12 thg 10, 2018

Chợ nổi Ngã Năm

Từ thành phố Sóc Trăng đi hơn 60km bằng đường bộ dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, đến thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị), sau đó rẽ vào Quốc lộ 61B đi khoảng 24km nữa là đến thị xã Ngã Năm. Đây là một trong những đơn vị hành chính thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng, có đường giao thông tương đối đồng bộ, bao gồm Quản Lộ Phụng Hiệp nối liền Quốc lộ 60. Ngoài ra, Ngã Năm còn có đường thủy nối liền các địa phương và các vùng lân cận như: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang,… với 5 nhánh sông tụ hội thành Chợ Nổi - là điểm thương mại sầm uất với cảnh quan sông nước hữu tình, độc đáo.

Một góc chợ nội Ngã Năm (ảnh: Kim Phương) 

Theo tài liệu lịch sử, vùng đất Ngã Năm mới đư­ợc chính thức khai phá vào đầu thế kỷ XIX trong chính sách khai hoang vùng Châu thổ Sông Cửu Long của Triều Nguyễn. Đến cuối thế kỷ XIX, vùng đất Ngã Năm (nay là thị xã) còn nhiều rừng rậm, đa số là tràm và lau sậy, dân cư thưa thớt. Thực dân Pháp coi vùng đất này là vùng thám hiểm. Trong kế hoạch khai thác Đông Dương từ năm 1900 – 1924, thực dân Pháp cho xáng đào nhiều kênh lớn mang tính chiến lược, nhằm khai thác vùng đất mới và thuận tiện trong việc quản lý, kiểm tra dân tình như: kênh Quản lộ Phụng Hiệp - Cà Mau, Ngan Dừa - Cầu Sập, Giá Rai - Phó Sinh, Long Mỹ - Phú Lộc.


Từ “Ngã Năm” ra đời khi 2 con kênh đào (kênh Xáng và kênh Quản lộ Phụng hiệp) cắt ngang 01 con sông tự nhiên tạo thành nhánh sông đổ về 5 ngã, chợ nổi Ngã Năm nằm ở điểm hội tụ của 5 dòng kênh. Sông Ngã Năm đổ về 5 ngã: Ngã Năm - Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; Ngã Năm - Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang; Ngã Năm - Phước Long, tỉnh Bạc Liêu; Ngã Năm - Phú Lộc, tỉnh Sóc Trăng; Ngã Năm - Vĩnh Quới, tỉnh Sóc Trăng. Từ đó địa danh Ngã Năm cũng hình thành. 


Nhằm thiết lập bộ máy cai trị, bóc lột nhân dân vùng đất mới, năm 1926 thực dân Pháp tách 2 Tổng Nhiêu Phú và Thạnh An, thành lập Quận Ngã Năm và Quận Phú Lộc (tiền thân của huyện Thạnh Trị ngày nay). Đến năm 2003 huyện Ngã Năm được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Thạnh Trị. Đến cuối tháng 5 năm 2014, thị xã Ngã Năm chính thức được thành lập với diện tích tự nhiên trên 24.000 ha, dân số toàn thị xã trên 19.000 hộ, với trên 80.000 nhân khẩu. Đến nay toàn thị xã có 02 di tích lịch sử xếp hạng cấp Quốc gia: Miếu Bà Chúa xứ ấp Mỹ Đông và Tượng đài chiến thắng Chi khu Ngã Năm; 03 di tích lịch sử xếp hạng cấp tỉnh: Thánh thất Minh Tiên, Khu căn cứ Huyện ủy Thạnh Trị và Chùa Ô Chum.

Do vị trí thuận lợi nên dân cư từ các xứ Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho đổ về đây khẩn hoang, lập nghiệp cũng như nhân dân các nơi trong vùng hội tụ về đây để trao đổi, mua bán và từng bước hình thành chợ Ngã Năm.

Sở dĩ gọi là chợ nổi, bởi vì các hoạt động trao đổi buôn bán hàng hóa đều diễn ra ở một nơi khá đặc biệt: Trên sông! Mọi chuyện bán buôn, sinh hoạt chính đều ở trên ghe. Cả người bán và người mua đều dùng xuồng, ghe để di chuyển và thực hiện giao dịch ở trên sông. Ghe lớn, ghe nhỏ, xuồng năm lá, xuồng ba lá… lên hàng, xuống hàng suốt từ khi trời còn mờ sương, cho đến sáng bửng thì coi như tan chợ.

Tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh Tây Nam bộ nói chung với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, cộng thêm đất đai khá phì nhiêu do lượng phù sa màu mỡ từ sông Mekong bồi đắp hàng năm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cây nông sản phát triển. Các loại cây, trái, rau, củ, quả rất đa dạng và phong phú cả về trữ lượng và chất lượng, nên nông dân thường không dùng hết sau khi thu hoạch, hơn nữa mặt hàng này có thời gian bảo quản ngắn, từ đó xuất phát nhu cầu trao đổi, buôn bán giữa các tiểu nông. Họ thường chở các loại hoa màu thu hoạch được, tụ họp lại trên một đoạn sông để trao đổi, mua bán. Lâu dần, thói quen tự phát này đã trở thành cái nghề thứ 2 của họ trong những lúc nhàn rỗi, có người đã chuyển hẳn sang nghề thương lái và tiếp tục truyền cho con cháu.

Chợ Ngã Năm hoạt động nhộn nhịp và sôi nổi nhất là khoảng 3-4 giờ khuya đến 7-8 giờ sáng là bắt đầu tan chợ. Ghe đi bổ hàng thì đổ về các ngã kinh, rạch nhỏ; còn ghe lớn thì đậu đâu đó để chờ dỡ đủ hàng, để đi tiếp về các chợ xa. Cũng như bao chợ ở các bến sông khác. Chợ Ngã Năm đóng vai trò của một chợ đầu mối sỉ - lẻ, dạng chợ bách hóa thứ gì cũng có. Nhưng đó là chợ Ngã Năm trên bờ, còn ở dưới sông thì chủ yếu là các mặt hàng nông sản, cây trái theo mùa trong năm “mùa nào thì trái nấy”.

Người dân thương hồ chợ nổi Ngã Năm thường ví chuyện làm ăn của mình là “bán gì cũng bán - mua gì cũng mua”. Mùa nước lũ đầu mùa, miệt trên thiếu rau xanh, bầu bí,…dân ghe đổ xuống Ngã Năm bổ hàng về bán. Mùa chôm chôm, măng cụt, mận, nhãn.… từ miệt vườn đổ xuống Ngã Năm. Đi một chuyến phải cho đáng, nên phải lựa ghe cỡ nào đi sao cho có lời, cho đáng một chuyến đường xa.

Cặp theo mé bờ xuôi về kênh Xẻo Chích đi Bạc Liêu vẫn còn chừa lối đi giữa sông và nhà cửa trên bờ thưa thớt. Có vẻ như ở đây vẫn còn giữ được một phần hình ảnh của “Ngã Năm chợ xưa” với ghe, xuồng và vỏ lãi đậu cặp bờ ken dày. Những "cây bẹo" treo lủng lẳng, nào là cải bắp, khoai tây, cà chua, dưa, hành, tỏi, ớt… là những hàng hóa mà thuyền, ghe rao bán. Có thể nói, chợ nổi Ngã Năm có hầu hết các sản vật đồng bằng sông Cửu Long, từ các loại gạo nổi tiếng của "vựa lúa", tới rau, củ, quả tươi ngon của miệt vườn. Rồi tôm, cá, cua, ếch… những tặng phẩm quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khu vực hạ nguồn sông MeKong.

Nhộn nhịp và tấp nập nhất là khoảng 5 giờ sáng. Lời ăn tiếng nói ở chợ nổi này vẫn đậm nét quê xưa, làm bâng khuâng lòng lữ khách. Chợ đông vui với những lời mời gọi của những bạn ghe. Rồi những hàng quán di động: quán cháo, bún nước lèo, hủ tiếu, nước giải khát…, sẽ phục vụ nhu cầu đầy đủ cho khách. Những hình ảnh tạo nên nét đẹp Chợ nổi Ngã Năm, nhiều người đi xa là nhớ…

Một loại dụng cụ là phương tiện quảng cáo hiệu quả giúp truyền tải thông tin dễ dàng giữa bên bán và bên mua đó chính là “cây bẹo”. Các vị cao niên lớn tuổi ở đây cũng không biết “cây bẹo” xuất hiện từ lúc nào, nhưng khi vào chợ nổi thì “cây bẹo” là điểm ngắm đầu tiên của bạn hàng. Trước đây, mỗi chiếc ghe đều có món hàng chủ lực. Ghe Cà Mau là than đước, ba khía, mắm, chiếu; ghe Sóc Trăng là bánh pía, mè láo, lạp xưởng đến các loại gạo nếp, gạo tẻ; ghe miệt Hậu Giang là khóm Cầu Đúc; ghe Kiên Giang là khoai lang…

Nhưng không nhất thiết có loại đặc sản nào là cứ phải treo mẫu đặc sản đó lên. Chẳng hạn, không ai treo ba khía hay con mắm lên “cây bẹo”, vì nhỏ quá khó thấy từ xa…. Hoặc loại trái to như mít, dừa, bí rợ, không treo được thì để trước mũi ghe hoặc chất đầy trên mui ghe. Bạn hàng chèo một vòng chợ, mắt liếc ngang, liếc dọc tìm nơi mua thứ mình cần. Người tiêu dùng đứng trên bờ cũng quan sát “cây bẹo” để phát hiện mặt hàng cần mua. Mặc khác, cư dân chợ nổi cũng có những thứ “treo mà không bán, còn bán mà không treo”, đó là vì chiếc ghe cũng là nơi sinh hoạt hàng ngày nên họ thường phơi quần áo, mà đây là mặt hàng không để bán, thứ hai là một số ghe ngày trước có bán các loại lu, khạp, kiệu nhưng do chúng có kích quá lớn người bán không thể treo lên được. Một điều thú vị nữa là, khi trên “cây bẹo” buộc một đoạn lá dừa thì tức là người chủ muốn bán chính con thuyền của họ.

Cây bẹo thường được làm từ loại tre tầm vong già, uốn thẳng, dài khoảng 4-5 mét, gốc vạt nhọn do dễ cắm và kìm ghe khi đậu, ngọn thì đục lỗ có thể xiên dây qua để treo hàng hóa. Người mua chỉ cần đứng xa, nhìn vào những “cây bẹo” để quan sát và tìm loại hàng muốn mua. Đã bao thế hệ tiếp nối nhau, hình như chưa có hình thức nào thay thế được “cây bẹo” trong việc quảng cáo ở chợ nổi.

Đối với người dân Ngã Năm, đi chợ nổi mỗi ngày như là một thói quen. Có nhiều người vượt cả đoạn đường dài bằng xuồng, ghe tới chợ, chỉ để ăn một tô cháo, một tô bún nước lèo hay mua trái cây, rau củ, đồ gia dụng,... Mặc dù đã có đường, có cầu tới chợ nhưng bà con vẫn thích bơi xuồng để ngao du sông nước và thăm hỏi, giao lưu cùng thương lái. Tình người chợ nổi được thể hiện trong mỗi cử chỉ, lời nói mộc mạc, thân thiện, cười nói vô tư,… Nhiều người dân nơi đây có nhà trên bờ nhưng chẳng mấy khi bỏ chợ nổi, cuộc sống của họ gắn chặt với ghe, xuồng và những chuyến đi.

Chợ nổi Ngã Năm hiện nay vẫn còn vẫn giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây, là điểm du lịch lý tưởng cho khách du lịch đến đây tìm hiểu và khám phá. Chợ đang được các ngành chức năng tiếp tục kêu gọi đầu tư, khai thác nhằm phục vụ phát triển thương mại và thu hút khách du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư 10 chiếc xuồng để Phòng Văn hóa, Thông tin thị xã khai thác phục vụ du khách. Chợ nổi đã đón khá nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến trải nghiệm, nhiều nhiếp ảnh gia đã đến chụp ảnh chợ nổi, trong đó có ảnh do nhiếp ảnh gia JetHuynh chụp toàn cảnh chợ nổi vào sáng sớm đã được Tạp chí du lịch RoughGuides - một tạp chí du lịch nổi tiếng của Anh bình chọn là ảnh ấn tượng vào năm 2015.


Ngồi trên chiếc xuồng được người chèo xuồng đưa đi dạo đi quanh chợ nổi, du khách mới cảm nhận hết được nét đẹp bình dị, mộc mạc và chân quê của một thị xã nằm kề sông nước.

* Tài liệu tham khảo:
1/ Các điểm tham quan du lịch tỉnh Sóc Trăng, năm 2012.
2/ Trang thông tin điện tử Trung tâm TTXTDL và Hiệp hội Du lịch tỉnh (dulichsoctrang.org)
3/ Cổng thông tin điện tử thị xã Ngã Năm (www.nganam.soctrang.gov.vn)

Nguyễn Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét