Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Tây Ninh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Báo Tây Ninh. Hiển thị tất cả bài đăng

10 thg 3, 2024

Những ngôi đình ven sông Vàm Cỏ Đông


Sông Vàm Cỏ Đông là một chi lưu của sông sông Vàm Cỏ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai, bắt nguồn từ Vương quốc Campuchia, chảy vào đất Việt Nam qua tỉnh Tây Ninh, đến Long An thì hợp lưu với sông Vàm Cỏ Tây rồi đổ ra biển Đông. Là “động mạch chủ" trong hệ thống sông rạch ở Tây Ninh, con sông chảy qua Tân Biên, Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và Trảng Bàng đã để lại nhiều dấu ấn văn hoá đối với các vùng đất này, trong đó có những ngôi đình ven sông Vàm Cỏ Đông.

Đình An Hoà, tiền thân là ngôi miếu Ông được dựng ở đầu rạch Trảng Bàng (hay còn gọi là rạch Vàm Trảng), đoạn quay ra sông Vàm Cỏ Đông, đối diện với miếu Bà Thuỷ Long.

Theo hồ sơ đình An Hoà ghi chép lại, Trịnh Văn Đồng (tự Thiện) là người gốc ở Thanh Hoá, sinh năm 1821 tại xóm Lò Mo (An Hoà), theo Trương Công Định đánh Pháp, giữ nhiệm vụ lập hai đồn chống Pháp ở bia sông Vàm Cỏ Đông và giữa rạch Trảng Bàng. Trong lúc 
đóng đồn ở bìa sông Vàm Cỏ Đông, ông thấy có ngôi miếu cổ không biết có từ bao giờ cũng không biết thờ ai, chỉ để là "miếu Ông".

Nghi thức xây chầu trong lễ Kỳ yên đình An Hoà (Trảng Bàng)

Năm 1863, ông Trịnh Văn Đồng di dời ngôi miếu Ông từ bìa sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí như hiện nay, thuộc khu phố An Phủ, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng; ban đầu vẫn là ngôi miếu sau phát triển thành ngôi đình của làng An Hoà thờ thành hoàng bồn cảnh. Ngôi đình hiện nay là vị trí trung tâm của phường, mặt đình nhìn về hướng Nam, phía trước là cánh đồng lúa trũng và cách 300 m là rạch 
Vàm Trảng. Hằng năm, đình An Hoà tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày 11 và 12 tháng 2 nông lịch, theo các nghi thức tế lễ đình làng Nam bộ.

Lễ Kỳ yên đình Ân Hoà (Trảng Bàng)

Tượng ông Đặng Văn Châu- thành hoàng bồn cảnh đình Thanh Phước (Gò Dầu)

Theo “Đặng Thế tộc phả", Đặng Văn Châu tên tộc Đặng Thế Châu, là con của ngài Đặng Văn Trước. Ông là bậc tiền hiền đã có công khai khẩn vùng đất Gò Dầu và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ quê hương. Đặng Văn Châu chiêu mộ nghĩa quân, cùng với nhân dân lập căn cứ chống thực dân Pháp từ thời vua Tự Đức tại xóm Xoài Đồn, gây cho quân Pháp nhiều tổn thất. Trong một trận đánh, ông bị giặc Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Được trả tự do, ông trở về tiếp tục lập lại căn cứ kháng Pháp và khai khẩn thêm đất đai, tích trữ lương thực để chiến đấu lâu dài. Khi ông mất, người dân đã lập miếu thờ ông bên cạnh bờ sông Vàm Cỏ Đông, nơi ông mất. Để thể hiện lòng tôn kính, dân làng tôn ông là thành hoàng làng Thanh Phước, phát triển ngôi miếu thành đình, lấy tên là “đình Thanh Phước".


Người dân ngồi xem hát bội trước sân đình An Hoà (Trảng Bàng)

Do lâu năm, đình bị sụp nên được di dời về xây dựng trên một gò đất cao, có nhiều cây dầu cổ thụ rộng 10.000 m², hiện toạ lạc tại thị trấn huyện Gò Dầu; mặt chính đình quay về hướng Tây nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông. Hằng năm, đình Thanh Phước tổ chức cúng Kỳ yên từ ngày 16 đến 18 tháng 2 nông lịch.

Đình Phước Trạch hiện toạ lạc tại xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu. Ngôi đình được người dân thành lập thở thành hoàng bồn cảnh. Ngôi đình được xây dựng quay hướng ra sông Vàm Cỏ Đông. Lễ Kỳ yên của đình diễn ra trong hai ngày 16 và 17 tháng 2 nông lịch hằng năm. Nghi lễ tế tự tại đình cũng giống như nhiều ngôi đình ở Nam bộ, vào những năm kinh tế dồi dào, người dân cùng với Ban hội đình mời đoàn hát bội về hát cúng đình.

Đình Trường Đông, đình Trường Tây toạ lạc tại thị xã Hoà Thành. Đây là hai ngôi đình nằm bên cạnh bờ sông, mặt tiền đình nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông, được người dân thành lập thờ thành hoàng bồn cảnh. Cả hai ngôi đình tuy nhỏ nhưng mang nhiều giá trị về kiến trúc nghệ thuật.

Đặc biệt, trong lễ Kỳ yên đình Trường Đông vào 16 tháng Giêng hằng năm có nghi thức tống ôn diễn ra đúng 12 giờ trưa. Chiếc thuyền tống ôn được thiết kế bằng thân cây chuối, tre trúc làm khung và dán giấy với nhiều màu sắc sặc sỡ, trên thuyền có đặt gạo muối, thức ăn, nhang đèn và nhiều vật phẩm, ngoài ra còn có thêm ít tiền lẻ gọi là “tiền đi đường".

Thả thuyền tống ôn trên sông Vàm Cỏ Đông trong lễ Kỳ yên đình Trường Đông (Hoà Thành)

Đến giờ, chiêng trống nổi lên, lân rồng múa đón trước sân đình, các cụ chức sắc trong đình khiêng thuyền tống ôn xuống ghe chở ra đến giữa sông để thả. Thuyền tống ôn được thả đi theo con nước ròng mà trôi về phía hạ lưu. Người dân quan niệm rằng, thuyền tống ôn trôi đi đem theo cả những điều xui rủi, kể cả thiên tai dịch bệnh, để cho cư dân trong làng được mưa thuận gió hoà, góp phần cho quốc thái dân an.

Long Thành (thị xã Hoà Thành) cùng với Long Giang, Long Khánh, Long Thuận, Long Chữ (huyện Bến Cầu) hợp thành vùng đất “Ngũ Long”. Đây là những ngôi làng cổ mà cư dân sớm định cư trên lưu vực sông Vàm Cỏ Đông. Những vùng đất này gắn liền với công lao của ông Trần Văn Thiện cùng cha là ông Trần Văn Quế dẫn hàng chục người ngược dòng sông Vàm Cỏ Đông đến Tây Ninh khai hoang mở đất từ những năm 1844. Suốt 40 năm, ông Trần Văn Thiện cùng với nhân dân mở rộng vùng đất mới chạy dọc theo sông Vàm Cỏ Đông. Sau khi ông Trần Văn Thiện mất, được người dân tôn phong là thành hoàng làng và lập đình thờ cúng.

Đình Phước Trạch (Gò Dầu)

Để thể hiện tấm lòng tri ân đến tiền hiển Trần Văn Thiện, năm 1883, đình Long Thành được xây dựng thờ cúng ông. Mặt tiền đình Long Thành quay về hướng Nam, nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông giống như kiểu kiến trúc của nhiều ngôi đình khác trong tỉnh. Hằng năm, vào ngày 17 và 18 tháng 3 nông lịch, đình tổ chức cúng Kỳ yên, những ngày diễn ra lễ hội có đông đảo người dân địa phương, nhân dân trong vùng Ngũ Long, ở Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh cùng với nhiều vùng lân cận trong và ngoài tỉnh về dự lễ.

Những ngôi đình ở huyện Bến Cầu như đình Long Thuận, Long Khánh, Long Giang đều được thành lập phụng thờ thành hoàng bồn cảnh từ thời khai hoang mở đất bên cạnh sông Vàm Cỏ Đông. Người dân nơi đây đều kính trọng công lao của ông Trần Văn Thiện đối với vùng đất Ngũ Long nên tôn ông là tiền hiền thờ ở đình hay cũng có đình phong ông là thần thành hoàng của làng.

Đình Trung Long Khánh (toạ lạc tại ấp Long Châu, xã Long Khánh, trên bàn thờ thần có đặt 5 bài vị viết bằng chữ Nho thờ thành hoàng bồn cảnh của 5 xã "Linh Thần Long Giang xã, Linh Thần Long Thuận xã, Linh Thần Long Khánh 
xã, Linh Thần Long Vĩnh xã, Linh Thần Long Chữ xã". Lễ Kỳ yên tại đình diễn ra vào hai ngày 15 và 16 tháng 12 nông lịch. Vào ngày này, các thương nhân buôn bán trên sông Vàm Cỏ Đông ở gần đình cũng ghé vào dâng hương cầu cho việc làm ăn được thuận lợi.

Đình Long Thuận (Hoà Thành) - Đình Trường Đông (Hoà Thành)

Đình Long Thành (Hòa Thành)

Đình Long Giang (ấp Bảo, xã Long Giang) được xây dựng nằm ngay khu dân cư đông đúc, bên cạnh rạch Vàm Bảo hướng nhìn ra sông Vàm Cỏ Đông. Đình thờ thành hoàng bổn cảnh và các vị tiền hiền như ông Trần Văn Thiện, Lãnh bình Két- là những người đã có công trong việc khai hoang mở đất, chống giặc ngoại xâm bảo vệ vùng đất và biên giới phía Tây sông Vàm Cỏ Đông. Đây là một trong những ngôi đình cổ xưa nhất của vùng đất Ngũ Long và cũng là ngôi đình duy nhất tại huyện Bến Cầu có sắc phong. Do sự tàn phá của chiến tranh, đình bị sụp đổ, sắc phong thất lạc nên từ sau năm 1975, lễ rước sắc không còn.

Khi xưa, giao thông đường bộ chưa được phát triển nên việc đi lại bằng đường thuỷ là chủ yếu, cũng chính từ đó ảnh hưởng đến kiến trúc các đình ở Tây Ninh có mặt tiền quay ra sông, rạch. Những ngôi đình ở ven theo sông Vàm Cỏ Đông đã chứng kiến sự sầm uất cảnh trên bến dưới thuyền giao thương buôn bán ở Tây Ninh xưa và nay. Sông Vàm Cỏ Đông đóng vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần lẫn vật chất của cư dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế và xã hội, tạo nên nét đặc trưng và tiêu biểu cho văn hoá sông nước ở Tây Ninh.

Bài, ảnh: PHÍ THÀNH PHÁT - Thiết kế: TƯỜNG VI

2 thg 3, 2024

“Chợ lá”- đến hẹn lại lên

Những năm qua, chợ lá ở Tây Ninh đã trở thành nét đẹp về sự hảo tâm, lòng hiếu khách; mang tinh thần sẻ chia, thơm thảo của người dân tỉnh nhà lan toả trong cộng đồng.

Đến hẹn lại lên, khoảng rằm tháng Giêng, các nhóm thiện nguyện trên địa bàn tỉnh lại tụ họp tổ chức chợ lá. Từ một hoạt động tự phát, bình dị của người dân, chợ lá đã dần trở thành “lễ hội”, thu hút du khách. Đến phiên chợ, ai ai cũng hồ hởi mang theo nắm lá để đổi lấy những phần bánh, chè, trái cây…

Ở chợ lá, người bán không nhận tiền, chỉ cần nhận lại nụ cười, niềm vui, một chiếc lá thay cho lời cảm ơn.

Bánh khọt nóng hổi tại chợ lá Hốc Trâm

Dọc một triền sông- Triêm Hoá

Chúng ta đã biết về tổng Giai Hoá ở bên bờ phải sông Vàm Cỏ Đông. Thì phần thềm sông bên trái (tả ngạn), tại khu vực trung tâm nhất của vùng Nam Tây Ninh chính là tổng Triêm Hoá.

Sách Từ điển Địa danh Hành chính Nam bộ (Nguyễn Đình Tư, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) có mục từ Triêm Hoá (trang 1232), là “Tổng thuộc h.Quang Hoá, p.Tây Ninh, t.Gia Định từ năm Thiệu Trị thứ nhất (1841). Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực chiêu tập dân xiêu tán lập thêm thôn Hoà Bình.

Trải qua triều Tự Đức có 7 thôn: Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Hưng Mỹ, Hoà Bình, Phước Trạch, Thạnh Đức, Trường Hoà... Đến thời Pháp thuộc đặt thuộc hạt tht. Quang Hoá, rồi Trảng Bàng, rồi Tây Ninh. Ngày 6.3.1891 giải thể Hoà Bình nhập vào làng Trường Hoà, l. Hưng Mỹ vào l. Cẩm Giang…”.

Nội thất đình Trung Cẩm Giang.

Bến Băng Dung

Trong bài viết về các bến sông ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, tác giả đã xin phép lướt qua bến sông này. Bởi đây là bến sông đặc biệt với nhiều kỷ niệm.


Kỷ niệm lần tác giả đi cùng cán bộ Bảo tàng tìm địa điểm từng là nơi thầy cô và học trò trường kháng chiến Hoàng Lê Kha trú đóng từ năm 1962. Chiến tranh, trường dời cứ nhiều nơi, lúc ở bên này sông thuộc xã Tà Păng, khi lại qua bên hữu ngạn thuộc địa bàn xã Đây Xoài. Hai địa bàn ấy nay là xã Phước Vinh và xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Địa điểm ở lâu nhất được xác định là ngay gần bến Băng Dung. Vị trí cụ thể ngày nay cũng là một trường học- Trường tiểu học Phước Lộc.

Hội xuân núi Bà Đen - xưa và nay

Việc hành hương về núi Bà Đen, nhất là vào những dịp hội xuân đã dần trở thành truyền thống với người dân Tây Ninh và các vùng lân cận.

Dốc thượng dẫn lên chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen)

Những ngày đầu xuân là thời điểm thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân thường đi lễ chùa cầu an và sự thư thái cho tâm hồn- dù người đó có hay không theo đạo Phật. Đến chùa để hướng về đức Phật, cầu mong khoẻ mạnh, an vui, hạnh phúc và mọi sự đều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam bộ và là một trong những ngọn núi thiêng ở vùng đất phương Nam. Với việc thành lập chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên núi Bà Đen vào thế kỷ XVIII, Hoà thượng Đạo Trung Thiện Hiếu đã đặt nền tảng ban đầu cho việc phát triển Phật giáo ở Tây Ninh, đây còn là nơi phát tích nên tục thờ Linh Sơn Thánh Mẫu. Hoà cùng với tổng thể thiên nhiên, ngôi chùa là một trong những danh thắng của tỉnh.

Từ thế kỷ XIX, thập phương bá tánh về viếng núi Bà Đen rất đông, nhất là vào Hội xuân núi Bà. Lúc bấy giờ, chùa Linh Sơn Tiên Thạch cách tỉnh lỵ Tây Ninh 11km, đường sá đi lại còn khó khăn nên phải mất cả ngày trên xe bò luồn rừng để đi đến núi.

Người Nam kỳ lục tỉnh lên viếng một chuyến có khi cũng phải mất vài ngày. Nên tổ Thanh Thọ - Phước Chí thuộc đời thứ 41 dòng Lâm Tế Liễu Quán, trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch lúc bấy giờ về thôn Vĩnh Xuân lập chùa Phước Lâm vào năm Tân Mùi (1871), chùa nằm cặp ngay bờ rạch Tây Ninh (nay thuộc khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh), để bà con lục tỉnh lên đậu ghe nghỉ lại, chờ ngày sau lên viếng các chùa trên núi.

Du khách thập phương về viếng chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen)

Năm Nhâm Thân (1872), tổ Phước Chí xây hang núi thành điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu; đến năm Bính Tý (1876), lập chùa Linh Sơn Phước Trung ở chân núi Bà Đen làm nơi dừng chân cho khách thập phương trước khi lên núi. Trong “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của Nguyễn Liên Phong có viết:

…Điện Bà xưa những đến nay,
Thiệt là một chỗ cao dày linh chung.
Dưới chưn có cảnh chùa Trung,
Kề bên sẵn suối nước trong thấy trời.
Người đều tới đó nghỉ ngơi,
Khiết tinh mộc dục lên nơi Điện Bà...

Nhân dịp rằm tháng Giêng năm Tân Sửu (1901), các bậc tiền bối của làng thơ Tây Ninh có mời bà Sương Nguyệt Anh- ái nữ của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu cùng viếng núi ngắm hoa mai trắng nở. Nữ sĩ đã xúc cảm viết một bài thơ Nôm “Vịnh bạch mai trên núi Bà” và hai bài thơ chữ Hán “Linh sơn nhất thụ mai”. Cho đến nay, những bài thơ này là niềm tự hào của người dân Tây Ninh khi vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của ngọn núi cao nhất Nam bộ được thi hoá đầy rung động.

Du khách thập phương về viếng chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen)

Trong sự tích kể về Linh Sơn Thánh Mẫu qua truyền thuyết Lý Thị Thiên Hương cũng có nhắc đến: “Tại Trảng Bàng, có cô gái tên Lý Thị Thiên Hương thông thạo văn chương, lại biết ít nhiều võ nghệ, mỗi ngày rằm hay lên núi lễ Phật...”.

Qua đây, đã cho thấy từ xưa việc cư dân thường đi hành hương ở núi Bà Đen, lễ Phật ở chùa Linh Sơn Tiên Thạch đã được ghi chép lại qua tài liệu lịch sử hay cả trong sự tích, thơ ca.

Tây Ninh là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch- kể cả du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn. Và, núi Bà Đen là nguồn lực phát triển du lịch tâm linh tôn giáo, tín ngưỡng của tỉnh.

Quần thể danh thắng núi Bà Đen, với diện tích khoảng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành là núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Trong đó, núi Bà Đen có độ cao 986 m, là ngọn núi cao nhất ở Nam bộ.

Hằng năm, danh thắng này đón tiếp hàng triệu du khách đến hành hương, nhất là vào dịp Hội xuân núi Bà và lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu (từ ngày 4-6.5 âm lịch). Đặc biệt năm 2019, lễ vía Bà được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Du khách thập phương viếng điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen.

Đầu năm, người dân có thói quen đến chùa lễ Phật cầu an. Người dân Tây Ninh nói riêng và khách hành hương nói chung thường hướng về núi Bà Đen, nơi có ngôi chùa tổ của Phật giáo Tây Ninh, nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu- vị nữ thần bảo hộ cho cư dân cùng với hệ thống chùa núi Bà Đen.

Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu thuộc khuôn viên chùa Linh Sơn Tiên Thạch cũng được du khách xem là một ngôi chùa và thường gọi với cái tên “chùa Bà”. Kết hợp với hành hương là vãng cảnh, trong mùng 4 tết tại núi Bà sẽ diễn ra lễ khai mạc Hội xuân núi Bà Đen có hội diễn văn nghệ và bắn pháo hoa rực rỡ.

Du khách đến viếng chùa Linh Sơn Tiên Thạch thường đi về trong ngày. Những đoàn đi xa hoặc ở lại trong những dịp lễ hội tại núi Bà Đen thường nghỉ, ngủ lại ở nhà khách và dùng cơm ở nhà trù do chùa chuẩn bị. Vào các dịp hội xuân, lễ Phật đản, vía Linh Sơn Thánh Mẫu, huý kỵ tổ sư, lễ Vu lan... bếp chùa luôn đỏ lửa nấu rất nhiều phần ăn chay để thết đãi khách thập phương về viếng.

Thời gian qua, bên cạnh tổ chức các khoá lễ dân gian cũng như Phật giáo, Ban Quản lý di tích còn tổ chức hội diễn các loại hình diễn xướng dân gian như múa bóng rỗi, đờn ca tài tử, múa trống Chhay-dăm... hay các nghi thức trình thập cúng của Phật giáo gắn liền với chùa Linh Sơn Tiên Thạch, địa phương Tây Ninh đã góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách “hương sắc Tây Ninh”.

Chùa Linh Sơn Phước Trung dưới chân núi Bà Đen.

Núi Bà Đen cùng ngôi cổ tự Linh Sơn Tiên Thạch đã có nhiều gắn bó với các sự kiện lịch sử, văn hoá tại Tây Ninh. Việc hành hương về núi Bà Đen, nhất là vào những dịp hội xuân đã dần trở thành truyền thống với người dân Tây Ninh và các vùng lân cận.

Nay, hệ thống các chùa núi Bà cùng các hạng mục, công trình ở Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen ngày càng đổi mới, khang trang; cùng với việc kết nối các tour du lịch hành hương, du lịch khám phá địa phương đã góp phần rất lớn vào sự phát triển du lịch ở Tây Ninh.

Phí Thành Phát

1 thg 3, 2024

Những bến sông ở phía thượng nguồn Vàm Cỏ Đông

Ðấy là ở thượng nguồn Vàm Cỏ Ðông, con sông thương nhớ của người Tây Ninh, đã vào đủ cả thơ, ca, nhạc hoạ. Hay là do nhạc hoạ, vì quá hay nên cứ tự vang lên mà nhắc nhở con người đừng quên nó.

Bến Năm Chỉ

Mỗi năm, tôi có đôi lần đi ngược “con đường sứ” ngày xưa, tìm tới các bến sông. Ðấy là ở thượng nguồn Vàm Cỏ Ðông, con sông thương nhớ của người Tây Ninh, đã vào đủ cả thơ, ca, nhạc hoạ. Hay là do nhạc hoạ, vì quá hay nên cứ tự vang lên mà nhắc nhở con người đừng quên nó. Và thế là lòng tự nhủ lòng, là sẽ lên với Cây Ổi, Băng Dung, hay Lò Gò, Bến Ra trên tận ngọn nguồn sông.

8 thg 1, 2024

Công quả Cao Đài


Có một điều khá lạ với du khách từ phương xa đến viếng thăm Toà thánh Cao Đài, là các công trình bên trong lúc nào cũng như mới. Từ ngôi Khách đình, nơi tiễn đưa người quá cố xây từ năm 1927, hay ngôi Đền thánh, được khởi công từ năm 1933, đến năm 1947 mới hoàn thành. Vậy mà sau bảy tám mươi, hoặc gần cả trăm năm, ngôi nào cũng óng ánh màu ngói đỏ tươi, tường, cột, vách sáng trưng những màu sơn tươi mới.

Người Tây Ninh thì chẳng lạ gì, bởi đã biết Toà thánh có một đội ngũ làm công không lương luôn có mặt. Là những người làm công quả, tức là ăn cơm nhà, tự nguyện vào làm mọi việc không công cho Toà thánh. Dân gian gọi họ là “công quả Cao Đài". Họ có mặt mọi lúc mọi nơi, làm ngay những việc cần thiết để Toà thánh luôn được chỉnh trang sạch đẹp.

Hồ Dầu Tiếng - điểm du lịch dã ngoại đầy thú vị

Một địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Tây Ninh là hồ Dầu Tiếng - Điểm đến hứa hẹn mang tới vô vàn trải nghiệm thú vị.

Đập chính hồ Dầu Tiếng.

Hồ Dầu Tiếng vừa mang vẻ đẹp bình dị, hoang sơ, thoáng đãng vừa mang vẻ đẹp giao hoà giữa núi và hồ. Đây được xem là điểm dã ngoại vô cùng độc đáo cho những ai muốn cân bằng cuộc sống.

Du khách sẽ khám phá cảnh quan thiên nhiên, ngắm bình minh và hoàng hôn tại hồ; hay tổ chức tiệc nướng ngoài trời, cắm trại qua đêm, khám phá các đảo trong hồ bằng ca-nô... Tất cả mang đến cho bạn cảm giác vô cùng yên bình, thư thái.

Bến Cầu, vẻ đẹp miền biên viễn

Bến Cầu là một huyện biên giới của tỉnh Tây Ninh, có diện tích tự nhiên 233 km², cách thành phố Tây Ninh 30 km về phía Tây Nam và Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Tây Bắc.

Bến Cầu nằm trên tuyến giao lưu trực tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Campuchia, cách Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Tây Ninh không xa, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Theo đánh giá, tiềm năng tự nhiên của huyện khá đa dạng, nhiệt độ cao đều trong năm, địa hình tương đối bằng phẳng, nguồn nước tự nhiên dồi dào, đất đai có tầng canh tác sâu… là những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nông nghiệp cũng như xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông, công nghiệp và phân bố dân cư.

Một góc nhìn huyện Bến Cầu từ trên cao cho thấy vẻ đẹp mới, màu sắc đầy tươi sáng cho sự phát triển trong tương lai.

Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

19 thg 12, 2023

Mùa nước nổi ở Tây Ninh

Có lẽ, ít ai nghĩ, một tỉnh vùng biên giới được cho là “nắng cháy da người” cũng có mùa nước nổi với những sản vật ruộng đồng phong phú như ở các tỉnh miền Tây.

Vợ chồng ông Thống mượn xuồng đi hái bông súng.

18 thg 12, 2023

Thăm đình Long Thành, tưởng nhớ người mở mang vùng đất “ngũ long”

Sau khi thân sinh qua đời, ông Trần Văn Thiện và một số người cùng chí hướng tiếp tục khai phá, lập thêm một thôn khác, nay là 5 xã “ngũ long” thuộc huyện Bến Cầu và thị xã Hoà Thành.

Nơi thờ cúng Đức đại thần Trần Văn Thiện.

Gần 180 năm trước, cha con ông Trần Văn Thiện đến khai khẩn vùng ven sông Vàm Cỏ Đông và di dân lập được 4 thôn. Sau khi thân sinh qua đời, ông Trần Văn Thiện và một số người cùng chí hướng tiếp tục khai phá, lập thêm một thôn khác, nay là 5 xã “ngũ long” thuộc huyện Bến Cầu và thị xã Hoà Thành.

Chùa mang tên làng Thanh Phước

Theo Từ điển địa danh hành chính Nam bộ của Nguyễn Đình Tư, Thanh Phước là thôn thuộc tổng Mỹ Ninh, huyện Quang Hoá, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 19. Gắn với việc lập làng là hình thành các thiết chế văn hoá - tín ngưỡng để phục vụ cư dân.

Chùa Linh Sơn Thanh Lâm (huyện Gò Dầu).

Sau 30.4.1975, Thanh Phước là một xã thuộc huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh (Nxb Chính trị quốc gia, trang 1.117). Hiện nay, tại khu phố Nội Ô, thị trấn huyện Gò Dầu còn hai ngôi cổ tự, ghép chữ đầu của mỗi hiệu chùa là tên làng Thanh Phước xưa. Đó là chùa Thanh Lâm (Linh Sơn Thanh Lâm) và chùa Phước An (sau đổi lại là chùa Bửu Nguyên).

17 thg 12, 2023

Tản mạn về ẩm thực Tây Ninh

Đối với người Việt Nam, ẩm thực không chỉ là nét văn hoá về vật chất mà còn là văn hoá về tinh thần. Qua ẩm thực, người ta có thể hiểu được nét văn hoá thể hiện phẩm giá con người, trình độ văn hoá của dân tộc với những đạo lý, phép tắc, phong tục trong cách ăn uống...


Khi cuộc sống phát triển, người ta đã có thể bàn về chuyện ăn ngon mặc đẹp chứ không phải “ăn no mặc ấm”. Ẩm thực Tây Ninh ngày càng phong phú, với nhiều phong cách ẩm thực được dung hoà nơi vùng đất đầy nắng này.

Sông núi Tây Ninh

Cho dù sông Sài Gòn chính là nơi người Tây Ninh lập nên kỳ tích vào cuối thế kỷ 20, sông Vàm Cỏ Đông lại nằm trong tình yêu và nỗi nhớ của những người con vùng biên nắng cháy da người, và có thể cả người đến từ những miền quê khác.

Đấy! Như nhạc sĩ Hoàng Việt, người từng viết nên bản Tình ca bất hủ; khi “nếm mật nằm gai” trong kháng chiến chống Pháp, trên những vùng rừng của chiến khu Dương Minh Châu rất gần sông Sài Gòn, thì ca khúc nổi tiếng khác của ông là Lên ngàn lại là viết về sông Vàm Cỏ Đông, được sáng tác năm 1952, sau trận lũ lịch sử Nhâm Thìn. Đến nay, sau 71 năm, người cả nước vẫn hào hứng với từng câu hát: “Hò ơ… dòng sông chảy xiết lái thuyền chèo đi/ Trên sông Vàm Cỏ Đông, nước chảy ngược dòng…”.

Giai điệu da diết này là không thể quên, nhất là vào những tháng cuối năm con nước lớn dềnh lên lai láng đôi bờ sông Vàm Cỏ Đông. Và cũng không thể quên những lời thơ của một nhà thơ chiến đấu ở phía hạ nguồn sông trên đất Long An, đấy là Hoài Vũ với Vàm Cỏ Đông: “Vàm Cỏ Đông, ơi hỡi dòng sông/ Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng/ Đuổi Pháp đi rồi nay đuổi Mỹ xâm lăng/ Giặc đi đời giặc, sông càng xanh trong…”.

Sông Vàm Cỏ Đông qua Gò Dầu.

13 thg 1, 2023

Góc nhỏ Gia Huỳnh

Chúng tôi đi tìm ký ức chiến tranh nơi xóm Bàu Me, thì đã chạm vào ký ức ác liệt ấy ở ngay tại ngã ba đầu thị xã Trảng Bàng. Bà Hồ Thị Hôn, một trong những em bé chạy giữa bom đạn mù trời trên quốc lộ 1, trong tấm ảnh “Em bé Napalm” kể lại: “Chúng tôi đang chạy vào trong thị trấn, bởi nhà cửa ở ngoài kia bị bom Napalm của quân đội Cộng hoà đốt sạch. Bé Phạm Thị Kim Phúc cháy hết quần áo nên bị bỏng nặng. Dù vậy, em vẫn cố gắng chạy vào. May mà gặp phóng viên Nick Út. Ông chụp ảnh xong thì chạy lại cứu giúp các em. Việc đầu tiên là ông lấy bình tông nước đổ lên người Kim Phúc…”.

Một góc thị xã Trảng Bàng. Ảnh: Trịnh Hải Nguyên

15 thg 12, 2022

Tên đất Lồ Cồ


Thật may mắn là tôi được biết tên ấp này từ sớm, khoảng 15 năm trước. Đầu tiên là nhờ bài thơ ấp Lồ Cồ của cố thi sĩ Cảnh Trà. Đấy là: “Không có đèo/Tên ấp nghe như tiếng vó ngựa trời chiều/ Bước thấp/ Bước cao/ Lật đật/ Trèo leo/ Trồi sụt/ Ấp Lồ Cồ nằm bên dòng Vàm Cỏ Đồng xanh mát/ Có bến sông và cô gái chèo đò...". Vài năm sau nữa, tôi lại có dịp đi cùng cán bộ biên phòng khảo sát tuyến sông biên giới, từ Phước Vinh lên Lò Gò - Xa Mát. Ghe máy xuất phát từ bến Phước Trung, nơi có trạm chốt của đồn Vàm Trảng Trâu. Khi tới vàm rạch Trảng Châu (ngã ba sông), các anh chỉ cho khoảng gò có cây cao vút mé bên hữu ngạn, bảo: - Bên kia là ấp Lồ Cồ.

14 thg 12, 2022

Bến Củi - Miền cửa ngõ phía Đông

Bến Củi - nay đã thành tên xã, theo sách Truyền thống cách mạng xã (2017) thì mới có từ thời Pháp thuộc. Ấy là khi “thực dân Pháp cai trị và lập đồn điền ở vùng đất này, người dân lập ra nhiều bến cặp sông Sài Gòn để dùng ghe thuyền chở củi buôn bán các nơi, và tên Bến Củi được dân gian gọi từ đó…

Sông Sài Gòn qua Bến Củi (bên kia là hồ Dầu Tiếng, Bình Dương)

Chuyện xưa nay Bến Sỏi 

Nước sông Vàm xanh ngắt, lộng bóng mây trời cùng những dề lục bình trôi lững lờ. Dường như đất trời, mặt nước đã hoà chung một sắc xanh không tưởng, đẹp nao lòng.

Quán cà phê dưới chân cầu.

Như vậy là bạn đọc đã biết phần nào về địa danh Bến Sỏi. Một bến sông đầy sỏi đá, nổi cao trên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông thuộc xã Ninh Điền, xã được định danh từ thời vua Thiệu Trị thứ nhất năm 1841. Bến Sỏi sau đó nằm trên tuyến đường quan trọng nhất Tây Ninh thời Pháp thuộc- đường thuộc địa (quốc lộ) số 1. Trước năm 1916, từ Sài Gòn đi Nam Vang phải theo đường này. Từ Tây Ninh đến Bến Sỏi chỉ khoảng 10km. Từ Bến Sỏi đến cửa khẩu Phước Tân chỉ 12km. Qua đấy là sang tỉnh Svay Rieng, rồi trực chỉ tới kinh đô vương quốc Campuchia…

7 thg 11, 2022

70 năm lũ lịch sử Nhâm Thìn

Năm nay vừa đúng 70 năm, trận lũ lịch sử năm Nhâm Thìn (1952). Rất may là 70 năm đã không có lần nào lặp lại. Tuy vậy cũng cần xem xét kỹ lại trận lụt này, để dự phòng trên con đường phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tây Ninh.

Sông Vàm Cỏ Đông hôm nay (từ bến Cây Ổi).

Tư liệu thành văn trận lũ 1952 viết ở hầu hết các sách sử về Tây Ninh, nhưng được mô tả khá kỹ lưỡng là ở trong sách du khảo “Tây Ninh xưa” của Huỳnh Minh. Tác giả viết sách này vào năm 1972 nhưng ký ức về trận lũ qua 20 năm vẫn còn đọng lại khá sâu đậm trong những người Tây Ninh từng chứng kiến. Chỉ đáng tiếc là mô tả của Huỳnh Minh chủ yếu ở khu vực nay là thành phố Tây Ninh. Và một vấn đề khác nữa cũng cần minh định lại, đó là thời gian (ngày tháng) diễn ra trận lũ Nhâm Thìn.

Dấu ấn Ni trưởng Huỳnh Liên trong Phật giáo khất sĩ ở Trảng Bàng

Ni trưởng Tạng Liên tiếp nhận phần đất, đến năm 1960, Ni trưởng Huỳnh Liên đứng ra thành lập tịnh xá trên mảnh đất nay thuộc khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng.

Bàn thờ Ni trưởng Huỳnh Liên tại tịnh xá Ngọc Trảng.

Từ năm 1947 đến năm 1954, đoàn du tăng khất sĩ đầu tiên- do tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập, thâu nhận tăng, ni xuất gia nhập đạo. Mỗi đoàn du tăng hoặc ni được thành lập với số lượng trên 20 vị, chia nhau đi hành đạo ở khắp các vùng Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ.