4 thg 5, 2021

Quán cơm Bà Cả Đọi - nơi lưu dấu chân những lãng tử Sài Gòn

Những cư dân sống lâu năm ở Sài Gòn thích ẩm thực hương vị đồng quê Kinh Bắc với thịt kho, dưa chua, trứng đúc, cà bung… thì Tiệm cơm ĐỒNG NHÂN - Cơm Bà Cả luôn được nhắc đến. Nhiều người đi xa mấy chục năm trở về cũng được bạn bè nhắn: “Nhớ ăn giùm tôi bát canh cua rau đay của Bà Cả nha”.

Bà Cả được nhiều người biết đến không chỉ do tài nấu nướng khéo léo của bà. Thương hiệu Quán cơm Bà Cả Đọi được các lãng tử, thành viên các ban nhạc trẻ ở Sài Gòn truyền tai nhau cách đây 53 năm, rồi lan rộng ra nhiều giới đã trở thành huyền thoại đối với những người sành ẩm thực Sài Gòn.

Theo tự thuật của ký giả Trường Kỳ trong Một thời Nhạc Trẻ, ngay đầu tháng 2.1968, chiến sự căng thẳng nên chính quyền Sài Gòn ra lệnh đóng cửa các phòng trà, vũ trường. Ông (Trường Kỳ) lúc ấy đang phụ trách biên tập chương trình ca nhạc “Hippies à gogo” diễn vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại phòng trà Chez Jo Marcel số 67 Nguyễn Huệ, giờ tình hình như vậy nên đâm ra rảnh rỗi không có việc làm và không có tiền.
Một buổi trưa, ông rủ người bạn đi tìm quán cơm bình dân do những cư dân xung quanh giới thiệu. Quán nằm trong hẻm số 53 Nguyễn Huệ, chỉ cách chỗ ông làm mấy bước chân. Cả hai lơ láo đi vào trong cái ngõ hẹp nhỏ xíu, với những căn nhà lâu đời cũ kỹ, hai bên giăng đầy quần áo, trẻ con chạy qua chạy lại chơi đùa rầm rầm. Để ý mãi cũng không thấy một căn nhà nào có vẻ một quán ăn.

Cuối cùng hỏi thăm mới biết quán ăn này không có tên tuổi, bảng hiệu, nằm ở cuối hẻm và phải bước lên mười mấy bậc thang xi măng lên tầng trên mới tới được quán cơm bí hiểm này.

Dấu tích bậc thang lên quán cơm Bà Cả đầu thập niên 1960 (trong hẻm 53 Nguyễn Huệ).

Ký giả Trường Kỳ đã không ân hận khi phải trèo lên mười mấy bậc thang xi măng. Vừa bước vào quán đã nhìn thấy ngay chiếc bàn to để thức ăn, nào là đậu hũ nhồi thịt, cá chiên, thịt kho, dưa chua, trứng đúc, cà bung... và nồi canh đang sôi sùng sục, những món ông yêu thích.

Khách khứa ở đây gần như đều thuộc thành phần lao động, ngồi ăn rất thoải mái trên chiếc phản gỗ to kê sát tường. Mấy cô gái con bà chủ rất niềm nở, nhanh nhẩu thu xếp một bàn nhỏ cho hai vị khách mới. Ông gọi một tô canh mồng tơi, một đĩa cà pháo, một đĩa ốc giả ba ba, một đĩa thịt kho và một đĩa trứng đúc thịt. Cơm nóng, canh nghi ngút khói và những đĩa thức ăn thơm điếc mũi đã khiến ông và bạn không ngại ngần, ăn một mạch hết sạch mâm cơm, căng cả bụng.

Đã từ lâu, ông trải qua “những ngày tháng lêu bêu, ngày ở hotel, tối vũ trường, trưa thì cơm hàng cháo chợ” nay được bữa cơm ngon, khung cảnh gia đình, ông cảm thấy ấm lòng. Bữa cơm hương vị quê nhà đã khởi đầu nhân duyên kỳ ngộ giữa chàng lãng tử và bà chủ quán nhân hậu.

Ông Đinh Văn Viêm người làng Đồng Nhân, nơi có đền thờ Hai Bà Trưng, trước đây thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Khi còn rất trẻ, ông đơn thân vào Sài Gòn lập nghiệp từ đầu thập niên 1940. Đến khi trưởng thành, là con cả, vâng lời cha mẹ, ông về quê lấy vợ là cô Hoàng Thị Túc, người cùng làng, rồi đưa vợ vào Sài Gòn sinh sống ở căn nhà trong hẻm số 53 Nguyễn Huệ từ năm 1948. Hàng xóm láng giềng quen gọi là ông bà Cả. Ông bà Cả có với nhau được 6 con gồm 4 gái, 2 trai. Một lần, ông Cả trèo lên mái nhà sửa sang, không may trượt chân ngã xuống đất thiệt mạng, để lại người vợ trẻ và đàn con thơ dại. Hơn 12 năm làm vợ, lâm vào cảnh góa bụa khi mới hơn 30 tuổi, bà Cả mở hàng cơm Bắc tại nhà từ đầu thập niên 1960, để nuôi đàn con nhỏ.

Sau vài lần đến quán rồi dần trở thành khách hàng thân quen, ký giả Trường Kỳ đã biết tên các người con lớn, cô Xuân, cô Hường, cậu Thuận và ông rất khâm phục khi biết được hoàn cảnh của bà Cả, một bà mẹ Việt Nam điển hình, cần cù, nhẫn nại, hy sinh vì đàn con. Và ngược lại, mọi người trong nhà đều quen gọi ông là “cậu Kỳ”, một vị khách đặc biệt với mái tóc dài, quần ống bó, đi giầy botine, mặc áo thun, hoàn toàn không giống những người khách quen khác.

Thấy quán chưa có tên, bảng hiệu, là người có nhiều sáng kiến, cậu Kỳ đề nghị đặt tên cho quán, một cái tên độc đáo Quán Bà Cả Đọi. Bà chủ quán tuy chẳng quan tâm đến tên tuổi, bảng hiệu nhưng cũng thắc mắc về chữ “đọi” và yêu cầu giải thích. Đọi là rách, là đói, là kiết xác, nghèo mạt rệp, cóc có địa để đi đớp hít ở những nơi có sơn hào, hải vị. Nghe vậy, bà chủ quán đôn hậu chỉ biết cười và lắc đầu, xua tay lia lịa vì sự tinh quái của vị khách trẻ. Và tất nhiên bà Cả chưa bao giờ cho kẻ tên bảng hiệu này.

Tiệm cơm Bà Cả ngày nay trên đường Tôn Thất Thiệp.

Từ “đọi” mà ký giả Trường Kỳ dùng là tiếng lóng của giới trẻ choai choai thời đó tạo ra, cũng giống như lối chat của tuổi teen thời nay, mục đích để các bậc cha mẹ không hiểu được các trao đổi của con cái với bạn bè. Cách tạo tiếng lóng thời ấy rất đơn giản, thường là đọc trại đi từ gốc. Ví dụ: đọi - đói, địa - tiền, y - áo, quởn - quần, xế - xe máy, đổng - đồng hồ, chiển - dây chuyền (vàng)… Các tiếng lóng này còn tồn tại đến giữa thập niên 1980, sau đó không thấy dùng nữa. Cái hay của ký giả Trường Kỳ là từ “đọi” ông dùng không hàm ý chê trách mà ông muốn tạo ấn tượng đặc biệt, thậm chí có người lầm tưởng đó là tên riêng, Cả Đọi.

Không dừng lại ở cách đặt tên, cậu Kỳ còn có sáng kiến trong cách quảng cáo mà ngày nay chúng ta gọi là tiếp thị rất hiệu quả. Ông gọi đó là phương thức “vô tuyến truyền tai”, rỉ tai bạn bè trong giới ca nhạc trẻ, thậm chí đặt slogan rất kích động “Không biết quán Bà Cả Đọi, không phải là dân chơi”. Thế là chỉ mấy ngày sau, hẻm 53 Nguyễn Huệ vốn yên bình, nay nhộn nhịp hẳn lên bởi sự xuất hiện những nam thanh tóc dài chấm vai, nữ tú với mini jupe cực ngắn hỏi thăm quán.

Quán cơm Bà Cả Đọi vẫn được các thực khách kể lại trên bàn tiệc với nhiều thêu dệt. Và đọng lại trong đó, ta biết được sự tương kính, tôn trọng nhau giữa vị khách và người chủ ngày ấy, nét ứng xử nhân văn của người Sài Gòn xưa.

Tiếp đến các ban nhạc trẻ Sài Gòn lũ lượt kéo đến. Nào là nhóm Ba Con Mèo với Uyên Ly, Kim Anh, Mỹ Hòa; nhóm Ba Trái Táo với Vy Vân, Tuyết Hương, Tuyết Dung… rồi hầu như cả làng nhạc trẻ Sài Gòn đều đến thưởng thức món ăn dân dã ở quán bà Cả. Cậu Kỳ từng nhiều lần chọn nơi này để cùng với Jo Marcel, Tùng Giang, Nam Lộc bàn việc tổ chức các đại hội nhạc trẻ.

Giới ca nhạc trẻ đến, kéo theo các ký giả báo Điện Ảnh, Kịch Trường như Ngọc Hoài Phương, Trần Quân… Rồi tiếp đến là giới điện ảnh, kịch nghệ, tài tử điển trai Trần Quang - vai chính phim Vết thù trên lưng ngựa hoang; diễn viên trẻ Tú Trinh, sau là nghệ sĩ lồng tiếng xuất sắc cũng tìm đến thưởng thức tài nghệ nấu nướng của bà Cả. Quán dần đông khách hẳn ra, được nhiều người biết đến và trở thành trung tâm tin tức của giới văn nghệ Sài Gòn.

Rong chơi mãi cũng đến ngày chàng lãng tử Trường Kỳ nghĩ đến việc lập gia đình. Bà Cả là trường hợp cậu Kỳ đắn đo khi mời dự tiệc cưới, một người là khách và một người là chủ quán, dù thân tình nhưng để mời dự tiệc cưới với số khách chọn lọc thì thực là khó. Hơn nữa, ông không muốn bà Cả phải phiền hà nên ông chỉ gửi thiệp báo tin thành hôn. Ấy vậy, trước ngày cưới vài hôm, bà Cả đã đến tận nơi cậu Kỳ ở thuê để trao quà mừng, một bao thơ và nói: “Chúc cô cậu hạnh phúc, khi nào xong việc thì nhớ ghé quán ăn nhé!”. Không để cậu Kỳ nói lời cảm ơn, bà Cả mượn cớ bận việc xin phép về ngay. Cậu Kỳ chưa hết ngạc nhiên, lại thêm bất ngờ khi biết tiền mừng là 5 “xín” (5.000đ) gấp 5 lần vị khách bình thường. Sau khi cưới, vợ chồng son dắt díu nhau lên thăm bà Cả để nói lời cám ơn, lại được bà khoản đãi bữa cơm thân mật.

Hợp rồi lại tan. Giữa năm 1975, tình hình xã hội thay đổi, các lãng tử nhạc trẻ trôi dạt tứ tán, không còn đến quán Bà Cả Đọi nữa. Bà Cả mất đi loạt khách này nhưng lại có thêm khách mới là các tư thương ở khu chợ trời Huỳnh Thúc Kháng mới lập, chuyên bán radio, cassette, băng nhạc. Những khách quen ở khu vực Chợ Cũ, ngã tư Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm tiếp tục đến ủng hộ Bà Cả. Ông Tư, cư dân gần 70 năm ở Sài Gòn kể: “Hồi cuối thập niên 1980 đầu 1990, tôi coi kho cho công ty vận tải biển bên quận 4. Ngoài lương còn có thêm tiền ba lợi ích nên tuần hai ba lần tới ăn trưa ở quán cơm Bà Cả Đọi. Tôi khoái cái cảm giác ngồi xếp bằng trên phản húp chén canh cua rau đay nóng hổi”.

Năm 1992, cậu Kỳ về Sài Gòn sau hơn 10 năm xa cách. Ông thăm lại quán xưa vẫn được bà Cả tiếp đón ân cần, hỏi thăm chuyện nhà, biết được cô con gái lớn của bà đang trông coi quán thứ hai trên đường Ngô Đức Kế. Đến giữa thập niên 1990, bà Cả không bán tại nhà nữa, chuyển sang địa điểm mới tại số 11 Tôn Thất Thiệp, quận 1 và chính thức có bảng hiệu to - Tiệm cơm ĐỒNG NHÂN và bảng phụ ghi Cơm Bà Cả như để gợi nhớ. Thời gian sau, bà Cả còn mở tiếp quán nữa ngay ngã tư Lê Thánh Tôn - Trương Định, quận 1 để con cháu trông coi.

Quán cơm Bà Cả Đọi khi xưa giờ không còn nữa, toàn bộ cư dân trong hẻm 53 Nguyễn Huệ đã bán nhà cho công ty bất động sản để làm dự án đầu tư. Ký giả Trường Kỳ mất năm 2009, bà Cả yên nghỉ năm 2016. Nhưng câu chuyện về Quán cơm Bà Cả Đọi vẫn được các thực khách kể lại trên bàn tiệc với nhiều thêu dệt. Và đọng lại trong đó, ta biết được sự tương kính, tôn trọng nhau giữa vị khách và người chủ ngày ấy, nét ứng xử nhân văn của người Sài Gòn xưa.

Bài và ảnh: Hoàng Phương Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét