25 thg 2, 2019

Lễ hội bắc máng nước ở làng Kon Tu Jốp 2

Hàng năm, vào dịp cuối năm, khi mùa màng thu hái xong, bà con dân làng Kon Tu Jốp 2 (xã Pô Kô, huyện Đăk Tô) lại tổ chức lễ hội bắc máng nước. Đây là dịp để bà con dân làng cùng tập trung sửa sang lại các máng nước và cúng heo, gà cầu mong Yàng phù hộ cho dân làng có được nguồn nước mát để sinh hoạt hàng ngày và tưới tắm cho ruộng lúa được tốt tươi, mang lại cho bà con cuộc sống ngày một ấm no, sung túc.

Ngồi bên mái nhà rông cao vút của làng, già làng A Nhui cho biết: Xưa kia, để chọn vị trí đất lập làng, người Xơ Đăng thường chọn vùng đất gần suối, gần sông, có nguồn nước mát để thuận tiện cho việc lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Với bà con dân làng Kon Tu Jốp 2 cũng vậy. Nghe các già làng trước đây kể lại, để lập làng, già làng thế hệ trước đã đi chọn đất rất kỹ. Bởi thế, mà làng Kon Tu Jốp 2 có rất nhiều con sông, con suối chảy qua, tưới tắm cho nguồn đất, nguồn nước của làng luôn mát lành.

Với quan niệm “vạn vật hữu linh” nên sau khi lập làng, bà con dân làng Kon Tu Jốp 2 đã làm lễ bắc máng nước cầu mong Yàng nước, Yàng sông, Yàng suối phù hộ cho bà con dân làng được đón nguồn nước mát về làng. Để tỏ lòng biết ơn thần linh đã phù hộ cho bà con dân làng có được nguồn nước mát và cũng để bảo vệ nguồn nước giọt cho làng, từ khi lập làng đến nay, mỗi dịp cuối năm, khi mùa màng đã thu hái xong, bà con dân làng thường tổ chức lễ hội truyền thống bắc máng nước.

Do làng Kon Tu Jốp 2 trải rộng với dân số đông (134 hộ, 692 khẩu) nên bà con dân làng quyết định làm 2 giọt nước, gồm 1 giọt nước lớn ở đầu làng và 1 giọt nước nhỏ hơn ở cuối làng. Đứng trước giọt nước lớn của làng vừa thực hiện xong nghi lễ bắc máng nước, già làng A Nhui kể cho chúng tôi nghe phong tục bắc máng nước độc đáo của đồng bào Xơ Đăng trước kia và cho đến ngày nay vẫn được dân làng duy trì.

Chuyện là, trước đây, sau khi đã tìm được nguồn nước, già làng chặt cây tre nứa làm thanh ngang bắc qua nguồn nước; rồi đặt một con ốc lên thanh ngang ấy cầu xin thần linh cho đánh dấu tại đây để bắc máng nước dẫn nước về làng. Nếu con ốc bò sang bên phải là Yàng nước đồng ý cho dân làng được bắc máng nước dẫn nước về làng; còn nếu con vật không nhúc nhích thì điều đó đồng nghĩa với việc Yàng nước không cho phép dân làng bắc máng nước tại vị trí đó, dân làng phải đi tìm vị trí khác bắc máng nước dẫn về làng để tránh sự trách phạt của thần linh. Trường hợp con ốc bò sang bên trái, dân làng có thể đặt lại con ốc để tiếp tục "xin ý kiến" thần linh.


Các nghệ nhân tái hiện nét đẹp Lễ hội bắc máng nước của người Xơ Đăng tại Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: Q.Đ 

“Với cả 2 giọt nước ở làng Kon Tu Jốp 2 này, nghe các già làng trước đây kể lại là rất may mắn trong lần đầu tiên khi thực hiện nghi lễ này đều được Yàng nước chấp thuận. Vì vậy, trải qua bao thời gian cùng với biến đổi của khí hậu, tự nhiên, nguồn nước tại giọt nước của làng vẫn không bao giờ khô cạn; mùa khô cũng như mùa mưa nguồn nước luôn trong veo, mát lành, đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bà con dân làng” - già A Nhui nói.

Sau khi chọn được nguồn nước và làm lễ “xin phép” thần linh đặt máng nước, già làng tập trung dân làng lại để phát dọn quanh nguồn nước và chặt cây tre nứa để bắc máng nước dẫn nước về làng.

Ngày trước, lễ hội bắc máng nước diễn ra trong vòng 3 ngày: ngày đầu bà con dân làng đi chặt tre nứa, phát dọn quanh khu vực nguồn nước và bắc máng nước; ngày thứ 2 và thứ 3, bà con dân làng tổ chức giết thịt trâu để thực hiện một số nghi lễ tại máng nước và sau đó tổ chức ăn uống tại nhà rông của làng.

Sau nghi lễ lần đầu, những năm tiếp theo đó, bà con dân làng cũng tổ chức lễ hội bắc máng nước nhưng là để sửa sang lại máng nước, giữ nguồn nước cho làng luôn được mát lành và sạch sẽ.

Thôn trưởng A Ple cho biết, thực hiện nếp sống văn minh và đời sống văn hóa, lễ hội bắc máng nước ở làng bây giờ đã rút ngắn xuống còn 2 ngày và cũng không tổ chức mổ trâu linh đình như trước nữa mà thay vào đó thường thịt 1 con heo và 1 con gà để làm lễ rồi cùng chế biến món ăn để dân làng cùng uống rượu.

Trong ngày đầu diễn ra lễ hội, già làng tập trung bà con dân làng tại giọt nước rồi phân công đàn ông chặt tre nứa để dựng cột gâng (giống cây nêu, được xem như tín hiệu “xin nước” của dân làng), bắc lại máng nước và sửa sang lại bể chứa nước (cái hố trũng được dân làng tạo nên ở đầu nguồn nước); phụ nữ thì phát dọn cây cỏ, lá cây rơi rụng xung quanh khu vực máng nước để giữ nguồn nước luôn sạch sẽ.

Những cây tre nứa dùng để bắc máng nước thường được già làng chọn những cây to, đã già rồi hướng dẫn thanh niên trong làng đục các mắt để “thông ống”. Những ống nước này được đặt lên những giá đỡ cũng là những cây tre nứa to nhất trong những cây tre nứa đã được bà con dân làng chặt về.

Cùng với việc bắc máng nước, mỗi năm, trong lễ hội này, tại giọt nước của làng, bà con dân làng còn dựng lại sào phơi quần áo và đan những tấm phên đặt gần giọt nước để tiện cho bà con ra đó tắm giặt và chà rửa các vật dụng sinh hoạt hàng ngày trong gia đình.

Sau khi sửa sang lại máng nước xong đâu đấy, theo hiệu lệnh của già làng, dân làng mang con vật hiến tế - con heo (trước đây là con trâu) đến đầu nguồn nước (giọt nước của làng) để giết thịt. Già làng lấy phần tiết heo đựng trong ống tre nứa khấn thần linh phù hộ cho nguồn nước của làng không bao giờ vơi cạn, bà con dân làng luôn mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ…

Khấn thần linh xong, già làng mang tiết heo lên khu vực phía trên đầu nguồn nước để hòa vào dòng nước. Xong các nghi lễ, bà con dân làng cùng lấy nước mang về nhà để nấu cơm mới.

Thịt con heo được mang về nhà rông chế biến các món ăn để cả làng cùng chung vui uống rượu. Cuộc vui của bà con dân làng kéo dài đến ngày hôm sau.

Thôn trưởng A Ple chia sẻ thêm với chúng tôi: Những năm gần đây, làng Kon Tu Jốp 2 đã được Nhà nước hỗ trợ khoan, đào được 20 giếng nước. Nhưng vào mùa khô, khi một số giếng nước bị cạn thì nhu cầu sử dụng nước giọt của bà con càng nhiều hơn. Bởi thế, với bà con dân làng Kon Tu Jốp 2 luôn có ý thức gìn giữ nguồn nước giọt. Và đấy cũng là lý do giải thích vì sao lễ hội bắc máng nước vẫn được duy trì ở làng.

Tại lễ hội bắc máng nước năm nay, Thôn trưởng A Ple cũng không quên nhắc nhở bà con dân làng: Dù mỗi năm đều duy trì lễ hội bắc máng nước nhưng bà con cũng phải nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ nguồn nước giọt của làng, vì chỉ khi giữ được nguồn nước thì mới duy trì được lễ hội bắc máng nước.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét