8 thg 5, 2021

Về đâu làng gốm Phnôm Pi trăm năm của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi?

Làng gốm Phnôm Pi (xã Châu Lăng, H.Tri Tôn, An Giang) là nơi duy trì nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer qua từng sản phẩm cà ràng (bếp củi), cà om (nồi)…

Bà Néang Nhây (71 tuổ) đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề tại làng gốm Phnôm Pi. ẢNH: DUY TÂN

Nghề mẹ truyền cho con qua nhiều thế hệ

Người dân ấp Phnôm Pi cho biết làng gốm Phnôm Pi có khoảng trăm năm nay. Điểm khác biệt ở làng gốm này là tất cả sản phẩm đều được làm thủ công.


Tất cả các công đoạn từ nặn, nhào, tạo hình... đều phải làm bằng tay nên đòi hỏi sự khéo tay. ẢNH: DUY TÂN

Bà Néang Nhây (71 tuổi), truyền nhân đời thứ 3 của nghề này, cho biết người làm nghề gốm ở đây chủ yếu do mẹ truyền dạy cho con. “Lúc xưa, bà ngoại truyền nghề cho mẹ tôi. Khi tôi trưởng thành, được mẹ tiếp tục truyền dạy. Đến khi lấy chồng thì ông ấy cũng phụ tôi làm gốm. Tính ra tôi đã có hơn 30 năm gắn bó với làng nghề truyền thống này”, bà Néang Nhây chia sẻ.

Theo sự phân công trong nghề, đàn ông thì đào đất, gánh đất, đốn củi, nung gốm... còn phụ nữ đảm nhận khâu làm gốm. Ông Chau Tral (72 tuổi), chồng bà Néang Nhây), cho biết đất dùng làm gốm được lấy ở độ sâu 1 - 2 m tại khu vực hồ Latina (thuộc xã An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang). “Không phải loại đất sét nào cũng làm gốm được đâu. Đất dùng làm gốm ở đây chỉ lấy từ hồ Latina vì nó đặc biệt, hoàn toàn không lẫn tạp chất và phải đào sâu mới lấy được”, ông Chau Tral nói.

Cà ràng sau khi tạo hình xong sẽ được đem phơi từ 5 - 7 ngày cho thật khô rồi mới đem nung bằng rơm. ẢNH: DUY TÂN

Để làm ra một sản phẩm đậm chất Khmer, tất cả các công đoạn phải hoàn toàn thủ công. Đất sau khi lấy về được ủ rồi tưới nước cho mềm; lấy cây đập; nhồi đất; nặn thành hình; nặn họa tiết; đem phơi từ 5 - 7 ngày; cuối cùng đem nung bằng rơm. “Những nơi khác nung bằng lò, gốm tại đây chỉ nung bằng củi và rơm. Rơm phải được phủ kín để hơi không lọt ra ngoài mới nung ra mẻ gốm đẹp. Thời gian nung khoảng 1 tiếng là gốm chín. Độ bền của gốm cũng rất cao”, ông Chau Tral nói.

Sản phẩm tiêu biểu của làng gốm Phnôm Pi. ẢNH: DUY TÂN

Mai này làng gốm Phnôm Pi có còn?

Trong các sản phẩm làm ra, đồ đun nấu chiếm số lượng lớn. Đặc biệt, cà ràng (bếp củi) và cà om (nồi) là mặt hàng mang đậm nét truyền thống của đồng bào Khmer, khá nổi tiếng và bán chạy một thời.

Bà Néang Phath (50 tuổi) cho biết mỗi ngày bà có thể làm được từ 5 - 7 cái cà ràng. Nghề này nhộn nhịp nhất là vào những mùa nắng và những ngày cận tết. Chỉ khi mùa mưa sẽ hạn chế hoặc tạm ngưng sản xuất. Giá thành các loại cà ràng dao động từ 25.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/sản phẩm (tùy lớn, nhỏ).

Bà Néang Phath (50 tuổi) đang nhồi đất để tạo hình sản phẩm. ẢNH: DUY TÂN

Theo bà Néang Nhây, ngày xưa, làng gốm Phnôm Pi có cả trăm lò nung quanh năm đỏ lửa, nhưng nay chỉ còn hơn 10 hộ gắn bó. Lúc trước, sản phẩm làm ra được khách tận Đồng Tháp đến tìm mua. Nhưng giờ bếp điện, bếp gas trở nên phổ biến thì bếp bằng đất không còn nhiều người mua. Hiện để bán những sản phẩm này, vợ chồng bà phải nhờ con chở ra chợ hoặc đến những địa bàn lân cận.

Sự riêng biệt của làng gốm nơi đây là duy trì nét đẹp truyền thống của người Khmer qua từng sản phẩm. ẢNH: DUY TÂN

“Chắc đến đời vợ chồng tôi thì nghề truyền thống ở làng gốm Phnôm Pi sẽ thất truyền, bởi hiện nay chỉ toàn người già làm thôi, lớp trẻ không ai theo nghề hết. Đến con tôi cũng không thiết tha với nghề này. Nghề này rất cực khổ, thu nhập chẳng bao nhiêu nên lớp trẻ kéo nhau đi làm công ty hết”, bà Néang Nhây thở dài.

Duy Tân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét