15 thg 7, 2023

Nhạc quận công Bùi Sỹ Lâm

Nhạc quận công Bũi Sỹ Lâm là một công thần có công với đất nước, văn võ song toàn, là nhà chính trị, quân sự ở nửa cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Hiện đền thờ và mộ của ông tại thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) và được con cháu dòng họ Bùi Sỹ, Nhân dân hương khói thờ phụng, thể hiện lòng biết ơn đối với bậc công thần có công lao to lớn với dân, với nước.

Ông Bùi Sỹ Minh thắp hương lên phần mộ và đền thờ Nhạc quận công Bùi Sỹ Lâm, tại thị trấn Tân Phong (Quảng Xương). Ảnh: Thảo Nguyên

Ông Bùi Sỹ Minh, hậu duệ đời thứ 23 dòng họ Bùi Sỹ, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc dòng họ Bùi Sỹ và cũng là người trông coi khu mộ và đền thờ Nhạc quận công Bùi Sỹ Lâm, đưa chúng tôi tham quan khuôn viên đền thờ và thắp nén hương thơm lên phần mộ. Qua lời kể của ông Bùi Sỹ Minh và các tài liệu lịch sử: Nhạc quận công Bùi Sỹ Lâm (1551-1643) sinh ra tại xã Lưu Vệ, huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, xứ Thanh Hóa (nay là thị trấn Tân Phong). Cha của ông là Bùi Sỹ Lam, mẹ là Lê Thị Thuận, luôn lấy đức làm điều thiện và xây dựng một gia đình nền nếp, đức độ nuôi dưỡng cho con cháu thành người hiền tài. Khi còn nhỏ, ông được cha mẹ cho đi học văn, luyện võ, học binh pháp, vốn là người tinh thông từ văn chương chữ nghĩa đến cung kiếm, có tài thiên bẩm về quân sự, tính tình quảng bá, độ lượng nên được mọi người mến mộ. Sau khi thi đỗ tam trường, ông chuyển hẳn theo nghiệp binh. Bởi có tài thao lược, ông được vào hầu trong phủ Bình An vương Trịnh Tùng, mỗi khi có việc gì cần khải tấu đề xuất từ lòng trung thực, nên trong ngoài đều cảm phục.

Đời vua Lê Thế tông, ông có công đánh giặc, khôi phục cơ nghiệp trung hưng nên được vinh phong là Phụ quốc Thuần Đức công thần, tước Triều Lộc hầu. Ông là người luôn trung thành với vua Lê nhưng cũng hết lòng bảo vệ chúa Trịnh, do vậy luôn được vua quý trọng và chúa tin tưởng, giao nhiều việc quan trọng. Trong công cuộc trung hưng nhà Lê, có sức đóng góp chung của các tầng lớp Nhân dân, trong đó, có công của Nhạc quận công Bùi Sỹ Lâm. Do những đóng góp to lớn ông đã được nhà Lê Trung hưng giữ lại làm việc cho đến cuối đời và được phong tặng nhiều chức vụ quan trọng. Tên tuổi của Nhạc quận công Bùi Sỹ Lâm được ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư” cùng với nhiều danh nhân lịch sử khác.

Tước vị càng cao, ông càng khiêm tốn, giàu có mà không kiêu căng. Ông đem tài sản gồm 30 mẫu ruộng và 300 lạng bạc cho hương lão và lớn bé trong thôn Trung, thôn Phú Đa, thôn Nhân Hậu thuộc bản xã. Bạc thì chia đều, ruộng thì cày cấy và khắc bia lập điều ước lưu truyền làm ruộng hương hỏa cho đời sau lo việc cúng tế, thờ phụng. Năm 1643, đời vua Lê Thần tông, Nhạc quận công Bùi Sỹ Lâm ốm nặng và qua đời. Ông được chúa Trịnh và vua Lê cho quan quân đem các đồ phúng tế đến quê nhà làm lễ quốc tang và cho xây lăng mộ, đền thờ, dựng bia để ghi công. Ông là một công thần đã có nhiều công lao với 4 triều vua (Anh tông, Thế tông, Kính tông, Thần tông) và chúa Trịnh. Đến năm Mậu Tý (1668) được phong tặng chức Thái Phó. Năm Nhâm Thìn (1676) phong tặng tiếp chức Thái tể và chức khiêm cung thuy quản thành tướng công, con cháu của ông cũng được phong tước ở các triều vua.

Ngày nay, về thị trấn Tân Phong, khu mộ và ngôi đền thờ Nhạc quận công Bùi Sỹ Lâm nằm trong khuôn viên rộng rãi, tĩnh lặng, cây cối xanh mát. Ông Bùi Sỹ Minh cho biết: Trước kia đền thờ làm bằng gỗ lim nhà ngói 5 gian, hậu cung bài trí rất đẹp, có các linh vật thờ cúng theo nghi lễ thời Lê Trung hưng. Qua thời gian chỉ còn lại một khoảng đất trống, ngôi mộ, tấm bia đá có niên đại năm 1628, một số kỷ vật cùng 8 đạo sắc phong. Sau này, chính quyền địa phương, bà con Nhân dân cùng con cháu dòng họ Bùi Sỹ đã tạo dựng nhà bia, tôn tạo chính tẩm, xây tường rào, xin lại khu đất tọa lạc phủ thờ cũ với diện tích gần 4.000m2. Tôn tạo tiền đường gồm 1 nhà gỗ lim 5 gian, tường gạch; tiền đường và hậu cung lợp ngói mũi, cánh cửa làm theo kiểu kiến trúc thời Lê Trung hưng. Từ hậu cung ra ngoài tiền đường có ngai thờ, tượng thờ Thái tể; giữa hậu cung và tiền đường là 2 ông phỗng đá. Phía sau đền thờ là mộ của đức Thái tể Bùi Sỹ Lâm, trước kia là mộ đất, sau được Nhân dân và con cháu dòng họ làm lại bằng đá. Hằng năm cứ đến ngày 15 tháng Giêng dòng họ Bùi Sỹ lại tiến hành lễ tế Tam tôn (cúng các thần linh: Thiên phủ - Địa phủ - Thủy phủ) để tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho đoàn quân do ngài Bùi Sỹ Lâm chỉ huy, xung trận dẹp giặc thắng lợi. Ngày mùng 8 tháng 8 (âm lịch) là ngày giỗ ngài Bùi Sỹ Lâm, con cháu về lễ vật, thắp hương tưởng nhớ. Khu di tích mộ và đền Bùi Sỹ Lâm đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Được biết, năm 2023, ban quản lý khu mộ và đền Bùi Sỹ Lâm và dòng họ Bùi Sỹ sẽ triển khai thực hiện Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử cấp quốc gia mộ và đền thờ Bùi Sỹ Lâm” dự kiến thực hiện vào quý III. Theo đó, dự án sẽ thực hiện cải tạo, tu bổ đền thờ chính; cải tạo nhà hữu vũ; xây mới nhà tả vũ; vườn cây; am hóa vàng; khu vệ sinh... với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và xã hội hóa.

Thảo Nguyên

Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn: Địa chí huyện Quảng Xương (NXB Từ điển Bách khoa, 2010); Văn tài võ lược xứ Thanh, tác giả Trịnh Hoành (NXB Thanh Hóa, 2017).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét