2 thg 5, 2021

Ngọt ngào rắn trun nấu cháo đậu xanh

Có lẽ, trong các loại rắn thì rắn trun là loại dễ làm nhất. Nồi nước nấu làm rắn không cần phải thật sôi, đem đổ nước sôi vào xô đựng rắn và để như vậy chừng năm phút thì trút rắn ra thau - lúc này rắn đã chết, lớp “da lụa” đã tróc ra từng mảng. Đổ nước vào thau đựng rắn, lấy lá sả vuột cho tróc hết lớp “da lụa”, rồi dùng dao bén mổ bụng, bộ đồ lòng rắn trun chỉ lấy gan, phổi và tim.

So với rắn ri cá, ri voi hay rắn nước hoặc rắn bông súng thì da rắn trun khá dầy nên rất dai. Khi nấu cháo rắn trun có 2 cách: Một là, dùng chai thủy tinh cà mạnh lên thân rắn để cho “mềm xương”, sau đó bỏ vào nồi cháo. “Ninh” đến khi da rắn mềm mềm là được. Còn cách hai là bằm thịt rắn cho thật nhuyễn, rồi ướp với hành tím, tiêu, tỏi, nước mắm, đường, bột nêm... để chừng mười lăm, hai chục phút cho thấm thịt. Trong lúc làm rắn, ta cho bắt nồi cháo lên, khi gạo và đậu xanh bắt đầu nở thì cho rắn vào. Do thịt rắn đã được ướp gia vị rồi nên việc nêm nếm phải thận trọng kẻo nồi cháo bị mặn. Nồi cháo coi như đã hoàn tất công đoạn nấu.


Rắn trun theo y học cổ truyền có tính mát, bổ thận, trị đau lưng nhức mỏi...

Tuy nhiên, nếu nấu chỉ “vậy thôi” thì nồi cháo không ngon lắm, nấu cho “đúng điệu” thì ta cho thêm măng tre tươi xắt nhuyễn vào thì nước cháo sẽ “bá cháy” hơn. Vì vị ngọt của thịt rắn, của đậu xanh và măng tươi càng làm cho nồi cháo đậm đà “phong vị quê hương” hơn.

Ngày trước, rắn trun chỉ là loại “bỏ đi”. Ra ruộng, thấy nó nằm cuộn tròn trên bờ mẫu thì dùng cây vít nó đi “chổ khác chơi”, vì thấy nó ơn ớn thế nào ấy, dù rắn trun “cả đời” chưa bao giờ cắn ai. Rắn trun theo y học cổ truyền có tính mát, bổ thận, trị đau lưng nhức mỏi... nên những năm gần đây, rắn trun trở thành “đặc sản” trên bàn nhậu ở không ít nhà hàng, quán ăn.

Lý Nhâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét