16 thg 1, 2013

Du lịch Lâm Đồng nhìn từ phía biển


Nằm chung dải đất miền Trung, Đà Lạt là một trong những thành phố thu hút đông đảo khách du lịch bên cạnh những Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang. Tuy nhiên, khác hẳn với đặc điểm chung của những thành phố du lịch miền Trung là nằm trên dải đất ven biển nhiệt đới, Đà Lạt lại là thành phố mang khuôn mặt của vùng cận ôn đới. Và, nhìn Đà Lạt từ phía biển để rõ hơn những điều du lịch Đà Lạt đã làm được và còn thiếu, để rừng và biển tiến gần nhau hơn. 


Du khách nước ngoài thăm Đà Lạt 

Đà Lạt - khí hậu lạ đất miền Trung

Ông Lê Thế Sơn, đại diện cho Vitour, một hãng lữ hành thừa nhận: “Khí hậu miền Trung nói chung là nóng, riêng Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi khí hậu, mát mẻ quanh năm. Đây là một trong những điều làm khách hàng của chúng tôi rất thích, nhất là khách nội địa”. Giữa một miền Trung nắng đổ lửa, Đà Lạt được trời cho cái mát lành, nhẹ nhõm, để giữa mùa nóng bức du khách chợt bắt gặp không gian xứ lạnh.

Ngoài khí hậu làm mát lòng người, Đà Lạt còn có nhiều danh lam thắng cảnh có tiếng từng đi vào thơ nhạc. Và đặc sản rau, hoa nổi tiếng của phố núi cũng rất vang danh. Đây cũng là điều nhiều du khách háo hức khi tới Đà Lạt. Và du khách nước ngoài thì rất quan tâm tới cuộc sống của cư dân bản địa, họ muốn tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc riêng có của mỗi tộc người địa phương. Thêm vào đó, so với mặt bằng giá cả chung của cả nước, Đà Lạt ở vào mức trung bình, không quá cao và dễ chi tiêu, ít xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách. Đây cũng là lý do du khách ưa thích Đà Lạt.

Nhiều lợi thế chưa được phát huy

Với rất nhiều lợi thế trời phú về khí hậu, không gian và con người nhưng trong mắt những người làm du lịch miền Trung, Đà Lạt vẫn còn nhiều lợi thế chưa được phát huy. Điểm thứ nhất, theo ông Lê Thế Sơn, đó là Đà Lạt có rất ít điểm vui chơi phục vụ cho cả gia đình: “Nếu các tỉnh dọc ven biển miền Trung có lợi thế là biển, các công viên nước, các khu điểm du lịch phục vụ cho cả gia đình, nhất là trẻ em rất thích thì Đà Lạt lại không có những điểm phục vụ như vậy. Nói thật, gia đình đi chơi mà có trẻ em đi cùng thì không biết cho con chơi gì ở Đà Lạt, đây là điểm trừ cho một thành phố du lịch”.

Bên cạnh đó, các loại hình du lịch của Đà Lạt chưa phong phú, chưa nhiều chỗ có thể “hút” du khách tiêu tiền. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, TT& Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Qua nhiều lần dẫn đoàn các doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng khảo sát ở Đà Lạt tôi nhận thấy, Đà Lạt có rất nhiều lợi thế chưa được khai thác đúng mức. Ví dụ, các tour đưa khách đi chơi thường chỉ thăm các danh thắng trong khi đó khách lại thích vào thăm vườn dâu, vườn hoa; thậm chí trực tiếp tham gia lao động chung với cư dân. Việc này nhiều nơi như Hội An, Huế làm rất tốt, du khách rất thích được trả tiền để được trải nghiệm cảm giác trở thành cư dân địa phương. Đà Lạt đã lên kế hoạch nhiều nhưng chưa thực sự ra được tour nào cụ thể phục vụ du khách mặc dù ai cũng yêu thích rau, hoa Đà Lạt nên quả là lãng phí”.

Và xét về môi trường du lịch, phải thẳng thắn nhận xét Đà Lạt làm chưa tốt bằng các địa phương khác như Đà Nẵng, Hội An hay Nha Trang. Du khách tới các thành phố trên rất ít bị đội ngũ “cò” các loại như cò khách sạn, cò “mứt”… chèo kéo hay bị những người bán báo, đánh giày, ăn xin quấy rối. Còn với Đà Lạt, cảnh chèo kéo, làm phiền du khách vẫn xảy ra thường xuyên và khiến bộ mặt ngành du lịch bị điểm trừ rất lớn.

Tuy nhiên, dù còn nhiều điều cần phải sửa đổi thì Đà Lạt vẫn là thành phố du lịch được khách rất yêu thích, cả khách nội địa cũng như khách nước ngoài. Đường bay thẳng Lâm Đồng - Đà Nẵng cũng góp phần làm cầu nối cho du lịch Đà Lạt - miền Trung, thu hút một lượng du khách, nhất là du khách nước ngoài tới phố núi. Và hy vọng trong tương lai, khi ngành du lịch miền Trung “siết chặt” tay nhau hơn, Đà Lạt sẽ cùng miền Trung hòa vào một giai điệu chung của cả ngành du lịch, để hơi lạnh mát rượi của núi hòa vào cùng tiếng rì rầm của biển, để du khách tới miền Trung hưởng trọn vẹn nắng vàng, biển xanh và cả sương khói cao nguyên.

Diệp Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét