27 thg 11, 2018

Chùa Một Cột ở Biên Hòa

Chùa Một Cột ở Biên Hòa

Đó là chùa Bửu Sơn. Ngôi chùa này nằm ở gần khu vực chợ Biên Hòa, trong một con hẻm lớn số 487 đường Cách mạng Tháng Tám, phường Hòa Bình. Bạn sẽ dễ dàng thấy chùa Bửu Sơn nếu bạn... đi ăn lẩu tôm Năm Ri, bởi vì ngôi chùa nằm đối diện lối vào quán lẩu tôm.


Đã quen với hình ảnh ngôi chùa Một Cột nổi tiếng ở Hà Nội, bạn sẽ thấy ngỡ ngàng khi nhìn thấy ngôi chùa này và tự hỏi: Sao gọi là chùa Một Cột?


Thì đây, chùa một cột là như vầy nè:

Chánh điện của chùa có kiến trúc rất đặc biệt với các bộ vì kèo được tạo dáng vuông vức từ trên nóc của một cột chính toả xuống tạo thành 8 ngăn nhỏ dạng bát quái.


Hệ thống tượng thờ trong chánh điện chùa bố trí theo hệ phái Bắc tông. Tầng trên cùng thờ Di Đà, Quan Âm Thế Chí và Thích Ca. Tầng giữa thờ Di Lặc, Ngọc Hoàng và hai vị Phán quan. Tầng dưới thờ năm vị thập điện, hai vị Phán quan và Địa tạng.




Như vậy, khác với chùa Một Cột Hà Nội là một cột chính ở bên ngoài nâng đỡ kết cấu toàn bộ ngôi chùa, chùa Một Cột Biên Hòa là một cột chính ở bên trong và giữa chánh điện để bài trí các tượng thờ. Và khác với đa số các ngôi chùa khác, bàn thờ chánh có một hoặc hai mặt, nơi đây có bốn mặt để bài trí các tượng thờ.

Chùa Phật Bốn Tay

Cũng cần nói thêm, ngoài tên chùa Một Cột, chùa Bửu Sơn còn một tên gọi đặc biệt nữa là chùa Phật Bốn Tay.

Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì ở chùa có một bức tượng thờ một vị thần trong tư thế ngồi, có bốn tay cầm bốn linh vật, phía sau có lá đề khắc những dòng chữ Phạn (hiện bố trí ở mặt sau trong 4 mặt của bệ thờ nơi chánh điện). Người dân gọi là Phật bốn tay.




Những bậc cao niên cho biết ngày xưa người dân địa phương đi đốn cây thì phát hiện bức tượng này và rước vô chùa để thờ. (Có nghĩa là có chùa rồi mới ngẫu nhiên tìm ra tượng mà rước vô).

Kỳ thật, đây... không phải tượng Phật!

Căn cứ vào hình dáng tượng và minh văn tiếng Phạn phía sau tượng, các nhà nghiên cứu xác định rằng: Đây là tượng thần Vishnu của đạo Hindu. Minh văn này cho biết tượng được tạo dựng bởi hoàng tử Chămpa là Nauk Klaun Vijaya nhờ vào chiến lợi phẩm mà ông chiếm được từ người Chân Lạp. Việc dựng tượng khắc bia này nhằm tôn vinh vị thần Bảo hộ - thần Vishnu và khẳng định vương quyền của mình trên vùng đất mới chiếm được.

Không cần biết tượng thần Vishnu hay ai, đạo Hindu hay đạo Phật, người dân cứ xem đây là Phật (bốn tay), vẫn nhang khói phụng thờ và không cho ai mang ra khỏi chùa. Vì vậy, Bảo tàng Đồng Nai phải phục chế một phiên bản bức tượng để trưng bày tại Bảo tàng (đặt tại phòng Đồng Nai những thế kỷ đầu Công nguyên).

Tượng Phật bốn tay chùa Bửu Sơn. Phiên bản phục chế, trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai

Về niên đại, chùa Bửu Sơn không phải là ngôi chùa cổ lắm. Chùa được xây dựng khoảng thế kỷ 18 bằng vật liệu nhẹ, nhưng kiến trúc như ngày nay có được từ những lần trùng tu lớn năm 1937, 1965 và gần đây nhất là 1997. Tuy vậy, đến đây để chiêm ngưỡng kiến trúc một cột độc đáo và pho tượng Phật mà không phải Phật cũng rất thú vị.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét