15 thg 7, 2023

Ninh Thuận - sắc xanh trên “sa mạc”

Những giàn nho chín mọng trĩu quả, những ruộng nha đam tươi non mơn mởn và những cánh đồng măng tây đong đưa trong gió phủ xanh khắp các vùng đất hạn, che lấp cả những vùng cát trắng… đã tạo nên bức tranh nông nghiệp đầy sức sống của Ninh Thuận, nơi được mệnh danh là “tiểu sa mạc” của Việt Nam. Những loại nông sản đặc thù nổi tiếng ấy không chỉ giúp Ninh Thuận “xanh hóa” những vùng đất khô cằn cháy nắng mà ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương.

Vùng trồng nho nguyên liệu và lấy quả ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Công Đạt/VNP

Phủ xanh “sa mạc” bằng giống cây nông nghiệp đặc thù

Ninh Thuận thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, được mệnh danh là vùng “tiểu sa mạc” của Việt Nam bởi địa hình nhiều hoang mạc, có lượng mưa cả năm rất thấp dẫn đến tình trạng khô hạn và nắng nóng quanh năm. Tổng số diện tích đất hoang mạc ở Ninh Thuận là 41.021ha, chiếm 12,21% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh.

Từ những bất lợi về điều kiện thời tiết, khí hậu, người dân nơi đây đã biến thành lợi thế bằng cách trồng nho, giống cây trồng có khả năng chịu nắng, chịu hạn tốt. Vì vậy, từ vùng đất khắc nghiệt Ninh Thuận vô tình lại trở thành vùng đất lí tưởng của cây nho.




Cây nho được du nhập vào Việt Nam từ năm 1960 và được trồng tại Trung tâm Nha Hố, nay là Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) với các giống nho có nguồn gốc nhiệt đới và ôn đới từ các nước Thái Lan, Hàn Quốc và Mỹ. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tính đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có khoảng 1.114 ha trồng nho các loại, trong đó giống nho đỏ truyền thống và nho xanh NH01-48 chiếm khoảng 80% diện tích. Trung bình mỗi năm Ninh Thuận cung cấp cho thị trường khoảng 26.583 tấn, trong đó nho ăn trái tươi chiếm 80% sản lượng.

Ứng dụng công nghệ cao vào trồng, chăm sóc nho. Ảnh: Lê Minh/VNP

Lễ hội Nho và Vang là lễ hội truyền thống của Ninh Thuận, được tổ chức 2 năm/lần, nhằm xây dựng thương hiệu của địa phương, trong đó có các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và đặc thù, đồng thời là sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa của các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, sự kiện này sẽ diễn ra từ 13-18/6, dự kiến sẽ là lễ hội được tổ chức lớn nhất từ trước tới nay.

Người trồng nho nổi tiếng nhất ở Ninh Thuận chính là ông Nguyễn Văn Mọi, chủ trang trại nho Ba Mọi ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước. Ông có 2 ha nho ăn trái và nho sản xuất rượu vang. Nhiều năm qua trang trại nho của ông đã trở thành điểm đến tham quan và thưởng thức nho nổi tiếng của du khách gần xa.

Ở Ninh Thuận còn có làng nho Thái An ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Nơi đây có khoảng 200 ha nho nằm dọc theo trục đường 702, cung đường du lịch ven biển được coi là đẹp nhất Việt Nam, chạy qua Vườn quốc gia Núi Chúa, thẳng đến vịnh Vĩnh Hy. Đây chính là làng nho phục vụ du lịch nổi tiếng nhất của địa phương với những vườn nho xanh tươi bạt ngàn và các giàn nho chín mọng đung đưa hấp dẫn du khách.

Bên cạnh cây nho, cây măng tây, nha đam, táo cũng được xem là những giống cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận nhờ có đặc tính sinh trưởng tự nhiên phù hợp với vùng đất này.

Măng tây hiện được xem là cây trồng giúp “xóa đói, giảm nghèo” ở địa phương với năng suất và chất lượng cao, thị trường tiêu thụ lớn và tuổi thọ thu hoạch lên đến 5 năm. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận có hơn 200 ha măng tây xanh, được trồng nhiều nhất ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Nha đam cũng là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch tương đối ngắn, rất phù hợp với điều kiện canh tác của người dân có ít vốn đầu tư, ít sử dụng nước tưới ở vùng đất có khí hậu khô nóng như Ninh Thuận. Toàn tỉnh hiện có khoảng 350 ha nha đam được trồng tập trung chủ yếu ở các phường Văn Hải (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm), huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Cây nha đam đã được công nhận là 1 trong 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của Ninh Thuận.

Ninh Thuận xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, xuất khẩu và phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tạo sự đột phá đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.

Đưa nông nghiệp công nghệ cao thành mũi nhọn kinh tế

Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng, dự án có quy mô và sản xuất ra các mặt hàng nông sản có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường;

Theo ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập.





Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực triển khai thực hiện nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là, tăng cường tuyên truyền về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật các vùng sản xuất, khu nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường nghiên cứu, lựa chọn giống và các quy trình, công nghệ sản xuất. Cùng với đó, Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả công tác thu hút, sử dụng các nguồn lực và đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số đối với các hoạt động phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian qua, Ninh Thuận đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo mô hình đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ISO, ISO/IEC 17025, HACCP, nông sản hữu cơ... Điển hình như mô hình sản xuất măng tây xanh của Trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến, HTX Tuấn Tú (huyện Ninh Phước); mô hình sản xuất nho rượu của Công ty TNHH Ladora Farm (huyện Ninh Sơn); mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam miền Trung (huyện Bác Ái).


Quy trình chiết xuất siro nho và sản xuất rượu vang tại Trang trại nho Ba Mọi. Ảnh: Công Đạt/VNP



Những sản phẩm rượu vang, siro, nho thành phẩm, nho khô được chế xuất từ những vùng trồng nho ở Ninh Thuận. Ảnh: Công Đạt/VNP

Đặc biệt, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh đồng Việt (VietFarm) là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu nha đam. Doanh nghiệp này đã khai thác hiệu quả và nâng tầm giá trị cây nha đam nhờ có vùng nguyên liệu hơn 200 ha đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và nhà máy chế biến nha đam lớn nhất Việt Nam đặt tại Khu công nghiệp Thành Hải, TP. Phan Rang - Tháp Chàm với dây chuyền và công nghệ sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế FSSC 22000. Sản phẩm của VietFarm đã có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Nhiều năm qua, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố cũng đã lai tạo thành công một số giống nho mới như: NH01-48, NH01-152, Black- Queen, và mới đây nhất là giống nho ngón tay đen không hạt NH04-102 được trồng thử nghiệm hiệu quả. Nhiều giống nho mới trồng phổ biến tại một số vùng chuyên canh của Ninh Thuận được nông dân đón nhận và sản xuất đại trà làm phong phú thêm cơ cấu giống và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.




Qua khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, giá trị sản xuất trên 01 ha đất đầu tư sản xuất nông nghiệp theo mô hình ứng dụng công nghệ cao đạt trung bình khoảng 600 triệu đồng/ha/năm, một số mô hình như trồng dưa lưới, măng tây xanh đạt trên 1 tỉ đồng/ha/năm.

Sự phối hợp hiệu quả giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã tạo sức bật cho ngành nông nghiệp vốn mang tính đặc thù riêng của Ninh Thuận, từ đó hướng đến sự phát triển bền vững và hiệu quả để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.

Sản phẩm trà măng tây với tiêu chuẩn VietGAP được trồng tại Ninh Thuận. Ảnh: Công Đạt/VNP

Ninh Thuận đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đạt từ 30-40%/năm. Phấn đấu đến năm 2025 có từ 3-5 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000ha, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 700 triệu đồng/ha; và có khoảng 30 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động có hiệu quả, trong đó mỗi huyện có từ 4-6 dự án, ưu tiên lựa chọn phát triển sản phẩm đặc thù có tiềm năng xuất khẩu.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh, Công Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét