29 thg 8, 2019

Những làng nghề truyền thống ở Tuyên Quang

Làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang khá phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, tiêu biểu như: nghề trồng bông, dệt thổ cẩm, nghề thêu, đan lát, chế biến nông lâm sản...Các làng nghề góp phần giải quyết việc làm mang lại thu nhập cho người dân.

Nghề đan nón Minh Quang


Nghề đan nón tre xuất hiện ở xã Minh Quang vào năm 2016, để đan hoàn chỉnh 1 sản phẩm nón tre mất rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đều cần sự tỉ mỉ và kỳ công khác nhau như: vào rừng lựa tre, ngâm tre, chẻ lạt, đan thành nón, quét sơn, dầu bóng… Sự khéo léo, tinh tế của người thợ cũng là một yếu tố quan trọng làm nên thành công của sản phẩm.


Mỗi sản phẩm tùy loại được bán ra thị trường với giá dao động từ 120 - 180 nghìn đồng.

Hiện ở xã Minh Quang đã có nhiều hộ gia đình chuyển nghề sản xuất nón tre đan. Với những tín hiệu tích cực đối với sự phát triển kinh tế cũng như tiềm năng quảng bá du lịch mà chiếc nón tre mang lại, xã đang tiến hành lập kế hoạch phát triển nghề đan nón tre để trình UBND huyện Chiêm Hóa. Với mong muốn đưa sản phẩm nón tre đan trở thành một trong những nghề chủ lực góp phần phát triển kinh tế của địa phương, xã cũng đang có kế hoạch thành lập hợp tác xã đan nón tre.

Làng nghề chè Sơn Dương
Tuyên Quang là tỉnh miền núi có diện tích chè trên 8.000 ha, sản lượng chè búp tươi trên 47.000 tấn.


Ông Phạm Hữu Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, huyện hiện có 1.575 ha chè, trong đó đã quy hoạch vùng chè hàng hóa với diện tích 958 ha ở 11 xã và có 145 ha chè ở 21 xã ngoài vùng quy hoạch. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt khoảng 12.000 tấn. Ngoài việc duy trì và phát triển thương hiệu làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện tạo điều kiện hỗ trợ 5 làng nghề vừa được công nhận là: Làng nghề chè thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành; làng nghề chè thôn Liên Phương, xã Phúc Ứng; làng nghề chè thôn Đồng Hoan, xã Tú Thịnh; làng nghề chè thôn Yên Thượng, xã Trung Yên; làng nghề chè thôn Cảy, xã Minh Thanh sớm hoàn thành các thủ tục về logo nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Từ khi thành lập làng nghề, người dân được tham gia các lớp tập huấn về quy trình sản xuất chè sạch, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào các khâu sản xuất, năng suất chè búp thu hoạch được cải thiện đáng kể, từ 8 - 10 tấn/ha lên 11 - 13 tấn/ha. Giá trị sản phẩm được nâng lên, chè khô có mức bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg lên 120.000 - 150.000 đồng/kg. Hiện nay, thôn đang kiện toàn Ban quản lý làng nghề, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đăng ký nhãn mác bao bì sản phẩm để sớm đưa sản phẩm của làng nghề tham gia các hội chợ thương mại.

Xây dựng các làng nghề chè đã giúp người làm nghề chè tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Làng nghề thổ cẩm Lăng Can

Xã Lăng Can, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) được thiên nhiên phú cho một phong cảnh đẹp mơ màng. Lăng Can còn hấp dẫn du khách hơn nữa bởi nơi đây vẫn giữ được nghề truyền thống trồng bông dệt vải.

Cứ mỗi độ xuân về, người Tày xã Lăng Can đều tổ chức lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng) để tạ ơn đất trời, tạ ơn tổ tiên đã sinh ra nghề trồng bông dệt vải - một cái nghề độc nhất vô nhị của vùng rừng núi Nà Hang. Bà Nguyễn Thị Đán - một nghệ nhân dệt vải ở thôn Bản Kè - khẳng định: “Hoa văn trên thổ cẩm Lăng Can không giống bất cứ hoa văn của dân tộc nào.

Thổ cẩm Lăng Can mặc vừa mềm, vừa ấm, nhưng rất thoáng, khác hẳn với thổ cẩm của một số dân tộc khác”.

Làng nghề thủ công mỹ nghệ
Các làng nghề thủ công của tỉnh Tuyên Quang đang có những bước phát triển mạnh mẽ và trở thành điểm đến của khách du lịch, nhờ mỗi làng nghề đều gắn liền với một địa danh du lịch, tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn không thể tách rời.


Điển hình như làng nghề mây, giang đan của phụ nữ xã Trung Hà (Chiêm Hóa) gắn với điểm du lịch thác Bản Ba. Sau khi ngắm cảnh thác nước, khách du lịch thường lui tới những gian nhà sàn thoáng rộng vừa để tìm mua sản phẩm lưu niệm, vừa tìm hiểu cách thức đan lát thủ công của đồng bào người Tày nơi đây. Nhiều bà mế tuổi ngoài bẩy mươi cũng ngồi làm, và họ là những chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật cho khách tham quan. Từ những sợi giang, sợi mây, các bà, các chị kết thành chiếc đĩa đựng trái cây, chiếc giỏ hoa, làn mây... rồi đưa về các tỉnh dưới xuôi xuất khẩu, bán lẻ cho khách du lịch. Công việc này tạo thêm thu nhập cho phụ nữ trong xã khoảng 30.000 đồng/ngày. Hiện Trung Hà đã có 17 thôn trồng được 80 ha mây làm vùng nguyên liệu cho làng nghề này. Giá trị kinh tế của các sản phẩm mây giang đan tuy chưa lớn, nhưng người nông dân miền núi có việc làm tăng thêm thu nhập, đồng thời tạo nên nét phong phú, hấp dẫn cho du lịch thác Bản Ba.

Ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương), từ cuối năm 2007 cũng thành lập tổ đan lát và dệt thổ cẩm gồm 50 hội viên phụ nữ người dân tộc Tày. Hướng tới Tuần văn hóa - du lịch "Về nguồn" diễn ra trên quê hương vào thời gian tới, nên từ đầu tháng 4 chị em phụ nữ của tổ đan lát và dệt thổ cẩm Tân Lập tranh thủ lúc nông nhàn, làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ để phục vụ khách tham quan. Những người đan lát và dệt thổ cẩm ở đây cho biết, khó khăn lớn nhất để duy trì và phát triển làng nghề không phải là nguyên liệu mà là vốn đầu tư và đầu ra cho sản phẩm. Song khi căn cứ cách mạng Tân Trào được sửa sang trở thành trung tâm du lịch của tỉnh, chắc chắn các sản phẩm đan lát và dệt thổ cẩm của đồng bào nơi đây sẽ bán chạy.
Bảo Ngọc (TH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét