Bánh
khô là một đặc sản xứ Quảng. Khởi đầu người ta thường dùng lúa hay nếp
rang cho phồng lên, ngào với đường rồi đóng khuôn để ăn dần, đây là bánh
khô nổ. Không biết từ bao giờ, những bà nội trợ ở làng Cẩm Lệ, P.Khuê
Trung, Q.Hải Châu, phía nam TP Đà Nẵng sáng tạo một loại bánh khô đặc
sản: bánh khô mè Cẩm Lệ (ảnh).
Cũng
như mọi loại bánh truyền thống VN khác, nguyên liệu để làm bánh khô mè
rất đơn giản bao gồm: bột gạo tẻ hay gạo nếp, đường, mè với một ít bột
quế Trà My hay nước ép của củ gừng để tăng thêm hương vị. Tuy nguyên
liệu đầu vào đơn giản nhưng muốn có thành phẩm bánh khô mè ngon, bổ và
đúng “gu” đất Quảng, người làm bánh cũng khá mất thời gian qua rất nhiều
khâu chế biến phức tạp.
Có hai công đoạn chính tạo ra chiếc
bánh khô mè, đó là nấu nướng bánh (khá phức tạp nên bánh này còn có tên
là “bánh bảy lửa”) và tẩm mè cho bánh.
Theo phân tích thành phần
các nguyên liệu để chế biến ra bánh thì rõ ràng bánh khô mè Cẩm Lệ đạt
tiêu chuẩn của một thực phẩm tốt, đầy đủ thành phần các chất cơ bản như
đường, bột, chất đạm, chất béo và các chất muối khoáng, vitamin, có giá
trị dinh dưỡng rất cao.
Xét về tính bắt mắt và khẩu vị, thì bánh
khô mè Cẩm Lệ cũng được xếp vào loại xuất sắc khi nó “đánh thức” được
cả ngũ quan của thực khách: (1) mắt nhìn nhiều màu: trắng ngà của mè
rang, vàng mơ của những tơ đường thắng; (2) mũi ngửi được nhiều mùi: mè
rang, hương quế Trà My, mùi thơm dịu của gừng; (3) lưỡi nếm lắm vị: ngọt
của đường, bùi của bột nếp và béo của mè rang, cay thơm của gừng và
quế; (4) miệng nhai thấy: mềm, cứng, xốp, giòn; (5) tai nghe âm vỡ rào
rạo của bánh...
Ngày trước bánh khô mè Cẩm Lệ chỉ được chế biến
và sử dụng vào các dịp lễ, tết... Hiện nay bánh được sản xuất quanh năm,
không chỉ người Quảng Nam, Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác cũng đã
biết tiếng và thích thưởng thức bánh khô mè.
TS.BS TRẦN BÁ THOẠI
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét