9 thg 1, 2013

Đặc sản núi Bà trước nguy cơ tận diệt

Đến nay có lẽ chưa ai giải đáp được vì sao loài thằn lằn núi và ốc núi - từ lâu nổi tiếng là “đặc sản” đất Tây Ninh lại chỉ có ở ngọn núi cao nhất vùng Đông Nam bộ? Cũng vì vậy mà nhiều năm qua, thằn lằn núi, ốc núi Bà Đen bị săn bắt ráo riết, có khả năng dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. 

Bà Loan năm nay 52 tuổi, bán nước giải khát gần chân núi Bà kể rằng: Khoảng vài chục năm trước, khi bà đến đây sinh sống, chiều nào cũng thấy thằn lằn núi bò ra đầy trên vách đá, con nào con nấy bự gần bằng nửa cườm tay. Mấy năm nay chúng cứ ngày càng ít đi. Những người đi bắt thằn lằn bây giờ phải leo tuốt lên lưng chừng núi mới kiếm được chúng.

Lời bà Loan nói quả không sai!


Tội nghiệp thằn lằn

Một ngày đẹp trời, chúng tôi tháp tùng 3 anh em tên L, D và Đ, từ 42- 48 tuổi cùng với con trai của anh Đ, ngụ xã Phan (huyện Dương Minh Châu) lên núi Bà để câu thằn lằn. Hơn mười năm qua, hầu như ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 9-10 giờ là nhóm anh L lại quảy đồ nghề lên núi. Đồ nghề là một cần câu dài khoảng 5 mét có nhiều đoạn, có thể rút ngắn lại (giống như ăng- ten tivi). Ở đầu cần câu có sợi dây gân nhỏ, thắt thành thòng lọng, đường kính khoảng 4cm. Phía sau thòng lọng chừa một đoạn dây nhỏ dài khoảng 6cm. Sau khi cột con bọ cánh cứng vào sợi dây này để làm mồi, anh L bắt đầu đút cần câu vào các kẽ đá. Con bọ vùng vẫy, bay qua bay lại trên vách đá, tạo nên âm thanh lạch cạch. Nghe động, mấy chú thằn lằn từ trong hang tranh nhau chạy ra. Người câu chỉ cần rê chiếc thòng lọng đến trước đầu thằn lằn. Con vật chưa kịp đớp mồi đã bị giật một phát, thế là bị tóm gọn. Chiếc thòng lọng và con bọ cánh cứng lại tiếp tục được dúi vào hang. Vài phút sau, lại một chú thằn lằn nữa nộp mạng. Khi trong hang không còn con nào nữa, người câu lại tìm sang hang khác.


Thằn lằn dính bẫy

Trong lúc nghỉ giải lao, anh Đ kể cho chúng tôi nghe về cái nghề đặc biệt của mình: Trước đây, anh câu thằn lằn theo kiểu “truyền thống”, dùng trái cây có mùi thơm như sầu riêng, chuối, sung chín trét vào vách hang để làm mồi nhử, rồi cầm cần câu có thòng lọng ngồi chờ cho thằn lằn bò đến ăn thì giật lên. Cách bắt này có nhiều hạn chế, tuỳ hên xui, phụ thuộc lúc thằn lằn no hay đói. Qua nhiều năm hành nghề, các tay câu phát hiện ra: Cho dù đã no, nhưng cứ thấy bất kỳ loài côn trùng nào xâm nhập là lũ thằn lằn đều nhào tới. Từ đó, nhóm săn thằn lằn cũng đổi cách dụ thằn lằn như kể trên, công việc trở nên dễ dàng hơn, khoẻ hơn.


Buổi trưa, nhóm săn thằn lằn tạm dừng tay nghỉ ngơi, ăn uống, trước khi tiếp tục công việc cho tới khoảng 4 giờ rưỡi chiều, khi lũ thằn lằn đã rút sâu vào hang mới nghỉ hẳn. Lúc này, anh Đ giở bao cho chúng tôi xem, bên trong hàng trăm chú thằn lằn nằm chật kín. Anh ước tính, hôm nay hai cha con anh câu được khoảng 2,5- 3kg. Những người còn lại, trung bình mỗi người cũng được khoảng 1,5kg. Hôm sau thương lái sẽ đến tận nhà thu mua với giá 160.000 đồng/kg. Tính ra, sau 8 giờ lao động, mỗi người kiếm được hơn 300.000 đồng- cao hơn nhiều so với đi làm thuê, làm mướn.

Thằn lằn núi trong những vách hang

Ngoài hai cách săn bắt thằn lằn kể trên, những năm gần đây, dân trong nghề còn nghĩ ra một phương cách “độc” hơn: Bắt thằn lằn bằng xô. Theo lời anh Đ, ngụ ở phường 3, Thị xã- cũng là một tay chuyên săn thằn lằn trên núi thì cách này đơn giản mà hiệu quả hơn nhiều: Chỉ cần dùng khoảng 10-15 cái xô nhựa, loại 10 lít. Bên trong mỗi xô, dùng dầu ăn trét cho trơn, rồi bỏ vào đó những loại trái cây có mùi thơm, xong đặt vào từng hang đá. Lại bẻ một vài nhánh cây, gác từ mặt đất lên miệng xô để bắc cầu cho thằn lằn bò lên. Những chú thằn lằn dại dột bị quyến rũ bởi mùi thơm, lỡ bò lọt vào xô rồi thì không tài nào thoát ra được, vì thành xô rất trơn trượt. Người săn chỉ cần ngồi chờ khoảng 1 giờ là có thể thu gom “chiến lợi phẩm”. Sau đó lại dời các xô sang khu vực khác với cách làm y như cũ. Cách săn này rất “ác”, vì tất cả thằn lằn lớn, nhỏ đều lọt vào xô, chúng chòi đạp lẫn nhau để leo lên. Những con lớn bị bắt đã đành, những con còn bé cũng chết vì kiệt sức.

Thằn lằn bắt được sẽ nhanh chóng sang tay cho thương lái để đến thẳng các nhà hàng, quán nhậu, biến thành món ăn đặc sản được dân nhậu ưa chuộng: chiên giòn, nướng y, bằm xúc bánh đa… Nhiều người lại thích món khô thằn lằn, thằn lằn “một nắng”, loại này dễ mang đi xa, làm quà biếu và quan trọng nhất là không bị ngành chức năng “hỏi thăm”.

Dọc hai bên đường Bời Lời dẫn vào khu du lịch núi Bà, du khách chẳng khó khăn gì khi muốn mua món đặc sản thằn lằn núi. Chị nhân viên phục vụ một quán ăn gần cổng chính khu du lịch cho biết: “Muốn mua bao nhiêu cũng có. Giá thằn lằn sống 220.000 đồng/kg, khô thằn lằn 800.000 đồng/kg”. Chúng tôi bảo muốn xem hàng, chị nói: “Phải chờ gọi điện kêu mấy thằng em đem tới. Đâu dám để trong quán. Vì mấy ông kiểm lâm bắt dữ lắm”.

Theo chúng tôi tìm hiểu, đã có vài người từng nuôi thằn lằn núi nhưng đều thất bại. Tính đến nay, mới chỉ có Sở Khoa học và Công nghệ Tây Ninh kết hợp với Viện Sinh học Nhiệt đới- gọi tắt là Viện Sinh học (TP. Hồ Chí Minh) nuôi và sinh sản nhân tạo thành công loài bò sát này. Kết quả cho thấy, thằn lằn núi sinh trưởng rất chậm. Trong khi đó chi phí cho thức ăn, chăm sóc và chuồng trại lại không nhỏ. Do vậy, theo kết luận của Viện Sinh học: “Việc nuôi nhốt thằn lằn núi không có hiệu quả kinh tế”.

Lần theo dấu ốc

Cơn mưa chiều vừa dứt, những người săn lùng ốc núi liền sửa soạn lại đồ nghề, chuẩn bị “ra quân”. Chúng tôi cũng mang đèn pin hối hả theo chân ông D, 50 tuổi, ngụ phường 2, Thị xã tiến về hướng núi Bà.

Giấu xe gắn máy vào một lùm cây dưới chân núi, chúng tôi bắt đầu leo lên sườn núi Heo. Trước mặt chúng tôi là những khối đá to lớn và dây leo chằng chịt, không có lối mòn, hay bậc tam cấp như đường lên chùa Bà. Ông D truyền cho chúng tôi vài chiêu lùng tìm ốc núi, rồi nhóm bắt đầu chia nhau ra, mỗi người tự đi một hướng.

Ốc núi: thấy đâu tóm đó

Núi về đêm như một thế giới hoàn toàn khác lạ. Các loài cuốn chiếu, cóc, ễnh ương, ốc núi, thằn lằn núi, rắn, rết bắt đầu bò ra khỏi nơi ẩn nấp để tìm kiếm thức ăn. Soi kỹ đèn vào những gốc cây, vào lớp lá mục trên mặt đất, chúng tôi nhìn thấy mấy con ốc đang chậm rãi ăn đêm. Mải mê lần theo lũ ốc, đến khuya, khi đèn sắp hết pin, chúng tôi mới giật mình, lật đật tìm đường xuống núi. Bóng tối mịt mùng, chỗ nào cũng toàn đá và đá. Chúng tôi gần như mất phương hướng và bắt đầu hoảng hốt. Không có ai để hỏi đường. Điện thoại không có sóng. Dốc núi lại thẳng đứng, trơn trượt. Phía dưới là những hố sâu hun hút, chỉ cần sơ ý trượt chân là… tiêu tùng!

Phải mất nhiều giờ, chúng tôi mới lần mò xuống được chỗ giấu xe. Đói bụng, khát nước, mệt lã và tay chân bị sây sát khắp nơi là tất cả những gì chúng tôi được trải nghiệm. Gần giữa đêm, ông D mới xuống núi. Nghe chúng tôi kể lại chuyện, ông rít thuốc, phì cười và bảo chuyện bị lạc trên núi là… không có gì lạ! Ngay cả ông- làm nghề bắt ốc núi hàng chục năm nay mà thỉnh thoảng vẫn bị lạc như thường. May mà mỗi lần đi núi đêm ông đều dỡ theo cơm, nước, đèn bình, đèn pin đủ để “cầm cự” chờ sáng.

Hơn 10 năm nay leo trèo bắt ốc núi, ông D có nhiều kinh nghiệm trong nghề này. Tuy nhiên, ông vẫn không hiểu hết về loài động vật hoang dã chậm chạp ấy. Ốc núi bắt đầu xuất hiện vào đầu mùa mưa và chúng “lên” nhiều nhất là vào khoảng tháng Tám âm lịch. Từ tháng Chín trở đi, chúng bắt đầu ít dần, rồi mất hẳn. Không biết chúng trốn đi đâu. Chỉ biết cứ đến mùa mưa năm sau là lũ ốc lại kéo nhau bò lên mặt đất kiếm ăn.

So với bắt thằn lằn núi thì việc bắt ốc núi dễ hơn rất nhiều. Cũng bởi chúng không thể chạy nhảy, không có khả năng kháng cự và cũng không có nọc độc. Người ta chỉ cần tìm ra chúng là… lượm bỏ vào bao, dễ ợt! Theo ông D ước tính: Chỉ riêng ở Thị xã, số người thường xuyên lên núi bắt ốc mà ông biết mặt đã có khoảng 50 người. Tới mùa ốc núi, hằng ngày, vào lúc 15 giờ là họ bắt đầu lên núi. Việc săn lùng ốc bắt đầu từ trên cao chuyển dần xuống thấp, cũng phải tới sáng mới xuống đến chân núi. Những năm trước, khi còn khoẻ, ông D cũng đi bắt ốc theo kiểu ấy, giờ tuổi cao, sức yếu ông ít khi lên cao, bù lại, ông biết chỗ nào có ốc nhiều, chỗ nào ít.

Trong đội quân săn lùng ốc núi, chúng tôi có dịp quen với chị tên Đ, năm nay 45 tuổi, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân (Thị xã)- người đã có thâm niên gần mười năm theo đuổi nghề này. Cứ đến mùa mưa chị lại cùng các anh em trong gia đình quảy đồ nghề đi bắt ốc núi. Bắt đầu lên núi lúc quá trưa, trèo lên gần tới đỉnh núi Phụng thì trời cũng sắp tối. Theo chị, muốn bắt được nhiều ốc, phải biết quan sát dấu vết, tìm đúng hướng chúng đi. Hôm nào may mắn gặp được vài “động” ốc là có thể “hốt” được vài ba trăm con như chơi. Ngày nào xui xẻo, bắt tới sáng cũng chỉ được bảy, tám chục con. Ngoài trực tiếp săn bắt ốc, chị Đ còn là đầu mối thu mua ốc của người khác để sang lại cho thương lái ở TP. Hồ Chí Minh. Chị cho biết, riêng ở xã Thạnh Tân, hiện có khoảng 20 người thường xuyên đi bắt ốc núi.

Kết quả điều tra của Viện Sinh học cho thấy: Từ năm 2004-2006, ở Tây Ninh có khoảng 50 người thường xuyên khai thác ốc núi. Bình quân mỗi đêm một người bắt được 200 con ốc núi, tương đương với 2kg (100 con/kg). Thời gian khai thác liên tục 4 tháng/năm. Như vậy, sản lượng ốc núi khai thác hằng năm ở núi Bà Đen là 12 tấn. Trên thực tế con số có lẽ còn lớn hơn nhiều.

Không được tuỳ tiện săn bắt

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề săn bắt thằn lằn núi, ốc núi, ông Mang Văn Thới - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm Tây Ninh, cho biết: Thằn lằn núi, ốc núi đều là động vật hoang dã đặc biệt chỉ có ở núi Bà Tây Ninh. Theo quy định của pháp luật, động vật hoang dã chỉ được khai thác trong khu quy hoạch và phải được cấp thẩm quyền cấp giấy phép, vì phải bảo đảm việc săn bắt không làm ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái. Nhưng đến nay, ở tỉnh ta chưa cấp giấy phép khai thác các loài động vật hoang dã này cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào và cũng chưa quy hoạch khu vực khai thác chúng. Vì vậy, mọi hoạt động săn bắt thằn lằn núi, ốc núi đều vi phạm pháp luật. Hiện nay người dân săn bắt thằn lằn núi, ốc núi theo kiểu truy cùng bắt tận, không có ý thức chừa lại con nhỏ.

Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo cần có biện pháp bảo vệ hai loài động vật bé nhỏ này.

Trường Sơn - Tiểu Ngô

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét