21 thg 5, 2021

Nhớ nghề làm giấy xưa

Quảng Ngãi từng là vùng đất có 16 xưởng sản xuất giấy cùng nhiều ngôi làng chuyên làm giấy thủ công. Ấy vậy mà nay, cái nghề làm ra thứ để ghi chép tinh hoa văn hiến ấy, chỉ còn là nghề “muôn năm cũ”.

Các tư liệu ghi chép về nghề làm giấy thủ công trên đất Quảng Ngãi không nhiều. Có chăng, chỉ là vài dòng ít ỏi được ghi chép tại Địa chí Quảng Ngãi, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi cùng lịch sử đảng bộ một số địa phương. Vì vậy, thật khó để có thể nói chính xác mốc thời gian mà nghề làm giấy bắt đầu xuất hiện tại Quảng Ngãi. Chỉ biết rằng, đây là một trong các nghề truyền thống đã có từ lâu đời trên đất Quảng.

Từ nghề làm giấy từ cây lồ ô, ông Trần Kim Hoanh đã phát triển lên thành nghề giấy tái sinh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Ý THU

Nói đến nghề làm giấy thủ công ở Quảng Ngãi xưa, phải kể đến hai ngôi làng từng nổi tiếng với nghề làm giấy là làng Mỹ Lộc (nay thuộc xã Bình Minh, huyện Bình Sơn) và làng Đại Lộc (nay thuộc xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh). Theo ghi chép tại tập tài liệu L’Annam en 1906, Mỹ Lộc và Đại Lộc thời điểm đấy là hai ngôi làng chuyên làm giấy thủ công. Nghề làm giấy tại đây được đặt ngang hàng với nghề đúc đồng tại làng Chú Tượng, xã Đức Hiệp (Mộ Đức).

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Hiền, quê ở xã Bình Minh (Bình Sơn), cách thức làm giấy của người dân Mỹ Lộc ngày ấy cũng tương tự như cách mà người miền Bắc làm giấy dó. Chỉ khác là, người dân Mỹ Lộc không dùng vỏ cây dó tươi, mà dùng vỏ các loại cây thông dụng tại quê nhà là bời lời, sầu đâu.

Vỏ cây bời lời, sầu đâu sau khi được ngâm với nước vôi từ 3 - 5 tiếng đồng hồ, sẽ tiếp tục trải qua các công đoạn nấu cách thủy chừng 20 - 24 tiếng đồng hồ. Khi vỏ cây chín mềm, ông bà xưa cho vỏ cây vào cối giã nhuyễn. Sau khi giã, bột vỏ cây bời lời, sầu đâu được cho vào bồn nước có pha sẵn một số loại nhựa cây tạo thành một thứ nước sền sệt. Lúc này, người thợ sẽ thả vào đấy dụng cụ làm giấy (là những khung tre được bao phủ bởi một lớp sợi đan tương tự như lớp lưới mỏng) rồi chao đi chao lại nhiều lần để bột vỏ cây bám vào. Sau khi chờ cho bột vỏ cây bám chặt, người thợ lại mang đi ép hết nước, để bột vỏ cây khô lại, tạo thành trang giấy.

Không chỉ có các làng chuyên làm giấy truyền thống, đất Quảng Ngãi xưa còn lưu dấu nhiều xưởng chuyên sản xuất giấy để phục vụ nhu cầu sử dụng của học sinh, cán bộ, cơ quan, đoàn thể và một phần Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp. Theo sử liệu ghi chép tại Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi 1930 - 1975, đến cuối năm 1949, toàn tỉnh có 16 xưởng sản xuất giấy ở các huyện Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh. Trong đó, xưởng giấy ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức) sản xuất được giấy dùng để in tín phiếu cho Liên khu 5, xưởng sản xuất giấy ở Đồng Ké (Sơn Tịnh) sản xuất được cả giấy Pơluya...

Trải qua nhiều công đoạn phức tạp, nhưng vì có cách thức làm khá đơn sơ, nên giấy mà người dân Mỹ Lộc, Đại Lộc làm ra thời ấy sần sùi, thô ráp và xỉn màu tương tự như loại giấy mà các tiệm thuốc Đông y vẫn thường dùng để gói thuốc bây giờ. Có lẽ, cũng bởi chất lượng giấy không cao, cộng với nguồn nguyên liệu làm giấy từ vỏ cây bời lời, sầu đâu dần khan hiếm, nên nghề làm giấy tại các địa phương này chỉ tồn tại đến những năm 1970 - 1980 của thế kỷ trước rồi không còn nữa.

Tiếp nối làng nghề làm giấy truyền thống Mỹ Lộc, Đại Lộc, nhiều hộ dân tại thị trấn Sông Vệ và Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) cũng từng phát triển nghề làm giấy từ cây lồ ô trong những năm kháng chiến chống Pháp, rồi duy trì mãi cho đến khi hòa bình lập lại. “Trong kháng chiến chống Pháp, ba tôi làm giấy từ cây lồ ô để phục vụ cách mạng, sau này, tôi tiếp tục nối nghiệp ông.

Vào những năm 1979 - 1982, các cánh rừng ở xã Đức Phú (Mộ Đức) dày đặc lồ ô. Nguồn nguyên liệu sản xuất giấy của chúng tôi là từ đấy mà ra. Thân lồ ô cứng hơn nhiều so với vỏ của các loại cây dó, bời lời, sầu đâu... nên sau khi mua về, chúng tôi phải cắt khúc dài cỡ 5 gang tay rồi ngâm với nước vôi trong vòng 1 tháng trời. Sau khi hoàn tất công đoạn ngâm vôi, những công đoạn còn lại đều giống như khi làm giấy bằng vỏ cây vậy. Chúng tôi làm giấy theo kích thước 50cm x 70cm rồi bán lại cho các cơ quan, đơn vị. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi ngày ấy làm ra được cỡ 50 tấn giấy”, ông Trần Kim Hoanh, ở thị trấn Sông Vệ, bồi hồi nhớ lại.

Từng là nghề gắn bó với gia đình mình gần nửa thế kỷ, nhưng rồi từ năm 1990 trở về sau, trước đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng, ông Hoanh và nhiều người làm giấy tại Tư Nghĩa buộc phải chuyển nghề làm giấy truyền thống sang làm giấy tái sinh từ nguồn giấy phế liệu dồi dào sẵn có. Từ năm 2000 đến nay, toàn huyện Tư Nghĩa chỉ còn lại mình ông Hoanh còn cần mẫn bên những vòng quay cuộn giấy kĩu kịt.

Công nghệ sản xuất giấy hiện đại đã khiến nghề làm giấy truyền thống ở Quảng Ngãi không còn nữa, nhưng trong ký ức của nhiều người, những nhịp chày giã vỏ cây, đêm ngày vẫn cứ vang lên như nhắc nhớ mỗi người về những năm tháng gắn đời mình cùng những trang giấy nâu trầm, mộc mạc...

Ý THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét