13 thg 2, 2015

Về miền Ví, Giặm

Ngày 27/11/2014, tại Thủ đô Paris (Pháp), dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 9 của Việt Nam được tôn vinh trên trường quốc tế. 
«
          Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt. Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ được thực hành trong cuộc sống, lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa… Vì vậy, các lối hát thường được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví Phường Vải, Ví Phường Đan, Ví Phường Nón, Ví Phường Củi, Ví Trèo Non, Ví Đò Đưa, Giặm Ru, Giặm Kể, Giặm Khuyên… Hai lối hát dân ca này thường được hát xen kẽ cùng nhau nên có tên ghép là dân ca Ví, Giặm.
»

Dân ca Ví, Giặm có một sức sống cực kì mãnh liệt. Sức sống ấy không phải chỉ có ở quá khứ, mà đến nay nó vẫn đang không ngừng sinh sôi nảy nở trong chính tâm hồn người dân xứ Nghệ hôm nay. Chẳng thế mà người xứ Nghệ có câu nói nổi tiếng rằng: “Bao giờ người xứ Nghệ mất đi giọng nói thì lúc đó mới mất đi tiếng hát dân ca Ví, Giặm”.

Ngay sau khi dân ca Ví, Giặm chính thức được UNESCO vinh danh, chúng tôi đã về Nghệ An, về với “miền Ví, Giặm” để khám phá tính đặc biệt của loại hình dân ca này.

1. 
6h sáng, chúng tôi rời Hà Nội đúng vào ngày tiết trời lạnh giá nhất của mùa đông để bắt đầu chuyến hành trình tìm về “miền Ví, Giặm”. Địa danh đầu tiên chúng tôi đến là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây được coi là một trong những nơi có phong trào hát dân ca Ví, Giặm phát triển mạnh mẽ nhất và cũng là cái nôi của điệu Ví Phường Vải, một trong những điệu Ví nổi tiếng của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Đón đoàn chúng tôi là anh Trịnh Hưng Minh, cán bộ văn hoá huyện Nam Đàn. Là cán bộ văn hóa, anh Minh cũng là người soạn lời phần lớn các bài hát Ví, Giặm cho các Câu lạc bộ (CLB) ở trong vùng. Anh Minh đưa chúng tôi đến một ngôi nhà cổ có niên đại cả trăm năm ở xã Kim Liên, nơi sinh hoạt thường xuyên của gần 30 thành viên trong CLB Ví Phường Vải Kim Liên.

Hai thành viên Trần Công Sơn và Phạm Thị Nhàn của CLB Dân ca Ví, Giặm xã Nam Thanh (Nam Đàn, Nghệ An) hát đối đáp giao duyên ngay tại ngôi nhà cổ nhất trong xã, địa điểm sinh hoạt thuờng xuyên của CLB. Ảnh: Trọng Chính

Nét đặc sắc của dân ca Ví, Giặm chính là sự gắn bó chặt chẽ với không gian diễn xướng, vậy nên khi trải nghiệm loại hình nghệ thuật này người nghe không chỉ cảm nhận cái hay của câu hát, giọng hát, mà còn thấy được trong đó cả một không gian lao động thường ngày của người biểu diễn. Ảnh: Việt Cường

Các thành viên của CLB Dân ca Ví, Giặm Nam Thanh đang luyện tập một tiết mục mới. Ảnh: Trọng Chính

Lối hát dân ca Ví, Giặm thường được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt đời thường như: ru con, dệt vải, trồng lúa, hò hẹn giao duyên, hội hè đình đám,… Ảnh: Trọng Chính

Các nghệ nhân của CLB Ví Phường Vải Kim Liên cùng các em học sinh trường Tiểu học Làng Sen hát bài “Hò bơi thuyền”. Ảnh: Việt Cường

Cô giáo Lê Thị Bích Thuỷ hướng dẫn các em học sinh trường Tiểu học Làng Sen thực hành hát Ví, Giặm trong một tiết học ngoại khoá của trường. Ảnh: Trọng Chính

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Lan dạy các em học sinh lớp 9C, trường THCS Kim Liên hát dân ca Ví, Giặm trong một tiết học âm nhạc. Ảnh: Việt Cường 

Ở đây, chúng tôi gặp lão nghệ nhân Trần Văn Tư, dù tuổi đã ngoài bát tuần nhưng ông vẫn nhớ rành mạch và rõ ràng từng câu hát cổ của Ví Phường Vải cũng như lịch sử ra đời của nó. Theo cụ Trần Văn Tư, ngày xưa, nam thanh nữ tú của làng Kim Liên ai cũng biết hát Ví Phường Vải, bởi đây là lối trò chuyện, đối đáp thông minh giữa hai bên nam - nữ trong những làng làm nghề dệt vải. Họ vừa làm, vừa hát để tăng thêm sự lạc quan yêu đời, yêu lao động. Và cũng từ hát Ví Phường Vải mà nhiều đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng.

Điểm nổi bật nhất của Ví Phường Vải là tính trí tuệ sắc sảo và chất trữ tình đằm thắm trong nội dung lời ca và âm điệu. Chẳng vậy mà ông Tư cho biết, khi còn nhỏ, chính Bác Hồ cũng hay theo chân người lớn trong vùng đi nghe hát Ví Phường Vải. Và chính chi tiết này đã tạo cảm hứng để nhạc sĩ An Thuyên viết nên ca khúc nổi tiếng: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, trong đó có đoạn: “Bác theo phường đi nghe hát, quần xắn gối đứng đầu sân...”.

Ngày nay, tuy Nam Đàn không còn nghề dệt vải thủ công nữa, nhưng không vì thế mà dân ca Ví, Giặm bị mai một đi. Để minh chứng cho điều này, anh Minh đưa chúng tôi đến trường Trung học Cơ sở Kim Liên. Giờ học nhạc của các em học sinh lớp 9C thật đặc biệt, thay vì dạy những bài hát tân thời, cô giáo Nguyễn Thị Mai Lan dạy các em cách hát những bài dân ca Ví, Giặm. Nhờ đó mà những câu hát của quê hương xứ sở cứ thế ngấm dần vào lòng giới trẻ. Được biết, hiện nay hầu hết các trường học ở Nam Đàn đều đã đưa dân ca Ví, Giặm lồng ghép vào các tiết học chính khoá cũng như ngoại khoá. 

2. 
Ngày thứ hai của hành trình về “miền Ví, Giặm”, chúng tôi sang huyện Thanh Chương. nơi nổi tiếng với Ví Phường Nón dân dã, mộc mạc nhưng cũng đầy thi vị.

Ở Thanh Chương có CLB dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn, đơn vị có công rất lớn trong việc phục dựng lại hiện trường các phường hát Ví để làm hồ sơ đệ trình UNESCO.

Hát “Ví mời trầu”, một trong những thể hát rất phổ biến ở các vùng miền của người dân xứ Nghệ. Ảnh: Trọng Chính

CLB dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn luyện tập tiết mục “Ví Phường Nón” để chuẩn bị cho Lễ vinh danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là “Di sản văn hoá phi vật thể” của nhân loại được tổ chức vào ngày 31/1. Ảnh: Việt Cường

Các thành viên Phùng Thị Tình, Võ Thị Mai Anh, Võ Thị Vân của CLB Dân ca Ví, Giặm Ngọc Sơn (xã Ngọc Sơn, Thanh Chương, Nghệ An) biểu diễn những câu Ví, Giặm ngay trên những thửa ruộng quê mình. Ảnh: Trọng Chính
 
«
          Dân ca Ví, Giặm hiện đang được lưu truyền rộng rãi ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trên địa bàn hai tỉnh này hiện có hơn 100 CLB dân ca Ví, Giặm cùng với 803 nghệ nhân và hơn 2000 thành viên tham gia sinh hoạt.

»
Lúc chúng tôi đến, CLB Ví, Giặm Ngọc Sơn đang bận rộn tập luyện để chuẩn bị cho lễ đón bằng công nhận Di sản Dân ca Ví, Giặm của UNESCO do UBND hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 31/1. Chị Võ Thị Vân, Chủ nhiệm CLB cho biết, tất cả các tiết mục của CLB từ dàn dựng, viết lời mới đều do chị và ông Vũ Trọng Thìn, nhạc sĩ của CLB trực tiếp làm.

Tuy mới thành lập được 5 năm, nhưng CLB Ví, Giặm Ngọc Sơn đã có trên 40 thành viên, sinh hoạt đều đặn 2 lần/tuần. Bản thân chị Võ Thị Vân nhờ có nhiều cống hiến trong việc giữ gìn và phát triển phong trào hát dân ca Ví, Giặm ở địa phương nên năm 2014 chị được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú.

Tâm sự với chúng tôi, chị Vân đã không giấu được nỗi niềm xúc động: “Sau nhiều năm chờ đợi, khi nghe thông tin dân ca Ví, Giặm của quê mình được công nhận là di sản của thế giới, tôi đã bật khóc vì quá sung sướng và hạnh phúc!”.

3. 
Ngày thứ ba. Chúng tôi trở lại thành phố Vinh để tiếp tục chuyến hành trình về “miền Ví, Giặm” của mình. 

Ở Vinh chúng tôi gặp NSND Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển dân ca xứ Nghệ. NSND Hồng Lựu là một trong những nghệ sĩ có công rất lớn trong việc bảo tồn và phát triển dân ca Ví, Giặm.

Theo NSND Hồng Lựu, trong công tác bảo tồn và phát triển dân ca Ví, Giặm, việc sân khấu hoá loại hình nghệ thuật dân gian này chính là một hướng đi có ý nghĩa rất quan trọng. Còn nhớ, vào năm 1970, lần đầu tiên ra mắt, vở kịch hát “Không phải tôi” của Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ đông đảo công chúng, từ đó đánh dấu cho việc ra đời thể loại kịch hát được chuyển thể từ những làn điệu Ví, Giặm. Về sau nhiều vở kịch hát nổi tiếng thuộc thể loại này tiếp tục ra đời và để lại tiếng vang lớn như: Cô gái sông Lam; Lời Người, lời của nước non,… Trong đó, vở diễn “Lời Người, lời của nước non” đạt kỷ lục trên 1.000 đêm công diễn ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

Các động tác mô phỏng công việc nhà nông khéo léo như: tát nước, cấy hái... đã giúp tiết mục “Ví Phường Cấy” của CLB Dân ca Ví, Giặm Vinh Tân (Tp. Vinh, Nghệ An) tạo được ấn tượng mạnh khi tham gia các Liên hoan văn nghệ quần chúng của tỉnh. Ảnh: Việt Cường

Trong bảo tồn, phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm, bên cạnh lời hát thì không gian và môi trường diễn xướng cũng được xác định là một trong các yếu tố rất quan trọng. Ảnh: Trọng Chính

Các nghệ sỹ của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Dân ca xứ Nghệ biểu diễn những làn điệu của “Ví sông Lam” ngay trên chính dòng sông này. Ảnh: Sỹ Minh


Liên hoan “Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ” là ngày Hội lớn được hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ chức thường niên từ năm 2012, nhằm trao truyền và tôn vinh những giá trị của Dân ca Ví, Giặm. Ảnh: Sỹ Minh 

Cùng với việc sân khấu hóa, chính quyền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh còn phối kết hợp tổ chức nhiều hình thức bảo tồn và phát triển dân ca Ví, Giặm như: tổ chức các hội thi hát dân ca Ví, Giặm; đưa dân ca vào trường học; xuất bản các loại tài liệu, sách, băng đĩa dân ca để tuyên truyền, quảng bá.

Những tưởng cuộc sống hối hả ở thành thị sẽ khiến cho con người không mấy mặn mà với dân ca, dân vũ. Ấy vậy mà ở thành phố Vinh vẫn có những câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm phát triển rất mạnh. Ví dụ như CLB dân ca phường Vinh Tân có gần 40 thành viên và đa phần là công chức, nhưng lại rất khéo léo khi hóa thân trở thành những chàng trai, cô gái thạo việc đồng áng cấy cày. 

Nhìn các chàng trai cô gái chân trần trắng muốt lội ruộng thoăn thoắt cấy cày thể hiện điệu Ví Phường Cấy khéo léo chẳng khác gì người nông dân chính hiệu mới thấy được hết tấm lòng yêu dân ca Ví, Giặm của người thành Vinh.

Chị Nguyễn Thanh Vân, Chủ nhiệm CLB Vinh Tân cho biết, dù mới thành lập năm 2011 nhưng CLB đã có tới hơn 40 người, người nhỏ nhất là bé Trà My 7 tuổi, còn lớn nhất là một bác cán bộ hưu trí hơn 70 tuổi.

Chỉ có ba ngày trên quê hương của những làn điệu dân ca Ví, Giặm, nhưng chúng tôi đã tìm thấy ở đó một tình yêu đặc biệt của người dân xứ Nghệ đối với loại hình di sản đặc biệt này. Đây chính là cơ sở để chúng ta tin rằng, cùng với sông Lam, núi Hồng, dân ca Ví, Giặm sẽ mãi trường tồn cùng người xứ Nghệ.

9 Di sản Văn hóa Phi vật thể Thế giới của Việt Nam:

1/ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014).
2/ Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013)
3/ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012).
4/ Hát xoan Phú Thọ (2011).
5/ Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010).
6/ Ca trù (2009).
7/ Dân ca Quan họ (2009).
8/ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2008).
9/ Nhã nhạc cung đình Huế (2008). 

Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trọng Chính, Việt Cường, Sỹ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét