Cứ
đến dịp Tết nguyên đán, miếu Ông Cọp lại được bà con trong vùng dọn
dẹp, sửa soạn, quét vôi mới sáng đẹp bằng tất cả tâm ý. Những ngày Xuân,
lúc nào miếu cũng ấm áp bởi hương trầm khói quyện. Và, dù có đi đâu xa,
chân trời góc bể, khi nhắc về miếu Ông Cọp hầu như người Hội An xa xứ
nào cũng nhớ.
Miếu ông Cọp Hội An xuân Canh Dần
Đó
là một ngôi miếu nhỏ tọa lạc ở Tổ 3, Khối Xuân Mỹ, Phường Tân An, TP.
Hội An. Xa xưa, Hội An có 13 ấp, mỗi ấp đều có một đình làng thờ Thành
hoàng và các vị thần bảo trợ cho làng. Miếu Ông Cọp được dân làng đóng
góp dựng nên từ đầu Thế kỷ 17 và Xuân Thu nhị kỳ đều cúng vọng trang
nghiêm. Năm 2007, chính quyền TP. Hội An đầu tư kinh phí trùng tu nên
hiện nay, miếu khá khang trang, vững chãi.
Gọi
là Miếu Ông Cọp vì có truyền thuyết cho rằng: Ngày xưa, ấp Xuân Mỹ nằm
trong vùng đất lâm sa xứ (đất cát và rừng). Ngày nọ, có một con cọp bị
thương từ đâu chạy đến Xuân Mỹ ẩn nấp và tự điều trị vết thương. Sau, do
vết thương quá nặng, cọp chết. Dân trong làng bèn xây miếu thờ nên gọi
miếu Ông Cọp.
Tuy
nhiên, nhiều người cũng cho rằng: Gọi là miếu Ông Cọp vì tấm bình phong
trước miếu có đắp nổi hình con Cọp đang giương nanh, diễu võ thể hiện
sức mạnh của Chúa Sơn lâm. Chính từ hình tượng Cọp mà gọi thành tên.
Cách
lý giải này tuy đơn giản nhưng thuyết phục vì, cũng như người Việt ở
các nơi, người Hội An quen đặt tên công trình công cộng gắn với người,
vật ở nơi đó. Ví dụ: Giếng Bá Lễ vì giếng nằm sau nhà bà Bá Lễ (phường
Minh An), miếu ông Điều vì nằm ở vườn ông Điều (xã Cẩm Thanh), chợ bà Lê
vì chợ họp ở cạnh nhà bà Lê (phường Cẩm Châu) và cái chợ nhỏ nằm cạnh
miếu này cũng gọi là chợ Ông Cọp.
Miếu
chia làm 3 gian. Gian giữa thờ thành hoàng và các bị bảo trợ cho làng.
Hai gian bên thờ tiền vãng, hậu vãng (các bậc tiền, hậu hiền). Miếu nằm
giữa khu dân cư, không có bất cứ hoạt động gì liên quan đến mê tín dị
đoan nhưng theo người dân thì miếu linh lắm. Hằng ngày, người buôn bán
đều đến thắp hương cầu cho mua mau bán đắt. Có ai tranh cãi lại cùng dắt
nhau đến trước miếu nhờ chứng giám, phân định. Những kẻ hung dữ mỗi khi
đi qua miếu cũng e dè, lo sợ mà tự điều chỉnh mình.
Bức bình phong với hình ông Cọp đắp tạc từ những ngày xa xưa
Các
lão niên đứng chủ tế ở miếu Ông Cọp như cụ Trần Thái Châu, Đỗ Chơi cho
biết ngày trước, dân địa phương đóng góp cúng Xuân Thu nhị kỳ mỗi năm
nhưng sau này chỉ cúng vào dịp tế Xuân cầu an, ngày 18 tháng Giêng. Vùng
dân cư ở miếu Ông Cọp, nổi bật một nét ứng xử rất văn hóa. Cứ dịp tế
Xuân, khi cờ xí tung bay, chiêng trống nổi lên, nhân dân lại tự nguyện
tìm đến góp kinh phí cho chi phí cúng miếu do các lão niên đặt ngay tại
miếu, Ban tổ chức không phải mang sổ đến từng nhà kêu gọi, vận động.
Ông
Ngô Đa Tư, đã vào độ tuổi lục tuần, từ bao đời vẫn sống ở Xuân Mỹ, vẫn
tham gia vào Ban tế lễ của làng, vui chuyện: “Khi xưa, lúc tôi chừng 10
tuổi, tại miếu còn có cúng cô hồn, xá tội vong nhân vào tháng 7 âm lịch
và thường tổ chức xô cộ rộn ràng. Nhưng ấn tượng nhất là sau khi cúng
làng thường tổ chức tục rước Long Chu, mà là Long Chu chạy.
Ông
mô tả: từ miếu Ông Cọp, Long Chu được các thanh niên trong làng vác
chạy quanh xóm. Lúc Long Chu chạy quanh xóm cũng là lúc các nhà có con
khó nuôi cầm roi dâu quất vào các góc khuất, ý là để trừ tà ma, ôn
hoàng, dịch lệ rồi chờ khi Long Chu chạy qua sẽ ném cây roi vào đó. Điểm
đích là ao làng. Nơi đó, Long Chu được thả xuống và đốt cháy, tống tiễn
tà ma, ôn hoàng về chín suối.
"Trước
khi Long Chu bị đốt, đám trẻ con như tôi nhanh chân chạy đến vặt một
chiếc râu hay một chút vảy Long Chu mang về cho mẹ. Mẹ may chiếc túi
nhỏ, bỏ râu Long Chu vào đó làm bùa cho trẻ con đeo trước ngực để tà ma
sợ không dám đến gần làm cho trẻ con đau ốm. Ngày nay, không còn tục này
nhưng trong tế lễ, các vị cao niên luôn khấn cầu cho Quốc thái dân an,
xóm làng bình yên vô sự, kinh tế nhà nhà phát triển, đời sống ấm no hạnh
phúc”, ông Tư kể.
Xuân Canh Dần, năm Cọp này, miếu Ông Cọp Hội An càng được chăm chút kỹ hơn.
HOÀNG DUY
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét