29 thg 11, 2018

Thăm thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Theo sử liệu và khảo cổ, gần đây các nhà nghiên cứu, các nhà sư và chính quyền các cấp xác minh rõ nguồn gốc và nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên trong rừng quốc gia Tam Đảo thuộc xã Đại Đồng, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. 




Vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, đoàn Phật giáo thứ 8 do ngài Sona, ngài Uttara và công chúa con vua A Dục (Ấn Độ) đi truyền giáo qua ở Miến Điện, Thái Lan và các nước Đông Dương. Đoàn đi theo đường biển vào cửa sông Hồng ngược lên nước Văn Lang. Thời Hùng Vương, nước Văn Lang chỉ bao gồm một số tỉnh trung du Bắc Bộ, địa thế núi non thấp, chỉ có dãy Tam Đảo núi cao liên hoàn (700m so với mặt nước biển) rừng thâm u rậm rạp, có suối chảy thác cao, cảnh trí u nhã thanh tịnh. Thấy nơi đây thích hợp cho người tu thiền hoặc sống nội tâm trau dồi Phật pháp. Đoàn nhà sư Ấn Độ quyết định chọn Tam Đảo để xây tháp lập chùa để tu hành và hóa độ chúng sinh, đặt tên là Tây Thiên (có nghĩa là trời Tây, chỉ nước Ấn Độ, nơi phát sinh ra đạo Phật cứu khổ nhân loại).


Tam Đảo gần kinh đô Văn Lang, dân cư đông đúc thuần hậu đã tiếp nhận nhanh những giáo lý của đạo Phật. Như vậy Phật giáo vào Việt Nam rất sớm và chân truyền từ thuở Vua Hùng. Từ thuở Chử Đồng Tử lấy công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ ba và được tăng sư Phật Quang truyền phép... Ngọc phả Hùng Vương có ghi : "Có lần vua Hùng Vương thứ bảy là Chiêu Vương lên núi Tam Đảo chơi, thấy đã có chùa thờ Phật".



Ba ngôi chùa ấy tên là Hoa Long Thiều Tự, Thiên Quang Thiền Tự, Tây Thiên Thiền Tự. Vừa qua, ngành khảo cổ đã khai quật được 3 bia đá của 3 chùa và một số cổ vật từ thuở vua Hùng tại khu vực rừng Quốc gia Tam Đảo. Ba ngôi chùa ấy đã từng chịu chiến tranh hàng ngàn năm đô hộ của phương Bắc tàn phá, của lớp bụi thời gian quá dày và thiên nhiên khắc nghiệt hủy hoại.

Năm 2004, thể theo tâm nguyện của chính quyền và nhân dân địa phương, sự cho phép của Chính phủ, các bộ, ban ngành, sự cho phép của Hội Phật giáo Việt Nam, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt khảo cứu kỹ lưỡng và làm chủ đầu tư dự án, trực tiếp tổ chức thi công xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên ngay trên nền móng cũ.



Tam Đảo có 3 ngọn núi cao nhất là Thạch Bàn, Phù Nghĩa và Thiên Thi. Thiền viện xây dựng trên khuôn viên 4,5ha, độ cao gần 300m, ở lưng chừng ngọn Thạch Bàn. Quá trình xây dựng, dự án đã được sự quan tâm thấu đáo của chính quyền địa phương. Hàng ngàn người dân quanh vùng tự mang cơm đùm cơm gói đến lao động công đức, chung tay xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Hiện nay Thiền Viện đã có cổng Tam quan, Lầu chuông, Lầu trống, ngôi Chính điện, nhà Tổ, Trai đường, Thư viện... Tượng Phật làm bằng đá Sa Thạch do những nghệ nhân làng nghề Non Nước TP Đà Nẵng thực hiện. Đá xanh và tay nghề của các nghệ nhân Ninh Bình thực hiện cột trụ, đèn đá, bia đá, đỉnh hương... Hoành phi, câu đối, cửa võng, tủ thờ bằng gỗ quý do các tay nghề được tuyển chọn từ xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Bàn ghế, tủ gỗ... cũng do những nghệ nhân danh tiếng vùng Đồng Kỵ, Bắc Ninh đóng góp...



Kiến trúc của Thiền Viện mang đậm đấu ấn truyền thống có hòa đồng với đường nét hiện đại của thời đại chúng ta và cho đến các thế hệ mai sau. Qua đây ta thấy được nền văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam luôn biết giữ gìn và chọn lọc, kế thừa phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên hòa trong cảnh sắc hùng vĩ, núi non cẩm tú, trong núi rừng Tam Đảo vi vút tiếng thông reo. Thiền viện góp phần xây dựng vùng danh lam thắng cảnh cho vườn Quốc gia Tam Đảo nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc và đất nước nói chung có một khu du lịch văn hóa tâm linh, là địa chỉ hấp dẫn để mọi người tham quan, hành hương về đất Tổ. Từ đây trong tâm tưởng mọi người có Tam Đảo, có Tây Thiên một cõi đi về.


Đây cũng là nơi lưu giữ, trưng bày những cổ vật của Phật giáo, giới thiệu Phật giáo Việt Nam có từ thời các vua Hùng dựng nước và Phật giáo Việt Nam luôn luôn sống bền vững trong lòng dân tộc.

Trong điều kiện đất nước hội nhập, mở cửa với biết bao tác động về tư tưởng về văn hóa từ bên ngoài. Tìm đến những tư tưởng tiến bộ của Phật giáo về lòng nhân ái, vị tha, về chân-thiện-mỹ cũng chính là giáo dục phẩm chất, đạo đức con người Việt Nam mới để gìn giữ bản sắc dân tộc mãi mãi trường tồn.

Bài, ảnh Huy Tưởng - Quảng Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét