25 thg 2, 2019

Đám cưới người Dao đỏ

“Thanh niên người Dao được tự do tìm hiểu, yêu đương. Khi ưng nhau rồi thì về thông báo với gia đình tìm người làm mai mối sang nhà gái hỏi vợ. Nhưng làm lễ cưới thì nhất nhất phải tuân theo tục lệ lâu đời của người Dao đỏ” – Lời nói của ông Chảo Phù Sài chia sẻ đã chỉ lối cho chúng tôi về Thôn Tùng Chỉn, xã Trịnh Tường, huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai dự đám cưới với những tục lệ đầy tính nhân văn của người Dao đỏ. 

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Chảo Phù Sài khi trời đã sẩm tối. Ông Sài đang tất bật cùng gia đình chuẩn bị đám cưới cho cậu con trai út Chảo San (24 tuổi). Theo truyền thống, các hoạt động lễ cưới chủ yếu diễn ra tại nhà trai. Nhà gái sẽ đưa cô dâu về nhà trai. Đến đầu ngõ, đoàn rước nhà gái sẽ dừng lại trang điểm cho cô dâu và đợi đoàn rước nhà trai ra đón.

Người Dao rất coi trọng phụ nữ nên trong đám cưới nhà trai sẽ thực hiện những lễ nghi trang trọng nhất để làm vừa lòng cô dâu và đoàn rước dâu nhà gái. Bởi, “Không làm như thể thì con dâu nó không vào nhà đâu!” ông Sài cho biết.

Cô dâu Tẩn Mẩy được các phù dâu dẫn đường về nhà trai. Ảnh: Việt Cường 


Khi biết nhà gái đã gần đến nơi, nhà trai cử các đại diện ra hỗ trợ nhà gái trang điểm cô dâu để vào nhà đúng giờ đã chọn. Ảnh: Việt Cường

Cô dâu Tẩn Mẩy trong ngày cưới. Ảnh: Việt Cường

Đến nơi đoàn nhà gái dừng chân, đoàn rước nhà trai thổi các bài kèn khen ngợi vẻ đẹp, tài sắc của cô dâu và chào mời cô dâu về nhà chồng. Người Dao đỏ đề cao vai trò của người phụ nữ. Họ quan niệm khi cô dâu về nhà chồng là mang theo may mắn, tài lộc đến cho nhà chú rể. Vì vậy, nhà trai phải thể hiện sự cầu thị rất cao khi rước dâu. Ảnh: Việt Cường 

Theo tục lệ, chú rể xuất hiện trước cô dâu trong trang phục của một người phụ nữ. Đến nay vẫn chưa có cách lý giải về phong tục bí ẩn này của người Dao đỏ. Ảnh: Việt Cường

Theo tục lệ người Dao đỏ trao dâu bằng củ gừng và đôi đũa (tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở và gắn bó). Ảnh: Việt Cường

Phông làm lễ cưới theo nghi thức của người Dao đỏ. Ảnh: Trần Hiếu 

Lễ đón dâu được tổ chức bên mâm cơm cúng Hùng Thàng (tổ tiên của người Dao đỏ). Ảnh: Việt Cường

Cô dâu Tần Mẩy bái chào tổ tiên và các thành viên gia đình nhà trai. Ảnh: Việt Cường 

Đến giờ đẹp, đoàn rước dâu nhà trai dẫn đầu là thầy kèn, thầy trống sẽ ra ngõ rước đoàn nhà gái vào nhà. Gặp đoàn nhà gái thầy kèn phải cúi chào và đi nhiều vòng quanh cô dâu. Về trước cổng, nhà trai sẽ mời rượu lần lượt từng người trong đoàn nhà gái rồi mời vào ăn cỗ cưới. Cô dâu thì ở riêng một lán nhỏ bên cạnh nhà trai và chờ đến sáng sớm ngày hôm sau mới vào nhà trai làm lễ cúng gia tiên.

Khoảng 2 giờ sáng, nhà trai và nhà gái ngồi quây quần bên mâm cơm cúng cùng nhau uống rượu, hát đối. Qua câu hát nhà trai, nhà gái kể cho nhau nghe về hoàn cảnh gia đình, quá trình nuôi dạy cô dâu, chú rể... Đến giờ được chọn, chú rể được nhà trai đưa ra gặp cô dâu và cùng nhau làm lễ cúng gia tiên.

Có điều đặc biệt là chú rể xuất hiện trong trang phục của người phụ nữ Dao Đỏ, cùng với chiếc khăn che nửa mặt như người phụ nữ. Sau khi bái gia tiên và cha mẹ hai bên, cô dâu sẽ lấy nước để thầy cúng và cha mẹ nhà chồng rửa mặt – sau nghi lễ này cô dâu sẽ chính thức về nhà chồng.

Trải qua hàng trăm năm, những phong tục độc đáo trong lễ cưới vẫn được cộng đồng người Dao đỏ ở Bát Xát bảo tồn và duy trì, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.

Bài và ảnh: Trần Hiếu – Việt Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét