Xuyên thành Gia Định
“Đó là một trong những con đường xưa nhất của Sài
Gòn, của thành Gia Định. Lịch sử thành phố đã cuộn qua nó rất sôi động,
rất khốc liệt. Con đường này cũng không mấy thay đổi qua nhiều biến
động, nhiều thời kỳ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu gật đầu tâm đắc khi
nghe hỏi về trục đường Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Kỳ vọng Thiên Lý
Trong tấm bản đồ Sài Gòn năm 1815 so sánh với những con
đường hiện tại, hiện rõ mồn một đường Nguyễn Thị Minh Khai ở hai phía
của thành Gia Định hình bát giác (còn gọi là thành Quy) là trục đường đi
về phía bắc và phía tây. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài
Đức chép: “Năm Mậu Thìn Thế Tông thứ 11 (1748), quan điều khiển Nguyễn
Phúc Doãn cho chăng dây mà mở thẳng đường này, gặp ngòi suối thì bắc
cầu, chỗ bùn lầy xếp xây đắp đất. Từ cửa Cấn Chỉ của thành đến bến đò
Bình Đồng dài 17 dặm...
Năm Ất Hợi Gia Long 14 (1815), tổng trấn thành Gia Định
đo từ cửa Đoài Duyệt phía tây thành đắp đường đi đến tận nước Cao Miên
(Campuchia ngày nay), dài 439 dặm... Gọi là đường Thiên Lý, mặt đường
rộng 6 tầm, thực là đường bình an cho người, ngựa”.
Như vậy, tuổi của con đường này chỉ ít hơn thành Gia
Định có vài chục năm, “lối xưa xe ngựa” đến nay vẫn ngày càng nườm nượp.
Người xưa khi đắp đường, định chức năng quan lộ, gọi tên Thiên Lý chắc
cũng đã nuôi những kỳ vọng cho trăm năm.
Thời tiết, điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên
phong phú, nhân lực dồi dào, Gia Định - Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành
nơi tập trung giao thương lớn nhất miền Nam. Chợ Thị Nghè là một trong
những khu chợ hình thành sớm nhất thời bấy giờ. Ngày ấy rạch Thị Nghè
rộng, nước trong xanh “hây hây như tờ quyến trải” thông suốt ra dòng Bến
Nghé. Nhiều cụ bà người Sài Gòn hôm nay vẫn còn nhớ câu thơ cũ của Ngô
Nhân Tịnh: Phủ Gia Định, phủ Gia Định, nhà đủ người no chốn chốn/ Xứ Sài
Gòn, xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi.
Câu thơ cũ dường như viết chính về con đường Thiên Lý này vậy.
Lần lại lịch sử hình thành và phát triển của thành phố,
nhiều người Sài Gòn, kể cả nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng phải gật
đầu thú vị với những phát hiện về con đường này. Không chỉ có chợ, trên
đường còn có những nơi vui chơi giải trí, những tụ điểm văn hóa giáo
dục đầu tiên của Sài Gòn. Trước nhất là Sở thú được khởi công đầu tiên
từ tháng 3-1864.
Với diện tích trên 20ha, nhà thực vật học người Pháp
J.B. Louis Pierre đã sưu tập về đây hàng ngàn loài thực vật, chim thú
quý hiếm. Trải qua hàng trăm năm, bao nhiêu biến động của thời cuộc,
những cây gỗ quý trong Thảo cầm viên vẫn nấn từng vòng nhựa một để lớn
lên, chim thú từ khắp thế giới vẫn tụ về phục vụ nhu cầu của người dân
thành phố. Thật thú vị khi trong cuốn Việc từng ngày hai mươi năm qua
ghi chép từ năm 1945-1964, giữa những biến động lịch sử ngồn ngộn, tác
giả Đoàn Thêm vẫn cẩn trọng ghi: “Ngày 3-1-1962, từ giờ vào Sở thú phải
mua vé 2 đồng/người. Ngày 23-7-1963, cọp ở Thảo cầm viên sinh ba cọp
con”.
Đến năm 1869, đường Thiên Lý có tên là Chasseloup
Laubat và có thêm vườn Maurice Long (tên toàn quyền Đông Dương bấy giờ,
hiện là công viên Tao Đàn) được tách ra khỏi dinh toàn quyền, người dân
gọi là vườn Ông Thượng. Lập tức, vườn Ông Thượng trở thành một điểm hẹn
văn hóa của người dân thành phố, nơi cuộc đấu xảo đầu tiên diễn ra, năm
nào lễ giỗ Tổ Hùng Vương cũng được trang trọng tổ chức để những người di
dân xứ Bắc hướng về cội nguồn. Và vườn Ông Thượng sẽ còn là nơi lịch sử
thành phố ghi nhiều dấu son đáng nhớ.
Năm 1874, Trường Chasseloup Laubat (nay là THPT Lê Quý
Đôn), trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, nổi trống khai trường.
Ngoài con em của các quan Pháp, những học sinh xuất sắc nhất của đất Nam
kỳ cũng được tuyển chọn theo học. Sau mỗi kỳ thi, kết quả học tập của
từng người còn được đăng trên Gia Định Báo. Có lẽ chính vậy mà học sinh
VN nào cũng gắng để được nhận xét “Học tốt lắm”. Từ đây, nhiều học sinh
của trường sẽ ghi tên mình vào lịch sử trên nhiều lĩnh vực, kể cả làm
cách mạng chống chế độ thực dân, điều mà trường Tây không hề dạy họ:
Trần Văn Giàu, Phan Văn Hùm, Vương Hồng Sển...
Trăm năm đã đi qua, những cuộc dời đổi cũng đã đi qua,
nhưng Thảo cầm viên, công viên Tao Đàn, Trường THPT Lê Quý Đôn thì vẫn
đó, vẫn miệt mài làm chức năng từ ngày khai sinh của mình cho cả trăm
năm.
Cây cầu tình thương
Câu chuyện về cây cầu Thị Nghè bắt đầu rất thú vị từ
một tính cách rất đặc trưng của người Sài Gòn mà ai gặp rồi cũng sẽ nhớ
mãi. Các sách địa chí văn hóa Sài Gòn đều ghi lại về sự hào sảng của bà
Nguyễn Thị Khánh, con gái quan thống suất Nguyễn Cửu Vân. Từ thế kỷ 18,
thời chúa Nguyễn Phúc Chu, bà lấy chồng và cùng chồng đến sinh sống,
khai khẩn vùng đất ven sông Bình Trị. Chồng bà là một quan nghè làm thư
lại trong thành Gia Định, mỗi ngày đi về bốn lượt đều phải đợi đò để
băng qua con rạch. Thương chồng và thương dân làng vất vả, bà bỏ tiền
huy động dân công bắc cây cầu gỗ qua rạch. Từ ấy, cầu được gọi là cầu
Thị Nghè, con rạch cũng được dân thương mà gọi rạch Thị Nghè.
George Finlayson, một nhà ngoại giao, cũng là nhà khoa
học Anh đến Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 19, đã mô tả: “Nhà cửa rộng
lớn, thích hợp với phong thổ. Mái lợp ngói, cột điều mộc, vách thì trét
đất sét bên sườn tre rồi tô hồ lên. Nhiều nhà cao cẳng sàn bằng ván xếp
hàng dọc theo bờ kênh, bờ sông hay dọc theo đường cái quang đãng. Phố xá
ngay hàng thẳng lối hơn là ở nhiều kinh thành châu Âu”.
Bài Gia Định phong cảnh vịnh kể quang cảnh chợ Thị Nghè
thời ấy: Dưới sông tàu lửa đậu liền/ Từ đồn Giao Thủy sấp lên Bà Nghè/
Lưu thông các nước bộn bề/ Có tàu Đông Việt, có ghe Bắc kỳ/ Bán buôn vật
nọ hàng kia/ Lao xao thương khách xiết gì là đông/ Chiếc qua chiếc lại
đầy sông/ Mù mù khói tỏa, đùng đùng máy kêu...
Những câu chuyện về sự khởi đầu bao giờ cũng vui, nhưng
có chuyện vui ắt có chuyện buồn. Hơn 200 năm khốc liệt nhất của lịch sử
đi qua, con đường này, cây cầu này đã thấm mồ hôi, nước mắt của nhiều
thế hệ. Bắt đầu từ chính cây cầu Thị Nghè được bắc lên từ tình thương
yêu.
“Cha tôi, chú tôi đều đã có thời tuổi trẻ hào hùng ở
đây”, ngồi ở cửa hàng bán sáo trúc, đàn tranh của mình, ông Trần Thanh
Trung nhìn ra cây cầu Thị Nghè trước mặt mà nhớ những ngày ác liệt, khi
ông còn chưa ra đời...
Thị Nghè kháng chiến
Trong danh sách các cựu chiến binh của tổ 61, khu
phố 4, phường 19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM vẫn còn ghi chú rõ ràng dưới tên
ông Trần Văn Dũng: “Chiến sĩ mặt trận Thị Nghè 1945”, dù ông Dũng mất đã
gần chục năm.
Ông Trần Thanh Trung ngồi nhìn ra tấm bia tưởng niệm
đặt dưới chân cầu, nhắc: “Ba tôi tham gia Lực lượng Thanh niên tiền
phong, Thanh niên cứu quốc, tham gia Cách mạng Tháng Tám, rồi chiến đấu ở
mặt trận Thị Nghè này năm ông 17 tuổi”...
Bước chân của lịch sử thì đã bước trên cầu Thị Nghè từ trước đó rất lâu.
Dấu ấn vườn Ông Thượng
Sáng 16-2-1859, tàu Avalanche của Pháp đi vào rạch Thị
Nghè để thám thính thành Gia Định. Ngày hôm sau, sáu con tàu Pháp tiếp
tục tiến vào và tấn công. Sau những trái đại bác và đổ bộ, quân Pháp đã
tiến được vào cửa Bắc (cửa hướng ra rạch Thị Nghè). 10g sáng hôm ấy Gia
Định thành thất thủ. Sợ không giữ được tòa thành rộng lớn, thuốc nổ được
quân Pháp đặt để phá sập nhiều đoạn tường thành, các dinh thự, kho tàng
bị đốt. Tài liệu của người Pháp ghi lại: “Kho thóc thành Gia Định cháy
đến hơn hai năm mà khói vẫn còn nghi ngút...”.
Mất nước. Những đêm dài nô lệ bắt đầu.
Ông Dũng không còn để kể chuyện nhưng chắc hẳn nỗi đau xót Bến Nghé của tiền tan bọt nước/Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây
đã thấm vào trong ông từ lâu lắm, từ những ký ức của cha ông, từ tiếng
gót giày đinh lính Pháp gõ trên cầu Thị Nghè, vỏ gươm lính Nhật kéo lệt
sệt trên đường chợ mỗi ngày. Thấm vào và tươm ra để rồi những ngày tháng
8-1945 ấy, cậu con trai 17 tuổi hăng hái gia nhập lực lượng Thanh niên
tiền phong, cầm gậy tầm vông đi mittinh, đi cướp chính quyền và đi thẳng
vào cuộc kháng chiến.
Lý lịch của ông Dũng ghi ngày tham gia cách mạng là
19-8-1945. Ấy là ngày hơn 50.000 người dân Sài Gòn tham gia cuộc tuyên
thệ lần thứ hai của lực lượng Thanh niên tiền phong tại vườn Ông Thượng.
Những cây dầu, cây sao, cây gõ trong vườn và dọc hai bên đường Nguyễn
Thị Minh Khai hôm nay, Chasseloup Laubat hôm đó, đã rung lên cùng bài
diễn thuyết của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cùng hòa reo với tiếng ca “Này
thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi...” của những đoàn thanh niên
tiền phong, phụ nữ tiền phong và cả phụ lão tiền phong.
GS Trần Văn Giàu, người đã trưởng thành và học được
tinh thần “tự do, bình đẳng, bác ái” ở ngay ngôi trường Chasseloup
Laubat để rồi trở thành một người cộng sản, đã kể lại: “Nội dung tuyên
thệ hôm đó: “Thời cơ giành độc lập dân tộc đã đến, thanh niên hãy siết
chặt hàng ngũ sẵn sàng chiến đấu. Trung thành với Tổ quốc, với đồng bào.
Sẵn sàng hiến dâng đến giọt máu cuối cùng cho độc lập dân tộc”. Tất cả
thanh niên đều cùng quỳ xuống, tay nắm chặt giơ cao hô “Xin thề”. Sau đó
cuộc diễu hành bắt đầu từ đường Chasseloup Laubat tỏa ra các ngả...”.
Ở Thị Nghè hôm nay nhiều người còn nhớ tên Nguyễn Bân,
vốn là thủ lĩnh lực lượng phòng thủ thụ động do Pháp lập ra, những ngày
tháng tám ấy đã trở thành tráng trưởng của Lực lượng Thanh niên tiền
phong Thị Nghè. Từng đoàn thanh niên với đồng phục áo sơmi cộc tay
trắng, quần sậm, nón bàng xuất hiện với cuốc xẻng, tầm vông vạt nhọn
trên tay, nụ cười và những bài hát trên môi, xăng xái giúp đồng bào dọn
dẹp những đổ nát gây ra bởi cuộc giao tranh, luyện tập quân sự bảo vệ
xóm làng...
Thanh niên Tiền phong tuyên bố gia nhập Mặt trận Việt
Minh. Một tuần sau, chính quyền về tay những con người đã quyết chọn
“Độc lập hay là chết”.
Một tháng bên cầu Thị Nghè
Chính quyền non trẻ ra đời chưa đầy một tháng, súng đã
lại nổ. Lệnh tản cư để lại một Sài Gòn “không điện, không nước, không
lương thực, không người” được Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ban hành. Hàng
đoàn người đi khỏi thành phố qua những cây cầu, những con đường. Lửa
cháy đỏ rực bao quanh thành phố, cầu Thị Nghè được chọn làm Mặt trận số 1
mở đầu Nam bộ kháng chiến, quân Pháp bị nhốt lại trong nội thành, lực
lượng kháng chiến chiếm giữ khu vực ngoại ô.
Các nhà báo Sài Gòn thời bấy giờ như Trần Tấn Quốc,
Nguyễn Kỳ Nam đã ghi nhận lại: “Sài Gòn, thành phố chết! Hòn ngọc Viễn
Đông đã biến thành một cảnh hoang vu, không một chút nào hoạt động.
Người Việt đàn ông, đàn bà, già trẻ đã ra khỏi châu thành. Xe cộ đã
ngừng hẳn, không một ai ra đường”...
Dưới chân cầu Thị Nghè hiện giờ, một tấm bia lớn ghi
nhớ: “Tại cầu này ngay từ sáng sớm 23-9-1945, quân và dân Thị Nghè cùng
nhân dân thành phố vũ trang bằng vũ khí thô sơ, đã lập mặt trận cầu Thị
Nghè chặn đứng quân Pháp gần hàng tháng trời không cho nống ra ngoại
thành thành phố...”.
Ở Nhà bảo tàng quận Bình Thạnh, sa bàn tái hiện cảnh
phòng tuyến được giăng ra bằng cây to, bụi rậm, bàn ghế, giường tủ, xe
bò, xe kéo, quầy hàng. “Cha tôi kể ngoài chợ, trong nhà có gì thì dân
đều đem ra để làm chướng ngại vật”, ông Trung nói. Đội quân ở Mặt trận
số 1 này được lịch sử gọi tên là bộ đội Nguyễn Bân. Điểm chỉ huy của ông
Nguyễn Bân đóng tại đình Cầu Sơn, mặt trận là chân cầu, mặt cầu Thị
Nghè với những chàng trai tuổi 17 như ông Dũng, vũ khí chỉ có vài khẩu
súng, còn lại là mã tấu, dao găm. Cứ như thế mà những trận chiến đã diễn
ra lúc ác liệt, lúc giằng co suốt gần một tháng. Cho đến ngày 18-10,
quân Pháp tập trung mọi lực lượng trên mặt cầu, đạn pháo ác liệt, cán
cân quá chênh lệch, quân kháng chiến mới tạm rút lui.
Từ những hăng hái tuổi trẻ ban đầu, ông Dũng cùng em
trai, chị gái đã dấn thân vào cuộc kháng chiến từ cầu Thị Nghè. Ba lần
bị bắt vào các năm 1947, 1948, 1949, ông lần lượt kinh qua đủ các nhà
lao Catinat, Phú Lâm, Chí Hòa, Biên Hòa cho đến ngày tập kết ra Bắc. Chị
gái Trần Thị Lát và em trai Trần Văn Tề của ông lần lượt hi sinh trong
những trận đánh du kích ở khu vực Thị Nghè năm 1949, 1950, mãi mãi nằm
lại lòng đất mẹ. Hòa bình, trở về Nam ông Dũng lại đưa gia đình quay về
cầu Thị Nghè, sắm một căn nhà nhỏ, ngày ngày nhìn ra tấm bia tưởng niệm.
Thị Nghè, cái tên ấy còn vang dội một lần nữa trong
những ngày đầu kháng chiến. Ấy là đêm 8-4-1946, một sĩ quan Nhật đã đầu
hàng Việt Minh dẫn đường cho hai cảm tử quân lội qua sông Thị Nghè chui
vào một miệng cống lớn. Miệng cống này dẫn thẳng vào kho đạn của Pháp
đặt cạnh Sở thú. Thuốc súng, chất dẫn cháy, dây tim được cài đặt vào một
hầm chứa đạn và một mồi lửa được đốt lên. Một tiếng nổ dẫn theo nhiều
tiếng nổ khác, các hầm đạn liên tiếp cháy, nổ, vang động cả một vùng
suốt mấy ngày đêm cho đến ngày 12-4 mới dứt. Hai chiến sĩ cảm tử là công
nhân Nhà đèn Chợ Quán đã không kịp rút ra vì gặp con nước lớn, tiếng nổ
đầu tiên vang lên cũng chính là lúc họ hi sinh. Sau này người ta chỉ
biết hai anh tên là Kỷ và Nỉ.
Gần 30 năm sau kể từ ngày ấy, nhân dân Thị Nghè mới lại
có dịp cờ hoa tưng bừng đón đoàn xe tăng vào thành phố, thống nhất đất
nước. Trong 30 năm ấy, những dấu ấn của con đường Thiên Lý - Chasseloup
Laubat - Hồng Thập Tự - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai là rất
dài. Dài như lịch sử.
Ký ức Huỳnh Tấn Mẫm
TT - “Ôi, làm sao kể hết những kỷ niệm trên đường này,
cả một thời tuổi trẻ mà...”, gương mặt bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm như trẻ lại
khi nghe nhắc tên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Ngày ấy đường có tên là Hồng Thập Tự, đoạn từ vườn Tao
Đàn qua Tổng hội sinh viên (nay là Nhà văn hóa Thanh niên), đến khu “tam
giác sắt” của sinh viên ngã tư đường Cường Để (nay là Đinh Tiên Hoàng),
đến Sở thú đã in những dấu chân sôi nổi của chàng trai Huỳnh Tấn Mẫm,
chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn một thời.
Đã qua tuổi thanh niên nhưng nhiệt huyết vẫn cháy trong con người bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm - Ảnh: Nguyễn Á
Sống
“Chúng tôi lớn lên trong thời chiến, bom rơi đạn nổ
trên quê hương. Không thể ngồi yên được. Bao nhiêu phong trào chờ mình,
nào đòi hòa bình, chống sự can thiệp của Mỹ, chống quân sự hóa học
đường, đòi thả tù chính trị, ủng hộ chính phủ liên hiệp hòa giải dân
tộc, ủng hộ tổng tuyển cử thống nhất đất nước... Từ Trường Y khoa ra
Hùng Vương, thẳng xuống đường Hồng Thập Tự đến Tổng hội sinh viên, đến
khu Văn khoa, Nông lâm súc là con đường mà tôi và các bạn sinh viên
ngược xuôi hằng ngày. Vui với nhau ở đó, gắn bó sinh tử với nhau cũng
trên con đường đó.
Đường thẳng, nhiều ngã rẽ ra các địa điểm quan trọng
nên luôn được ưu tiên hàng đầu trong lúc thiết lập lộ trình của các đoàn
biểu tình. Trên đường lại có nhiều điểm hẹn thích hợp với giới sinh
viên, học sinh. Cứ kéo từng nhóm vào vườn Tao Đàn hay Sở thú như picnic,
học nhóm, tập kỹ năng, đến giờ hẹn thì tập trung lại là hình thành ngay
một đám đông. Nhớ nhất là lần chúng tôi tổ chức Đại hội sinh viên quốc
tế lần 1...”.
Ấy là ngày 11-7-1970. Mẫm vừa ra tù sau lần đầu tiên bị
bắt. Trở lại với phong trào, anh nhận được hàng loạt thư của các tổ
chức quốc tế mời đến nói chuyện về cuộc tranh đấu của sinh viên Sài Gòn.
Nhưng Mẫm không thể được cấp passport và visa. Không chịu thua, các chủ
tịch tổng hội sinh viên Mỹ, Úc, Bỉ, New Zealand, Hà Lan hẹn nhau cùng
bay đến Tân Sơn Nhất. Tổng hội sinh viên Sài Gòn tổ chức đón tiếp lịch
lãm ở khách sạn Continental. Kế hoạch tổ chức Đại hội sinh viên quốc tế
lần 1 được thông qua ngay trong bữa ăn trưa.
Sáng hôm sau, tại Trung tâm quốc gia nông nghiệp, góc
đường Cường Để - Hồng Thập Tự, hơn 5.000 sinh viên và đồng bào các giới
tề tựu, nắm tay nhau hát vang. Bài phát biểu của đại diện sinh viên các
nước đòi hòa bình cho Việt Nam được hoan nghênh nhiệt liệt. Dòng người
đổ ra đường trong nhịp “Dậy mà đi! Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi...”, dẫn
đầu là cánh chim bồ câu khổng lồ kết bằng bông vải của các nữ sinh Văn
khoa...
“Chúng tôi chia làm hai đoàn để phân tán lực lượng cảnh
sát đã được huy động đến vây kín: một rẽ đường Thống Nhất (giờ là Lê
Duẩn), một rẽ Hồng Thập Tự, điểm hẹn là Tòa đại sứ Mỹ. Đường Thống Nhất
không có nhà dân nên nhánh bên đó bị đàn áp dữ dội, nhiều bạn phải nhảy
qua hàng rào Trường Dược để thoát thân. Còn phía đường Hồng Thập Tự, bà
con ở đây đã quen với các cuộc biểu tình của sinh viên lắm. Các ba má,
các chị tiếp nước, chanh để chống lựu đạn cay, mấy cái bảng hiệu được
chuyền vào để đỡ phi tiễn, dùi cui, các cánh cửa nhà đều mở sẵn, các con
hẻm đều có người đứng đón để sinh viên chạy vào khi cần thiết...
Người dân trên đường Hồng Thập Tự quả là có nhiều kinh
nghiệm với các cuộc mittinh, biểu tình, tuần hành này. Trên con đường
này, cuộc bãi khóa đầu tiên của 500 học sinh Sài Gòn đã diễn ra tại
Trường Chasseloup Laubat năm 1920 để ủng hộ cuộc bãi công đòi cải thiện
đời sống của các thủy thủ Pháp ở Ba Son. Báo L’Impartial lúc ấy cảnh báo
đó là một tai họa lớn với nhà cầm quyền đương thời, và kêu gọi “phải có
biện pháp chấm dứt cái dịch bônsêvich, đã phát sinh từ Chasseloup
Laubat và đang tiếp tục lan truyền”. Lời tiên đoán này quả đúng với
hướng đi của lịch sử.
Sau đó là cuộc xuống đường vĩ đại của cả thành phố
trong lễ tang cụ Phan Chu Trinh, những cuộc mittinh chớp nhoáng theo
chân các diễn giả nổi tiếng Nguyễn An Ninh, Trần Văn Giàu... Báo chí Sài
Gòn những ngày tháng 8-1964 theo dõi rất sát sự kiện sinh viên họp ở
tổng hội, kéo đến phủ thủ tướng phản đối hiến chương mới của chính phủ
Nguyễn Khánh. Khi có báo đăng sai lệch về cuộc gặp này, cuộc biểu tình
rầm rộ đã được tổ chức từ Trường J.J.Rousseau (tức Trường Chasseloup
Laubat, nay là Lê Quý Đôn) kéo đến Bộ thông tin đòi đính chính...
Có một dạo cảnh sát vào chiếm mất trụ sở Tổng hội sinh
viên Sài Gòn, thế là trụ sở lại “mọc chân” để chạy theo người, ban chấp
hành ở đâu trụ sở ở đấy: suốt dọc đường Hồng Thập Tự, lúc Tao đàn, khi
Sở thú, khi vào Trường Nông lâm súc, Văn khoa. Đặc biệt hơn, dạo 1971
trong phong trào chống bầu cử độc diễn của Nguyễn Văn Thiệu, dựa vào sự
cạnh tranh giữa các thế lực, tôi tạm lánh mấy tháng trong dinh Hoa Lan
của tướng Dương Văn Minh. Giấy tờ, văn bản tuyên truyền của tổng hội
được đưa vào cho tôi ký rồi lại đi ra từ cửa Hồng Thập Tự, ngay trước
mắt bao nhiêu an ninh chìm nổi”.
Cháy
Đường Hồng Thập Tự còn là nơi khởi động chiến dịch đốt xe Mỹ.
Trước đó, thỉnh thoảng trong các cao trào đấu tranh
cũng có xe Mỹ bị đốt. Nhưng vào tháng 12-1970, các báo Sài Gòn đăng câu
chuyện về em học sinh Nguyễn Văn Minh ở Quy Nhơn bị hai lính Mỹ bắn chết
ngay trước cổng trường trong trò chơi bắn người uống bia, tấm ảnh thi
thể em nằm vắt ngang, gục trên hàng rào kẽm gai gây những chấn động mạnh
trong cảm xúc của chúng tôi.
Sự kiện này nối theo những vụ giết hại dân thường như
thảm sát Sơn Mỹ. Ủy ban đòi quyền sống đồng bào của tổng hội liền phát
động phong trào đốt xe Mỹ để bày tỏ sự phẫn uất. Rất nhiều nhóm hành
động mang tên Sao băng, Sao chổi, Sao xẹt... đã được lập. Chiếc xe đầu
tiên bị đốt để mở đầu chiến dịch ở ngã tư Hồng Thập Tự - Cường Để.
Địa điểm này được chọn vì trên đường này xe Mỹ đi lại
nườm nượp về Tòa đại sứ Mỹ, lại chính là “khu tam giác sắt” của sinh
viên. Mấy cô nữ sinh băng ngang đường khiến xe phải chậm lại, một cậu
sinh viên từ trong lề đường nhanh nhẹn chạy ra, tay mở nắp bình xăng xe,
tay vứt chai xăng chuẩn bị sẵn, bật lửa, giật chìa khóa. Như một trò
chơi nhưng lòng dũng cảm là tiên quyết giữa vòng vây cảnh sát, mật vụ
giăng đầy. Chiếc xe bốc cháy...
Trong vòng hai tháng, mấy trăm chiếc xe Mỹ đã bốc cháy.
Sinh viên còn tổ chức đốt xe Mỹ trước ống kính máy ảnh, quay phim của
các hãng tin nước ngoài. Tinh thần và hành động phản chiến dữ dội của
sinh viên Sài Gòn được truyền đi khắp thế giới, tranh thủ được sự ủng hộ
của nhân dân các nước. Nhiều xe nước ngoài sau đó đã vẽ dấu hiệu phản
chiến là khẩu M16 bị bẻ gãy, ghi dòng chữ “Xe dân sự, xin đừng đốt”
trước mũi xe...
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, Huỳnh Tấn
Mẫm là cái tên đầu tiên trong danh sách tù chính trị được chính quyền
Dương Văn Minh trả tự do. Tự do đến vào ngày 29-4-1975, Mẫm được đưa từ
La Gi, Bình Thuận qua nhiều điểm giam giữ và được thả gần Sở thú. Ra
khỏi xe tù, hình ảnh đầu tiên Mẫm gặp lại là hàng cây dầu trên đường
Hồng Thập Tự...
Đan xen xưa và nay
“Ô, con đường khác hẳn ngày xưa”, “Đâu có, nó vẫn
như thế”, “Khác thì có khác, cũ thì vẫn cũ”, chúng tôi thu được rất
nhiều ý kiến khi hỏi những người Sài Gòn về con đường Nguyễn Thị Minh
Khai và bất kỳ con đường nào khác cũng vậy. Cũ và mới, biến và bất biến
cứ đan xen nhau trên đường và thấm đẫm tình yêu của những người Sài Gòn
cũ và mới.
Trên một tà áo
“Ngày thống nhất, tôi được phân công vào ban quân quản
khu vực Thị Nghè này và từ đó trở thành dân Thị Nghè luôn” - ông Dương
Ngọc Xinh, nguyên chủ tịch phường 18, 20, quận Bình Thạnh, kể. Ngày
30-4-1975, những ống kính máy ảnh đã ghi lại được gương mặt hân hoan của
hàng ngàn người dân Hàng Xanh - Thị Nghè đổ ra hai bên đường phất cờ,
vẫy hoa chào mừng quân giải phóng. Nhưng bên trong những cánh cửa nhà,
sâu phía trong những con hẻm nhỏ, cũng có hàng ngàn người hoang mang, lo
lắng, tìm lối bỏ đi.
“Ban tiếp quản chúng tôi ngay lập tức đã tổ chức họp
dân ở sân nhà thờ Thị Nghè để giải thích đường lối của chính quyền mới,
trấn an những người có làm việc cho chế độ cũ. Bà con ở Thị Nghè phần
lớn là người lao động sẵn có tình cảm với cách mạng nên mọi việc cũng
khá dễ dàng”. Người dân đã chỉ cho chính quyền cách mạng biết khu nhà bí
mật của ty chiêu hồi phía sau chợ Thị Nghè. Lính đã chạy hết và cuộc
kiểm tra đã cứu được 18 người vẫn còn bị nhốt, bỏ đói khát tận dưới hầm,
không biết ngày thống nhất đã đến. “Khó khăn hơn là những cuộc vận động
sau đó, như là vận động dân đi xây dựng kinh tế mới, vận động bỏ nhà ổ
chuột ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè...”, ông Xinh trầm ngâm nhắc.
Thời gian như được kéo về hàng chục năm, những ngày chợ
Thị Nghè lèo tèo người bán kẻ mua, tiệm may áo dài của bà Nguyễn Thị Tư
dưới chân cầu tưởng như phải đóng cửa vì cả năm không có người đặt
hàng, hai bên bờ kênh nhà ổ chuột mọc mỗi ngày mỗi nhiều... Con rạch Thị
Nghè những ngày xưa là chứng nhân lịch sử khi thành Gia Định bị phóng
hỏa, khi những người yêu nước giành được độc lập rồi lại phải cắn răng
nhìn con phố, dòng kênh bị trao vào tay kẻ khác. Rồi rạch Thị Nghè lại
là minh chứng cho những giai đoạn phát triển thành phố: xấu xí, nhếch
nhác trong những năm tháng khó khăn nhất và lại bắt đầu hồi sinh khi
thành phố chuyển mình.
“Cuối cùng rồi cũng qua”, ông Xinh thở phào, bà Tư thở
phào nhìn ra rạch Thị Nghè đã trở lại thoáng đãng, những khu chung cư
cao vút đã thay cho khu nhà ổ chuột, đường Hoàng Sa - Trường Sa hai bên
bờ kênh cây đã lên xanh. “Chúng tôi chỉ còn sốt ruột chờ xem kết quả của
công trình lắp đặt cống thoát nước, cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Không biết bao giờ nước sẽ lại trong đầy như ngày xưa”, bà Tư buông tấm
vải lụa, nhìn mông lung ra con kênh trước nhà.
Sinh ra ở Cần Thơ, bà thành cư dân Sài Gòn từ năm 17
tuổi, đến nay đã ngót nghét 60 năm. Hôm nay, tiệm may áo dài nhỏ của bà
đã lại tấp nập, hai mẹ con luôn tay mà vẫn có khi phải hẹn khách tới hơn
một tháng để giao áo. “Sài Gòn nay nóng hơn xưa, vải vóc nay đa dạng,
đẹp hơn rất nhiều nhưng khách vẫn than mặc áo dài giờ khó khăn vì trời
nóng quá”, bà Tư thở ra.
Bà mỉm cười kể khi xưa, ra đường, trong những tà áo
phất phới thướt tha bay dọc phố, thỉnh thoảng bà được thấy một tà áo do
tay mình chăm chút may cắt. “Giờ thì không bao giờ thấy nữa. Một là vì
đường phố đông quá, không dám ra ngoài nhiều. Hai là nay các cô chỉ còn
mặc áo dài trong phòng máy lạnh”. Khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn của bà
thoáng chốc bâng khuâng. Chợt như nghe câu hát “Nắng Sài Gòn anh đi mà
chợt mát” văng vẳng đâu đây.
Cuồn cuộn và an nhiên
Còn có thể gặp nhiều những khuôn mặt bâng khuâng như
thế khi dạo đến đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai. Dọc phố, những tòa cao
ốc mới đang nối nhau mọc lên, một số đoạn lề đường ngổn ngang vật liệu
xây dựng. Thỉnh thoảng lại có một người ngơ ngác, bâng khuâng dạo tới
tìm lui dọc lề đường, tiếc nuối như đi tìm một kỷ niệm. Nơi đây vốn là
phố sách cũ nổi tiếng một thời. Đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn
Thị Minh Khai này thường được nhắc đến với những tiệm sách cũ chật chội
có những chồng sách cao ngất ố màu thời gian, những người bán hàng thuộc
nằm lòng tên sách, tác giả, nhà xuất bản và luôn tìm được đúng cuốn
sách khách cần giữa ngồn ngộn hàng ngàn cuốn khác.
Bao nhiêu người đã sưu tầm được sách quý, thủ bút hiếm
hoi của tác giả ở đây. Những tiệm sách ấy đã dọn đi hầu hết sang những
con phố khác, nhường chỗ lại cho các cao ốc văn phòng, các showroom sáng
bừng lộng lẫy. Trong tiệm sách cũ duy nhất còn lại, sách thật sự cũ
cũng không còn được bao nhiêu. Phố sách cũ vang bóng một thời đã thật sự
biến mất.
Nhưng đoạn đường này lại vẫn cứ là phố sách, bởi người
Sài Gòn vẫn đi tìm sách giữa những cơn lốc thông tin trên mạng toàn cầu.
Những tiệm sách sáng đẹp, ngăn nắp, bán hàng linh động ở đầu đường
Nguyễn Thị Minh Khai lại trở thành một điểm hẹn mới của những người
thích đọc sách. Đến đây, giữa không khí nhộn nhịp của khách hàng đủ mọi
lứa tuổi, hẳn các nhà giáo dục cũng sẽ vơi đi phần nào nỗi lo giới trẻ
ngày nay không đọc sách.
Đi dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai như nhìn thấy cả Sài
Gòn. Quán cà phê cóc đầu hẻm vẫn tấp nập khách sát cạnh cà phê máy lạnh
sang trọng, những chị phụ nữ người Quảng cần mẫn quạt than nướng những
món bánh ăn vặt ở công viên Tao Đàn, có khi gánh hàng lại yên vị ngay
bên hông một tòa cao ốc lộng lẫy, những sinh hoạt ồn ã của thanh niên và
góc tĩnh lặng của viện dưỡng lão... Sài Gòn rộng mở, bao dung, bình
đẳng. Sài Gòn cuồn cuộn phát triển, đổi mới. Sài Gòn cũng yên ả, thầm
lặng giữ những giá trị bất biến. Người yêu Sài Gòn là yêu nhịp cuồn cuộn
mỗi ngày mỗi mới đó và càng yêu những an nhiên miên viễn đó.
Và ở một góc đường Nguyễn Thị Minh Khai, nơi gần trăm
năm trước một bảo sanh viện được người Sài Gòn hiến tiền hiến đất mà lập
ra, và nay là Bệnh viện phụ sản Từ Dũ nổi tiếng toàn quốc, hằng ngày
hằng đêm vẫn đón những cư dân mới của Sài Gòn - TP.HCM, những cư dân sẽ
viết tiếp những câu chuyện trên đường Thiên Lý.
Đường Thiên Lý sẽ tiếp tục ghi dấu những bàn chân đi qua.
PHẠM VŨ
Tuổi trẻ Online (31/8 - 4/9/2011)
Rời nội thành TPHCM, con đường thiên lý này lại nối tiếp thành Quốc lộ 13, dài mãi tới tận tỉnh Bình Phước.
Tuổi trẻ Online (31/8 - 4/9/2011)
Rời nội thành TPHCM, con đường thiên lý này lại nối tiếp thành Quốc lộ 13, dài mãi tới tận tỉnh Bình Phước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét