12 thg 10, 2018

Trường Taberd Sóc Trăng - nơi lưu giữ những giá trị lịch sử

Theo dòng thời gian, dù ngôi Trường Taberd xưa đã thay đổi nhiều, nhưng dư âm đêm 23/9/1945 vẫn sống mãi trong lòng người dân Sóc Trăng với bầu không khí ấm cúng tình đồng chí, đồng đội, tình người dân chan chứa đối với đoàn quân cách mạng, những tù chính trị từ nhà tù Côn Đảo được Đảng, Chính phủ giao cho Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng thay mặt nhân dân cả nước đón tiếp và chăm sóc. 

Chân dung chủ tịch Tôn Đức Thắng tại nhà trưng bày

Trường Taberd, nằm trên đường Tôn Đức Thắng, thuộc phường 6, thành phố Sóc Trăng. Trước đây do tổ chức Công giáo của chính quyền thực dân Pháp xây dựng từ năm 1912 để phục vụ cho việc nuôi dạy học sinh tiểu học nội trú, trước nữa gọi là trường La San, được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Với diện tích trên 10.000
m2, Trường có đường giao thông đi lại rất thuận tiện, có 4 mặt tiền quay ra 04 hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc, giáp với 04 con đường bao bọc chung quanh trường: hướng Đông là đường Tôn Đức Thắng, hướng Tây là đường Calmette, hướng Nam là đường Lê Lợi và hướng Bắc là đường Lai Văn Tửng.

Cổng vào nhà trưng bày Khu di tích lịch sử

Đến nay, ngôi trường xưa được tách ra 02 phần là Nhà trưng bày khu di tích lịch sử Trường Taberd và Trường Trung học phổ thông Ischool Sóc Trăng. Riêng Nhà trưng bày khu di tích lịch sử Trường Taberd, có diện tích khoảng trên 200
m2. Tuy diện tích không lớn, nhưng những dấu ấn, các hiện vật được trưng bày bên trong là cả một kho tàng chất chứa những kỷ niệm, hiện vật vô giá mà Đảng, Nhà nước ta tôn tạo, bảo quản và trân trọng. Tổng thể nhà trưng bày được chia thành 2 gian, gồm gian chính là phần trưng bày các sơ đồ, hình ảnh về nhà tù Côn Đảo, cảnh ghi lại hình ảnh đón tiếp đoàn tù chính trị, cảnh sinh hoạt của tù chính trị trong sân trường, mô hình chiếc ca nô do Bác Tôn lái cùng 12 chiến sĩ từ nhà tù trở về đất liền. Ngoài ra, còn có một số hiện vật như 04 cái bát sứ tráng men (02 cái to, 02 cái nhỏ), 01 cái chậu sành miệng loe, có đường kính 40cm, cao 30cm, do nhân dân Sóc Trăng quyên góp, dùng để rửa vết thương cho các chiến sĩ Côn Đảo; 01 cái chảo sắt có đường kính 01m, dùng nấu ăn cho đoàn v.v… Một gian nhỏ hơn dùng để trưng bày một số hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác Tôn Đức Thắng cùng bức tượng bán thân của Người.

Đoàn tinh nguyện viên Đại học Cần Thơ tham quan di tích

Thông qua các nguồn tư liệu và hiện vật được lưu giữ nơi đây, du khách có thể tìm hiểu thêm về diễn biến tình hình của Nam bộ trước trong và sau khi có cuộc tiếp đón long trọng đoàn tù chính trị Côn Đảo tại ngôi trường này cũng như quá trình tiếp đón, chăm sóc đoàn tù của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

Bằng chứng lịch sử chứng minh, sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta đối diện với muôn vàn khó khăn, Chính quyền cách mạng vừa phải lo ổn định đời sống cho nhân dân, vừa chống giặc đói, giặc dốt vừa khắc phục các hậu quả do chiến tranh để lại, lại vừa phải lo đối phó với trăm mưu ngàn kế của kẻ thù. Cách mạng nước ta đang đứng trong một tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”.

Tối 25/8/1945, tại cuộc họp đánh giá tình hình chung của việc tổ chức phong trào đấu tranh của quần chúng giành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám tại Sài Gòn-Chợ Lớn, Xứ ủy Nam bộ dành riêng thời gian nghe 2 đồng chí Đào Duy Kỳ và Nguyễn Công Trung, là 2 trong số 6 tù chính trị cộng sản từ Côn Đảo vừa về đến Sài Gòn vào chiều cùng ngày báo cáo tình hình ở Côn Đảo. Sau đó Xứ ủy Nam bộ chủ trương triển khai công tác đặc biệt quan trọng, phải làm cấp bách là việc tổ chức đón rước những chiến sĩ cách mạng từ ngục tù đế quốc ở Côn Đảo trở về đất liền và theo kế hoạch, đoàn sẽ cập bến Sài Gòn hoặc Mỹ Tho. Nhưng ngày 23/9/1945 thực dân Pháp trở lại gây hấn ở Sài Gòn, Xứ ủy đã kịp thời chỉ đạo cho đoàn cập bến Đại Ngãi, thuộc địa bàn Sóc Trăng và giao nhiệm vụ cho Tỉnh ủy Sóc Trăng đón tiếp đoàn. Mặt khác, cử đồng chí Nguyễn Văn Phòng, bà Maria Vân (tức Tư Vân), bà Giang (vợ ông Dương Kỳ Nam) lo chuẩn bị nơi ăn, chỗ ở, thuốc trị bệnh… các đồng chí Lưu Khánh Đức, Nguyễn Thảo Hiền lo công tác bảo vệ.

Trước đó, công tác chuẩn bị đi rước tù chính trị nhanh chóng được triển khai và nhận được sự đồng thuận của Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, Các đồng chí Tưởng Dân Bảo, Lý Văn Chương, Ngô Văn Chương được phân công nhiệm vụ nhanh chóng đi tìm và huy động số tàu ghe đảm bảo điều kiện đi biển để rước hết số tù chính trị Côn Đảo về đất liền.

Ngày 28/8/1945, đồng chí Lý Văn Chương cùng đồng chí Tưởng Dân Bảo đi Gò Công để kiếm ghe. Với sự làm việc tích cực cùng hỗ trợ của chính quyền cách mạng địa phương, lòng nhiệt thành của các chủ ghe và bạn ghe thuộc ấp Vàm Láng, xã Kiểng Phước, Gò Công, số ghe biển mũi đỏ và nhọn, được huy động lên đến 50 chiếc, mỗi chiếc có thể chở khoảng 60 đến 80 người. Sau đó, các đồng chí nhận được tin Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ quyết định sửa chữa tàu Phú Quốc để cùng ra Côn Đảo rước tù chính trị, nên số ghe huy động giảm xuống còn 30 chiếc. Nhưng khi được lệnh tập trung tại kinh Nước Mặn thuộc tỉnh Chợ Lớn vào những ngày đầu tháng 9/1945, đoàn ghe lại tăng lên 32 chiếc. Để đảm bảo cho số ghe di chuyển nhanh trong sông nhỏ, Ủy ban hành chánh Nam bộ điều động cho đoàn 2 chiếc tàu kéo để kéo đoàn ghe này. Tàu kéo Renoqueu R-4 kéo 20 chiếc, tàu kéo Rodier kéo 12 chiếc.

Sau thời gian chuẩn bị, ngày 12/9/1945, đoàn ghe rời Gò Công đi ra cửa biển Trần Đề theo lộ trình Gò Công - Chợ Gạo - Mỹ Tho - Gò An - Trà Ôn (Vĩnh Long), qua kinh xáng Cù lao Mây (nay là xã Lục Sĩ Thành, thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), Cái Côn (thuộc huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Đến Cái Côn, tàu Phú Quốc và đoàn ghe xuôi theo sông Hậu xuống Đại Ngãi rồi đi đến vàm Đại Ân và ra cửa biển Trần Đề (thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Dọc đường đi, đoàn được Ủy ban hành chánh tỉnh Mỹ Tho và Ủy ban hành chánh huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) cho mượn thêm tiền để mua gạo và thực phẩm, đồ dùng thiết yếu. Hai chiếc tàu kéo chỉ làm nhiệm vụ kéo đoàn ghe đến Đại Ngãi, sau đó các ghe tự di chuyển ra cửa biển Trần Đề, rồi tập trung tại Cồn Nóc (thuộc xã Lạc Hòa, huyện Vĩnh Châu, tỉnh SócTrăng) (nay thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu).

Sáng sớm ngày 16/9/1945, tàu Phú Quốc và 32 ghe với khoảng 200 thủy thủ xuất phát từ cửa Trần Đề thẳng hướng về Côn Đảo. Đến khoảng 10 giờ sáng, đoàn ghe bị cơn giông lớn kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ, làm lạc mất 7 chiếc. Còn lại tàu Phú Quốc và 25 chiếc ghe lần lượt đến Côn Đảo vào tối ngày 16/9/1945 ở phía Bắc Đảo, gần khu vực Cỏ Ống. Đoàn đã nhờ Đội phòng thủ Côn Đảo và chiếc xà lúp của đồng chí Tôn Đức Thắng sang hướng dẫn về cầu tàu trung tâm của đảo. Chiều ngày 17/9, một cuộc mítting lớn chào mừng phái đoàn được tổ chức tại trung tâm đảo.

Từ ngày 18/9 đến 22/9/1945, Đảo uỷ nhà tù nhanh chóng triển khai nhiều công tác như tổ chức vận động Tuần lễ vàng thu được số tiền và vàng trị giá khoảng 2.000 đồng; viếng thăm mộ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Côn Đảo như mộ Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong . . . Một bộ phận cán bộ lãnh đạo Đảo ủy và các chi bộ khẩn trương thực hiện công tác tập hợp và lập danh sách số tù chính trị, bố trí số lượng người cụ thể xuống tàu Phú Quốc và các ghe, xà lúp.

Khuya 22, rạng sáng ngày 23/9/1945, tàu Phú Quốc và đoàn ghe 25 chiếc chở gần 2.000 tù chính trị rời Côn Đảo. Cùng theo đoàn tàu, ghe này còn có chiếc xà lúp chở 13 người tù chính trị. Chiếc xà lúp do Bác Tôn hướng dẫn cùng với 2 thợ máy làm tài công là Nguyễn Hùng Minh và Nguyễn Hùng Phước.

Trên đường về, cả đoàn ghe cùng chiếc xà lúp lại bị gió mạnh rồi mưa giông, sóng lớn. Riêng chiếc xà lúp bị sóng đánh, nước tràn cả vào bên trong.

May nhờ đồng chí Tôn Đức Thắng còn giữ được chiếc la bàn nhỏ được gắn trong cây bút máy để ở túi áo, nên xà lúp vẫn được định hướng chạy về phía đất liền, nhưng lại đi lạc vào cửa Mỹ Thanh (thuộc làng Lạc Hòa) và được chính quyền cách mạng, nhân dân địa phương đón tiếp chu đáo. Đến chiều tối cùng ngày, đoàn được hướng dẫn đi ngay về Sóc Trăng bằng chiếc xà lúp theo tuyến sông Mỹ Thanh vào Cổ Cò, Bãi Xàu. Riêng đồng chí Phạm Hùng cũng đi ngay ra Đại Ngãi để đón đoàn tàu Phú Quốc và các ghe về ghé địa điểm này.

Chiều tối 23/9/1945, tàu Phú Quốc và 23 ghe lần lượt cập bến Đại Ngãi. Tại bến sông cũng là chợ Đại Ngãi, không khí đón tiếp diễn ra tưng bừng náo nhiệt. Một rừng người cùng với trùng điệp rừng cờ đỏ sao vàng chen lẫn với cờ vàng sao đỏ (cờ của tổ chức Thanh niên tiền phong), cờ Phật giáo, cờ Thiên chúa giáo phất phới bay vẫy chào đón những người tù chính trị chiến thắng trở về, nhiều biểu ngữ được giơ cao với các khẩu hiệu: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm, Nước Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm, Hoan hô chính trị phạm…, hòa với những tiếng hô vang chào mừng đoàn tù chính trị chiến thắng trở về. Những người tù từ dưới các ghe xếp hàng hai lần lượt lên bờ (số quá yếu được bà con ra tận ghe và tàu chuyển vào bờ) và được chuyển về Sóc Trăng ngay bằng đường bộ hoặc đường thủy. Một số ghe về trễ thì số tù chính trị được bố trí ăn nghỉ tại chùa Quan Âm, xã Đại Ngãi và hôm sau được đưa về điểm đón tiếp tập trung tại trường Taberd (Sóc Trăng). Chùa Quan Âm lúc đó khá rộng gồm 2 gian 3 chái, tường vôi, mái ngói. Do có tư thế chuẩn bị, bộ phận hậu cần đa số là chị em phụ nữ, cùng các hội viên các đoàn thể đã lo cơm nước xong xuôi để phục vụ đoàn gồm cơm, cá, thịt canh, trái cây tráng miệng. Một số quá yếu thì phải ăn cháo và được khám bệnh, điều trị ngay.

Tối 23/9/1945, nhóm đi tàu Phú Quốc về đến cầu tàu gần chợ Sóc Trăng. Tại đây, đông đảo cán bộ, chiến sĩ và đông đảo nhân dân thị xã đón mừng Đoàn với rừng cờ, biểu ngữ và những lời hoan hô vang đội. Từ bến tàu, các đồng chí được đưa về nghỉ tại trường Taberd. Nơi đây, các công tác chuẩn bị tiếp đón Đoàn được tổ chức chặt chẽ với các bộ phận hậu cần, cứu thương, trật tự, vệ sinh… để lo nơi ăn, nghỉ thật chu đáo cho anh em. Nhân dân tỉnh, huyện nô nức, tấp nập tiếp tế thực phẩm, quần áo, thuốc men chở đến điểm Đoàn tập trung. Trong đó phải kể đến tiệm vàng Nam Mỹ đã đóng góp khá nhiều công sức và thức ăn cho Đoàn; Đông đảo chị em phụ nữ cùng với cán bộ, chiến sĩ, dân quân chánh của các ngành, các đơn vị đã xung phong đảm nhận nhiệm vụ hậu cần, bảo vệ, chăm sóc đoàn, như các chị Tư Vân, chị Hai Ngọc, chị Sáu Còn, chị Ngô Thị Dần, chị Nguyễn Kim Hoa, chị Trịnh Kim Cường, chị Nguyễn Thị Hạnh; các anh như: Cao Sơn, Châu Tư, Đào Văn Trung, Tư Quốc, Giang Văn Bôn, Sáu Thơm, Tô Ký, Trần Văn Giỏi… cùng với một số thiếu niên. Ngoài ra, còn có sự tham gia, tận tụy trong phục vụ của các Sơ (soeur) nhà dòng thuộc đạo Công giáo tại Sóc Trăng. Trong niềm vui hân hoan tột bực đó, một số ít tù chính trị vì bị địch tra tấn nặng nề, sức khỏe kiệt quệ, vết thương cũ tái phát, lại bị bệnh nặng, nên dù được chăm sóc tận tình vẫn phải vĩnh viễn nằm lại ở Sóc Trăng.

Từ điểm dừng ở quê hương Sóc Trăng, những người tù chính trị Côn Đảo tỏa ra khắp nơi để tiếp tục cuộc đời hoạt động cách mạng, chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng Cộng sản. Nhiều đồng chí được bổ sung vào hàng ngũ lãnh đạo các cấp của Đảng và ngày càng tỏ rõ bản lĩnh kiên cường của những người cộng sản đã được trui rèn qua biết bao nhà tù đế quốc thực dân. Trong đó, có không ít đồng chí trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Phan Trọng Tuệ v.v…

Với ý nghĩa to lớn của việc đón rước, chăm sóc chu đáo đoàn tù chính trị Côn Đảo của Đảng bộ và quân dân tỉnh Sóc Trăng, góp phần bảo vệ tốt sức khỏe cho số cán bộ lãnh đạo nòng cốt cho Trung ương và các tỉnh, đáp ứng nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định số 734/QĐ-BVHTT ngày 16/6/1992, công nhận di tích trường Taberd tỉnh Sóc Trăng là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Hiện nay, Trường Taberd là điểm đến thu hút khá nhiều học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức về nguồn, tìm hiểu về các giá trị lịch sử hào hùng của ông, cha ta đi trước, cũng là nơi giáo dục đức tính cao quý về tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc.

Đặc biệt, với dấu ấn điểm xuất phát từ cửa Trần Đề hướng thẳng ra Côn Đảo để rước đoàn tù chính trị trở về Sóc Trăng, nơi đây đã hình thành 01 trạm xuất phát dành cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại Côn Đảo, là một điểm du lịch hấp dẫn - được mệnh danh là thiên đường giữa trần gian - là một trong 10 quần đảo đẹp và bí ẩn nhất thế giới. Đặc biệt, Côn Đảo còn là nơi có giá trị lịch sử lớn lao đối với người dân Việt Nam.

Tuyến tàu cao tốc từ Trần Đề đi Côn Đảo và ngược lại, chỉ với khoảng thời gian 2 giờ 30 phút so với từ Vũng Tàu ra Côn Đảo mất đến 10 giờ, là một trong những dự án du lịch quan trọng được hoàn thành của tỉnh Sóc Trăng. Tuyến tàu này đã nhận được sự quan tâm và thu hút sự chú ý của người dân. Từ 1 chuyến chạy từ ngày 14/7/2017 đến đầu quý I/2018 sẽ có 2 chuyến tàu đi ra Côn Đảo và 2 chuyến về cảng Trần Đề, đáp ứng nhu cầu rất lớn về vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa đất liền và Côn Đảo, nhất là thúc đẩy sự phát triển thương mại, hình thành liên kết tuyến, tour du lịch dọc theo sông Hậu, vực dậy tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch của tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

*Tài liệu tham khảo:
  • Trường Taberd Sóc trăng- nơi đón tiếp Đoàn tù Chính trị Côn Đảo ngày 23/9/1945, Một số bài viết về Sóc Trăng và Côn Đảo – Lịch sử, nhân vật và truyền thuyết, Tác giả: Tiến sĩ Trịnh Công Lý, Hội KHLS Sóc Trăng, xuất bản năm 2013.
  • Tham khảo bài thuyết minh tại Nhà trưng bày khu di tích lịch sử Trường Taberd của Trung tâm VHTT thành phố Sóc Trăng.
  • Tham khảo tài liệu về di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia - Trường Taberd tỉnh Sóc Trăng.
  • https://www.dulichsoctrang.org
  • http://thcsdaihai2-soctrang.edu.vn
  • Khảo sát thực tế tại Nhà trưng bày khu di tích lịch sử Trường Taberd
Lý Thị Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét