2 thg 7, 2019

Độc đáo lễ cầu mưa ở vùng đất của những ông vua không ngai

Nghi lễ cầu mưa của người Jrai là một nét văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa Trường Sơn. Họ tin rằng những Pơtao Apui - Vua lửa, có khả năng thông linh với trời để cầu mưa đổ xuống ruộng nương đang khô khát. 

Rơlan Hieo (người chít khăn) nghiêm cẩn chủ trì nghi lễ cúng cầu mưa. TRẦN HIẾU 

Vùng đất của những ông vua không ngai 

Theo dọc quốc lộ 25 xuôi về hướng đông nam Gia Lai, vượt qua đèo Chư Sê là cả vùng bình nguyên rộng lớn. Đây là một trong những vựa lúa lớn nhất của khu vực Tây nguyên. Vùng đất khô khát này đã không còn cảnh thiếu nước khi công trình đại thủy nông Ayun Hạ hoàn thành năm 2002, tưới cho hơn 13.500 ha lúa nước và hàng ngàn ha cây trồng cạn khác. Thiếu nước mùa khô không còn là nỗi lo sợ của người dân bản địa khu vực này.

Lễ cầu mưa còn là hoạt động tìm sự nhân hòa qua việc kết nối, thắt chặt hơn mối liên kết trong cộng đồng. Lễ cầu mưa được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015.
Song, chính vùng đất này cũng là nơi có những “ông vua” không ngai như Vua nước, Vua lửa, Vua gió. Họ lo phần tín ngưỡng cho người dân bản địa. Trong đó, Vua lửa có vẻ quyền uy hơn cả với thanh gươm tương truyền có thể gọi gió hô mưa, được dân làng tôn trọng.

Sự tôn kính đó không gói gọi trong cộng đồng bản địa vùng đông nam Gia Lai mà còn phổ quát ở nhiều vùng của Tây nguyên, Lào và Campuchia. Và chính nơi này tồn tại về một miền Pơtao Apui hư ảo.
Giữa thung lũng trù phú hôm nay là Plei Ơi, xã Ayun Hạ, H.Phú Thiện (Gia Lai). Đây từng là nơi trú ngụ của những ông vua không ngai cuối cùng trước khi tất cả chỉ còn là huyền thoại. Tưởng như thất truyền, lễ cầu mưa đã được các nhà nghiên cứu, ngành văn hóa tỉnh Gia Lai phục dựng gần như nguyên bản với những nghi thức thuở xưa.
Phục dựng lễ cầu mưa
Mới sớm, mặt trời chưa ló dạng nhưng cái nóng hanh khô đã lan khắp thung lũng. Con mương nước xanh ăm ắp đưa nước từ công trình đại thủy nông đến từng chân ruộng cũng chỉ vơi đi được phần nào cơn nóng nực. Người ở Plei Ơi và các làng đã chộn rộn. Hôm nay họ có lễ trọng: Cầu mưa! 


Người làng tham gia lễ cúng với phần lễ và hội. ẢNH: TRẦN HIẾU 

Mặt trời phủ lên ngọn Chư Tao Yang một màu vàng quạch, báo hiệu thêm một ngày nắng nóng. Ông Rơlan Hieo, phụ tá cho vị Vua lửa cuối cùng, đã hơn 70 tuổi đứng im một lúc định thần rồi trịnh trọng bước ra cây nêu dựng giữa một khoảng đất trống. Ông quay mặt mặt về ngọn núi trước mặt, nơi từng cất giữ thanh gươm – vật báu của làng mà ngày xưa chỉ có Vua lửa mới được quyền đến lấy khi làm lễ. 

Trước mặt ông Hieo đã sắp sẵn lễ vật gồm 1 ghè rượu, sáp ong se thành cây nến, 1 tô gạo, thịt được cắt ra thành từng miếng bày sẵn. Ông với tay lấy củ Jrao hchich - một loại củ rừng do chính tay ông lấy hòa với rượu nhằm tẩy rửa những ô uế trên người trước lễ.
Chiêng trống tấu lên rộn rã một vùng. Rơlan Hieo nghiêm cẩn ngồi xuống bên cạnh ché rượu, cắm cần rượu cúng Pơtao Apui vào ché, lạy 3 lạy rồi thắp nến chào thần linh rồi lầm rầm khấn: “Ơi Yang, ơi Pơtao Apui, ơi thần hàng ngàn, hàng vạn, mẹ ở thượng nguồn sông Ba, cha ở thượng nguồn biển cả… Mong các vị thần phù hộ và che chở cho dân làng được nhiều sức khỏe, cho mưa thuận gió hòa và cho mùa màng tốt tươi…”.

Xong phần lễ, người làng vào hội. Ghè rượu, các món ăn được chuẩn bị sẵn. Người làng cứ vậy, chếnh choáng cùng với niềm tin của tín ngưỡng rằng trời sẽ đổ mưa. Và cũng thật trùng hợp, chiều hôm ấy, một cơn mưa khá lớn đổ xuống cả mấy huyện vùng đông nam Gia Lai.
Ông Rmah Thuyn, Phó chủ tịch UBND xã Ayun Hạ, cho biết: “Lễ cầu mưa nhằm duy trì lại phong tục tập quán bao đời nay, gồm 14 thứ bậc của Vua lửa để lại. Đây cũng là dịp để giao lưu văn hóa, thắt chặt mối quan hệ các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn và để địa phương quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến du khách gần xa về những giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây”.

Trần Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét