18 thg 7, 2019

Qua cầu... Giắt Dây

Tại Km 1076 +356 Quốc lộ 1 đi qua thôn 1, xã Đức Tân (Mộ Đức) có một cây cầu mang tên Giắt Dây. Hằng ngày, người và xe cộ qua lại nhộn nhịp. Tuy nhiên, ít ai biết được nguồn gốc tên gọi “Giắt Dây” của cây cầu.

Trong ký ức của người làng Thi Phổ (nay là xã Đức Tân, Mộ Đức), đằng sau tên gọi cầu Giắt Dây - cây cầu nối đôi bờ sông Băng - một nhánh của sông Thoa là cả câu chuyện dài về những năm tháng vất vả, gian truân, một thời ngăn sông, cách đò...

Cầu Giắt Dây ngang qua địa phận xã Đức Tân (Mộ Đức). 


Ngâm nga câu ca dao: “Kể từ sông Vệ, chợ Gò/ Ngó vô Thi Phổ thấy đò Giắt Dây”, cụ ông Năm Hậu, 70 tuổi, ngụ thôn 1, xã Đức Tân trầm ngâm kể: “Cái tên cầu Giắt Dây là lấy từ cái tứ “đò Giắt Dây” này mà ra. Ngày xưa, khi chưa có cầu, bà con phải qua sông bằng đò. Nhưng con sông này được mệnh danh là sông không đáy. Sông vừa sâu, nước lại chảy xiết, nên người làng phải đu dây thừng kéo đò vượt sông sâu”.

Người làng Thi Phổ không ai nhớ đò Giắt Dây có từ khi nào, chỉ biết rằng khi con sông Băng được người dân đào nên, để dẫn nước từ sông Thoa về tưới cho đồng Thi Phổ, cũng là lúc người dân muốn thông thương thì phải “lụy" đò.

Ngày ấy, không chỉ người làng Thi Phổ đi đò Giắt Dây, mà theo lời kể của nhiều bậc cao niên trong làng, việc buôn bán xưa kia của Mộ Đức chủ yếu theo đường Thiên Lý. Các chợ hình thành dọc đường Thiên Lý thuộc địa phận huyện đều là các trung tâm buôn bán sầm uất như chợ Năng An bên sông Vệ, chợ Gò (tức chợ Quán Lát), chợ Đồng Cát, chợ Lò Thổi, chợ Thạch Trụ... Vì vậy, để việc mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra thuận lợi, phần đông các tiểu thương cũng như người dân đều đi ngang qua đò Giắt Dây này.

Đò Giắt Dây giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thông thương, nên làng Thi Phổ ngày ấy đã có hẳn một khu đất riêng để làm bến đò, phục vụ người dân. Và cũng từ bến đò Giắt Dây mà hàng loạt địa danh bắt đầu xuất hiện tiếp sau đó.

“Xóm nằm cạnh bến đò thì gọi là “xóm Đò”, ruộng nằm cùng phía với bến đò thì được đặt tên là ruộng “Đầu Đò”... Những tên gọi ấy được giữ mãi cho đến ngày nay”, lão nông Đặng Thế Hoa, đang canh tác tại xứ đồng “Đầu Đò” lý giải.

Ngày xưa khi chưa có cầu Giắt Dây, người dân phải dùng đò giắt dây vượt sông Băng. 

Mùa nắng đi đò giắt dây, mùa mưa thì dùng tạm bè chuối giắt dây. Cứ thế, bao thế hệ người làng Thi Phổ cùng người dân ở nhiều vùng đất khác đã trải qua quãng thời gian khó nhọc, cơ hàn cùng bao chuyến đò giắt dây tròng trành vượt sông...

Mãi cho đến thời Pháp thuộc, khi Quốc lộ 1 hình thành, chiếc cầu đầu tiên nối đôi bờ sông Băng mang tên “Giắt Dây” xuất hiện, người dân mới thôi sử dụng đò Giắt Dây. Rồi từ đó đến nay, chiếc cầu Giắt Dây đang sử dụng đã là chiếc cầu thứ ba. Tuy nhiên, cái tên Giắt Dây vẫn đi cùng dặm dài lịch sử của vùng đất này, ghi dấu lại những thăng trầm, khó nhọc trước thiên nhiên của bao thế hệ.

Mà người làng Thi Phổ đâu chỉ lưu giữ quá khứ bằng tên gọi của một cây cầu, từng người trong số họ còn lưu lại trang sử của miền đất này theo từng cách riêng. “Ngày xưa, nội tôi thường kể lại và bảo tôi ghi nhớ về dòng sông, về đò Giắt Dây, về hai anh em người kéo đò qua sông tên Huỳnh Do, Huỳnh Tri... nên bây giờ tôi lại tiếp tục kể cho cháu mình để những câu chuyện, địa danh liên quan đến đò Giắt Dây, để lịch sử của địa danh này không đi vào quên lãng”, ông Năm Hậu hồn hậu kể.

Ngoài truyền miệng lại cho đời sau, ông Năm Hậu còn trồng một cây gáo ngay tại vị trí bến đò năm xưa để làm cột mốc cho địa danh "vang bóng một thời". Cây gáo ông trồng 20 năm về trước giờ đã vươn cao tại mảnh đất từng nườm nượp người chờ để đến lượt đi đò qua sông...

Bài, ảnh: Ý THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét