5 thg 2, 2019

Người viết thêm phần đời cho lá


Không chỉ quen thuộc trong làng văn hóa - văn nghệ Đà Nẵng, nhà thơ, nhạc sĩ, "kỷ lục gia" của nghệ thuật in ảnh trên đá Lê Nguyên Vỹ còn được biết là người đầu tiên sáng tạo ra diệp ảnh (in ảnh trên lá) - loại hình nghệ thuật chưa từng được gọi tên trước đó.

Sau hàng chục năm lăn lội với thạch ảnh, đương đầu với muôn vàn khó khăn, thăng trầm và cả bế tắc, Lê Nguyên Vỹ vẫn không nản chí.

Đến năm 2013, ông quyết định dấn thân với diệp ảnh, phát triển loại hình nghệ thuật có một không hai này ở Việt Nam.


Ngày cuối đông, ông Vỹ và vợ tỉ mẫn ngồi bên hiên nhà nhỏ, dầm tay trong chậu nước lạnh, gột rửa từng chiếc lá đã mục nhoài phần thịt lá, lộ ra từng viền gân trắng xóa.

Xong mẻ lá, ông Vỹ mang phơi và lại tiếp tục lật trở những chiếc lá đã được sấy khô. Hai vợ chồng ngồi bên mẹt lá trắng phau mân mê, ngắm nghía.

Những chiếc lá sau khi xử lý các công đoạn chỉ còn phần vân trắng. Thỉnh thoảng bắt gặp chiếc lá có vân "kỳ kỳ", ông lại bảo vợ để riêng, dành cho một tác phẩm cũng "kỳ" như thế.

Vợ chồng ông Vỹ chọn lựa vân lá bồ đề

Hai vợ chồng cầm từng chiếc lá, đưa lên phía ánh sáng để xem những đường vân đầy vẻ thích thú. Mỗi chiếc lá với họ không quá quý giá về vật chất bởi ngay trước cửa nhà đã có cây bồ đề sum suê, nhưng cứ mỗi lần cầm trên tay, ai cũng nâng niu, trân trọng.

Bà Trần Thị Chanh (65 tuổi, vợ ông Vỹ) nói ông vẫn "ham chơi như thời trẻ" nhưng khi đã ngồi vào với lá, ông lại miệt mài hàng giờ không nghỉ.

Xưởng làm thạch ảnh (ảnh trên đá) xưa giờ đã dành nhiều nhiều diện tích cho việc làm diệp ảnh, nhưng vẫn còn vẹn nguyên với tấm bằng công nhận người làm thạch ảnh đầu tiên ở Việt Nam.

Suốt hơn chục năm qua, hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm thạch ảnh của ông đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng người nghệ sĩ vẫn chân thành nói rằng nghệ thuật dù sao cũng phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống.

"Tôi theo thạch ảnh suốt mười mấy năm trời nhưng không phủ nhận điểm yếu của nó. Trọng lượng của đá khá nặng, không tiện cho việc vận chuyển và làm quà tặng vì vậy khó phổ biến. Đó là một trong số những nguyên nhân tôi rẽ sang diệp ảnh" - ông Vỹ nói.

Đã ngấp nghé tuổi thất tuần, gia tài của hai vợ chồng còn lại là một tủ kính với những tác phẩm ảnh in trên đá, trên lá, vỏ sò…

Bà Chanh cho biết trước tủ quà tặng nằm trong khuôn viên Bảo tàng Chăm là nguồn mưu sinh chính của gia đình. Vài năm trước, do bảo tàng tu sửa, vợ chồng ông đành dọn về nhà, từ đó cũng đứt đoạn công cuộc mưu sinh từ thạch ảnh.

Và diệp ảnh tiếp tục đưa ông Vỹ ngao du trong cuộc chơi của chính mình từ đó đến nay.


Nói về lý do chính khiến mình đến với diệp ảnh, ông Vỹ chia sẻ: "Một sản phẩm nào phát sinh từ sinh kế cũng bắt nguồn từ lòng yêu nghệ thuật, từ sự tự do sáng tạo. Tôi luôn khao khát cái đẹp và không ngừng theo đuổi đam mê riêng của mình".

Mất gần 20 năm để nghiên cứu thạch ảnh nhưng diệp ảnh đến với ông nhẹ nhàng như một cơ duyên.

Trong những chuyến rong ruổi, ông Vỹ đến ngôi chùa Linh Ứng nổi tiếng tâm linh của TP Đà Nẵng. Hình ảnh những cây bồ đề Ấn Độ trồng trong khuôn viên chùa khiến ông lưu tâm.

Lá bồ đề Ấn Độ khác so với các lá loại lá khác ở chỗ hệ số phân hủy giữa xương và cơm lá khác nhau nên có thể tách cơm lá khỏi vân để tạo ra chất liệu đặc biệt.

Ông Vỹ nảy ra ý tưởng in ảnh trên những chiếc lá bồ đề và quyết xin một cành mang về giâm trồng. Từ nhánh bồ đề ông thỉnh ở Linh Ứng thiền tự ngày đó, nay đã có cây bồ đề xanh tốt trước cửa nhà.




Dù đã có một thời gian dài nghiên cứu việc in ảnh trên đá và các chất liệu như vỏ sò, vỏ ốc, gáo dừa… nhưng ông nói đến với lá, đòi hỏi kỹ thuật khó hơn rất nhiều.

Nghĩ thì dễ nhưng khi bắt tay vào thực hiện cũng lắm trầy trật. Là người am tường nhiều kiến thức khoa học, ông đem áp dụng vào phát kiến mới của mình nhưng ban đầu không cho ra kết quả như mong đợi.

"Tôi thử ngâm lá vào các chất khác nhau như axit, kiềm… nhưng đều không như ý. Bất chợt nhớ đến những chiếc lá trong ao làng thuở nhỏ. Lá rụng xuống ao, sau thời gian mục rữa ra. Vậy là chỉ đơn giản thôi, ngâm vào nước và chờ đợi" - ông Vỹ kể.

Những bước đi đầu để cho ra một tác phẩm diệp ảnh cũng khiến ông lên bờ xuống ruộng không ít lần.

"Trước đây đến với thạch ảnh, ổng cũng mấy bận cầm xe, thế chấp nhà cửa. Với diệp ảnh cũng chẳng khác là bao. Giá màu để phóng ảnh rất đắt, giai đoạn thử nghiệm tốn kém khá nhiều. Có lần ông giấu tôi vay nợ hàng chục triệu", bà Chanh kể.

Nhưng với cái ngông, ông Vỹ luôn mong tìm những điều mới lạ mà theo cách ông nói là không thể làm bản sao của người khác. Sau nhiều tháng trời mày mò, cuối cùng diệp ảnh cũng được khai sinh.

Đến năm 2013, ông Vỹ cho ra đời những tác phẩm diệp ảnh đầu tiên. Một chiếc lá tưởng chừng mỏng manh, dễ bị tiêu hủy lại có thể lưu giữ trường tồn hình ảnh một người, một vật...

Ông Vỹ tâm niệm nghệ thuật là biến những cái tầm thường thành cái có giá trị. Đá hay lá đều là những vật bình thường, vô tri và in một hình ảnh trên lá là làm sống lại cái hồn của lá.



Đối với diệp ảnh một lá, mỗi chiếc lá sẽ cho ra một tác phẩm khác nhau nhờ vào đường vân khác nhau. Cách đây vài tháng, ông Vỹ lại sáng tạo thêm diệp ảnh nhiều lá.

Các tác phẩm ảnh trên diệp ảnh nhiều lá được nhiều người đón nhận hơn bởi cho ra diện tích ảnh lớn, với sự kỳ công và hoành tráng. Cũng từ đây, diệp ảnh của Lê Nguyên Vỹ được chọn làm tặng phẩm cho nhiều nguyên thủ các quốc gia trên thế giới.

Mới đây, tác phẩm in ảnh gia đình tổng thống Ấn Độ trên vân lá bồ đề của Lê Nguyên Vỹ được chọn làm tặng phẩm cho Tổng thống Ram Nath Kovind trong chuyến thăm Đà Nẵng cuối tháng 11-2018.

Hình ảnh vị nguyên thủ của một đất nước phật giáo được in trên lá bồ đề lấy từ chùa Linh Ứng là một tặng phẩm độc đáo, thêm phần giá trị cho tác phẩm diệp ảnh.

Bức diệp ảnh được ông thực hiện trong 24 tiếng từ tấm hình chụp gia đình Tổng thống Ấn Độ được gửi về từ văn phòng tổng thống. Bức ảnh được tạo nên từ 30 chiếc lá bồ đề Ấn Độ.

Những chiếc lá được ghép lại với nhau, tạo nên bức ảnh gần như trong suốt, nhìn được 2 mặt và ép giữa lớp kính trang trọng.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng (đơn vị tặng món quà cho tổng thống), nói: "Chúng tôi chọn món quà này không chỉ vì sự độc đáo mà còn bởi lá bồ đề có ý nghĩa thiêng liêng và trường tồn. Đặc biệt cây có nguồn gốc từ Ấn Độ mà lại được trồng tại Đà Nẵng.

Điều đó thể hiện sự bền vững, thông tuệ, hoan hỉ và an lạc, giống như những gì chúng tôi mong muốn từ mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ".

Cuối tháng 12-2018, diệp ảnh nhiều lá tiếp tục được đơn vị này chọn làm tặng phẩm cho quốc vương Norodom Sihamoni (Campuchia).

Mới đây, bức diệp ảnh thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân cũng được ông Vỹ kỳ công hoàn thiện.

Món quà độc đáo, riêng biệt của TP Đà Nẵng tặng Thủ tướng không chỉ đặc sắc và ý nghĩa mà hình ảnh in trên lá còn toát lên khí chất của vị nguyên thủ song không kém phần mộc mạc, chân phương.





Không ngừng tìm tòi, phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo, thời gian gần đây, ông Vỹ còn thử nghiệm phóng ảnh trên các loại từ lá sa kê, lá bàng và mong muốn làm được trên lá phong… nhằm đa dạng sự lựa chọn cho những người theo các tôn giáo khác.

Các tác phẩm diệp ảnh của ông đa dạng từ phong cảnh, cuộc sống đời thường đến sự kiện, nhân vật lịch sử… song ông đặc biệt chú ý đến việc phóng ảnh chân dung.

Có người kể ông Vỹ "ngông" đến nỗi, nhiều người gửi ảnh đến nhưng ông nhất quyết không chịu làm, bởi hình ảnh… quá xấu. Ảnh xấu sẽ không tạo cảm hứng, không làm toát lên được thần thái của nhân vật.

Ông Vỹ thì cho rằng con người có những giây phút "đẹp" đúng với tính cách, đúng với con người họ. Ông luôn muốn lưu lại trên diệp ảnh những khoảnh khắc đẹp nhất, hạnh phúc nhất của họ.

Người nghệ sĩ phải thực sự nhạy cảm. Nhìn hình ảnh phải nắm bắt nhiều thứ, từ đó khắc họa được chân dung nhân vật. Khi đưa vào lá, từ ánh sáng, những đường vân sẽ tạo ra một tác phẩm khác hoàn toàn trên các chất liệu khác, vì vậy sự tỉ mỉ cũng rất cần thiết.

Lá cây vốn nhẹ và khó phóng ảnh, vì vậy diệp ảnh đòi hỏi nhiều hơn thạch ảnh hay in ảnh trên các chất liệu khác. Đó là lý do đến nay, ông Vỹ vẫn chưa thể truyền nghề cho ai khác.







Nội dung & Hình ảnh: ĐOÀN NHẠN 
Thiết kế: TƯỜNG VY 
Concept:BẢO SUZU 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét