25 thg 10, 2018

Bản Tày làm du lịch cộng đồng

Không chỉ được trải nghiệm các ngôi nhà sàn của người dân bản Tày, du khách đến với Bắc Sơn còn được chiêm ngưỡng thung lũng lúa tuyệt đẹp, các mái nhà lợp ngói âm dương thanh bình và hòa mình vào những đêm nhạc hội cộng đồng sôi động.

Những mái nhà sàn san sát ở Quỳnh Sơn nhìn từ trên cao - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Cách Hà Nội khoảng 170km theo quốc lộ 1A, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn - từng được biết đến với cuộc khởi nghĩa du kích Bắc Sơn - ngày nay không chỉ là vùng đất với cảnh sắc tươi đẹp và phong phú các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn được biết đến nhiều nhờ những bản du lịch cộng đồng tại các thôn bản Tày, xã Quỳnh Sơn.

Độc đáo bản nhà sàn với ngói âm dương
Chúng tôi lên Bắc Sơn lúc tiết trời miền biên giới phía Bắc se se lạnh khi đã chuyển qua giữa thu. Mọi người cùng leo lên đỉnh núi để ngắm cả thung lũng Bắc Sơn với màu vàng óng của mùa lúa chín và có thể nhìn thấy cả thị trấn Bắc Sơn với những khối nhà cao tầng hiện đại, tương phản lại khu vực bản Tày nhà sàn san sát nhau với mái ngói âm dương ngả màu đất.

Cùng với những bạn trẻ đến từ Pháp, Bỉ, chúng tôi được dẫn đi tham quan làng nhà sàn Quỳnh Sơn. Con đường bêtông đi qua những ruộng lúa chín trĩu bông dần dần dẫn mọi người vào các bản Tày.

Đường quanh co với nhiều lối rẽ khiến mọi người đi tách đoàn sẽ dễ bị lạc nhau. Càng đi sâu vào những bản Tày tại đây, chúng tôi càng nhận thấy nét đơn sơ, nguyên bản của những ngôi nhà sàn truyền thống.

Người Tày vùng núi phía Bắc, đặc biệt như ở Quỳnh Sơn vẫn dựng nhà sàn có 2 tầng, sàn mỗi tầng từ 70 - 150
m2. Toàn bộ tầng dưới, người Tày để nông sản hoặc nhốt gia súc, gia cầm, còn tầng trên để phòng khách, phòng ngủ và không gian sinh hoạt hằng ngày của gia chủ. Tuy nhiên, một số hộ dân đã cách ly khu vực để nông sản, nuôi nhốt gia cầm, gia súc khỏi ngôi nhà sàn chính.

Với những gia đình khá giả vách nhà được làm bằng gỗ lim, còn những hộ kinh tế khó khăn sẽ sử dụng loại gỗ rẻ tiền hoặc để vách bằng tre, nứa. Đặc biệt, hầu hết nhà sàn bản Tày ở Bắc Sơn được lợp mái bằng loại ngói âm dương. Ông Dương Công Chích (bản Tâm Pác) cho biết loại ngói âm dương hay còn gọi là ngói máng là loại vật liệu lợp mái nhà sàn truyền thống của người Tày, được sản xuất ngay chính tại xã.

"Ngói âm dương có độ bền rất cao, nhiều ngôi nhà có tuổi đời 50 - 60 năm mà mái vẫn chưa hỏng. Đặc biệt nhà sàn lợp ngói âm dương sẽ rất mát mẻ vào mùa hè và ấm khi vào mùa đông giá lạnh..." - ông Chích nói, đồng thời cho biết loại ngói này được làm hết sức kỳ công với nguyên liệu là đất sét được đào lấy từ ngoài ruộng và được ủ rồi nung khoảng 1 tháng thì sản phẩm mới hoàn thành.

Thưởng thức đàn tính, văn nghệ bản Tày
Sau một buổi chiều đi tham quan và trải nghiệm tại các ngôi nhà sàn, chúng tôi quyết định vào thuê trọ tại một hộ làm du lịch cộng đồng.

Buổi tối, chúng tôi được thưởng thức bữa ăn đậm chất dân dã với cá ao hấp sả, gà thả vườn luộc chấm muối ớt và đặc biệt là món bánh chưng đen truyền thống của người Tày ở Bắc Sơn. Để gói bánh chưng đen chuẩn, ngon, người Tày phải dùng gạo nếp trồng ở nương, đỗ xanh bóc vỏ và đặc biệt là tro đen khi đốt rơm nếp.

Khi đỗ ngâm và gạo nếp đã đãi qua nước, người ta sẽ rắc một ít tro đen của rơm nếp vào. Tất cả trộn đều rồi thêm gia vị, sau đó đem gói với nhân là thịt lợn. Lá để gói bánh chưng đen cũng là lá dong. Bánh chưng đen khi cắt ra thành từng miếng sẽ có màu sắc rất đặc biệt, đẹp mắt. Đó là màu trắng của nhân thịt mỡ, màu vàng của đỗ và bên ngoài là màu nâu đen của gạo trộn tro...

Sau bữa tối ngon miệng, du khách gồm cả nhóm các bạn trẻ nước ngoài được chủ nhà mời ra sân trước nhà ngồi ghế, thưởng trà và chờ xem biểu diễn văn nghệ. Không khí tối ấy càng vui hơn khi đoàn khách được giao lưu, làm quen với nhóm các bạn trẻ dưới xuôi lên đây hoạt động tình nguyện. Rồi đàn tính được mang đến để mấy thành viên đội văn nghệ của xã trình bày các tiết mục truyền thống độc đáo.

Theo chị Chu Thị Phương - trưởng ban quản lý du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn, có 2 đội văn nghệ của xã chơi đàn tính với khoảng 30 - 40 người, luôn sẵn sàng phục vụ du khách. Mấy chàng trai, cô gái Pháp, Bỉ, vô cùng thích thú với cây đàn tính. Có chàng còn mượn đàn của các nghệ sĩ để chơi thử.

Sau các tiết mục đàn tính là buổi giao lưu vui vẻ, ấm cúng. Kết thúc đêm văn nghệ là điệu múa sạp được diễn ra để mọi người từ du khách đến dân bản địa hòa cùng niềm vui, xích lại gần nhau hơn...

Buổi sáng, chúng tôi được đưa đi xem dân bản đan lưới rồi bơi thuyền, quăng chài bắt cá. Mấy bạn du khách phương Tây đã trố mắt thích thú khi lần đầu tiên nhìn thấy người nông dân quăng chài đánh cá ở ao nhỏ giữa ruộng lúa.

Du khách còn được các thành viên trong ban quản lý du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn dẫn đi tham quan nhiều địa danh hấp dẫn như ngôi đình Nông Lục được dựng từ thời nhà Nguyễn, khu bảo tàng du kích Bắc Sơn, đồn Mỏ Nhài và trường bắn Vũ Lăng...

Khấm khá nhờ du lịch cộng đồng

Khách và các bạn trẻ tình nguyện cùng dân bản giao lưu múa sạp 

Theo chị Chu Thị Phương, trên địa bàn xã Quỳnh Sơn hiện có 460 hộ gia đình với hơn 1.800 nhân khẩu được chia làm 6 thôn, bản. Trong đó 99% dân số là người Tày.

Năm 2010, sau khi cơ quan chức năng đi tham quan khảo sát đã quyết định cho 5 hộ đầu tiên thí điểm làm du lịch cộng đồng. Đến nay số hộ làm du lịch cộng đồng chính thức đã tăng lên 8 và có hơn 20 hộ khác đang chuẩn bị đạt tiêu chuẩn để làm du lịch cộng đồng... Nhờ làm du lịch cộng đồng đã giúp đời sống kinh tế của các bản Tày khấm khá hơn. Ông Dương Công Chài, 1 trong 5 hộ làm du lịch cộng đồng đầu tiên ở Quỳnh Sơn, cho biết gia đình ông có 8 gian phòng dành cho khách lưu trú qua đêm, mỗi năm đón gần 700 - 800 lượt du khách, trong đó 15 - 20% là khách nước ngoài. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2018 nhà ông Chài đã đón 60 đoàn du khách trong và ngoài nước với khoảng 500 người ngủ lại qua đêm.

HẢI DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét