13 thg 11, 2018

Vinh-vút: nhạc cụ giữ hồn tre nứa của người H’rê

Nhạc cụ truyền thống của người H’rê rất phong phú và đa dạng, có đàn brook, ống tiêu talía, đàn môi pơpel, nhị rađang, "chiêng tre", ching kala, chiêng, đàn vroat, nhưng độc đáo nhất phải kể đến ống vinh-vút, loại nhạc cụ truyền thống dành riêng cho phụ nữ H’rê.

Âm vang từ núi rừng
Là một nhạc cụ đơn giản nhưng với âm thanh trầm bổng, vinh-vút trở thành nhạc cụ đặc trưng thể hiện được tài nghệ khéo léo và tâm hồn nghệ sĩ của người phụ nữ dân tộc H’rê.

Cây đàn Vinh-vút của người H’rê ở huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) được làm từ lồ ô. Người H’rê chọn cây lồ ô làm ống vinh-vút vì loại cây này có đốt dài và mỏng, lúc vỗ sẽ phát ra âm thanh rất to, vang. Lồ ô được chọn làm vinh-vút là những cây đã già, thẳng, dài. Cây còn tươi, người ta cắt bỏ phần mắt, chọn những ống bằng nhau để làm thành một cặp. Cây đàn vinh-vút gồm có hai ống, một ống dài khoảng 1,2 m và một ống dài khoảng 1 m. Chiều dài hay ngắn, to hay nhỏ của cây đàn tuỳ theo ống lồ ô. 

Những ống vinh-vút được làm từ lồ ô. 

Hai đầu cây đàn được những người có hoa tay chạm khắc lên những hoạ tiết hoa văn tuỳ thích, trông thật đẹp mắt. Đã thành những bộ cây đàn, người ta lấy dây rừng bó lại từng cặp với nhau, đem phơi ngoài nắng chừng vài ba ngày, rồi đưa lên trên giàn bếp lửa nhà sàn (Carinh) tiếp tục phơi càng lâu càng tốt, quá trình sử dụng ít bị ảnh hưởng về âm thanh, khói bếp bám vào làm cho ống nứa có màu vàng đen, cây đàn đẹp hơn.

Những sắc thái riêng từ ống lồ ô

Biểu diễn đánh (vỗ) vinh-vút là tư thế ngồi quỳ hai gối, gồm có ba người: Một người ngồi bịt, thả đầu bên kia (đầu ngọn, thế dọc, gọi là Dhât); một người ngồi giữ đầu bên này (đầu gốc, thế ngang, gọi là Rup); một người ngồi vỗ đầu bên này (đầu gốc, gọi là Hpoh). Hpoh vinh-vút gồm có 7 bài (điệu) cơ bản.

Trong 7 bài của đàn vinh-vút đều có giai điệu, tiết tấu, sắc thái riêng. Vì vậy, khi đánh một bài nào đó đòi hỏi cả người bịt - thả và người vỗ (Dhât và Hpoh) đều phải có những kỹ năng xử lý thật ăn ý và phối hợp một cách hài hòa với nhau thì âm thanh của "bản nhạc" vinh-vút mới độc đáo và hấp dẫn người nghe. Bà con người H’rê ở huyện Ba Tơ có rất nhiều điệu vỗ ống vinh-vút, như điệu “vái-mang”, điệu “pý-mang”, điệu “ching-htùm”… 

Phụ nữ H’rê diễn tấu vinh-vút . 

Nhạc sĩ người dân tộc H’rê Phạm Minh Đát cho biết: Làm được cây đàn vinh-vút bằng nứa, lồ ô không khó, nhưng để “thổi hồn” vào hai ống nứa phát ra những âm thanh, tiết tấu, giai điệu hay là một việc làm không dễ. Đây là loại nhạc cụ cổ truyền của người phụ nữ H’rê. Chị em nào biết cách sử dụng đôi bàn tay nhuần nhuyễn, khéo léo, vỗ nhịp thì âm thanh phát ra rất hay.

Vinh-vút trong đời sống người H’rê
Ngoài chiếc sáo tà-vố làm bằng đất sét, hầu như tất cả các nhạc cụ cổ truyền của người H’rê đều làm bằng tre, nứa, lồ ô... Chẳng hạn như, đàn ống vinh-vút của người phụ nữ H’rê thường sử dụng trong các dịp lễ, Tết được làm bằng các ống lồ ô, nứa. Người H’rê sử dụng các chất liệu có sẵn trong tự nhiên để chế tác, đây là vấn đề địa văn hóa, các bản nhạc khí phát ra từ đàn vinh-vút cũng phản ánh rõ những âm hưởng từ thiên nhiên: các bản nhạc mô phỏng tiếng ếch nhái, mô phỏng âm thanh của thác nước hay mô phỏng tiếng hót của một loài chim báo mưa… Tiếng đàn vinh-vút đóng một vai trò rất lớn trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm cũng như quy tụ và cố kết cộng đồng.

Nhạc cụ tre nứa luôn gắn với đời sống của người H’rê . 

Nghệ nhân Phạm Thị Huyền cho biết: “Ống vinh-vút của người H’rê ra đời lâu lắm, từ thời cha ông đã có. Bà con ở đây rất yêu thích vỗ ống vinh-vút, trong các dịp lễ như đâm trâu, đám cưới... Bây giờ bà con vẫn thích vỗ ống vinh-vút trong dịp Tết đến, ngày hội đại đoàn kết của khu dân cư. Bà con cùng nhau vỗ ống vinh-vút, nhảy sạp rất vui”.

Trăn trở trước nguy cơ thất truyền
Hiện nay, vinh-vút của người H’rê ở Ba Tơ đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền. Để bảo tồn nhạc cụ truyền thống của người H’rê trong đó có vinh-vút, cần tổ chức những cuộc liên hoan, những hội diễn nghệ thuật do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, cần có một định hướng chiến lược cụ thể, bởi nghệ thuật dân gian là do chính nghệ nhân dân gian sáng tạo ra, đồng thời họ cũng chính là khán giả, là diễn viên và chủ thể của nghệ thuật. Mở thêm các lớp dạy nhạc khí và hát dân ca, cũng có thể đưa nhạc khí của người H’rê vào chương trình âm nhạc trong các trường trung học. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cần phát động những đợt thi sáng tác ca khúc, có vận dụng phát triển chất liệu âm nhạc của đồng bào H’rê, cần có chế độ khen thưởng, động viên những tác giả âm nhạc, những nghệ nhân dân gian để họ tiếp tục trao truyền vốn âm nhạc cho con cháu trong làng.

Bá Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét