26 thg 2, 2019

Giữ nghề đan lát truyền thống của người Ja Rai

Nhiều năm nay, già A Phiếu ở làng Rắc, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) luôn duy trì nghề đan lát truyền thống của dân tộc Gia Rai mình, đặc biệt là việc đan gùi. Mục đích của việc duy trì nghề với ông không chỉ là để cải thiện đời sống gia đình mà còn có cơ hội để nhắc nhở và truyền dạy nghề cho thế hệ con cháu, dân làng cùng biết yêu nghề, học nghề và giữ nghề truyền thống mà ông cha mình để lại.

Những lúc không đi rẫy, người dân làng Rắc luôn nhìn thấy già A Phiếu ngồi trên nhà sàn miệt mài với việc chẻ nan, đan gùi. Ở làng Rắc, từ lâu, già A Phiếu luôn được biết đến với tài nghệ đan gùi. Gùi ông đan ra không chỉ phục vụ nhu cầu bà con dân làng, các làng kế bên mà còn được nhiều người ở thành phố Kon Tum tìm đến đặt hàng thường xuyên để mang đi khắp nơi.

Già A Phiếu cho biết, năm lên 10 tuổi, ông đã được cha chỉ dạy cho nghề đan lát, đặc biệt là đan gùi. Ngày trước, các vật dụng trong gia đình đều được đan lát thủ công, từ cái rổ, cái rá cho đến cái nong, cái nia, cái gùi nên nhà nào cũng có người biết đan. Thời gian rảnh rỗi, nhà nhà lại đi rừng tìm tre, nứa rồi tập trung lên nhà rông để cùng nhau đan lát. Người già chỉ dẫn cho người trẻ… 


Già A Phiếu chẻ nan đan gùi. Ảnh: T.Q 


Người Gia Rai từ xưa có rất nhiều nghề thủ công truyền thống như: nghề dệt, nghề rèn, nghề đan lát…, trong đó, đan lát là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời. Và trong các loại sản phẩm đan lát của đồng bào Gia Rai thì gùi thuộc loại sản phẩm đặc sắc nhất. Gùi được dùng như một phương tiện vận chuyển rất quan trọng và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Gia Rai nói riêng và các dân tộc khác ở Tây Nguyên nói chung.

Chỉ vào những chiếc gùi đã đan xong đặt ở góc nhà chuẩn bị giao cho khách, già A Phiếu giới thiệu với chúng tôi: Gùi có rất nhiều loại, mỗi loại có kiểu dáng, kích cỡ, chức năng sử dụng và tên gọi khác nhau như gùi đựng đồ, đựng lúa gọi là “reo ngấp”; gùi cõng lúa, cõng mì, cõng bắp gọi là “reo”; gùi cõng nước hay còn gọi là gùi thưa thì được gọi là “ro”… Ngoài những loại gùi lớn thì người Gia Rai còn có các loại gùi nhỏ, tiêu biểu là gùi suốt lúa có hình trụ tròn, miệng hơi loe, chiều cao bằng nửa gùi lớn.

Theo già A Phiếu, để đan được một chiếc gùi, thì việc chọn và khai thác nguyên liệu vô cùng quan trọng. Để chuẩn bị đan những chiếc gùi, già phải mất cả tuần đi rừng kiếm tre nứa. “Phải chọn cây không quá già cũng không quá non mới có thể đan được. Bởi nếu tre nứa già quá, nan sẽ bị giòn, dễ gãy; còn nếu non quá thì nan sẽ bị teo lại” - già A Phiếu nói.

Sau khi đã lấy nguyên liệu từ rừng về, công đoạn tiếp theo là tiến hành chẻ nan. Khác với một số dân tộc Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng, người Gia Rai thường sử dụng 2 loại nan trong quá trình đan. Trong đó loại nan nhỏ như chiếc tăm được dùng đan gùi đựng đồ, gùi suốt lúa; còn nan to được dùng để đan gùi cõng nước, cõng mì…

Trong các loại gùi trên, gùi đựng đồ thuộc loại đặc sắc nhất từ kiểu dáng, cách đan đến trang trí các họa tiết hoa văn. Gùi đựng đồ là loại gùi có nắp, được đan theo kiểu hình trụ tròn gồm có 3 lớp, với 2 lớp nan và 1 lớp lá mây rừng ở giữa. Theo giải thích của già A Phiếu, việc lót lá mây rừng sẽ làm cho chiếc gùi không thấm nước, bảo quản đồ đạc tốt hơn.

Già A Phiếu cho biết, để đan được một chiếc gùi như vậy, khâu chẻ và vót nan chiếm rất nhiều thời gian. Khi đã chuẩn bị đủ nan thì tiến hành nhuộm màu. Bây giờ đa số dùng màu công nghiệp, chứ trước đây, phải nhuộm màu thủ công rất vất vả. Các nan nhỏ thì nhuộm màu đỏ và vàng, nan to nhuộm màu đen.

Để tạo màu đen cho nan, bà con Gia Rai trước đây phải vào rừng lấy nhựa cây Chai (loại cây thân gỗ trong rừng sâu) về đốt lên rồi dùng mảnh nồi đất bị vỡ úp lại cho khói đen bám vào, sau đó cạo lấy lớp than đen rồi cho mủ cây dầu (Dâu Kren) vào trộn đều là có thể nhuộm nan được. Đối với màu vàng thì dùng củ nghệ rừng mài ra trộn với mủ cây dầu; còn màu đỏ thì dùng hạt quả cà ri (Dâu xút) giã nát, trộn với mủ cây dầu là có thể nhuộm màu được. Mỗi chiếc nan được bôi màu nhiều lần rồi đem ra phơi nắng. Sau khi hoàn tất các công đoạn chẻ, vót và nhuộm nan thì tiến hành đan sản phẩm.

Theo già A Phiếu, muốn đan được chiếc gùi 3 lớp, phải đan phần đáy trước, sau đó uốn lên để tạo khuôn và đan phần thân gùi. Vì đặc điểm của loại gùi này là có hai lớp nan nên sẽ tiến hành đan lớp bên trong trước, sau đó mới đan lớp ngoài. Sau khi đan lớp bên trong được khoảng một phần ba thân gùi thì tiến hành lót lá mây vào giữa rồi mới tiếp tục đan lớp ngoài. Khi đan đến nửa thân gùi thì tiến hành đan nan màu để tạo hoa văn. Trong đó nan màu đỏ, vàng dùng tạo đường chỉ; còn nan màu đen để tạo hoa văn chính.

Già A Phiếu cho biết, trong toàn bộ công đoạn đan gùi thì phần đan hoa văn là phần khó nhất, đòi hỏi người thợ phải có bàn tay khéo léo và đầu óc tinh tế kết hợp với những kỹ thuật đan điêu luyện mới tạo ra được hoa văn đẹp, phù hợp với sản phẩm cũng như ý muốn của mình.

Sau khi đã hoàn thiện phần thân gùi, lúc này, người thợ sẽ tiến hành làm vành, đan quai, làm đế và đan nắp gùi. Nắp gùi có hình chóp cụt, được làm rất tỉ mỉ, khi đậy vào tạo thành một thể thống nhất rất đẹp, mang đậm sắc thái văn hóa của người Gia Rai.

Gùi đựng đồ của người Gia Rai không chỉ là vật dụng để cất giữ hay vận chuyển hàng hóa, mà còn là tài sản được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc được dùng làm của hồi môn cho con cái khi lập gia đình.

Ngoài chiếc gùi đựng đồ thông dụng thì gùi thưa (ro) là loại gùi cũng không thể thiếu trong gia đình của người Gia Rai. Gùi thưa thường được sử dụng để gùi nước, gùi lúa, gùi bắp, gùi mì hay đi rừng bẻ măng…

Nan dùng để đan gùi thưa khác với nan để đan các loại gùi khác ở chỗ kích thước to hơn, nan rộng khoảng 3-4 mm, được chẻ từ song mây hay còn gọi là mây đá. Đặc tính của loại cây này là cứng, dẻo và dai. Phần lõi có màu hơi đỏ, nên khi mới đan xong nhìn gùi có màu sắc đẹp rất tự nhiên.

Để hoàn thành một cái gùi thưa, các công đoạn đan cũng tương tự như gùi đựng đồ. Trước tiên là đan phần đáy, sau đó dựng nan đứng lên để định hình cho phần thân gùi rồi tiến hành đan. Tuy nhiên, điểm khác nhau so với các loại gùi khác là nan đứng ở đây là nan đôi. Thân gùi đan theo kiểu đan lóng mốt nhưng khi đan tiến hành đồng thời một lúc hai nan, mỗi nan đan cách nhau một nhịp, khi đan cao khoảng 10 đến 15 cm thì chuyển sang đan thưa phần giữa của thân gùi.

Lúc này các nan đứng được tách ra hai phía và bắt chéo với các nan. Bắt chéo nan đến đâu thì đan nan vòng đến đó. Khi đã hoàn thiện phần thân thì bẻ nan và tiến hành nẹp vành cho miệng gùi. Công đoạn cuối cùng để hoàn thiện gùi là gắn đế và làm quai cho gùi.

Không chỉ biết đan gùi, già A Phiếu còn biết đan nong, nia, rổ, rá, đơm cá, dàn bếp… Để hoàn thành một cái nong hay cái nia mất khoảng ba ngày; còn rổ, rá thì ít hơn. Tùy vào từng loại sản phẩm mà sử dụng những nguyên liệu và kỹ thuật đan khác nhau. Đặc biệt là để làm nên một chiếc nong, nia kỹ thuật đan cũng vô cùng phức tạp, bởi cùng một lúc phải phối hợp rất nhiều kiểu đan khác nhau như lóng mốt, lóng hai, lóng ba, thậm chí có khi đan lóng bốn. “Nói chung, đã gọi là đan lát thì đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, khéo léo và kiên trì thì mới cho ra sản phẩm bền và đẹp được - già A Phiếu nói.

Già A Niếc lên khung cho chiếc gùi. Ảnh: T.Q 

Cùng với nghệ nhân A Phiếu, ở làng Rắc còn có nghệ nhân A Niếc cũng còn giữ nghề và nỗ lực truyền dạy nghề cho con cháu. Để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, mới đây, 2 nghệ nhân này đã rất nhiệt tình tham gia trình diễn nghề đan gùi truyền thống của người Gia Rai tại Tuần Văn hóa- Du tịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 diễn ra tại Bảo tàng tỉnh từ ngày 14-17/12/2018.

Tú Quyên - Văn Nhưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét