1 thg 2, 2019

Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn

Nhằm tôn vinh các giá trị về kinh thành Thăng Long của di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn, triển lãm mang chủ đề “Hoàng thành Thăng Long trong Mộc bản triều Nguyễn” đã diễn ra tại Hà Nội trong dịp chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần XIV. 

Triển lãm chuyên đề “Hoàng thành Thăng Long trong Mộc bản triều nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức.

Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác phối hợp nghiên cứu, tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm, qua đó tôn vinh các giá trị của di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn, cũng như phát huy giá trị văn hóa lịch sử của di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, lịch sử xây dựng Hoàng thành Thăng Long được ghi chép rất rõ trong các bộ cổ sử, trong các mộc bản triều Nguyễn được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4. Triển lãm chọn lựa và giới thiệu bộ sưu tập mộc bản triều Nguyễn bao gồm 60 phiên bản mộc bản, tài liệu, hình ảnh chứa đựng những tư liệu giá trị về kinh thành Thăng Long qua các thời kỳ.

Sinh viên các trường đại học ở Hà Nội tìm hiểu về Hoàng thành Thăng Long qua mộc bản triều Nguyễn.


Quang cảnh triển lãm “Hoàng thành Thăng Long trong Mộc bản triều Nguyễn” diễn ra tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Một bạn trẻ Hà Nội say mê chiêm ngưỡng những mộc bản được trưng bày ở đây.

Có những bạn dừng lại rất lâu để ngắm nhìn bản khắc Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ năm 1010.

Nhiều du khách còn chụp lại ảnh những bản dập mộc bản để lưu trữ.

Một số dụng cụ để chế tác và in ấn mộc bản. 

Ván khắc bằng gỗ thị.

Một trong những bản dập mộc bản được Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 lưu giữ.

Một số dụng cụ dập in mộc bản lên giấy dó và mực in.

Những bộ sách chính sử được in ấn từ mộc bản triều Nguyễn như Đại Việt Sử ký Toàn thư và Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục. 

Đây là triển lãm đầu tiên khai thác đa dạng, phong phú nguồn tư liệu Mộc bản triều Nguyễn kết hợp tư liệu hình ảnh di tích, khảo cổ học khu di sản Hoàng thành Thăng Long, nhằm phản ánh khái quát, sinh động, chân thực về quá trình xây dựng và thay đổi cấu trúc không gian của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ thế kỷ thứ VII - XIX, trải dài qua các thời kỳ từ Tiền Thăng Long, đến Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và Nguyễn; nhằm một lần nữa khẳng định giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long trên các khía cạnh về nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và là trung tâm quyền lực kế tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một nghìn năm lịch sử. Thông qua triển lãm, người xem cũng có thêm những thông tin bổ ích, lý thú đồng thời hiểu và trân trọng loại hình di sản tư liệu Mộc bản - một loại hình di sản đặc biệt và vô cùng độc đáo của dân tộc.

Đặc biệt, lần đầu tiên triển lãm “Hoàng thành Thăng Long trong Mộc bản triều Nguyễn” được đồng tổ chức với Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ).

Theo ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, việc hợp tác thỏa thuận lần này nhằm mục tiêu phối hợp tổ chức trưng bày, triển lãm và xuất bản các ấn phẩm để công bố, giới thiệu các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam; các tài liệu lưu trữ, hiện vật tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội nói chung, khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa nói riêng. Chương trình hợp tác này cũng nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh về con người, văn hóa, lịch sử của Hà Nội và giá trị của các loại hình di sản đến với công chúng trong và ngoài nước, góp phần thiết thực giáo dục thế hệ trẻ, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản tư liệu, văn hóa, lịch sử.

Bản khắc ghi nội dung Trương Chu cho sửa lại thành Đại La vào năm Mậu Tý (808).

Di sản tư liệu thế giới, bản khắc Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ năm 1010.

Bản khắc ghi nội dung vua Lý Thái Tổ cho khởi công xây dựng các cung điện và các cửa thành Thăng Long, năm 1010.

Bản khắc ghi nội dung vua Lý Công Uẩn cho sửa chữa kinh thành Thăng Long vào năm Giáp Tý (1024).

Bản khắc ghi nội dung vua Lý Thánh Tông cho xây tháp Báo Thiên, năm Đinh Dậu (1057).

Bản khắc Vua Trần Thái Tông cho dựng cung, điện, lầu, các và nhà lang vũ ở hai bên phía đông, tây thành Thăng Long, năm Canh Dần (1230).

Bản khắc ghi nội dung vua Trần Thái Tông cho xây thành Long Phượng, năm Quý Mão (1243).

Bản khắc vua Lê Thái Tổ cho đổi Đông Đô làm Đông Kinh (thành Thăng Long), năm Canh Tuất (1430).

Những chữ được khắc vẫn còn rất rõ nét trong Bản khắc vua Lê Thái Tổ cho đổi Đông Đô làm Đông Kinh (thành Thăng Long), năm Canh Tuất (1430).

Bản khắc ghi nội dung vua Lê Thánh Tông cho sửa điện Kính Thiên, năm Ất Dậu (1465).

Bản khắc ghi nội dung vua Gia Long cho đổi tên thành Thăng Long (mang nghĩa rồng bay lên) năm Ất Sửu (1805).

Bản khắc ghi nội dung vua Minh Mệnh cho xây dựng lầu Tĩnh Bắc ở phía bắc hậu điện hành cung Bắc thành, năm Tân Tỵ (1821). 

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long và tỉnh, thành phố Hà Nội. Bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long, qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội. Hoàng thành Thăng Long đã trở thành công trình kiến trúc đồ sộ, là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích ở Việt Nam.

Bài và ảnh: Công Đạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét