12 thg 10, 2018

Cồn Mỹ Phước

Cồn Mỹ Phước nằm gần cuối hạ lưu, xuôi theo dòng sông Hậu, theo hướng Tây - Bắc, Đông – Nam, ở giữa đôi bờ của 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, thuộc ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Đầu cồn hướng về phía Hậu Giang, Cần Thơ, đuôi cồn hướng ra biển Đông, tiếp giáp với huyện Cù Lao Dung, cách đầu cù lao khoảng 1km, cách bờ biển Đông khoảng 40km, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 25km.

Bến thuyền qua cồn Mỹ Phước

Nếu nhìn từ trên cao xuống, cồn Mỹ Phước có hình bầu dục giống như hình dáng của một chiếc xuồng hay một trái cà na, hai đầu tóp lại, ở giữa phình to ra, chỗ rộng nhất là đoạn cắt ngang qua giữa thân cồn, đường kính khoảng 600m.

Khách du lịch tham quan cồn Mỹ phước

Cồn Mỹ Phước có chiều dài khoảng 5km, với diện tích tự nhiên hơn 1020 hecta, trong đó diện tích cây ăn trái trên 300 hecta, hiện có 540 hộ gia đình với hơn 1280 cư dân sinh sống.

Dịch vụ ăn uống, đờn ca tài tử, du ngoạn trên sông ở cồn Mỹ Phước

Để đến cồn Mỹ Phước du khách có thể chọn một trong các tuyến đường chính sau đây:
  • Tuyến Cần Thơ - Cồn Mỹ Phước: từ thành phố Cần Thơ theo quốc lộ Nam Sông Hậu đi thẳng khoảng 40km đến bến phà Nhơn Mỹ - Cồn Mỹ Phước, qua phà khoảng 10 phút là đến cồn Mỹ Phước.
  • Tuyến Trà Vinh – Cồn Mỹ Phước: từ bến phà Cầu Quan (huyện Tiểu Cần, tình Trà Vinh) qua phà Cù Lao Dung, Đại Ngãi, lên phà rẽ phải theo Quốc lộ Nam Sông Hậu khoảng 6 km đến Nhơn Mỹ, qua phà là đến cồn Mỹ Phước.
  • Các tuyến đường trên rất thuận tiện về giao thông, đặc biệt là những năm gần đây có tuyến xe buýt Cần Thơ – Đại Ngại và tuyến Sóc Trăng – Đại Ngãi. Điều này giúp cho khách lẽ có thể tự đến với Cồn Mỹ Phước một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Giống như tất cả các vạt cồn và cù lao ở miền Tây Nam bộ, cồn Mỹ Phước được hình thành do phù sa từ thượng nguồn sông Mê – Kông, theo Sông Hậu đổ về hạ lưu, có những nơi dòng nước bị chậm lại và phù sa lắng tụ lâu ngày hình thành nên cồn.

Theo lời những người dân cố cựu nơi đây kể lại, cồn Mỹ Phước đã định hình cách đây khoảng 150 năm. Lúc đầu, mặt cồn rất thấp, trên cồn chỉ toàn bãi bùn, cỏ dại, dây leo, một số loài cây tạp, đa số là cây bần cùng một số loài thú hoang và chim muông sinh sống.

Vào cuối thể kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu cai quản cồn này và đặt tên là cồn Công Điền (tức vùng đất công của nhà nước thực dân), thuộc địa phận làng Kế Sách, tổng Định Khách, tỉnh Sóc Trăng. Hàng năm, người dân chỉ được phép đến đây khai thác và mua củi bần theo hình thức bán đấu giá bằng xuồng. Có năm gặp sóng to, gió lớn, nhiều đoàn xuống ghe do chở nặng nên bị lật chìm, củi bần theo sông cuốn trôi dập dềnh trên khắp mặt sông, tài sản bà con mất trắng, cuộc sống hết sức cơ cực.

Vào khoảng năm 1946, có hai vợ chồng ông thợ Sáu (tên thật Nguyễn Văn Nghiêm) là những người đầu tiên đặt chân lên cồn khai phá đất hoang, bao bờ trồng rẫy. Dần dần, những cư dân khác thấy đất đai trên cồn màu mỡ, cây cối xanh tốt nên kéo đến khai hoang, sinh cơ, lập nghiệp ngày một đông hơn. Đến khoảng thập niên 50 của thế kỷ XX, phù sa tiếp tục bồi lắng và nổi lên một vạt cồn mới, cặp sát đuôi cồn Công Điền, cách nhau bởi con rạch nhỏ (khém Cồn Bùn), người dân gọi tên là Cồn Bùn.

Là vùng đất mới do phù sa bồi đắp, nên các loại cây được trồng ở đây phát triển rất xanh tốt. Từ việc trồng rẫy lúc ban đầu, bà con bắt đầu trồng thêm các loại cây ăn trái thông thường như: chuối, dừa, cam quýt, bưởi, sabô… rồi sau đó phát triển thêm các vườn cây đặc sản khác như: xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mặng cụt…

Có lẽ do thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên các loại trái cây nơi đây phát triển rất tốt, có hương vị đậm đà, thơm ngon giàu dinh dưỡng hơn những vùng đất khác vào thời điểm đó. Hàng năm bà con dùng ghe lớn chở trái cây lên chợ Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn để bán. Lúc bấy giờ người dân Sài Thành rất ưa thích các loại trái cây ở cồn Mỹ Phước. Vì thế hễ ghe trái cây nào của cồn Mỹ Phước chở lên là thương lái tranh nhau mua hết, nên hiếm khi bà con phải neo đậu ghe lâu ngày và trái cây cồn Mỹ Phước hầu như không rơi vào tình trạng bị “ế”.

Theo lời kể của một số cụ cao niên, vào thời kỳ chế độ Việt Nam Cộng Hòa, một này nọ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi ăn cơm xong, được thuộc hạ dâng trái cây lên ăn tráng miệng. Khi ăn ông tẩm tắc khen và hỏi thuộc cấp trái cây ở đâu mà ngon quá. Thuộc hạ ông trả lời rằng, trái cây này được trồng ở cồn Mỹ Phước, Kế Sách thuộc tỉnh Ba Xuyên. Nghe xong, ông bảo với thuộc cấp là hãy chuẩn bị kế hoạch để ông đến thăm nơi này một chuyến. Sau đó, ông đã đáp trực thăng xuống cồn Mỹ Phước để được “mục sở thị” cây trái nơi đây.

Sau sự kiện Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ghé thăm cồn Mỹ Phước, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đổi tên cồn Mỹ Phước thành cồn Quốc Gia. Việc đổi tên này của chúng với ngụ ý nơi đây là vùng đất mà phe “Quốc Gia” quản lý và kiểm soát được, trong khi các vạt cồn và cù lao khác đều là cơ sở hoạt động của cách mạng. Thời bấy giờ, chúng gọi những người cách mạng kháng chiến yêu nước là phe “Việt Cộng” còn những người theo chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là phe “Quốc Gia”. Đó là theo ý muốn chủ quan của chúng, chứ bà con xứ cồn vẫn một lòng hướng về cách mạng, vẫn lén lút đóng thuế đảm phụ và nuôi chứa cán bộ cách mạng nằm vùng, hoạt động bí mật. Rất nhiều thanh niên yêu nước của xứ cồn đã lên đường tham gia kháng chiến. Nơi đây được xem là ấp có số lượng liệt sĩ khá nhiều, với 43 người đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngoài ra, cồn Mỹ Phước còn có 5 thương binh và 2 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất (30/4/2075) theo sự sắp xếp lại địa danh hành chính, cồn “Quốc Gia” được lập thành ấp Mỹ Phước, và được gọi là cồn Mỹ Phước cho đến nay.

Tiếp tục tận dụng và phát huy lợi thế thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm, cộng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, người dân nơi đây đã phát triển mạnh mẽ nghề làm vườn. Với bản tính siêng năng, cần cù, chịu thương chịu khó, bà con đã tìm hiểu nghiên cứu kỷ thuật và áp dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, nên những mảnh vườn nơi đây đều xanh tốt quanh năm, năng suất cây trồng và lợi nhuận ngày càng tăng, từng hộ gia đình đã tạo dựng được cuộc sống ổn định, ấm no và sung túc.

Tiếng lành đồn xa về vùng đất cồn Mỹ Phước khi hậu trong lành, mát mẻ cây cối xanh tươi, sum suê trĩu quả bốn mùa, cây lành trái ngọt, cảnh vật nên thơ hữu tình, người dân chất phát, hiền hòa, giàu lòng nhân hậu, mến khách… đã ngày càng vang xa đến các vùng miền khác. Có lẽ vì thế, mà hàng năm cứ đến ngày tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5 âm lịch, hàng ngàn du khách từ khắp nơi kéo về cồn Mỹ Phước để tham quan, thư giãn, thưởng ngoạn cảnh đẹp quanh cồn hít thở không khí trong lành, thưởng thức trái cây ngon, các món ăn đặc sản đến chiều tối mới về.

Chính vì thế mà vào ngày 01/02/2007, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 141/QĐHC-CTUBND, công nhận cồn Mỹ Phước là di tích Danh lam Thắng cảnh cấp tỉnh. Huyện đã đầu tư xây dựng 3 bến phà và đường dẫn từ Quốc lộ Nam Sông Hậu qua cồn Mỹ Phước, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách qua cồn dễ dàng. Chính quyền địa phương cũng đã vận động bà con đóng góp theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, để xây dựng nhiều tuyến đường bê tông bên trong cồn để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa và học hành của trẻ em.

Hàng năm, tỉnh huyện, xã cùng bà con đều tổ chức Ngày hội du lịch sông nước miệt vườn vào dịp Tết Đoan Ngọ diễn ra trong khoảng 3 ngày, với nhiều nội dung hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Hội thi trái cây ngon, hội thi ẩm thực, đua thuyền rồng, các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian, chương trình văn nghệ hàng đêm, đi xe điện tham quan cồn…đã thu hút khoảng trên 5.000 lượt khách đến tham quan.

Hiện nay được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của ban, ngành chuyên môn, bà con cồn Mỹ Phước đã bắt đầu bước vào việc xây dựng, tổ chức khai thác, kinh doanh các dịch vụ du lịch theo loại hình homestay, du lịch cộng đồng. Riêng năm 2017, cồn Mỹ Phước đã đón được khoảng 4.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú và sử dụng các dịch vụ. Tổng doanh thu trên 460 triệu đồng. Trong thời gian sắp tới, được hướng dẫn của tỉnh phối hợp tổ chức du lịch cộng đồng cùng những hộ dân nơi đây sẽ được hướng dẫn tham gia xây dựng một số mô hình homestay kiểu mới, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, cung cách phục vụ chuyên nghiệp sẽ ra đời với nhiều hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn như tham quan nhà vườn, tự tay hái trái cây; thả lưới, đặt lờ bắt cá, hái rau; bơi xuồng hái lượm bần, thụt cá bống sao, lịch, mò chem chép; dỡ chà bắt cá, tắm sông; tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa văn nghệ; (đờn ca tài tử, các điệu múa dân gian, Khmer…) hướng dẫn tự làm các loại bánh dân gian (bánh tét, bánh xèo, bánh dừa, bánh chuối, bánh lá, bánh ít, nấu chè…) Thêm vào đó, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản như: cá ngát, cá bông lau nấu canh chua bần, kho tộ, cá bống sao chiên giòn, cá phèn nướng muối ớt, gỏi gà ta trộn với lõi chuối non, gỏi bông bần, cá sặc chiên giòn, lịch um rau ngổ, ốc kho xã ớt…

Với sự quan tâm đến cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích hợp lý của lãnh đạo các cấp, sự tận tâm hướng dẫn về chuyên môn của các cơ quan chức năng, sự quyết tâm của người dân, sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch lữ hành, trong thời gian tới, hy vọng cồn Mỹ Phước sẽ trở thành một điểm du lịch xanh, thân thiện và hấp dẫn thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và thư giãn./.

*Tài liệu kham khảo:
Lý lịch di tích Cồn Mỹ Phước – Bảo Tàng tỉnh Sóc Trăng.
Lời kể của một số vị cao niên sinh sống trên cồn.
Quá trình khảo sát thực tế trên cồn Mỹ Phước.

Quốc Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét