24 thg 6, 2014

Cầu Mống Vĩnh Hội

Nửa thế kỷ trước, bà con thân thuộc của gia đình tôi chỉ có một người cư trú tại Sài Gòn, đó là cậu Hai. Nhà cậu ở đường Bến Vân Đồn, Vĩnh Hội, quận 4. Hồi đó sống ở Long Khánh, mỗi năm đến hè, đứa trẻ con là tôi được thưởng một chuyến "đi Sài Gòn chơi" là sướng lắm. Đi Sài Gòn, chỗ trú ngụ là nhà cậu Hai.

Vĩnh Hội nghèo, khác xa lắm với trung tâm Sài Gòn ở quận 1, chẳng có chỗ nào đi chơi. Chiều chiều, có khi tản bộ, tôi được cậu đưa tới một nơi có chiếc cầu đen thui ở gần nhà, gọi là cầu Mống. Cầu lạ, có vẻ cổ xưa, không hề giống với những chiếc cầu khác ở Sài Gòn. Có điều nó chẳng có gì đáng để thu hút một đứa nhỏ chưa tới 10 tuổi ham vui. Chỉ là một hình ảnh ghi lại trong ký ức.

Năm 1977, tôi vào đại học. Năm đầu tiên ở trọ bên nhà cậu Hai. Lại thỉnh thoảng gặp hình ảnh chiếc cầu đen thui lầm lũi. Hồi đó thông tin không nhiều như bây giờ, người lớn cũng chỉ gọi tên cầu là cầu Mống chứ chẳng nói gì thêm. Và một cậu thiếu niên 18 tuổi mới vào đại học cũng chẳng hề quan tâm đến chiếc cầu cổ xưa ấy làm gì. Chỉ là một lần nữa, hình ảnh này ghi lại trong ký ức.

Cầu Mống ngày xưa


Cầu Mống là một trong những cây cầu cổ xưa nhất còn sót lại ở Sài Gòn. Đây là loại cầu sắt thiết kế kiểu Pháp và do Pháp xây dựng nên đậm nét phương Tây. Thành cầu uốn cong, có những khoảng trống, sơn đen bắc qua kinh Tàu Hũ nối quận 1 và quận 4 (đất Khánh Hội xưa). Chân cầu phía quận 1 nằm chếch công viên Diên Hồng đối diện đường Công Lý (giờ là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Ngay sau công viên Diên Hồng là Hội trường Diên Hồng, tức trụ sở Thượng Nghị Viện VNCH. Chân cầu phía quận 4 nằm trên đường Bến Vân Đồn thuộc địa phận phường 12, quận 4.

Chân cầu Mống, tòa nhà trong hình là trụ sở Thượng nghị viện VNCH

Cầu Mống do công ty vận chuyển hàng hải Pháp Messageries Maritimes đầu tư và  công ty Levallois Perret (tức Eiffel cũ) thi công vào năm 1893-1894. Cầu 
dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành rộng 0,5 mét, xây bằng thép kiên cố. Hình dáng vòng cung của chiếc cầu giống cầu vồng nên người dân gọi tên là cầu Mống.


Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông - Tây và Đường hầm sông Sài Gòn, người ta đã gỡ bỏ cầu Mống để... bán sắt phế liệu. May thay, "phút 89" chiếc cầu được giữ lại. Sau khi công trình đại lộ Đông - Tây hoàn tất cầu Mống đã được lắp ghép lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật. Cầu được sơn lại màu xanh ngọc thay cho màu đen ban đầu, và từ đây cầu Mống trở thành một điểm thưởng ngoạn của dân Sài Gòn.


Cầu Mống hiện nay. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Sau hơn ba mươi năm, tôi có dịp về thăm cầu Mống. Chiếc cầu vẫn nằm ở vị trí cũ, hình dáng cũ, nhưng màu đen đã được thay bằng màu xanh ngọc tươi mát. Cầu Mống bây giờ là chiếc cầu chỉ dành cho đi bộ, xe lưu thông từ quận 1 qua quận 4 đã có cầu Khánh Hội (song song với Cầu Mống).


Ảnh: Phạm Tường Nhân

Đường xá đã rộng hơn, con rạch đã sạch hơn, nhiều cao ốc đã mọc lên. Một cách tổng quát: thành phố đã hiện đại hơn. Bất chấp những điều đó, một hình ảnh xa xưa từ lâu ẩn chìm trong ký ức bỗng hiện trở lại. Ngày xưa, ở Sài Gòn có một chiếc cầu, tên là cầu Mống Vĩnh Hội... Có một thằng bé, rồi có một cậu thiếu niên  ngẩn ngơ ngắm chiếc cầu.

Ảnh: Phạm Tường Nhân

Giới trẻ Sài Gòn bây giờ gọi cầu Mống là một trong 4 chiếc cầu Tình yêu, nơi để hẹn hò, dạo mát, chụp ảnh (3 chiếc cấu còn lại là cầu Ánh Sao, cầu Bình Lợi và cầu Thủ Thiêm). Riêng tôi, trong lần trở lại này, tôi có cảm giác cầu Mống là một chiếc gạch nối. Nối giữa Sài Gòn xa xưa và Sài Gòn bây giờ. Nối giữa Tôi - đứa trẻ và Tôi - ông già!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét