25 thg 2, 2015

Di tích thành Cổ Loa

Cổ Loa là di tích lịch sử nổi tiếng, thuộc địa phận huyện Đông Anh cách trung tâm Hà Nội khoảng 17km về hướng Tây Bắc. Đây là thủ đô thứ 2 của Việt Nam sau Phong Châu (tỉnh Phú Thọ hiện nay) là thủ đô thời các vua Hùng.

Từ Hà Nội, qua cầu Chương Dương, theo quốc lộ 1A cũ đến cây số 10 là cầu Đuống. Qua cầu là thị trấn Yên Viên, rẽ trái vào quốc lộ 3, đi 5km đến ngã rẽ vào Cổ Loa. Khoảng cách quốc lộ 3 đến Cổ Loa là 2km.

Trạm xe buýt Long Biên, các xe đi Phù Lỗ, Đa Phúc đều có chạy ngang Cổ Loa. Sẽ phải đi bộ thêm 2km mới vào đến khu di tích, nhưng khung cảnh làng quê Bắc Bộ ở đoạn này cũng khá dễ thương.



Ngược dòng lịch sử...

Khoảng nửa sau của thế kỷ 3 trước công nguyên, Thục Phán lấy nước Văn Lang của Vua Hùng lập nước Âu Lạc - hiệu là An Dương Vương, xây thành Cổ Loa làm kinh đô (có cả một truyền thuyết rất đậm đà, sâu sắc, thú vị, đầy tính triết học và nhân văn về biến cố lịch sử này).


Nhìn trên sơ đồ thì Cổ Loa có 3 vòng thành, Thành Nội chu vi 1600m, Thành Ngoại chu vi 15km, hình dáng khúc khuỷu.

Nhưng trên thực tế thì dấu xưa đã chẳng còn gì nhiều, khi đứng ở cổng đền Thượng nhìn ra xa sẽ chỉ thấy thấp thoáng một bờ đất (không rõ ràng lắm), đó là tường thành Trung và Ngoại. Bởi tường bắng đất, và xây đã cách nay trên 2.200 năm...

Vừa qua mùa lễ hội nên mình làm "ta ba-lô" tự khám phá!

Một góc hồ bao quanh Giếng Ngọc.

Giếng Ngọc là nơi Trọng Thủy đã nhảy xuống tự tử. Đây có lẽ là mối tình "có yếu tố nước ngoài" nổi tiếng và bi thảm nhất trong lịch sử Việt Nam. Nàng bị vua cha xử chém ngoài biển khơi, chàng lao mình xuống giếng...

Nước cho dù mặn hay ngọt cũng không rửa trôi sạch những sai lầm.



Rời Cổ Loa, lúc đêm về mình nằm đọc một hơi hết cả cuốn sách (khá dày) về truyền thuyết An Dương Vương xây thành Ốc, và chuyện nàng Mỵ Châu với chàng Trọng Thủy. Nghĩ nhiều, và thở dài...

Cổng tam quan đền Thượng với kiến trúc mái cong và chất liệu gạch-đá-gỗ xám nâu rất quen thuộc của đình làng Bắc Bộ.

Sau vụ Mỵ Châu - Trọng Thủy, năm 179 trước Công Nguyên, Triệu Đà đánh chiếm Cổ Loa, mở đầu cho thời kỳ Bắc thuộc dài đằng đẵng.

Phải hơn một ngàn năm sau, năm 939, Ngô Quyền khôi phục độc lập và lại đóng đô ở Cổ Loa.

Chờ những niềm vui đã sớm qua..

Đền Thượng

Bàn thờ An Dương Vương.

Tượng đồng chân dung vua Thục Phán.

Bàn thờ Hoàng Hậu.

Ban thờ Rùa Vàng với nỏ thần.

Nhà bia, trên bia khắc các chỉ dụ của các triều vua sau về việc thờ cúng ở đền.

Cổng tam quan vào Đình Cổ Loa.

Đình Cổ Loa là kiểu đình điển hình của miền Bắc với bộ mái to lớn, bốn góc cong. Vị trí ngay trung tâm thành Cổ Loa, tương truyền là nơi họp triều đình ngày xưa.

Ngự Triều Di Quy.

Ban thờ vua và Cao Lỗ.

Một truyền thuyết khác kể rằng Mỵ Châu bị vua cha chém đầu ở núi Mộ Dạ, Nghệ An.

Trong hậu cung điện thờ Mỵ Châu có tảng đá to phủ áo lụa vàng, như bức tượng nàng không đầu, quạt lông ngỗng buông thả phất phơ trong lòng, cổ đeo đầy xâu chuỗi quý và mão treo lơ lửng trên cao. Dân làng vẫn gọi đây là mộ Mỵ Châu.

Mình đã biết thông tin này từ trước chuyến đi nhưng vẫn thấy lặng người khi đứng trước "di tượng" nàng (thật đúng là "trăm nghe không bằng một thấy"). Có gì đó sao quá thảm thương và bất nhẫn!!!

Phương's Blog - 05/03/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét