16 thg 1, 2013

Cõi hoan lạc của đá



Mảnh đất tam giác ngay ngã ba Hùng Vương-Yên Thế đối với tôi là một điểm đến không có trên bản đồ du lịch Đà Lạt. Từ bảy năm qua, nơi này trở thành ngôi nhà và vườn tượng của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng.

Bước vào vườn tượng Phạm Văn Hạng là bước vào cõi riêng của tượng. Những bức tượng ngồn ngộn phồn thực khoe những đường cong sung sức dưới tán thông và giữa cỏ hoa. Ta gặp ở đây hình hài thiếu nữ thanh xuân, tình mẹ con viên mãn, những bầu vú no nê, những sinh thực khí cách điệu... Giữa những pho tượng đó, ta nhận ra bầy chim câu bao quanh chân dung Trịnh Công Sơn và nếu để ý, sẽ thấy luôn khuôn mặt chủ nhân tạc vào đá vĩnh viễn quên đời trong cõi riêng này.


Trong hơn 20 tác phẩm điêu khắc bày ở đây chỉ có đôi ba tượng làm bằng kim loại, thủy tinh hay chất liệu tổng hợp, còn hầu hết là tượng đá. Những đường cong đục vào thớ hoa cương toát ra một nét mềm mại đặc biệt.  Nét mềm mại hình thành từ những gì thô rám, cứng rắn ấy như thách thức với thời gian bằng chính niềm khao khát trường tồn và bằng ý thức hữu hạn của người nghệ sĩ khi tạc ước mơ vào đá.

Ngôi nhà nhỏ cuối vườn thường đóng cửa vì chủ nhà luôn ngao du. Nhưng hàng giậu thưa quanh vườn tượng luôn mời gọi những bước chân phiêu lãng đột nhập. Hoa cỏ ít được chăm sóc lại tạo cho khu vườn này chút hoang dã nguyên sơ. Ngồi bệt xuống cỏ dại dưới chân một pho tượng, ta thấy tiếng xe cộ ầm ào dưới dường như lùi xa, khuếch tán thành một âm hưởng siêu thực càng khiến cho sự yên tĩnh của khu vườn vắng như quánh đặc lại có thể sờ chạm được.

Tôi thường đến đây khi cần tắm mình trong sự tĩnh mịch đó, và để cho tâm tư bềnh bồng theo những tượng hình hoan lạc chung quanh. Bạn bè ở xa đến Đà Lạt đã chán chường với những điểm tham quan du lịch cũ kỹ, rập khuôn những thứ  nhân tạo phá hỏng thiên nhiên. Tôi đưa bạn đến đây hay chỉ đường họ đến vườn tượng này. Tôi xem đây là bản tụng ca thiên nhiên bằng những tác phẩm nhân tạo. Và luôn dặn: “Dù chủ có nhà hay cổng chính có mở, hãy cứ chui rào hay bước qua hàng giậu mà vào.”

Bạn hỏi tại sao ư? Cái cảm giác đường đột hay e dè khi bước vào cõi riêng của người khác luôn khêu gợi hiếu kỳ và kích thích tưởng tượng. Hãy mang cái trải nghiệm ấy vào đây và thả cho cảm xúc bay bổng cùng những hình tượng hạnh phúc đang thoát tục trong vườn Hạng.







Bài và ảnh: Trần Đức Tài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét