Truyền thuyết từ xưa kể
rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ đất Thuận Hóa, ông đích
thân xem xét địa thế ở đây nhằm tính chuyện lâu dài. Người dân địa
phương cho biết, ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất
hiện trên đồi Hà Khê, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa
đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng
mạnh". Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm Tân Sửu (1601)cho dựng chùa trên
đồi, đặt tên là "Thiên Mụ". Năm 1862, vua Tự Đức cho đổi tên chùa thành
"Linh Mụ" (Người đàn bà linh thiêng).
Từ trung tâm thành phố Huế,
theo đường bộ dọc tả ngạn sông Hương đi về phía tây khoảng 5 cây số thì
đến chùa Thiên Mụ. Qua khỏi đầu cầu Bạch Hổ, du khách theo đường Nguyễn
Phúc Nguyên đi qua suốt làng Kim Long nổi tiếng với nhiều di tích các
dinh, phủ hình thành từ đầu thế kỷ XVII. Nhưng sẽ rất thú vị nếu du
khách dùng thuyền đi ngược sông Hương để có cơ hội ngắm nhìn cảnh quan
nên thơ dọc hai bên bờ và cập bến ngay trước cổng chùa.
Từ bến thuyền trước cổng
chùa Thiên Mụ nhìn về hướng nam, bên kia sông là những xóm làng phía hữu
ngạn, có phường đúc Dương Xuân, làng nghề đúc đồng hình thành từ cuối
thế kỷ XVII. Xa xa trong ảnh là núi Ngự Bình.
Nhìn chếch về phía tây,
hướng lên thượng nguồn sông Hương sẽ thấy dãy Trường Sơn trùng điệp, bên
trái là đồi Vọng Cảnh và bên phải có điện Hòn Chén, trong tuyến du lịch
ngược dòng sông Hương kỳ thú.
Hai công trình kiến trúc
chính của chùa Thiên Mụ là tháp Phước Duyên và điện Đại Hùng. Tháp Phước
Duyên còn được xem là một biểu tượng của thành phố Huế. Tháp cao 21
mét, gồm 7 tầng, được xây dựng ở phía trước tam quan chùa vào năm 1844.
Hai bên ngôi tháp có nhà chuông treo đại hồng chung cao 2,5 m nặng 3.285
kg đúc vào năm 1710 (thời Nguyễn Phúc Chu) và năm 1715, Chúa lại cho
xây dựng tấm bia cao 2,58m đặt trên lưng con rùa bằng cẩm thạch.
Trước các điện, quanh chùa
là các vườn hoa cây cảnh xanh tươi, rực rỡ. Chùa bị hư hỏng nặng năm
1943. Từ năm 1945, hoà thượng Thích Ðôn Hậu đã tổ chức công cuộc đại
trùng tu kéo dài hơn 30 năm. Ngày nay, lượng khách du lịch đến viếng
chùa rất đông đảo và gần như quanh năm
Điện Đại Hùng là chánh điện
của chùa Thiên Mụ. Điện gồm 5 gian, 2 chái, được bài trí đơn giản nhưng
rất tôn nghiêm. Ngoài những pho tượng Phật bằng đồng, còn có bức hoành
phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề vào
năm 1714 và một chiếc khánh đồng lớn chạm hình nhật nguyệt tinh tú.
Chùa còn có nhiều hạng mục
khác như hậu điện, nhà tăng, nhà khách… Phía sau cùng là vườn thông xanh
mát, tĩnh mịch, phong cảnh nên thơ. Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố
hòa thượng Thích Đôn Hậu (1905-1992).
Bài và ảnh: Lam Dương - Hoàng Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét