12 thg 11, 2018

Dấu ấn văn hóa trên trang phục nam giới người Chăm

Người Chăm là một dân tộc sớm chịu ảnh hưởng nhiều loại hình tôn giáo, văn hoá khác nhau. Mỗi giai cấp, tầng lớp; mỗi chức sắc tu sĩ tôn giáo người Chăm đều có trang phục riêng. Mỗi loại trang phục lại mang một dấu ấn văn hóa riêng.

Khăn đội đầu (tanrak)


Đồ đội đầu của đàn ông Chăm chủ yếu là khăn. Người đàn ông bình dân thì sử dụng khăn dệt trơn bằng vải thô trắng và đàn ông quí tộc thì đội khăn có dệt hoa văn hình quả trám cùng màu trắng phủ kín lên mặt vải. Ngoài khăn đội đầu, người đàn ông Chăm còn có khăn vắt vai, túi nhỏ đeo vai và túi đựng thuốc hút.

Trang phục của chức sắc tôn giáo người Chăm. 


Cách đội khăn của đàn ông Chăm là quấn vòng lên đầu từ phía sau ra phía trước, rồi thả hai mép gập lại, buông chùm xuống ở gần hai tai. Đối với người đàn ông trẻ tuổi thì không đội khăn mà chỉ vắt khăn chéo qua vai. Cũng như phụ nữ Chăm, ngày nay việc đội khăn truyền thống chỉ có ở người đàn ông lớn tuổi, còn giới trẻ thì đội nón, chỉ còn đội khăn truyền thống trong những dịp lễ hội.

Áo nam giới người Chăm

Áo truyền thống của người đàn ông Chăm là loại áo ngắn (aw lah). Áo được may bởi 6 mảnh vải với nhau: mặt thân sau có hai mảnh vải tách rời, rồi họ lại may dính vào nhau tạo thành một đường viền chạy dọc theo sống lưng (khổ vải khung dệt không cho phép khổ vải quá một mét nên họ phải dùng hai mảnh để may ghép lại), phía thân trước cũng gồm hai mảnh vải ghép lại; hai bộ phận còn lại là hai vải ống tay may dính vào hai phần nách và phần vai. Áo ngắn chỉ mặt chùng xuống đến mông, xẻ hai bên hông khoảng 20 cm. Áo ở phía trước có đường xẻ, đính khuy và hai bên vạt trước có hai cái túi. Cổ áo thường là cổ con, tròn đứng, ôm sát cổ. Áo thường có nhiều màu trắng: trắng, đỏ, xanh, vàng... nhưng không có trang trí hoa văn.

Trang phục của thanh niên Chăm. 

Áo nam giới Chăm còn có một loại áo khác gọi là “aw tah” (áo dài). Áo được dệt bằng vải thô màu trắng, được may ghép bằng nhiều mảnh vải. Áo dài không xẻ thân phía trước, không có hàng khuy mà chỉ xẻ một đường xiên trước ngực, dùng dây để buột thay nút. Áo mặt chui đầu (aw loah) và phủ dài đến đầu gối. Áo này hiện nay không được mặc phổ biến chỉ được mặc trong các nghi lễ.

Váy, khăn (aban, khan)


Theo truyền thống từ xa xưa, tất cả người Chăm, đàn bà, đàn ông đều mặc váy (sarông). Thông thường ngày nay thì người đàn ông mặc khăn. Khăn mặc của người đàn ông Chăm có nhiều loại. Khăn của đàn ông bình dân được dệt bằng vải thô màu trắng và không có hoa văn trang trí. Còn đàn ông quí tộc mặc khăn cũng màu trắng nhưng dệt bằng tơ, có hoa văn quả trám phủ kín bề mặt khăn. Cách mặc váy, khăn của đàn ông cũng giống như cách mặc váy của phụ nữ Chăm.

Nam giới người Chăm cũng đeo trang sức. 

Dây thắt lưng (taley ka-in)

Ngoài việc mặc váy, đàn ông Chăm còn buộc dây lưng, loại dây thắt lưng có khổ vải rộng khoảng 10 - 25 cm, dài khoảng 180 - 250 cm. Dây thắt lưng thường có ba loại: Loại thường là loại dây thắt lưng trơn dệt bằng vải thô (cotton) màu trắng không có dệt hoa văn, loại dây thắt lưng này có khổ hẹp, thường dùng cho người đàn ông bình dân. Loại dây lưng dệt bằng tơ, có thêu nhiều hoa văn màu sắc sặc sỡ, có khổ rộng như loại hoa văn quả trám, hoa văn mắt gà, hoa văn hình neo thuyền... thường dùng cho giai cấp quí tộc. Loại dây thắt lưng có khổ rộng khoảng 10 cm, được dệt hai mặt hoa văn nổi. Hoa văn thường bố trí thành một dải nhiều hình xen kẽ nhau với màu sắc sặc sỡ như hoa văn quả trám, hoa văn chân chó, hoa văn hình móc mỏ neo... Ngoài ra loại này còn có hoa văn hình rồng, hình người... Loại dây lưng này chỉ dùng cho vua chúa và chức sắc tôn giáo. Cách buộc dây thắt lưng của người Chăm là quấn một vòng qua lưng rồi buột gút lại, thả chùn hai đầu dây có tua ra phía trước.

Trang sức của người Chăm

Đàn ông Chăm thường đeo đơn giản chiếc nhẫn tròn, mặt nhẫn có đính hột đen và được bao quanh bằng hình hoa 8 cánh mà họ thường gọi là chiếc nhẫn Mưta. Chiếc nhẫn Mưta chính là dấu hiệu để nhận biết đồng tộc Chăm. Vì vậy, khi người Chăm chết đi, ngoại trừ y phục, họ còn mang theo chiếc nhẫn Mưta. Họ dùng chiếc nhẫn Mưta để thực hiện nghi lễ quan trọng trong đám tang tiễn đưa linh hồn cho người chết về thế giới khác. Ngoài trang sức, người Chăm còn sử dụng guốc dép để mang. 

Những sắc thái văn hóa thông qua trang phục. 

Dấu ấn văn hóa trong trang phục

Trang phục Chăm chủ yếu là dùng chất liệu sẵn có trong thiên nhiên như bông, tơ tằm... dùng để dệt vải, hầu như không dùng nguyên liệu từ da, lông của súc vật. Đặc trưng của trang phục Chăm là không trang trí hoa văn trên nền vải áo. Hoa văn trên trang phục Chăm chủ yếu là được trang trí từng mảnh vải rồi may ghép vào các bộ phận của trang phục như loại cạp váy, dây thắt lưng. Loại này dùng để may dính vào cạp váy, vào khăn trùm đầu, khăn mặt, chỉ có váy phụ nữ Chăm, hoa văn được trang trí cả trên cạp váy và trên nền vải. Hoa văn trên trang phục Chăm chủ yếu là hoa văn quả trám, hột đậu ván, hạt lúa nổ, mắt gà, hoa văn neo thuyền, hoa văn mắc lưới, hoa văn nưgarit, Makala...

Trang phục Chăm có màu sắc phong phú. Trong trang trí, người Chăm không pha trộn bất cứ màu nào khác với nhau, nhưng họ có nghệ thuật phối màu riêng trên nền vải. Vì vậy, màu thổ cẩm, cũng như màu trang phục Chăm, mặc dù sử dụng màu nguyên nhưng không chói chang như các màu áo của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên và một số dân tộc phía Bắc nước ta, màu sắc Chăm vừa hài hoà, vừa sâu lắng.

Trang phục Chăm không chỉ có nhu cầu để cho đẹp mà nó gắn liền với tín ngưỡng, những điều kiêng cữ và cấm kỵ. Ngoài việc cúng tổ vị tổ sư nghề dệt vải người Chăm còn có một số kiêng kỵ trong nghề dệt vải may mặc.

Nga Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét