24 thg 5, 2021

Đình Phương Độ lưu giữ kho di sản quý

Đình Phương Độ, xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) được xếp hạng cấp tỉnh tháng 1.2021. Với số gần 50 cổ vật hiện còn, đình xứng đáng là kho cổ vật cần được giữ gìn và bảo vệ chu đáo.

Đình Phương Độ ngày nay

Huyền tích về Thành hoàng làng

Đình Phương Độ thờ Thành hoàng là Cao Sơn Đại vương. Lai lịch và công trạng của ông được ghi chép rõ trong thần tích, triều vua Lê Thế Tông (1573 - 1599), tại hạt Đường Lâm, có người con gái họ Cao, tên húy là Huệ Nương nổi tiếng xinh đẹp. Lương duyên chưa định, Huệ Nương thích đến thăm các nơi danh lam thắng cảnh, chùa cổ. Năm Huệ Nương 18 tuổi, nghe nói ở huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên có động đẹp nhất trời Nam, trong động có một ngôi chùa, liền xin cha mẹ đến dâng hương. Khi về đến bến sông thuộc đầu khu Phương Độ, trang Hạ Khuông, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Phương Độ, xã Vĩnh Hưng, Bình Giang), tự nhiên trời đất tối sầm, mưa gió dữ dội, Huệ Nương liền vào ngôi miếu gần đó trú ẩn. Trong miếu bỗng có ánh sáng rực rỡ, phía trên điện có một ông già dung mạo trang nghiêm nói rằng: “Ta vốn là dòng dõi Hùng Vương, giữ chức quan Tư nhạc, nay làm Thành hoàng ở đây, Thiên đế thấy nước nhà loạn lạc, biết nhà người là nhà hậu đức, cho ta giáng thế giúp công bình định”. Nói xong, ông già liền biến mất. Một thời gian sau, Huệ Nương có mang, đến ngày 10 tháng giêng năm Giáp Dần sinh được một người con trai khôi ngô tuấn tú. Huệ Nương rất mực yêu chiều, năm con lên 3 tuổi liền đặt tên là Sơn và năm 7 tuổi cho đi học. Khi Sơn công 16 tuổi, học đã thành tài, văn võ song toàn. Năm Sơn công 18 tuổi, Huệ Nương không bệnh mà mất. Từ đó, Sơn công chăm chỉ phụng thờ mẹ. Ba năm sau, Sơn công lên kinh đô học, lực học ngày một tinh thông. Thời gian này, nhà Mạc chưa bình được yên, vua Lê Thế Tông xuống chiếu, mở trường thi tuyển chọn người tài. Sơn công đến ứng tuyển và được vua phong chức Đô Thống nguyên soái Đại tướng quân. Sơn công bái yết vua và xin cầm quân đi kinh lược. Khi đến Phương Độ, thấy có một ngôi miếu địa hình long hổ bao quanh, sơn thuỷ hữu tình, liền đóng quân tại đây. Sơn công chọn trong khu 10 thanh niên cường tráng làm gia thần, cấp phát tiền bạc cho những người già, người nghèo khổ và sửa sang điện miếu, dựng doanh trại ở gần bờ sông, truyền giết trâu bò, lợn làm lễ khánh thành, mời phụ lão nhân dân ăn uống và cho thêm 10 nén bạc nữa để mua ruộng cúng tế sau này. Ngay hôm sau, có chiếu triệu Sơn công về kinh, hội cùng 5 đạo quân đánh Mạc, thống nhất non sông đất nước. Quân Mạc bị thua to. Thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Vua Lê Thế Tông cho vời các tướng về kinh đô ban thưởng. Sơn công được nhận thực ấp ở đạo Hải Dương. Ngày 10.11 cùng năm đó, Sơn công đang ngự chơi ở trong doanh thì thấy một đám mây vàng từ trên trời sa xuống, Sơn công theo đám mây ấy bay lên trời. Quan quân làm biểu tâu lên triều đình. Vua thương xót bậc công thần có công lao to lớn với nước, liền truyền lệnh sai đình thần đến hành lễ và cho phép khu Phương Độ sửa miếu phụng thờ, sắc phong thần hiệu: “Cao Sơn hiển ứng đại vương tế thế hộ quốc khang dân phù vận hiểu hựu trợ thuận thượng đẳng thần”. Từ đó, khu Phương Độ phụng sự hương hỏa, trọng húy hai chữ Cao Sơn, đệ niên mùng 10 tháng giêng kỷ niệm ngày sinh, mùng 10 tháng 9 tưởng niệm ngày mất, lễ vật dùng xôi, lợn, bánh giày.

Hệ thống sắc phong

Tương truyền, đình Phương Độ được xây dựng sau khi Cao Sơn Đại vương hóa. Niên hiệu Chính Hòa 16 (1695), bản thôn tu tạo đình vũ, trong thôn có ông Đào Công Tiến công đức tiền ruộng, được tôn làm hậu thần, hằng năm ngày kỵ phối hưởng tế lễ tại đình. Đến năm Vĩnh Thịnh 13 (1717), Vĩnh Thịnh 15 (1719), Cảnh Hưng 22 (1761), Cảnh Hưng 32 (1771), Minh Mệnh 2 (1821), Minh Mệnh 3 (1822)..., ngôi đình tiếp tục được trùng tu, tôn tạo. Công trình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Đại bái xây đao tàu déo góc, hai gian hồi nền làm bằng gỗ, cao khoảng 50 cm để làm nơi hội họp trong những ngày làng vào đám. Hậu cung xây bít đốc, ngăn cách giữa hậu cung và đại bái là hệ thống cửa bức bàn tạo không gian thâm nghiêm.

Năm 1958, đình Phương Độ bị xuống cấp và hư hại, các đồ thờ tự chuyển về khu vực để kiệu rước của đình xưa (cách đình khoảng 200 m về hướng tây, nhân dân địa phương thường gọi là nhà lầu). Năm 2002, khu vực nhà lầu được tháo dỡ để xây một ngôi đình mới với quy mô nhỏ. Đến năm 2017, với sự đóng góp của nhân dân trong thôn, con em xa quê và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, đình Phương Độ xây dựng lại khang trang như hiện nay phỏng theo kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX) trên nền cao cách mặt sân bảy bậc cấp bằng đá. Cắt ngang bảy bậc cấp phía đầu bài trí đôi rồng chạm từ một khối đá xanh nguyên khối, thân rồng to khỏe, các chi tiết tạo tác tương đối tỉ mỉ, có vảy, bờm, sừng, đầu ngẩng cao trong thế nằm phủ phục chầu xuống sân đình, không chỉ có ý nghĩa tô điểm cho di tích mà còn ngụ ý khẳng định không gian linh thiêng nơi thờ tự. Phía trước hai hồi có hai trụ biểu uy nghi, đế xây giật cấp kiểu trái giành, phía trên hai trụ chính tạo hình lồng đèn vuông, đỉnh trụ đắp bốn con phượng chụm đuôi vào nhau, đầu quay ra bốn hướng, thân trụ vuông thành sắc cạnh, bốn mặt khắc câu đối bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi cảnh đẹp của di tích.

Ông Trần Quang Hợi, Trưởng thôn Phương Độ cho biết ngoài thờ thành hoàng Cao Sơn Đại vương, từ năm 1967, đình Phương Độ còn phối thờ hai vị thần hiệu Hoằng Hiệp Hống Quận Đại vương và Trinh Thuận Hoàng Cô Lê Phương Hoa Công chúa, có công giúp vua Lê - chúa Trịnh bình nhà Mạc. Đây là hai vị thần nguyên được thờ tại đình Khánh Dư. Khánh Dư và Phương Độ xưa là hai thôn thuộc làng (xã) Hạ Khuông, tổng Phúc Cầu, tại mỗi thôn đều có một ngôi đình khang trang, to đẹp. Đình Khánh Dư cách đình Phương Độ khoảng 700 m về hướng đông. Trước đây, đình có quy mô lớn, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J), gồm 5 gian đại bái đao tàu déo góc và 3 gian hậu cung. Năm 1967, đình Khánh Dư bị hạ giải lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi, đồ thờ tự (tượng, sắc phong, thần tích, bia đá...) được người dân di chuyển về thờ tại khu vực nhà lầu (nay là đình Phương Độ). Tại tòa hậu cung đình hiện nay, chính giữa bài trí ngai thờ thành hoàng Cao Sơn Đại vương. Hai bên tả, hữu ngai thờ là tượng thờ hai vị thần hiệu Hoằng Hiệp Hống Quận Đại vương và Trinh Thuận Hoàng Cô Lê Phương Hoa Công chúa.

Bia đá tại đình

Nhiều cổ vật

Hiện nay, đình Phương Độ còn lưu giữ gần 50 cổ vật các loại. 2 quyển thần tích, 1 quyển văn tế, 12 đạo sắc phong, 8 bia đá, 2 ngai thờ, 2 tượng thờ, 3 giá đài cùng hệ thống các đồ thờ tự khác như bát bửu, hòm sắc, đèn nến, kiệu bát cống, long đình, bát, đĩa, chén, đỉnh hương... được chạm khắc, sơn thếp, trang trí đồ án mỹ thuật rồng, hoa lá cách điệu... có niên đại vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Đây là một trong những di tích hiện lưu giữ số lượng cổ vật nhiều nhất huyện Bình Giang, là nguồn tư liệu gốc quý giá trong việc nghiên cứu lịch sử di tích, lịch sử mỹ thuật, thân thế và sự nghiệp của các vị thần được thờ cũng như vùng đất và con người Phương Độ, Khánh Dư xưa.

Dưới thời phong kiến, hằng năm, tại đình có một kỳ lễ hội chính diễn ra trong 5 ngày, từ ngày mùng 7-11 tháng giêng, trọng hội là mùng 10, kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng làng. Trong lễ hội, phần lễ có tổ chức rước văn tế, rước chạ với đình làng Ngọc Mai, phần hội có các trò chơi dân gian chọi gà, kéo co..., buổi tối có hát chèo, hát tuồng. Ngày nay, lễ hội rút ngắn lại còn hai ngày, mùng 9 -10 tháng giêng. Trong lễ hội chỉ tổ chức tế lễ tại đình, không tổ chức rước. Phần hội ngoài các trò chơi dân gian còn có giao lưu văn nghệ với các thôn Ngọc Mai, Thượng Khuông và khu dân cư Quán Gỏi trong xã.

ĐẶNG THU THƠM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét