17 thg 5, 2021

Làng cổ Đông Hòa Hiệp - Cái Bè - Tiền Giang

Cái Bè – Tiền Giang từ lâu được nhiều người biết tới là vùng đất cây trái trù phú, rất phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn gắn với địa danh Chợ Nổi và làng cổ Đông Hòa Hiệp thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nằm ở hạ lưu sông Cửu Long. Từ TP. Mỹ Tho, các bạn có thể di chuyển theo quốc lộ 1A đến ngã ba Cái Bè, rẽ vào tỉnh lộ 875 tầm 4 km đến trung tâm thị trấn Cái Bè, đi thêm 2 km nữa đến cầu số 2, bạn sẽ nhìn thấy bảng chỉ đường vào các nhà cổ: Ba Đức, ông Xoát, ông Tòng…

Làng cổ Đông Hòa Hiệp có tất cả 7 ấp, với gần 4.000 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái các loại: Xoài cát Hòa Lộc, cam sành, bưởi da xanh, nhãn, vú sữa Vĩnh Kim… và các nghề thủ công truyền thống như: Làng cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa…
Theo các tư liệu lịch sử, vào thế kỷ thứ XVIII, năm 1732 thời Chúa Nguyễn đã cho thiết lập ở dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là dinh Long Hồ và chọn thôn An Bình Đông thuộc xã Đông Hòa Hiệp ngày nay để làm lỵ sở của dinh Long Hồ. Đến năm 1757, lỵ sở mới dời về thôn Long Hồ là TP. Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay. Trong suốt 25 năm là lỵ sở dinh Long Hồ (1732-1757), làng Đông Hòa Hiệp đã quy tụ nhiều vị quan và đại địa chủ sinh sống, làm cho vùng đất này trở nên trù phú.

Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều ngôi nhà được xây cất bằng các loại gỗ quý có mái lợp ngói, cao và rộng theo kiến trúc phương Đông lẫn phương Tây, nằm ẩn mình bên những dòng sông, vườn cây ăn trái thoáng mát, góp phần tạo ra diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội so với các địa phương khác.

Cùng với làng Đường Lâm ở Hà Nội và làng Phước Tích ở Huế, làng Đông Hòa Hiệp là một trong 3 ngôi làng cổ ở Việt Nam đã được Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để thực hiện Dự án “Hỗ trợ Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua du lịch di sản” .

Con đường bao quanh làng rợp bóng cây xanh, hai bên người dân trồng hoa và rau trái tạo nên cái hồn của miền quê. Vẻ đẹp dân dã thôn quê ấy, cộng thêm nét thơ mộng của con sông Cái Bè và những con kênh uốn mình trước cửa những ngôi nhà cổ, càng khiến nơi này thu hút du khách quốc tế về thăm và trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng sông nước Tiền Giang.

Con đường làng thơ mộng

Ân tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đây là hình ảnh những ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ có niên đại trên 150 năm. Các ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum xuê, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng cuốn hút du khách. Những ngôi nhà cổ ở Đông Hòa Hiệp nằm rải rác trong các ấp An Bình Đông, ấp Phú Hòa, ấp An Lợi, ấp An Thạnh…Một số ấp nối với nhau như khu bàn cờ, trong bán kính khoảng 2km nên du khách chỉ cần một chiếc xe đạp hoặc đi bộ là có thể đi quanh làng…

Ngôi nhà cổ giữa vườn cây ăn trái xanh mát

Đầu tiên là ngôi nhà cổ ông Xoát (ấp An Thạch). Đây là ngôi nhà cổ lâu đời nhất ở Đông Hòa Hiệp, được xây từ năm 1818, đến nay là tròn 200 năm. Mặc dù nhìn bên ngoài ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây nhưng bên trong lại mang dáng dấp nhà rường của Huế kết hợp lối kiến trúc nhà ở dân gian Nam Bộ. Hiện nay, hậu duệ đời thứ 6 đang sinh sống trong ngôi nhà.

Nhà cổ ông Xoát

Không lặng lẽ như nhà cổ ông Xoát, nhà cổ ông Kiệt (ấp Phú Hòa) nhiều người vào ra, con cháu sinh hoạt trong nhà cũng đông đúc hơn, mang đầy hơi thở cuộc sống.

Nhà cổ ông Kiệt

Ngôi nhà này mang dấu ấn làng cổ ở đồng bằng Bắc Bộ với 5 gian và 3 chái và rất nhiều cột, kèo làm bằng gỗ quý…, xây dựng từ năm 1838. Trong nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như: bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với những hoa văn tinh tế, vật dụng bằng sứ… được mệnh danh là “cửu đại mỹ gia” của Việt Nam.

Bên trong ngôi nhà

Nằm trong khuôn viên rộng hơn 20.000m² và được bao quanh bởi khu vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, nhà cổ của ông Phan Văn Đức mang lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam bộ và Pháp.

Nhà cổ Ba Đức

Nhà được dựng vào năm 1850, trên nền cao 0,5m so với mặt đất, gồm hai nhà là nhà trước và nhà sau nằm cách nhau bởi một khoảng sân Thiên Tĩnh (giếng trời). Hiện trong nhà vẫn còn lưu giữ được nhiều vật dụng quý và đẹp cho thấy một thú chơi phong lưu, tao nhã của những gia đình giàu có ở Nam Bộ xưa kia. Ngoài vườn trái cây khách có thể tham quan thưởng thức, phía trước nhà còn có những chậu hoa, cây bonsai rất đẹp. Thơ mộng, đáng yêu hơn nữa chính là bến đò trước cửa nhà tiện lợi cho du khách tham quan bằng đường thủy, quanh năm hoa giấy nở rực rỡ.

Bên trong nhà

Trong làng còn nhiều nhà cổ nữa. Mỗi ngôi nhà đều có dấu ấn riêng. Nhà cổ ông Tòng nấp sau hàng rào hoa huỳnh anh vàng rực và trước nhà nhiều cội mai già mang đậm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của vùng sông nước Nam bộ. Nhà cổ ông Võ với mái ngói thâm nâu, những bộ tràng kỷ đen bóng mang màu thời gian…

Nhà cổ ông Tòng

Nhà cổ Ông Võ

Nếu muốn trải nghiệm nghỉ ngơi, ăn uống ở nhà cổ, bạn có thể liên hệ trước với gia đình nhà ông Kiệt, ông Võ, ông Ba Đức… Những ngôi nhà này cổ này đều có dịch vụ du lịch homestay. Du khách có thể trải nghiệm những sinh hoạt thường ngày cùng người dân địa phương: tham gia làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa, chăm sóc vườn cây ăn trái, đi chợ nổi Cái Bè, tát mương bắt cá; nghe đờn ca tài tử; …

Hiện nay làng cổ Đông Hòa Hiệp có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng cách nay từ 150 năm đến 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách nay từ 80 – 100 năm. Với những giá trị to lớn về văn hóa và kiến trúc, Làng cổ Đông Hòa Hiệp vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia vào năm 2017.

Cùng với những ngôi nhà cổ, miệt vườn xanh mướt, người dân Đông Hòa Hiệp còn giữ gìn, phát huy giá trị của nếp sống bình dị tạo nên hình thức du lịch cộng đồng mang bản sắc riêng. Du lịch Tiền Giang, đến với làng cổ du khách sẽ cảm nhận được lòng mến khách, thật thà của người dân Miền Tây Nam Bộ.

Từ năm 2013, Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp được đầu tư và từ đó đến nay, Lễ hội được tổ chức đều đặn 2 năm một lần, với nhiều hoạt động mang bản sắc văn hóa truyền thống, dân gian, thu hút đông đảo khách tham dự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét