lịch nổi tiếng không thể bỏ qua mỗi khi đến nơi đây.

Thế nhưng, ít người biết đây là ngôi đền có thời gian sử dụng lâu đời nhất Việt Nam (từ thế kỷ thứ VII đến nay) và ẩn chứa nhiều điều bí ẩn.

Được xây dựng cùng thời gian với những ngôi đền uy nghiêm ở thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam, thế nhưng thánh địa Mỹ Sơn đã hoang tàn, mục nát, riêng đền thờ Po Nagar vẫn giữ được nguyên trạng cùng với hệ thống tượng đá cổ lâu đời được bảo vệ, sử dụng cho đến này nay.

Tòa tháp được sử dụng lâu nhất

Theo nguồn tư liệu ghi trên những tấm bia ký còn lưu giữ về lịch sử của đền thờ Po Nagar thì Po Nagar là nữ vương của đất nước Chăm Pa, sống vào khoảng thế kỷ thứ VII, được sinh ra bởi gió trời và bọt biển. Bà đã có công giúp người dân trồng lúa, chống chọi thiên tai, vì thế, khi bà chết, người dân đã lập đền thờ bằng gỗ để thờ cúng, tưởng nhớ công ơn. Sau thế kỷ thứ VII, ngôi đền gỗ bị cướp bóc, tàn phá, sau đó được vua Chăm Pa cho xây lại bằng gạch với kiến trúc kỳ vĩ, to lớn tồn tại cho đến ngày nay. 

Khi nữ vương Po Nagar mất, người Chăm Pa đã xây dựng một ngôi đền bằng gỗ tại ngọn đồi nằm nép bên cửa biển Nha Trang để tưởng nhớ công ơn. Dẫn chứng lịch sử rõ ràng nhất nói về đền Po Nagar đó chính là những dòng bia ký do vua Satyavarman khắc năm 784. Bài ký trên tấm bia có 5 khổ với 18 dòng. Khổ thơ thứ nhất nói về một vị vua có tên là Vicitrasagara đã có công dựng một linh vật thờ thần Shiva có tên là Mukhalinga ở vùng Kauthara (nay là Nha Trang, Khánh Hòa). 

Đoạn hai của bài ký kể về sự việc, năm 774 ngôi đền bị phá, linga và những đồ vật quí bị kẻ cướp đem đi. Đoạn thứ ba nói về sự kiện vua Satyavarman truy đuổi bọn cướp. Khổ thứ tư kể về việc vua Satyavarman dựng lại đền thờ sau khi đánh đuổi quân cướp, đồng thời cho dựng một linga mới cùng với tượng nữ thần Bhavagati và thần đầu voi Ganesa. Khổ thơ cuối cùng tường thuật lại thời gian vua Satyavarman dựng đền, lập bia vào năm 784 (tức năm saka 706). 

Cận cảnh tháp bà Po Nagar. 

Nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh trong một công trình nghiên cứu về đền thờ độc đáo này đã cho rằng: Đây là công trình kiến trúc văn hóa được sử dụng trong thời gian rất dài (hơn 1.000 năm). Hình thành cùng thời với Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Thế nhưng, Thánh địa Mỹ Sơn đã bị hoang mục từ rất lâu, còn tháp bà Po Nagar thì được sử dụng liên tục từ thế kỷ thứ VIII cho đến tận ngày nay. Sự tiếp nối này ở một công trình kiến trúc, tôn giáo của hệ Bà La Môn giáo ở một vương quốc mà guồng quay lịch sử đã cuốn nó chìm quá nhanh vào dĩ vãng là điều vô cùng hiếm hoi. 

Sau khi vua Satyavarman khôi phục lại ngôi đền, những đời vua sau đó đã tiếp tục trùng tu và xây thêm những ngôi đền vệ tinh xung quanh ngôi đền chính thờ nữ vương Po Nagar, hình dạng, kiến trúc, không gian của ngôi đền được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, mặc dù mảnh đất này đã trầm mình qua những cuộc chiến kéo dài hàng thế kỷ. 

Tượng thần Ganesha mình người đầu voi. 

Những tượng đá bí ẩn 

Bên trong những tòa tháp kỳ vĩ trên đồi Cù Lao chứa đựng nhiều điều kỳ lạ khiến mỗi du khách khi đến đây không khỏi tò mò. Đó là những pho tượng mình người đầu voi, mình người đầu khỉ, linga, yoni... Những pho tượng này có sức cuốn hút kỳ lạ khiến cho các nhà nghiên cứu tốn rất nhiều công lao để tìm lời giải. 

Theo truyền thuyết thì pho tượng mình người đầu voi chính là thần Ganesha, con của thần Shiva và nữ thần Parvati. Parvati tạo ra Ganesha trong lúc thần Shiva đi săn. Khi trở về, Shiva không nhận ra Parvati vì bị cơ thể Ganesha che lấp, thần liền giận dữ tuốt gươm chém đứt đầu Ganesha. Lúc này, nữ thần Parvati đau khổ van xin Shiva lắp cho Ganesha một cái đầu mới để đứa con được sống lại. Chiều theo lời vợ, thần Shiva liền ra lệnh chặt đầu con vật nào mà thần nhìn thấy trước tiên để lắp vào đầu Ganesha. Ngay sau đó, một con voi bị chặt đầu để lắp vào đầu của Ganesha do thần đã nhìn thấy con vật này trước tiên, vì thế mà thần Ganesha có hình dạng mình người đầu voi.

Ngoài pho tượng đầu người mình voi, trong đền Po Nagar còn có một pho tượng khác là mình người đầu khỉ. Tượng này có tên là khỉ thần Hanuman. Theo lịch sử Ấn Độ giáo thì thần Hanuman có vị trí rất quan trọng với hình ảnh kỳ lạ là mình người đầu khỉ, trên tay luôn cầm một quả chùy. Thần là biểu tượng của sức mạnh, lòng dũng cảm. Trong cuộc chiến với các ác quỷ, thần Hanuman được coi là người phụng sự đắc lực, trung thành nhất với vua Rama (Rama là một vị vua anh hùng đã chiến đấu chống lại ác quỷ được kể trong sử thi Ramayana), chính vì thế mà trên một số tượng Hanuman người ta còn khắc cả hình tượng vua Rama và được người dân coi là hiện thân của vua Rama. Hiện người dân Ấn Độ vẫn thờ thần Hanuman để trừ khử tà ma, cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

"Ngoài những pho tượng ẩn chứa nhiều điều thần bí như khỉ thần Hanuman, thần Ganesha còn có pho tượng Po Nagar cổ. Điều đặc biệt là mỗi năm người dân tổ chức tắm tượng một lần vào dịp lễ hội đầu năm. Phong tục này có lẽ đã xuất hiện từ hơn 1.000 năm trước, thể hiện lòng thành kính và cầu mong nữ thần phù hộ cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc".
Ông Trần Văn Bình (Trưởng ban Quản lí Di tích Po Nagar) 

Văn Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét