Không phải chỉ
có Phú Yên đậm chất “văn hoá đá”, nhưng “đá” là một trong những bản sắc văn hoá
rõ nét nhất của vùng đất Phú Yên. Chất “đá” đã ăn sâu vào tính cách của những
con người sống cùng với nó. Một cuộc hành trình đơn giản với đá.
HÀNH TRÌNH LỊCH SỬ

Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh thống lĩnh 26 vạn quân thuỷ bộ đánh bại quân Chiêm, hạ thành Trà Bàn (thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay) bắt sống vua Chămpa Trà Toàn và truy đuổi Bồ Trì Trì vào Nam. Dừng chân dưới hòn đá núi Lingaparvata, Lê Thánh Tông nhận thấy sự linh thiêng vĩnh cửu của nó và đã chọn đây là nơi đặt cột mốc ranh giới vĩnh viễn giữa Đại Việt và Chămpa. Vua cho khắc bia lên trên tảng đá và đặt tên là Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia). Lần thứ hai trong lịch sử Đại Việt, ranh giới phân định quốc gia được dùng là một dãy núi cắt ngang ra biển (sau dãy Hải Vân). Nhưng là lần đầu tiên biên giới là một tảng đá. Đây cũng là lần đầu tiên người Việt đặt chân vào vùng đất này, một hành trình mang đậm dấu ấn “đá”.
Năm 1611,
quân Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi, chúa Nguyễn Hoàng sai chủ sự là Vân Phong đi
đánh và lập ra phủ Phú Yên. Phủ Phú Yên có chiều dài từ nam phủ Bình Định (Cù
Mông) cho đến Thạch Bi Sơn. Sau đó, Lương Văn Chánh cùng hàng ngàn lưu dân
Thanh – Nghệ, Thuận Quảng cùng có nhiệm vụ khai khẩn vùng đất mới này.
Bi sơn sinh
thánh chúa
Đà thuỷ xuất hiền tài
Đà thuỷ xuất hiền tài

Một vùng đất
có nhiều con sông lớn, nhưng là vùng “rìa” của Tây nguyên nên đồng bằng không
có nhiều mà chỉ toàn đá (đồng bằng Tuy Hòa được hình thành sau khi người Pháp
làm đập Đông Cam). Đá xuôi theo những dòng nước từ vùng Thượng nguyên của người
Chămpa xuống tận biển. Các lưu dân Thanh – Nghệ từ cuộc sống đồng lúa bắt đầu
phải làm quen với cuộc sống trên đá. Dinh Trấn Biên hình thành (dinh nằm ở biên
giới - huyện Tuy An ngày nay), lưu dân phải dùng tới đá để đắp thành, đắp nền dựng
nhà theo vách núi và dùng đá để đắp giếng nước và làm các vật dụng trong đời sống…
đâu đâu cũng thấy đá.
Sinh thời,
giáo sư Trần Quốc Vượng có nghiên cứu về giếng đá cổ ở huyện Tuy An (dân gian gọi
là giếng lạng), ông cho rằng: "Hệ thống giếng đá Phú Yên chứng tỏ sự tồn tại
của một hệ thống xếp đá (hydraulic system) đa chức năng. Đó là cách đơn giản để
lấy nước thiêng cúng thần linh ở miếu, đình, chùa…; làm tưới tiêu trong nông
nghiệp; lấy nước sinh hoạt và chăn nuôi gia súc... Nó cũng chứng tỏ sự tồn tại
của một nền nông nghiệp đã rất phát triển và nối liền nền hải thương quốc tế từ
đầu Công nguyên và đặc biệt ở thời đại Đại thương mại (từ thế kỷ XVI – XVIII)”.
Ông Phan Đình
Phùng, giám đốc Bảo tàng Phú Yên: “Con người Phú Yên sinh ra trên đá cả nghĩa
đen lẫn nghĩa bóng. Sống trên đá, nhác cuốc đầu tiên đặt xuống đất cũng gặp đá…
đến khi về thế giới bên kia cũng đắp mộ bằng đá. Đó chính là những ngôi mộï đá ở
xã An Thạch huyện Tuy An mới được phát hiện gần đây”.
VÀ HÀNH TRÌNH VĂN HOÁ
Linga là biểu
tượng dương vật linh thiêng trong đời sống tinh thần của người Chămpa được làm
bằng đá. Ngọn Lingaparvata theo tiếng Phạn có nghĩa là Lăng-già-bát-bạt-đa,
theo Hán – Việt có nghĩa là Linga đại sơn thần – Linga núi chúa – có ý nghĩa rất
lớn trong đời sống tâm linh của cư dân Chămpa.
Vào thế kỷ thứ
VI, VII, người Hán bắt đầu đặt dấu ấn xuống tận vương quốc Chămpa. Đời sống tôn
giáo cũng bị ảnh hưởng, nhưng ảnh hưởng tôn giáo của người Hán có vẻ gượng ép
nên đã không được chấp nhận rộng rãi như văn hoá và tôn giáo Ấn qua quá trình
thương mại đường thủy. Người Hán cũng phải dừng chân bên dưới Lingaparvata. Có
một cách lý giải cho vấn đề này chính là sự linh thiêng và kỳ vĩ của Linga của
trời đất, là cha của tất cả các Linga khác.
Hòn đá
Lingaparvata cao 60m, nằm trên ngọn núi cao hơn 700m so với mực nước biển và nằm
ngay mép biển, có hình dáng không khác gì biểu tượng Linga. Đây cũng là “ngọn hải
đăng” của ngư dân Chămpa. Từ ngoài biển hàng trăm hải lý sẽ không còn nhìn thấy
bất cứ vật gì khác của đất liền ngoài tảng đá lớn này.
Khi khai quật
di tích thành Đồ Bàn – kinh đô của vương quốc Chămpa trước năm 1471 (thuộc
thành phố Quy Nhơn – Bình Định ngày nay); núi Dinh Bà, Thành Hồ và hàng loạt những
di tích khác tại Phú Yên, hàng loạt những di chỉ bằng đá đã được phát hiện. Từ
tượng đá, thành luỹ đá, kiến trúc đá; tượng và đồ trang trí bằng đá; nhiều đền
đài cũng bằng đá… được xác định có niên đại trải dài từ cách đây 18 ngàn năm
cho đến khoảng thế kỷ thứ VII, VIII. Điều này đã cho thấy ảnh hưởng của đá với
cuộc sống của người Chămpa và người Việt sau này rất mật thiết.
Vùng Đà Diễn
là cửa ngõ lớn nhất của người Chăm từ vùng biển lên vùng Thượng nguyên. Các
thành luỹ và đô thị của người Chăm được xây dựng cả hai bên bờ sông, đặc trưng
nhất là Thành Hồ phía tả ngạn và di tích Dinh Bà phía hữu ngạn. Trong khi những
nơi khác đều chỉ được xây dựng bên hữu ngạn, tức phía Nam những dòng sông do sức
ép chiến tranh từ phương Bắc.
Cách đây
2.500 - 3.000 năm, cư dân sống trên vùng đất này đã biết chế tác ra những chiếc
kèn đá và bộ đàn đá. Những tảng đá từ vài chục đến hàng trăm kg đã được khoét đường
ống gờ xoắn bên trong theo một quy luật âm thanh và bằng một phương pháp mà cho
tới giờ, những nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách lý giải. Những khối đá nhìn có
vẻ tự nhiên, nhưng kỳ thực đó là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo bậc nhất của
thế giới âm nhạc theo công bố của Hội đồng nghệ thuật quốc gia vào năm 1996. Những
hiện vật này đã trở thành bảo vật quốc gia vì trên thế giới cho đến nay, sự độc
đáo của bộ hơi có kèn đất Nhật Bản, còn kèn đá chỉ duy nhất ở ta. Ông Phan Đình
Phùng lý giải thêm: “Đá Tây nguyên có âm trầm, đá Khánh Sơn (Khánh Hoà) có âm
trung, đá Phú Yên có âm sắc cao nhất. Đàn đá được chọn từ loại đá Riolite poọcphia,
là loại đá có độ cứng và lượng khoáng chất rất cao. Bộ đàn đá được phát hiện tại
Phú Yên là bộ có âm thanh hoàn chỉnh nhất. Đặc biệt, kèn đá không chỉ hoà tấu với
đàn đá mà còn có thể tấu với dàn nhạc hiện đại, tạo nên âm thanh lạ, hiếm thấy ở
bất kỳ bộ âm thanh nào”.
Các bảo vật
này sẽ được trưng bày tại Hàn Quốc vào tháng 9 tới. Bộ Văn hoá Vương quốc Bỉ vừa
có đề nghị trưng bày 2 bộ nhạc cụ này tại Brucxen vào năm 2007 giới thiệu nhạc
cụ bằng đá trên toàn thế giới.
Theo nhiều
nghiên cứu mới đây, vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ có sự hoạt động của núi lửa
cách đây hàng triệu năm. Dung nham phún trào tạo ra nhiều loại đá: đá bazan,
granite, riolite… Sự độc đáo của tự nhiên còn được thể hiện qua loại đá đặc trưng
tại huyện Tuy An mà tiêu biểu nhất là thắng cảnh quốc gia gành Đá Dĩa. Đá được
hình thành và sắp xếp theo một quy luật hình lục giác ở tiết diện và độ dày gần
như nhau mà trên thế giới, ngoài Tuy An, chỉ phát hiện thêm một điểm ở nước
Anh. Hay đá trắng tại một quả núi duy nhất (mặc dù không phải là đá vôi) tại
thôn Cần Lương xã An Dân huyện Tuy An; gành đá tự nhiên giữa đồng ở xã Hòa Thắng
(Phú Hòa).
Ông Nguyễn Ngọc
Quang, Phó giám đốc Sở VHTT Phú Yên: “Đi đâu trên đất Phú Yên cũng thấy đá. Đá
trong mọi ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân. Đá hiển hiện trong kiến
trúc, di tích, danh lam thắng cảnh, trong nghệ thuật cho đến cối đá, rìu đá,
chuồng gia súc bằng đá… Qua những hiện vật bằng đá ở Phú Yên đã khai quật được
cho thấy rằng đá có hồn. Qua đá, biết được đời sống của cha ông ta cách đây mấy
ngàn năm”.
HỒN ĐÁ


Gành Đá Dĩa. Ảnh: Ngọc Viên
“Chất đá” thể
hiện trong tính cách của những người sống trên nó. Từ thành Trà Bàn đến thành Đồ
Bàn, thành Hồ và tất cả các di tích khác đều được trang trí rất nhiều bằng chất
liệu đá.
Trong giai đoạn
tiền sơ sử và giai đoạn hậu kỳ đồ đá mới (cách đây 5 – 6 ngàn năm) đã ra đời rất
nhiều xưởng chế tác đá trong khu vực Tây nguyên và vùng rìa của nó. Các di tích
Lung len, Eo bồng… đã cho thấy điều này.
Sự bền vững của
đá là nguyên do đầu tiên để con người chọn đá làm vật liệu cho các công trình.
Sự thân thuộc của đá được chọn làm các vật dụng hằng ngày. Sự trường tồn của đá
được đưa vào thế giới tâm linh. Sức sống của đá được lý giải bằng một thế lực
siêu nhiên hội tụ vào đó. Đá được “nâng cấp” dần và được nhân cách hóa, thần
linh hóa vì khoa học vẫn chưa phát triển.
Một thời,
dòng võ Tây sơn danh trấn các chiến trường, thể hiện con người và tính cách của
người miền Trung nước ta. Đặc trưng rõ nhất của “võ ta” là những đòn chỏ và đòn
gối. Người học “võ ta” thường không biểu diễn, không thử sức. Đó là sự “cục mịch”
của “tính cách đá”, không ra đòn bừa bãi mà hễ ra đòn là gây tổn thương nặng
cho đối phương.
Đá có cả âm
tính và dương tính. Dương tính là sự cứng cáp, bền vững. Âm tính là sự thụ động,
không dịch chuyển. Con người mang “tính cách đá” rất kiên định, ít nói và cứng
đầu, nhưng cũng ít nhanh nhạy với biến thiên của xã hội. Đó cũng là một đặc trưng
của người miền Trung và người Phú Yên – một vùng “văn hóa đá”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét