26 thg 7, 2023

“Cư trần lạc đạo phú” - Áng văn Nôm mang tinh thần Phật giáo Trúc Lâm

Tháng 5/2012, kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với giá trị lớn lao của kho mộc bản, nhiều nhà nghiên cứu Hán-Nôm và những người yêu mến Thiền phái Trúc Lâm, những người làm công tác nghiên cứu đã dày công lược thuật toàn bộ kho mộc bản.

Qua nghiên cứu cho thấy, kho mộc bản gồm hai loại kinh, sách chính: Loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại bằng ngôn ngữ Hán - Nôm. Những tác phẩm này đa phần chứa đựng nội dung cốt lõi của tư tưởng nhân văn Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nguồn di sản tư liệu phong phú, đa lĩnh vực giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cơ sở phát triển của Thiền học Trúc Lâm Yên Tử, lịch sử Phật giáo Việt Nam, văn hóa, giáo dục, văn học, ngôn ngữ học, sinh thái môi trường, tâm linh học, lịch sử nghề khắc in mộc bản, nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền, y học, cùng các lĩnh vực khác thuộc về khoa học xã hội của Việt Nam từ đầu thế kỷ XIII đến những năm đầu thế kỷ XX.

Tiêu biểu trong số ấy phải nói tới "Thiền tông bản hạnh"- một tập hợp các tác phẩm Nôm có giá trị được sáng tác từ thời Trần, Lê và được sưu tầm khắc in lại vào thời Nguyễn. Trong đó có một bài hạnh viết theo thể thơ lục bát của thiền sư Chân Nguyên kể về sự tích của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và một số trước tác của các vị sư tổ Thiền tông thời Trần, đặc biệt có bài “Cư trần lạc đạo phú” của vua Trần Nhân Tông. Đây là nguồn tư liệu quý, minh chứng xác thực góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu tìm hiểu chữ Nôm và giá trị văn Nôm thời Trần, thời Lê - Nguyễn trong kho tàng thơ văn Phật giáo Việt Nam.

Du khách tìm hiểu mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh tư liệu.

“Cư trần lạc đạo phú” được lưu giữ cẩn thận tại chùa Vĩnh Nghiêm. Vật liệu để làm nên những mộc bản này là gỗ thị. Kích thước mỗi mộc bản khoảng 35 cm x 22 cm, kiểu chữ trên mộc bản là chữ Nôm, viết chân phương, có chỗ xen cả những đoạn văn bằng chữ Hán khắc ngược, khi in ra giấy dó trở thành chữ xuôi. Mỗi mặt là một trang sách có đầy đủ tiêu đề, số trang. Qua đó, người đọc có thể biết được tên tác phẩm và những thông tin cần thiết. Qua in dập và xem xét, mộc bản “Cư trần lạc đạo phú” gồm 6 mặt khắc chữ Nôm để diễn ca nói về Thiền phái Trúc Lâm mà tác giả chính là vị Thiền sư (Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông, thời Trần thế kỷ XIII - XIV). Điều này càng khẳng định thêm rằng Phật giáo là một tôn giáo có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của dân tộc Việt Nam thời Trần.

Qua xem xét, tìm hiểu một số nét cơ bản của tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” lưu tại kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có thể nói, tác phẩm này có một vị trí đặc biệt trong lịch sử phát triển văn tự và văn học Nôm của Việt Nam.




Tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú”, nguyên bản đề Yên Tử sơn đệ nhất tổ Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác hoàng Điều Ngự chủ Phật Cư trần lạc đạo phú, dịch nghĩa là bài phú Cư trần lạc đạo của Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác hoàng Điều Ngự tổ thứ nhất phái Trúc Lâm núi Yên Tử. Bài phú Cư trần lạc đạo (tức: Ở đời vui với đạo) dài 160 vế. Qua xem xét các thông tin từ văn bản cho thấy, đây là tác phẩm văn học thuộc loại đầu tiên bằng chữ Nôm hết sức có giá trị của văn học Việt Nam còn được bảo tồn đến ngày nay. Tác phẩm này đều thuộc thể loại văn họa luận đề, tập trung trình bày một số vấn đề mang tính tư tưởng và lý luận. Cư trần lạc đạo phú có thể nói là “một bản tuyên ngôn của con đường sống đạo, mà Phật giáo Việt Nam đã đề ra và chi phối cuộc sống của hàng triệu người Phật tử Việt Nam thời vua Trần Nhân Tông và những thế kỷ sau”.

Tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” được viết theo lối phú luật hay phú cận thể của thời thịnh Đường, gồm 10 hội dài bằng chữ Nôm và một bài kệ bằng chữ Hán kết thúc bài. Mười hội dài phu diễn những quan điểm của người tu giữa chốn trần ai, cùng các điểm khai ngộ lý thiền. Thi kệ yết hậu chính là phần kết luận của bài phú, tóm lược lại tất cả những tinh yếu của toàn bài.

Thác bản mộc bản có bài kệ “Cư trần lạc đạo phú”.

Về mặt văn tự, ngôn ngữ được sử dụng chính trong tác phẩm “Cư trần lạc đạo phú” là chữ Nôm (là loại văn tự của riêng người Việt Nam khác biệt với các loại văn tự khác trên thế giới), có một đoạn kệ gồm 4 câu xen lẫn cả chữ Hán. Chữ viết rõ ràng, sắc nét và dễ đọc, dễ nhớ, gần gũi với ngôn ngữ của người dân Việt Nam và dễ đi sâu vào lòng người. Văn phong trong tác phẩm đơn giản nhưng thấm nhuần ngôn ngữ Phật giáo, đồng thời thể hiện tinh thần nhập thế của những tác giả là nhà tu hành. Một điều đáng quan tâm trong “Cư trần lạc đạo phú” bởi đây chính là một tác phẩm Nôm tiêu biểu đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Viêt Nam, chuyển từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán của Trung Quốc sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm (chữ viết do người Việt Nam tạo ra để ghi âm tiếng Việt).

Từ chỗ chỉ được dùng lẻ tẻ ở thời kỳ trước đó, chữ Nôm bắt đầu được sử dụng một cách có hệ thống trong trước tác của các cao tăng Thiền phái Trúc Lâm. Họ sử dụng chữ Nôm để viết lời thuyết pháp dưới dạng văn vần (tiện cho việc phổ biến giáo lý nhà Phật vào dân gian). Những lời thuyết pháp được viết bằng chữ Nôm ấy không phải là dịch trực tiếp từ kinh Phật viết bằng chữ Hán hay bằng chữ Phạn (một loại chữ Ấn Độ cổ) mà đó là những tổng kết ngắn gọn dưới dạng thơ, phú hoặc là những diễn giải tư tưởng Phật học dưới lăng kính của người Việt Nam. Trong số này tiêu biểu có tư tưởng nhập thế, tự lực và tùy duyên của vua Trần Nhân Tông, thể hiện trong bài phú "Cư trần lạc đạo" của mình. Tư tưởng đó được đúc kết trong một bài kệ theo thể thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán như sau:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”.

(Ở đời vui với đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh mà vô tâm thì chớ có hỏi Thiền).

Đại ý của bài kệ này nói nên rằng: Mỗi con người hãy nên sống hòa mình với đời, không câu chấp; hành động tùy duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên; tự tin vào mình, trở về khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực; không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù Thiền hay Phật.

Phùng Thị Mai Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét