22 thg 1, 2013

Làng dân ca



Có một làng dân ca bên bờ dòng Hiền Lương hiền hoà, một vùng quê mà tiếng hát đã trở thành một vũ khí trong chiến tranh, làm nên thương hiệu của làng Tùng, làng dân ca hôm nay, trù phú và bình yên.

Làng Tùng thuộc xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngày xưa nơi đây là vùng đất lau lách rậm rạp. Một số quan dân ở đàng Ngoài đã vào đây trú ngụ và lập nghiệp. Đầu tiên phải kể đến ông Lê Quý Công, người xứ Thanh, thấy vùng đất này sát với biển, đường bộ và đường thủy đều thuận tiện nên ở lại. Một số người khác cũng lấy làm chốn dừng chân. Dần dần trở thành một làng chài, làm ăn lương thiện, lấy cái tình nghĩa, cái đức ở đời làm trọng.

Làng sống bằng nghề sông nước, nên có lễ hội Cầu ngư (cầu mùa) và lễ Đưa tang cá Ông, là những lễ hội dân gian đặc sắc, được người dân rất chú ý và tổ chức hàng năm rất trọng thể. Rằm tháng Hai là lễ hội Cầu ngư. Bà con tụ tập đông đúc. Thuyền bè lớn nhỏ đều treo cờ quạt, đèn lồng rực rỡ. Vị tiên chỉ sẽ làm lễ cúng bái tại đình Trung, sau đó tất cả thuyền bè kéo về miếu Cố thờ cá Ông để làm lễ bái tạ. Lễ bái tạ xong xuôi, họ về cửa Tùng làm lễ xin keo. Chiêng trống nổi lên liên hồi giục giã. Họ thả hoa, quả, bánh trái lên dòng sông.

Khi nghi lễ này kết thúc mọi người lại trở về đình Trung để xem biểu diễn chèo cạn. Đội chèo gồm có 12 người, vận áo quần màu sắc rực rỡ, mỗi người dắt một mái chèo nhỏ ngang hông, miệng hát tay chèo, dìu dặt khoan thai. "Vấn vương cái nghĩa cái tình/ Thương người đã khuất nên mình lệ rơi/ Nhớ khi vào lộng ra khơi/ Chén sóng bữa gió lưng phơi nắng trời... (Hò Đưa linh).

Những nghệ nhân của làng Tùng kể lại rằng: Vào năm 1887, thể theo nguyện vọng của 12 dòng họ sống trong làng, cụ Nguyễn Hữu Như Bá đã thành lập một đội chèo có quy mô. Từ đó, đội chèo vừa đi biểu diễn vừa phục vụ tang gia. Vào lễ hội rằm tháng Hai, đội chèo là nòng cốt chủ yếu phục vụ hát lễ. Đội chèo này hoạt động cho đến năm 1947, khi mặt trận ở Huế vỡ thì mới tạm ngừng hoạt động. Nhưng các nghệ nhân trong làng vẫn hát thường xuyên, họ vẫn âm ỉ một ngày khôi phục lại đội chèo. Gia đình cụ Nguyễn Hữu Như Bá - ông tổ của chèo làng Tùng - có các em, con cháu là những nghệ nhân, nhạc sĩ.

Tổng số người theo đuổi sự nghiệp của gia đình cụ là 14 người. Làng là cái lò đào tạo ra nhiều nghệ sĩ tài năng. Đã cung cấp cho các đoàn nghệ thuật trung ương khoảng 60 diễn viên ca Huế và dân ca Bình-Trị-Thiên. Có rất nhiều người được nhận giải thưởng cao quý về nghệ thuật. Trong đó phải kể đến Nghệ sĩ Nhân dân Lê Thi (cháu ngoại cụ Bá), nghệ sĩ Châu Loan, Châu Dinh, hai chị em NSUT Kim Phú, Kim Quy... Giờ nghệ sĩ Minh Tiến, con của lão nghệ sĩ Ái Chủng, chắt của cụ Nguyễn Hữu Như Bá là chỉ huy dàn nhạc của Đoàn Ca kịch Huế.

Làng Tùng giờ tự hào vì có lão nghệ sĩ Ái Chủng, cháu truyền đời của cụ Nguyễn Hữu Như Bá. Năm 2005, nghệ sĩ Ái Chủng đã đạt giải nhất của Liên hoan tiếng hát dân ca khu vực Bắc miền Trung. Nghệ sĩ Ái Chủng dù đã cao tuổi, nhưng còn cường tráng, đôi mắt còn sáng, da hồng hào, là một người cả đời gắn bó với sông nước biển khơi và dân ca. Ông nói: "Chúng tôi làm cái nghề nguy hiểm, phải gồng mình lên chống lại nắng gió và bão táp. Nên cái văn nghệ là thú vui của cuộc sống".

Ông Ái Chủng nghẹn ngào kể cho chúng tôi về cụ tổ của chèo làng Tùng. Dầu vậy, nhưng giọng ông đầy tự hào. Cụ Nguyễn Hữu Như Bá sinh năm 1840, chu du khắp thiên hạ, làm nghề bốc thuốc cứu người. Cụ say mê các tích tuồng và không ngừng tầm sư học đạo. Khi cảm thấy "tay nghề" đã ổn, có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ, cụ trở về quê mở lớp dạy hát bội. Tinh thần say mê nghệ thuật truyền sang con cháu và trong dòng họ. Thành lập đội văn nghệ. Sau này, con trai cụ là cụ Nguyễn Như Giản nối nghiệp cha làm nghề bốc thuốc, say mê các ngón nghề nhạc cụ. Làng Tùng từ đó nổi như cồn bởi có đội văn nghệ hoành tráng, chuyên nghiệp.

Hiện nay, đội văn nghệ làng vẫn thường xuyên hoạt động, tham gia phong trào văn nghệ sôi nổi trong tỉnh. Làng còn giữ được nhiều tích chèo cổ có giá trị. Đặc biệt hơn, nghệ sĩ Ái Chủng còn thâu lại được rất nhiều đĩa có ghi những điệu hát để tặng khách thập phương. Mỗi độ Tết đến xuân về, khách đến nhà ông thể nào cũng được tặng đĩa về nghe hát. Một món quà giản dị nhưng đầy ý nghĩa tinh thần. Cùng với niềm tự hào, lão nghệ sĩ Ái Chủng cũng tỏ rõ sự lo lắng cho nghệ thuật dân ca. Khi mà lớp trẻ thờ ơ và chỉ quan tâm đến nhạc trẻ, các phương tiện truyền thông khác. Ông tha thiết muốn lưu giữ để con cháu sau mày mãi mãi phát huy truyền thống cha ông.

Hôm nay, tôi ngồi đây, nghe những làn điệu dân ca cổ. Con sông Bến Hải - Hiền Lương vẫn lặng lẽ chảy như chưa bao giờ xảy ra cuộc chiến tranh thảm khốc. Điệu hát ngân lên tha thiết như tình yêu quê hương đất nước muôn đời của người dân. Những điệu hát đã cổ vũ tinh thần, cùng người dân vượt qua bao sóng gió, bão táp phong ba để có một làng Tùng thanh bình như ngày hôm nay. Xin cầu chúc cho ý nguyện của nghệ sĩ Ái Chủng trở thành hiện thực, để dân ca làng Tùng trở nên vĩnh cửu.

Theo VĂN HỌC - Lao Động 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét